|
Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng nghe báo cáo tại buổi họp (Ảnh: Y Trang) |
Đại diện VNOC - ông Nguyễn Văn Phú - Uỷ viên Hội đồng phòng chống doping Đông Nam Á đã báo cáo những nét khái quát về công tác phòng, chống doping trong thể thao của Việt Nam. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến những hoạt động mà Uỷ ban Olympic quốc gia Việt Nam đã và đang thực hiện nhằm hướng tới một nền thể thao phát triển lành mạnh theo đúng tinh thần cao thượng của thể thao. Một trong những biện pháp góp phần tích cực vào công tác phòng, chống doping trong thể thao đó là việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền về tác hại của doping đối với sức khoẻ con người....
Theo đó, kể từ khi tham gia vào chương trình phòng, chống doping trong thể thao do WADA phát động, Việt Nam luôn thực hiện đúng những cam kết đã ký kết trong Công ước Copenhagen, các chương trình về phòng ngừa doping trong các hoạt động văn hoá, thể thao theo Công ước UNESCO.
Để tiếp tục khẳng định với WADA về những nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng chống doping trong thể thao, Uỷ ban Olympic quốc gia đã tiến hành xây dựng dự thảo Quy định phòng chống doping với 20 điều khoản. Trong đó, tập trung vào những nội dung cơ bản như: phạm vi áp dụng, định nghĩa của doping - sự vi phạm luật chống doping; danh mục các chất và phương pháp cấm, tiến hành kiểm tra mẫu thử, phân tích mẫu, quản lý kết quả, các chế tài xử phạt đối với các cá nhân, Liên đoàn thể thao....
Thông qua quy định cụ thể về các về các vấn đề liên quan đến doping, sẽ giúp các VĐV thuộc diện quản lý của Uỷ ban Olympic quốc gia Việt Nam nắm rõ các quy định, chế tài xử phạt khi sử dụng các chất cấm trong thi đấu thể thao; đặc biệt là những hậu quả nghiêm trọng do lạm dụng các chất kích thích khi tham gia thi đấu thể thao.
|
Toàn cảnh họp (Ảnh: Y Trang) |
Sau khi nghe báo cáo của Uỷ ban Olympic quốc gia cũng như các ý kiến đóng góp của các thành viên dự họp về việc tham gia ký kết và thực hiện Quy định phòng chống doping trong thể thao do WADA, Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng đã đề nghị VNOC đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự để thảo luận, nhanh chóng tiến hành ký kết vào Quy định chung về phòng chống doping của WADA; đồng thời tổ chức xây dựng quy định phòng chống doping của VNOC, xin ý kiến chuyên gia tiến tới trình lãnh đạo Bộ. Sau khi được phê duyệt sẽ phát hành và cung cấp cho các Sở VH,TT&DL; các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia...
Tháng 11/2003, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban TDTT Nguyễn Danh Thái đã thay mặt Chính phủ Việt Nam ký kết Công ước Copenhagen, tuyên bố Việt Nam gia nhập WADA; đồng thời cam kết phối hợp toàn diện với WADA trong việc phát triển thể thao không doping. Đến tháng 9/2009, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã ký Công ước UNESCO, trong đó khẳng định Việt Nam cam kết thực hiện các chương trình giáo dục của UNESCO về phòng ngừa doping trong các hoạt động văn hoá - thể thao...
Và để nâng cao hơn nữa vai trò của Uỷ ban Olympic quốc tế (IOC) và Uỷ ban Olympic quốc gia (NOC) trong công tác đấu tranh chống sử dụng doping trong thể thao trên toàn cầu cũng như ở mỗi quốc gia, WADA đã kêu gọi các quốc gia cùng tham gia ký kết và thực hiện Quy định phòng chống doping trong thể thao nói chung cũng như xây dựng quy định phòng chống doping cho nước mình nói riêng dựa trên khung quy định chung.
|
A.T