Quảng Ninh phát triển kinh tế xanh, bền vững gắn liền với phát triển công nghiệp, giải trí thể thao và du lịch

Chiều 30/5, tại Bộ VH,TT&DL, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã có buổi làm việc với đoàn cán bộ tỉnh Quảng Ninh về Đề án Phát triển kinh tế xã hội xanh, bền vững, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và thí điểm hai khu hành chính - kinh tế đặc biệt là Móng Cái và Vân Đồn. Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo Tổng cục TDTT, Tổng cục Du lịch, lãnh đạo các Vụ, đơn vị liên quan.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng, đề án phát triển kinh tế xanh của Quảng Ninh
có tầm nhìn chiến lược và có tính đột phá (Ảnh: Văn Duy)

Tại buổi làm việc, đại diện đoàn cán bộ tỉnh Quảng Ninh, ông Phạm Minh Chính - Bí Thư tỉnh uỷ tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo tóm tắt về những nội dung chính của Đề án. Trong đó, nhấn mạnh đến mục tiêu mà Đề án hướng tới là phát triển kinh tế xanh, bền vững dựa vào những thế mạnh tiềm năng của địa phương như phát triển kinh tế biển, du lịch và tri thức... Đây được cho là những nhân tố nền tảng để xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành địa bàn có sự tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm khu vực Bắc Bộ.  Như vậy, với những mục tiêu, giải pháp mang tính đột phá, Quảng Ninh sẽ phát triển nền công nghiệp dịch vụ theo hướng hiện đại  và đến năm đến năm 2020 Quảng Ninh sẽ trở thành tỉnh có nền kinh tế xanh với hai khu hành chính - kinh tế đặc biệt là Móng Cái và Vân Đồn.

Theo đó, Móng cái sẽ là thành phố cửa khẩu hiện đại với đô thị xanh và Trung tâm thương mại dịch vụ biên giới hiện đại là cửa ngõ giao lưu chính giữa Việt Nam, Trung Quốc và với các nước trong khối ASEAN. Vân Đồn cũng trở thành khu kinh tế phát triển mạnh, với  khu kinh tế tổng hợp lớn, trung tâm dịch vụ cao cấp, hiện đại. Đồng thời, Vân Đồn sẽ là đầu mối giao thương quốc tế quan trọng và là trung tâm sinh thái biển đảo chất lượng cao.

Ông Phạm Minh Chính (áo xanh) Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Quảng Ninh báo cáo về Đề án
(Ảnh: Văn Duy)

Đóng góp ý kiến vào nội dung Đề án, ông Lâm Quang Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho rằng, với thế mạnh của địa phương, ngoài việc tổ chức các giải Thể thao trên biển như: Đua thuyền buồm, Dù lượn, Đua mô tô nước... Quảng Ninh sẽ có điều kiện để phát triển kinh tế du lịch Thể thao. Tuy nhiên, để phát triển nền kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ, Quảng Ninh cần nghiên cứu kỹ 3 vấn đề: thể chế, thiết chế và yếu tố con người.

Đánh giá cao những thành tựu kinh tế - xã hội cũng như trong các lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch của tỉnh Quảng Ninh, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng: Đề án Phát triển kinh tế xã hội xanh, bền vững, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và thí điểm hai khu hành chính - kinh tế đặc biệt là Móng Cái và Vân Đồn đã cho thấy tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh. Để thực hiện được các mục tiêu đặt ra trong chiến lược phát triển kinh tế xanh, Quảng Ninh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá Vịnh Hạ Long để mỗi người dân Việt Nam đều biết đến Vịnh Hạ Long - di sản phi vật thể được UNESCO 2 lần phong tặng và mới đây Vịnh Hạ Long lại được vinh danh là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới thế giới. Quảng Ninh cần phấn đấu xây dựng Hạ Long là thành phố du lịch của thế giới.

Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh cần từng bước hoàn thiện các dịch vụ, cơ sở hạ tầng, trong đó cần gắn kết các thiết chế văn hoá, thể thao và du lịch với phát triển kinh tế, xã hội. Bộ trưởng cũng lưu ý, Quảng Ninh cần phối hợp xây dựng các khu công nghiệp, giải trí thể thao...

HKT

 

Ảnh trong bài
  • Quảng Ninh phát triển kinh tế xanh, bền vững gắn liền với phát triển công nghiệp, giải trí thể thao và du lịch