Nhằm đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị hoàn thiện dự thảo Đề án vận động đăng cai Đại hội thể thao Châu Á lần thứ 18 - 2019 để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chiều 4/4, Tổng cục TDTT, Uỷ ban Olympic Việt Nam đã có buổi báo cáo với Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Tuấn Anh về các nội dung của Đề án cũng như công tác chuẩn bị cho việc vận động đăng cai Đại hội thể thao Châu Á lần thứ 18.
|
Ông Hoàng Vĩnh Giang - Phó Chủ tịch kiêm TTK Uỷ ban Olympic Việt Nam báo cáo về Đề án vận động đăng cai ASIAD 18 (Ảnh: Y Trang) |
Theo báo cáo của ông Hoàng Vĩnh Giang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Uỷ ban Olympic Việt Nam, việc đăng cai Đại hội thể thao Châu Á lần thứ 18 đã nhận được chủ trương đồng ý đăng cai Đại hội của Thủ tướng Chính phủ cũng như sự nhất trí của Uỷ ban NDTP Hà Nội và các Bộ, Ngành liên quan như: Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Ngoại giao,...
Hiện tại, ở khu vực Châu Á ngoài Việt Nam còn có 3 quốc gia cũng muốn xin đăng cai Đại hội lần này, đó là: Các Tiểu Vương quốc Ả Rập; Đài Loan và Indonesia. Trong đó, Indonesia là đối thủ cạnh tranh lớn với Việt Nam trong việc xin đăng cai ASIAD 18. Tuy nhiên, nếu so sánh với Indonesia, Việt Nam có lợi thế hơn về tình hình an ninh chính trị ổn định, được sự ủng hộ của OCA và có hạ tầng cơ sở với những SVĐ, nhà thi đấu đạt chuẩn quốc tế như: SVĐ Mỹ Đình, Cung thể thao Quần ngựa, Nhà thi đấu Hải Dương, Nhà thi đấu Hải Phòng, Nhà thi đấu Bắc Ninh,...
Đồng thời, Việt Nam cũng có nhiều kinh nghiệm trong công tác tổ chức các sự kiện thể thao lớn sau khi tổ chức thành công SEA Games 22 và Đại hội thể thao Châu Á trong nhà lần thứ 3. Chính vì vậy, đây là dịp thuận lợi nhất để Việt Nam có thể đăng cai một kỳ Đại hội thể thao lớn mang tầm cỡ Châu lục này.
|
Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh: Y Trang) |
Tại Đại hội này, Việt Nam dự kiến tổ chức 35 môn thi đấu (26 môn Olympic bắt buộc) với sự tham gia tranh tài của 11.000 HLV, VĐV đến từ 45 quốc gia ở khu vực Châu Á. Thời gian dự kiến tổ chức Đại hội là vào khoảng tháng 11 hoặc tháng 12/2019, kéo dài trong 16 ngày. Thành phố Hà Nội sẽ là thành phố đăng cai Đại hội này, ngoài ra các môn thi sẽ được tổ chức ở các địa phương lân cận như: Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Giang, Thái Nguyên...
Sau khi nghe báo cáo của Uỷ ban Olympic Việt Nam, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhất trí với chủ trương đăng cai Đại hội thể thao Châu Á lần thứ 18 - 2019. Bộ trưởng cũng yêu cầu Uỷ ban Olympic Việt Nam cần xây dựng những lộ trình cụ thể cho việc vận động các nước ủng hộ Việt Nam trong việc đăng cai ASIAD 2019. Việc bố trí các địa điểm thi đấu cần tính toán hợp lý để có thể thu hút được số đông người dân tham gia theo dõi sự kiện này. Để kịp thời hạn nộp hồ sơ xin đăng cai cho OCA (15/05/2012), Bộ trưởng chỉ đạo Tổng cục TDTT, Uỷ ban Olympic Việt Nam sớm hoàn thiện Đề án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất đối với Việt Nam, đó là nguồn kinh phí phục vụ cho Đại hội thể thao Châu Á lần thứ 18. Trong bối cảnh nền kinh tế của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc xây dựng nguồn kinh phí cần phải tính toán thật kỹ lưỡng, cần tăng cường, tối đa hoá nguồn kinh phí xã hội hoá để giảm thiểu nguồn ngân sách Trung ương. Ứoc tính nguồn ngân sách dự kiến để đăng cai tổ chức Đại hội này là khoảng 150 triệu USD, trong đó bao gồm cả việc xây dựng nhà thi đấu đa năng phục vụ cho các môn thi tại Đại hội.
V.A