Lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo báo cáo tổng kết công tác hoạt động văn hoá, gia đình,TDTT 9 tháng đầu năm 2011

Ngày 9/9 Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Tuấn Anh đã chủ trì buổi họp lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo báo cáo tổng kết công tác hoạt động văn hoá, gia đình, TDTT trong 9 tháng năm 2011 của Bộ VH,TT&DL. Tham dự buổi làm việc có sự góp mặt của Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL - Huỳnh Vĩnh Ái, Tổng trưởng Tổng cục TDTT – Vương Bích Thắng.

Tại buổi làm việc, ông Tô Văn Động – Chánh văn phòng Bộ VH,TT&DL đã báo cáo trước lãnh đạo Bộ về tình hình thực hiện nhiệm vụ 9 tháng năm 2011 ở 3 lĩnh vực văn hoá, gia đình, thể dục thể thao, trong đó nêu rõ những mặt đã đạt được, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại và đưa ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời kỳ tới.

Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh: Văn Duy)

Riêng đối với lĩnh vực TDTT: trong 9 tháng qua đã có nhiều Đề án được Chính phủ phê duyệt  như: Đề án tổng thể phát triển thể lực và tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030; Quyết định về một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao được tập trung tập huấn và thi đấu. Đồng thời, ban hành một số các thông  tư, quy định về hoạt động của các môn thể thao; chương trình phối hợp chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2020… 

Bên cạnh đó, đối với thể dục thể thao quần chúng: thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, phong trào TDTT quần chúng đã có những bước tiến rõ nét, các chỉ tiêu cơ bản về TDTT quần chúng đề ra đều đạt được (số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt 24,1%; số hộ gia đình thể thao đạt tỷ lệ 15,1% tổng số hộ). Phối hợp tổ chức thành công 36 giải thể thao quần chúng, 11 lớp tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho trọng tài, huấn luyện viên, hướng dẫn viên thể thao; cử 21 đoàn thể thao đi thi đấu và tập huấn tại nước ngoài và đã mang về hàng chục huy chương các loại. 

Về thể thao thành tích cao: nhiệm vụ trọng tâm của thể thao thành tích cao trong năm 2011 là chuẩn bị lực lượng VĐV tham dự SEA Games 26 tại Indonesia và vòng loại Olympic Luân Đôn 2012, tham dự thi đấu tại các giải thể thao quốc tế. Đã triệu tập tập huấn 83 đội tuyển và đội tuyển trẻ quốc gia các môn thể thao gồm 2.916 lượt người (trong đó, 1426 VĐV, 262 HLV, 33 chuyên gia và các đội tuyển quốc gia, 1036 VĐV, 153 HLV, 6 chuyên gia các đội tuyển trẻ quốc gia). Đồng thời, xây dựng kế hoạch tập trung đầu tư cho các VĐV trọng điểm nhằm đạt mục tiêu có khoảng 15 – 20 VĐV vượt qua vòng loại tham dự Olympic Luân Đôn 2012. Phối hợp tổ chức thành công 156 giải thể thao quốc gia và quốc tế, 36 lớp huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho trọng tài, HLV thể thao.

Tuy nhiên, song song với những kết quả đạt được ở lĩnh vực thể dục thể thao vẫn còn biểu hiện một số những hạn chế như: công tác đào tạo lực lượng VĐV tham dự các đại hội lớn, đặc biệt là chế độ dinh dưỡng cho các VĐV các đội tuyển quốc gia, đội tuyển cấp tỉnh gặp nhiều khó khăn do nguồn kinh phí hạn hẹp; nhiều cơ sở vật chất phục vụ cho tập luyện và thi đấu thể thao đã xuống cấp nghiêm trọng.

Đóng góp ý kiến cho bản báo cáo này về lĩnh vực thể dục thể thao, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng cho rằng: cần bổ sung thêm số liệu về thành tích của các VĐV ở một số hoạt động thể dục thể thao gần đây và phương hướng cũng như mục tiêu cho thể thao Việt Nam những tháng cuối năm và bước sang năm 2012 cần được cụ thể hơn. Từ đó, giúp cho việc xác định nhiệm vụ, cũng như việc triển khai thực hiện tại các đơn vị đạt hiệu quả cao và đúng mục tiêu. 

Sau khi thông qua bản báo cáo của tổ soạn thảo cũng như tổng hợp các ý kiến đóng góp của các thành viên dự họp, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã yêu cầu tổ soạn thảo tập trung ý kiến đóng góp của các thành viên dự họp để chỉnh sửa cho báo cáo được hoàn chỉnh và chi tiết hơn. Bộ trưởng cũng yêu cầu nội dung báo cáo phải đưa ra được những nhận xét xác đáng phù hợp và phản ánh đúng với tình hình thực tế của quá trình triển khai thực hiện ở các lĩnh vực văn hóa, gia đình và thể dục thể thao. Đồng thời, báo cáo phải có đấy đủ số liệu minh họa cho những kết quả làm được và chưa làm được, tránh tình trạng đánh giá, nhận xét chung chung nhất là đối với lĩnh vực văn hoá và gia đình... Sau khi hoàn tất khâu chỉnh sửa, báo cáo sẽ được trình lên Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

N. H         

Ảnh trong bài
  • Lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo báo cáo tổng kết công tác hoạt động văn hoá, gia đình,TDTT 9 tháng đầu năm 2011