Hà Nội - Thành phố được lựa chọn đăng cai ASIAD 18 - 2019 là Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của đất nước đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ về mọi mặt. Cùng với việc chuẩn bị cho ASIAD, mạng lưới giao thông, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các khách sạn, công trình Thể thao của Thủ đô sẽ được nâng cấp đồng bộ, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; bộ mặt đô thị và lối sống của người dân sẽ có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng văn minh, hiện đại. Điều đó tạo ra bước ngoặt quan trọng để Hà Nội trở thành một trong những thành phố lớn, hiện đại - một "điểm đến" hấp dẫn về du lịch, đầu tư kinh tế với tiềm năng về thương mại và dịch vụ trong thập kỷ thứ 2 của thế kỷ XXI.
|
Toàn cảnh buổi họp báo (Ảnh: Văn Duy) |
Tại buổi họp báo, vấn đề được đông đảo các phóng viên quan tâm đó chính là điều kiện cơ sở vật chất (nhà thi đấu, sân tập, làng VĐV), kinh phí dành cho việc đầu tư các hạng mục công trình cũng như công tác điều hành, tổ chức Đại hội, công tác đào tạo, huấn luyện VĐV...
Trả lời báo chí về các vấn đề trên, Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng cho rằng: Hiện nay chúng ta đang được thừa hưởng khá nhiều các hạng mục công trình thể thao từ SEA Games 22 (năm 2003) và AIG III (năm 2009), đó là điều vô cùng thuận lợi đối với cơ sở vật chất phục vụ cho ASIAD 18. Để chuẩn bị cho sự kiện này, hiện Tổng cục TDTT đã thành lập 1 đoàn cán bộ đi khảo sát tình hình thực tế tại các địa điểm thi đấu dự kiến tổ chức ở Hà Nội và các địa phương khác. Trên cơ sở đó, Tổng cục TDTT sẽ sớm xây dựng các đề án nâng cấp hay xây mới một số hạng mục công trình còn thiếu trình Bộ VHTTDL và Chính Phủ phê duyệt.
Về thành tích của đoàn Thể thao Việt Nam tại ASIAD 18: Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng cho biết, đây là vấn đề không quá lo ngại, bởi hiện nay chúng ta có một hệ thống đào tạo VĐV trẻ (hàng nghìn VĐV) được trải đều ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Thời gian từ nay cho đến ASIAD 18 còn tới 7 năm nữa nên việc rèn luyện và đào tạo VĐV trẻ nhằm nâng cao thành tích của đoàn Thể thao Việt Nam tại đấu trường Châu lục này không phải quá khó khăn. Do vậy, chúng ta có cơ sở để hy vọng thành tích của Thể thao Việt Nam sẽ được cải thiện đáng kể tại ASIAD 18.
Vấn đề kinh phí để tổ chức ASIAD 18: 150 triệu USD liệu có đủ để tổ chức Đại hội? đây cũng chính là con số khiến nhiều người băn khoăn và cho rằng sẽ không đủ để tổ chức ASIAD mà sẽ phải tốn kém hơn rất nhiều. Ông Hoàng Vĩnh Giang - Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam đã nhấn mạnh: Cơ hội đăng cai ASIAD không phải dễ dàng và lúc nào cũng đến với Việt Nam, việc giành được quyền đăng cai tổ chức ASIAD sẽ là thắng lợi quan trọng, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Thành quả mà ASIAD 18 mang lại không chỉ là cái lợi trước mắt mà nó mang tính lâu dài. Theo ông Hoàng Vĩnh Giang, 150 triệu USD là con số khả thi để tổ chức ASIAD 18.
Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Khánh Hải nhấn mạnh: Kinh phí để tổ chức thành công ASIAD là vấn đề rất quan trọng và cần có sự phối hợp, cân đối, thống nhất của nhiều Bộ, ngành. Trong quá trình tổ chức sẽ còn nhiều vấn đề phát sinh, cho nên ở thời điểm này chúng ta không thể đưa ra một con số cụ thể, chính xác được. Hiện nay, Bộ VHTTDL đã phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng đề án chi tiết để sử dụng hiệu quả, khoa học nhất nguồn đầu tư. Hiện đã có 14 tỉnh, thành phố xin đăng cai tổ chức các sự kiện của ASIAD, trong đó 12 địa phương cam kết chủ động trong việc đầu tư xây dựng các công trình phục vụ hoạt động thể Thao lớn này.
N. H