Theo báo cáo của ông Trần Văn Mạnh - Chánh Văn phòng Uỷ ban Olympic Việt Nam, dự thảo Đề án đã được chỉnh sửa ở một số nội dung như: căn cứ xây dựng đề án, mục tiêu của đề án, cơ chế tài chính, lập kế hoạch chi tiết trong việc phân công nhiệm vụ cho các Tiểu ban... Theo đó, số lượng các môn thể thao dự kiến được tổ chức tại Đại hội vẫn là 19 môn (sẽ tiếp tục có sự điều chỉnh sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam), địa điểm thi đấu cũng như các vấn đề về an ninh, cơ sở vật chất, lễ tân, Thông tin tuyên truyền... đều đã được tính toán chi tiết, cụ thể.
Nhận xét, đánh giá và đóng góp ý kiến cho dự thảo Đề án, phần đông các thành viên tham dự đều cho rằng dự thảo Đề án cơ bản đảm bảo về nội dung, bố cục. Tuy nhiên có một số mục vẫn còn rườm rà, câu từ chưa chuẩn xác và chưa nêu bật được mục tiêu của Đại hội cũng như hiệu quả của Đề án.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi họp, Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng đánh giá cao những nỗ lực của các thành viên BST trong công tác xây dựng và hoàn thiện Đề án. Tổng cục trưởng cũng đề nghị, BST thảo cần nghiên cứu chỉnh sửa sao cho ngắn gọn, xúc tích và chú ý tới chủ đề của Đại hội, trên cơ sở đó xây dựng mục tiêu (nhấn mạnh đến mục tiêu phát triển du lịch và xây dựng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động thể thao biển) cũng như phương án thực hiện (ngoài nguồn kinh phí của Nhà nước cần đưa ra các số liệu từ nguồn xã hội hoá)...
Tổng cục trưởng nhấn mạnh "BST cần nghiên cứu kỹ lưỡng các phương án thực hiện để xây dựng Đề án sao cho hiệu quả nhằm cụ thể hoá kế hoạch tổ chức Đại hội trên cơ sở kinh nghiệm rút ra từ 2 sự kiện mà Việt Nam đăng cai tổ chức là SEA Games 22 và Asian Indoor Games 3. Đề án được hoàn thành ngoài việc đảm bảo các yêu cầu về nội dung, thể thức văn bản còn phải thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện".
VD