Đại hội được tổ chức nhằm đưa ra định hướng phát triển đúng đắn và bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong nhiệm kỳ IV tới đây. Qua đó là dịp đánh giá, tổng kết và rút ra những bài học kinh nghiệm bổ ích để chỉ rõ những mặt mạnh và hạn chế cần phát huy và khắc phục trong thời kỳ tới.
Theo báo cáo của Liên đoàn Thể dục Việt Nam, nhiệm kỳ vừa qua đã thể hiện sự phát triển vượt bậc của các VĐV các môn Thể dục và Khiêu vũ Thể thao. Với hệ thống tổ chức giải gia tăng và ổn định, phong trào phát triển rộng khắp, lực lượng VĐV đã khẳng định được đẳng cấp trong nước cũng như trong khu vực và trên đấu trường quốc tế. Đặc biệt, tại các cuộc thi quốc tế các VĐV Thể dục dụng cụ và Thể dục Aerobic đã giành được nhiều thành tích đáng kể như: HCB tại giải Thể dục dụng cụ Thế giới, HCV tại giải Thể dục Aerobic thế giới và đã có nhiều VĐV xuất sắc vượt qua vòng loại, chính thức tham dự Olympic London 2012...Đây là những thành tích rất đáng tự hào của bộ môn Thể dục nước nhà trong những năm qua.
|
Toàn cảnh Đại hội (Ảnh: Văn Duy) |
Để có được những thành tích rất đáng tự hào như vậy, chính là nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, lãnh đạo Bộ VHTTDL, lãnh đạo Tổng cục TDTT... và sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương, đồng thời đó là sự đoàn kết nhất trí, sự điều hành của BCH luôn bám sát các nội dung hoạt động của Liên đoàn. Bên cạnh đó còn có sự nhiệt tình của đội ngũ cán bộ, huấn luyện viên và ý chí phấn đấu khổ luyện của các VĐV.
Tuy nhiên, với những kết quả đạt được trong thời gian qua, Liên đoàn Thể dục Việt Nam vẫn còn tồn tại một số những điểm còn hạn chế như: BCH nhiệm kỳ III chưa có kế hoạch, biện pháp cụ thể để phát triển phong trào Thể thao quần chúng được sâu rộng hơn. Phong trào tập luyện và thi đấu các môn Thể dục dụng cụ và Thể dục nghệ thuật bị thu hẹp, do vẫn còn tập trung đầu tư mũi nhọn cho một số VĐV đỉnh cao, công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV trẻ giảm sút về số lượng. Đặc biệt, môn Thể dục nghệ thuật còn ít VĐV với trình độ thấp, công tác tổ chức thi đấu, cách thức tổ chức, kiểm tra, đào tạo đánh giá hệ thống đào tạo VĐV và trọng tài thi đấu vẫn còn chưa chuyên nghiệp...
Trước thực tế đó, bước vào nhiệm kỳ IV Liên đoàn Thể dục Việt Nam đã đưa ra phương hướng nhiệm vụ mới với những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đẩy mạnh phong trào tập luyện các môn Thể dục theo chủ trương xã hội hóa Thể dục Thể thao, góp phần nâng cao sức khỏe thể chất và tầm vóc con người Việt Nam. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà nhiệm kỳ tới cần hướng đến là: tiếp tục phát triển phong trào tập luyện các môn Thể dục và Khiêu vũ Thể thao trên toàn quốc nhằm nâng cao sức khỏe nhân dân, đưa ra các kế hoạch, hướng dẫn phát triển phong trào ở môn Thể dục với các nội dung Thể dục dưỡng sinh, Thể dục thẩm mỹ, Khiêu vũ Thể thao... Tăng cường đào tạo hướng dẫn viên cơ sở cho các nội dung thể dục quần chúng, mở rộng thông tin tuyên truyền nhằm tác động hiệu quả tích cực đến đời sống văn hóa, xã hội và sự hiểu biết về các môn Thể dục đối với quần chúng nhân dân... Đối với lĩnh vực thành tích cao: xây dựng hệ thống tuyển chọn, đào tạo tài năng trẻ, tổ chức thực hiện hệ thống đào tạo VĐV từ tuyển chọn ban đầu đến trình độ kiện tướng quốc tế đối với môn Thể dục. Bên cạnh đó, theo dõi thường xuyên công tác tập luyện tại các Trung tâm và có biện pháp kiểm tra, đánh giá , bổ sung và đào thải các VĐV đội tuyển. Tiếp tục đầu tư cho một số VĐV xuất sắc có triển vọng đạ thành tích cao thông qua các khóa huấn luyện nước ngoài....
Phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng Lê Khánh Hải đã đánh giá cao những thành tích mà Liên đoàn Thể dục Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua. Trong đó, đáng biểu dương là thành tích 13/14 tổng số huy chương vàng mà Thể dục VN giành được tại SEA Games 26, đặc biệt năm 2012 Thể dục Việt Nam đã có tới 3 VĐV xuất sắc vượt qua vòng đấu loại giành vé chính thức tham dự Olympic London.
Ngoài ra Thứ trưởng Lê Khánh Hải cũng đã nhấn mạnh: Trong Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt đã đưa bộ môn Thể dục trở thành một trong những môn Thể thao trọng điểm của Thể thao Việt Nam cần được đầu tư và phát triển trong thời gian tới. Như vậy, bộ môn Thể dục đã và đang ngày càng nhận được sự quan tâm nhiều hơn của lãnh đạo ngành Thể thao nước nhà, Bộ VHTTDL.
Theo đó, Thứ trưởng đã giao nhiệm vụ cho Liên đoàn trong thời gian tới: Liên đoàn Thể dục Việt Nam cần đổi mới về cơ chế quản lý trong công tác quản lý, đào tạo cán bộ, huấn luyện viên, trong tài. Mở rộng nhiều hơn nữa các mối quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế; tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò của các Liên đoàn, Hiệp hội nhằm góp phần đưa môn Thể dục Việt Nam gặt hái được nhiều thành công mới. Bên cạnh đó, Liên đoàn Thể dục Việt Nam cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước để xây dựng các văn bản, kế hoạch, chiến lược phát triển bộ môn này.
Đại hội đã bầu ra BCH mới của Liên đoàn Thể dục Việt Nam nhiệm kỳ IV gồm 35 thành viên, trong đó Ban thường vụ gồm 11 đồng chí. Ông Trần Chiến Thắng - Nguyên thứ trưởng Bộ VHTTDL được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn, bà Nguyễn Kim Lan - Trưởng bộ môn Thể dục, Tổng cục TDTT giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký; 4 Phó Chủ tịch là ông Nguyễn Tuấn Lâm - Nguyên Phó ban Thể thao - Đài truyền hình Tp. Hồ Chí Minh, ông Trần Đức An - Giám đốc Công ty cổ phần Tiền Phong - Báo Tiền Phong, ông Trương Văn Tuấn - Chủ tịch Hội Thể dục Aerobic Tp. Hồ Chí Minh, ông Phan Tú Tùng - Giám đốc Trung tâm xúc Tiến Công nghệ Việt Nam. Và 5 ủy viên ban thường vụ là ông Phạm Đỗ Tuấn, ông Đỗ Đình Kháng, ông Huỳnh Anh, ông Nguyễn Xuân Sinh, ông Nguyễn Minh Hoàng.
N. Hương