Liên đoàn Bóng đá Việt Nam ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp cầu thủ, huấn luyện viên và trọng tài bóng đá

Ngày 13/7, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã ban hành Quyết định số 262/QĐ-LĐBĐVN về việc ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp cầu thủ, huấn luyện viên và trọng tài bóng đá. Quy tắc này được áp dụng đối với các cầu thủ, huấn luyện viên và trọng tài tham gia các giải thi đấu của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF), Liên đoàn Bóng đá Châu Á (AFC), Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA).

Quy tắc Đạo đức nghề nghiệp cầu thủ, huấn luyện viên và trọng tài bóng đá quy định những chuẩn mực về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, bao gồm những việc phải làm hoặc không được làm, phù hợp với đặc thù của nghề nghiệp; là thước đo phẩm chất đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp nhằm giữ gìn và tôn cao những giá trị của bóng đá, tạo sự bình đẳng, tăng cường chăm sóc sức khỏe, góp phần xây dựng môi trường bóng đá lành mạnh, trong sạch.

Theo đó, Cầu thủ, huấn luyện viên, trọng tài bóng đá khi tham gia giải thi đấu của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, AFF, AFC và FIFA phải tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp sau đây:

Quy tắc chung

Quy tắc 1: Tuân thủ luật thi đấu, điều lệ giải, quy chế bóng đá chuyên nghiệp và Quy chế bóng đá ngoài chuyên nghiệp.
Cầu thủ, huấn luyện viên, trọng tài bóng đá tuyệt đối tuân thủ luật thi đấu bóng đá, điều lệ giải, Quy chế bóng đá chuyên nghiệp và Quy chế bóng đá ngoài chuyên nghiệp nhằm đảm bảo cho trận đấu được diễn ra khách quan và công bằng.

Quy tắc 2: Thường xuyên rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn
Cầu thủ huấn luyện viên và trọng tài bóng đá có nghĩa vụ thường xuyên tập luyện để nâng cao trình độ về kỹ thuật, chiến thuật, thể lực, rèn luyện tâm lý, ý chí.

Quy tắc 3: Kiên quyết loại trừ hành vi tiêu cực trong bóng đá
Cầu thủ, huấn luyện viên và trọng tài bóng đá luôn đấu tranh không khoan nhượng để loại trừ ma túy, phân biệt chủng tộc, bạo lực, cá độ bất hợp pháp và những hành vi tiêu cực khác trong hoạt động bóng đá; tích cực hợp tác với các cơ quan chức năng, giúp đỡ người khác để ngăn chặn hành vi tiêu cực; tố giác người có hành vi tiêu cực trong hoạt động bóng đá.

Quy tắc 4: Ứng xử có văn hóa
Cầu thủ, huấn luyện viên và trọng tài bóng đá có nghĩa vụ giữ gìn phẩm chất và uy tín nghề nghiệp, có thái độ ứng xử đúng mực, không có hành vi bất nhã, kích động, đe dọa đối với trọng tài, cầu thủ, huấn luyện viên các đội bóng, thành viên ban tổ chức, giám sát, khán giả; đoàn kết, phối hợp chặt chẽ và tận tình giúp đỡ đồng nghiệp để cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Quy tắc 5: Những hành vi không được làm
Cầu thủ, huấn luyện viên và trọng tài bóng đá không được thực hiện những hành vi: Giả mạo hoặc làm sai lệch tải liệu, hồ sơ cá nhân; Để lợi ích vật chất chi phối đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, làm ảnh hưởng kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; Làm sai lệch kết quả trận đấu; Cá độ bất hợp pháp, bán độ; môi giới bán độ, cá độ; Các hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật.

Quy tắc đạo đức cầu thủ

Quy tắc 6: Tuân thủ nghĩa vụ tham gia đội tuyển Bóng đá quốc gia.
Tuân thủ quyết định triệu tập tham gia đội tuyển Bóng đá Quổc gia là trách nhiệm và vinh dự của cầu thủ.

Quy tắc 7: Thi đấu trung thực cao thượng
Khi thi đấu, cầu thủ không cố ý xâm phạm thân thể người khác trái luật thi đấu bóng đá. Cầu thủ có nghĩa vụ thi đấu trung thực, cao thượng, không vì lợi ích vật chất, tinh thần hoặc bất kỳ áp lực nào mà gian dối trong thi đấu.
Cầu thủ phải thi đấu với quyết tâm giành chiến thắng ở bất kỳ trận đấu nào; biết chấp nhận thất bại trong danh dự với thái độ đúng mực, không đổ lỗi cho người khác.

Quy tắc 8: Đảm bảo tính liên tục của trận đấu
Cầu thủ không cố tình làm gián đoạn trận đấu; không có hành vi giả vờ bị chấn thương, chỉnh đốn trang phục, nhường quyền ném biên, đá phạt và thực hiện các hành vi gian dối khác nhằm trì hoãn đưa bóng vào sân.

Quy tắc 9: Thực hiện nghĩa vụ tài chính và nghĩa vụ đã cam kết theo quy định
Cầu thủ không được có hành vi gian dối trong ký kết hợp đồng lao động. Cầu thủ phải chấp hành nghĩa vụ tài chính và các nghĩa vụ khác đã cam kết theo quy định.

Quy tắc đạo đức huấn luyện viên bóng đá

Quy tắc 10: Tuân thủ nghĩa vụ tham gia đội tuyển Bóng đá quốc gia
Tuân thủ quyết định triệu tập tham gia đội tuyển bóng đá quốc gia là trách nhiệm và vinh dự của huấn luyện viên bóng đá.

Quy tắc 11: Chỉ đạo cầu thủ thi đấu trung thực cao thượng
Huấn luyện viên bóng đá có nghĩa vụ chỉ đạo, hướng dẫn cầu thủ thi đấu trung thực, cao thượng, hòa nhã với tinh thần quyết tâm giành chiến thắng.

Quy tắc 12: Đảm bảo tính liên tục của trận đấu
Huấn luyện viên bóng đá không được có hành động hoặc lời nói kích động hoặc buộc cầu thủ không tiếp tục thi đấu, làm gián đoạn trận đấu.

Quy tắc đạo đức trọng tài bóng đá

Quy tắc 13: Độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan
Trọng tài bóng đá điều khiển trận đấu phải độc lập, vô tư, trung thực, công bằng, khách quan, đúng luật và điều lệ giải, không vì lợi ích vật chất tinh thần hoặc bất kỳ áp lực nào khác để làm trái luật thi đấu bóng đá và đạo đức nghề nghiệp.
Trọng tài bóng đá chỉ nhận điều hành trận đấu khi đảm bảo có đủ tự tin, có thể lực tốt để theo sát mọi diễn biến của trận đấu.

Quy tắc 14: Tuân thủ luật thi đấu và các quy định của Liên đoàn
Trọng tài bóng đá khi tham gia điều hành trận đấu phải có nghĩa vụ nắm vững và tuân thủ luật thi đấu, điều lệ, quy chế, yêu cầu của giải, trận đấu và quy định của Ban trọng tài.

Quy tắc 15: Những hành vi trọng tài không được làm.
Trọng tài bóng đá không được thực hiện những hành vi: Có quan hệ không minh bạch với các đội bóng và các đối tượng khác trong thời gian hành nghề trọng tài; Không được đưa ra những yêu cầu ngoài quy định của ban tổ chức giải đối với ban tổ chức trận đấu; Các hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật.

A.T

 

Ảnh trong bài
  • Liên đoàn Bóng đá Việt Nam ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp cầu thủ, huấn luyện viên và trọng tài bóng đá