Thay mặt Vụ Tài chính, Vụ trưởng Nguyễn Văn Bình đã trình bày dự thảo Đề cương Quy hoạch Hệ thống Cơ sở vật chất kỹ thuật thể thao quốc gia đến năm 2020 gồm 3 phần: Đánh giá thực trạng hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật thể dục thể thao quốc gia đến năm 2011; Quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật thể dục thể thao quốc gia đến năm 2020 và giải pháp; tổ chức thực hiện quy hoạch trong đó tập trung vào 3 việc chính: đất đai, công trình, thiết bị dành cho TDTT.
Theo đó, đánh giá về đất đai sử dụng cho TDTT dựa trên so sánh số liệu báo cáo về đất đai của các Sở TDTT trước đây (nay là Sở VHTTDL) với diện tích đất được quy hoạch dùng cho TDTT của tỉnh, thành đến năm 2011 và đất đai dành cho TDTT tính theo đầu người dân (theo quy hoạch của các tỉnh, thành); đánh giá thực trạng công trình thể thao trên phạm vi toàn quốc, các vùng: đồng bằng sông Hồng, Đông Bắc, Tây Bắc, Bắc Trung Bộ, Duyên Hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng Bằng Sông Cửu Long...; đánh giá cơ sở vật chất kỹ thuật TDTT của các đơn vị trực thuộc Tổng cục TDTT, đánh giá cơ sở vật chất kỹ thuật TDTT của các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giáo dục Đào tạo, Các Liên đoàn Hiệp hội thể thao.
Xây dựng cơ sở quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật TDTT quốc gia đến năm 2020 dựa trên định hướng phát triển kinh tế - xã hội, định hướng phát triển sự nghiệp TDTT, xu thế phát triển TDTT và cơ sở vật chất kỹ thuật của các nước trong khu vực và trên thế giới; khó khăn, thách thức trong phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật thể dục thể thao; Các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và chuẩn hóa cơ sở vật chất kỹ thuật trong các thiết chế cơ bản của ngành thể dục thể thao; Nội dung quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật thể dục thể thao quốc gia gồm: quy hoạch đất dành cho thể dục thể thao, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật thể dục thể thao theo vùng, lãnh thổ; hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật thể dục thể thao theo Bộ, ngành.
Dự thảo cũng đưa ra các giải pháp thực hiện quy hoạch như: nâng cao nhận thức tư tưởng và đào tạo nguồn nhân lực; đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý nhà nước về phát triển thể dục thể thao; phát huy vai trò, chức năng của Ủy ban Olympic Việt Nam và các Liên đoàn Hiệp hội thể dục thể thao trong sự phát triển thể dục thể thao cho mọi người và thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp; tăng cường nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật...
Đánh giá về Dự thảo Quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật thể thao quốc gia đến năm 2020, Phó Tổng cục trưởng Lâm Quang Thành biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của Ban soạn thảo đã xây dựng một bản dự thảo công phu, chi tiết. Tuy nhiên, Phó Tổng cục trưởng cũng lưu ý một số nội dung để Ban soạn thảo chỉnh sửa lại sau đó sẽ lấy ý kiến của các đơn vị liên quan trong cuộc họp gần nhất.
Phó Tổng cục trưởng Lâm Quang Thành cũng đề nghị Ban soạn thảo dự thảo cần lưu ý về kỹ thuật xây dựng dự thảo quy hoạch; làm rõ mục đích, sự cần thiết xây dựng quy hoạch; gộp phần mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể thành mục tiêu quy hoạch; chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu của hệ thống cơ sở vật chất để từ đó phân tích đánh giá; tập trung chú ý phần định hướng, gải pháp thực tiễn...
A.T