|
Đoàn cán bộ UBND tỉnh Thái Bình tại buổi làm việc với Bộ VH,TT&DL (Ảnh: Y Trang) |
Tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Sinh – Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, công tác văn hóa, thể thao và du lịch luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm chú trọng và ở mỗi lĩnh vực đều đã đạt được kết quả đáng khích lệ.
Theo đó, ở lĩnh vực TDTT, chỉ số về số người tập luyện TDTT thường xuyên của tỉnh Thái Bình đạt 27,5% và số hộ gia đình thể thao đạt mức 17,4%. Các chỉ số này đều ở mức cao so với một số tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Hồng. Có được kết quả đó, Thái Bình đã triển khai và thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
Không chỉ phát triển mạnh về TDTT quần chúng, chất lượng đào tạo VĐV thành tích cao từng bước được nâng lên. Điều đó thể hiện ở kết quả một số môn thế mạnh của tỉnh luôn đạt thứ hạng cao tại các giải thể thao quốc gia như: Điền kinh, Bóng chuyền nữ, Cầu lông, Bơi, Đua thuyền, Wushu, Boxing. Thái Bình là một trong số 11 tỉnh được chọn triển khai thí điểm Đề án nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam.
Đối với lĩnh vực văn hóa, Thái Bình đã hoàn thành tốt công tác bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa với 104 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 446 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Trong đó, một số công trình trọng điểm được trùng tu tôn tạo như: Chùa Keo, Khu di tích lịch sử Nhà Trần, Đình An Cố, Đền Đồng Xâm, Chùa Hội, Đền Thượng, Khu lưu niệm Bác Hồ, Đền A Sào…
Bên cạnh đó, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao và du lịch phát triển ở cả 4 cấp (tỉnh, huyện, xã, thôn) cũng như công tác xã hội hóa đều được đẩy mạnh, góp phần đáng kể vào sự phát triển chung của ngành VH,TT&DL tỉnh Thái Bình.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác văn hóa, thể thao của Thái Bình vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn. Trong đó, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động văn hóa, thể thao xuống cấp (nhà thi đấu, Trung tâm văn hóa tỉnh cũng như một số nhà văn hóa cấp huyện đều được xây dựng từ những năm 60)…
Tuy vẫn còn nhiều khó khăn do hạ tầng du lịch không nhiều, nhưng bằng những hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, lượng khách du lịch đến với Thái Bình ngày càng tăng. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 112 cơ sở lưu trú với trên 1.800 phòng, trong đó có 5 khách sạn được xếp hạng 1 đến 2 sao.
Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã xác định 7 nhiệm vụ trong định hướng phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao, du lịch. Trong đó, đặt ra các mục tiêu cụ thể như: phấn đấu đến năm 2015 đạt 30% dân số tập luyện TDTT thường xuyên và con số này sẽ tăng lên 35% vào năm 2020. Đặc biệt, Thái Bình sẽ tập trung xây dựng lực lượng VĐV và cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất hiện có để chuẩn bị cho Đại hội TDTT toàn quốc; Tiếp tục đẩy mạnh các hoat động xã hội hóa trong các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch nhằm huy động mọi nguồn lực, thúc đẩy sự ngiệp VH,TT&DL, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Để thực hiện được những mục tiêu trên, UBND tỉnh Thái Bình nêu ra 5 đề xuất, kiến nghị. Trong đó, về lĩnh vực TDTT, đề nghị Bộ VH,TT&DL quan tâm, tạo điều kiện đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành bố trí kế hoạch vốn để dự án nhà thi đấu đa năng Thái Bình triển khai đúng tiến độ, kịp thời phục vụ Đại hội TDTT toàn quốc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đánh giá cao những kết quả trong lĩnh vực VH,TT&DL của Thái Bình trong những năm vừa qua. Bộ trưởng hoàn toàn ủng hộ chủ trương tu bổ, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch trong đó có dự án Nhà thi đấu đa năng tỉnh Thái Bình (400 chỗ), các khách sạn lưu trú, Trung tâm Văn hóa tỉnh… để phục vụ cho việc đăng cai một số môn tại Đại hội TDTT toàn quốc vào năm 2014. Bộ trưởng cũng đề nghị ngành VH,TT&DL cần duy trì và đảm bảo các chỉ tiêu số người tập luyện TDTT thường xuyên và số gia đình thể thao năm sau cao hơn năm trước. Ngoài ra, Thái Bình cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về văn hóa, thể thao và du lịch nhằm chuẩn bị cho năm du lịch quốc gia các tỉnh Đồng bằng sông Hồng năm 2013.
HKT