|
Quang cảnh buổi làm việc (Ảnh: Y Trang)
|
Tại buổi làm việc, ông Trần Hồng Nga - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã thông qua báo cáo về một số kết quả đạt được trong công tác phát triển kinh tế xã hội và lĩnh vực Văn hoá, Thể thao, Du lịch và gia đình. Theo đó, chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm, tỉnh Hà Nam đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển kinh tế xã hội, trong đó tổng GDP của tỉnh đạt 4.161,5 tỷ, bằng 68,3% kế hoạch năm và tăng 12% so với cùng kỳ năm 2010. Bên cạnh đó, các lĩnh vực Văn hoá, Thể thao, Du lịch và gia đình cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Riêng lĩnh vực TDTT, tính tới thời điểm này, số người tập luyện TDTT trong toàn tỉnh đạt 23,5%, số gia đình thể thao đạt 20,5%, 100% xã phường thị trấn đã có quy hoạch xong đất dành cho hoạt động TDTT. Trong đó, có 78/116 xã, phường thị trấn có sân tập TDTT phổ thông với diện tích 6000 - 7000m2. Trong 5 năm trở lại đây, Hà Nam đã đào tạo được trên 730 lượt VĐV năng khiếu; tham gia 140 giải thể thao trong nước và quốc tế, đạt 534 huy chương các loại. Ngoài ra, công tác xã hội hoá trong lĩnh vực TDTT cũng không ngừng được đẩy mạnh. Ước tính trong 5 năm trở lại đây, đã huy động được trên 25 tỷ đồng từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng thiết chế thể thao...
Hiện tại, hệ thống cơ sở vật chất trong lĩnh vực TDTT của tỉnh đã có sân vận động quy mô 20.000 chỗ ngồi, bể bơi, sân quần vợt... tuy nhiên, hiện tại các công trình còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu cho việc đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao lớn, các giải thi đấu quốc gia... Do vậy, trước yêu cầu đẩy mạnh phát triển văn hoá đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 và chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được chính phủ phê duyệt; UBND tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo Sở VH,TT&DL tập trung xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển Văn hoá, Thể thao, Du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; điều chỉnh các đề án về Văn hoá, Thể thao và Du lịch sao cho phù hợp với thực tiễn...
Với vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở cửa ngõ phía nam của Thủ đô Hà Nội, Hà Nam có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế, xã hội cũng như các lĩnh vực Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên, hiện tại Hà Nam vẫn còn nhiều khó khăn trong việc đầu tư phát triển lĩnh vực Văn hoá, Thể thao, Du lịch. Đặc biệt, để hoàn thành mục tiêu trở thành trung tâm thể thao cấp cao vùng (trong quy hoạch phát triển văn hoá xã hội tỉnh đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt), Hà Nam đã kiến nghị, đề xuất Bộ VH,TT&DL 3 vấn đề: cho phép đăng cai một số môn thi đấu thể thao trong chương trình Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII - 2014; đầu tư kinh phí cho việc xây dựng hạ tầng khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao - Kim Bảng và cuối cùng là cho phép nâng cấp Lễ hội tịch điền Đọi Sơn thành lễ hội cấp quốc gia.
Đóng góp ý kiến tại buổi họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Phạm Văn Tuấn đánh giá cao sự phát triển trong công tác TDTT của Hà Nam, đồng thời cho rằng vị trí của Hà Nam rất thuật lợi cho việc tổ chức các sự kiện thể thao, các giải thi đấu cấp quốc gia và nhất là từ nay đến năm 2019, nếu Việt Nam đăng cai ASIAD 19 thì việc đầu tư các công trình thể thao tại Hà Nam là rất cần thiết. Bởi ngoài yếu tố giao thông thuận lợi với Thủ đô Hà Nội (cách trung tâm Hà Nội 30km), Hà Nam còn có quy hoạch đất cho thể thao...
Kết luận tại buổi họp, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đánh giá cao sự nỗ lực cũng như những kết quả mà Hà Nam đã đạt được trong lĩnh vực Văn hoá, Thể thao, Du lịch và Gia đình. Về những kiến nghị của tỉnh Hà Nam, Bộ trưởng đã cho ý kiến chỉ đạo cụ thể trong từng lĩnh vực. Riêng lĩnh vực TDTT, Bộ trưởng nhất trí với đề xuất Hà Nam đăng cai giải Đua xe đạp quốc tế năm 2012 và đăng cai môn Bóng đá nữ và Đá cầu tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII (2014). Bộ trưởng cũng đề nghị Tổng cục TDTT đưa Hà Nam vào danh sách những địa phương chuẩn bị cho ASIAD 2019; đồng thời giao Tổng cục TDTT khảo sát, nghiên cứu việc di chuyển Trung tâm HLTTQG Hà Nội về Hà Nam...
HKT