Hội thảo nâng cao chất lượng đào tạo sau Đại học ngành Văn hoá Nghệ thuật

Trong những năm qua, bên cạnh việc đào tạo nhân lực ngành Văn hoá Nghệ thuật ở bậc Đại học, công tác đào tạo sau Đại học cho đội ngũ này cũng đã được Nhà nước, Bộ VH,TT&DL, Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, để góp phần quan trọng trong việc nâng cao đội ngũ giảng viên cho các cơ sở đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực cao cho xã hội, sáng 17/6/2010, Hội thảo Khoa học về đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo sau Đại học ngành Văn hoá Nghệ thuật đã diễn ra tại Bộ VH,TT&DL dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Trần Chiến Thắng.

Hiện tại Bộ VH,TT&DL có 7 cơ sở đào tạo sau Đại học thuộc ngành Văn hoá Nghệ thuật trong đó có 3 cơ sở đào tạo Tiến sỹ là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam (đào tạo Tiến sỹ và Thạc sỹ), Trường Đại học Văn hoá Hà Nội (đào tạo Tiến sỹ và Thạc sỹ) và Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam; 4 cơ sở còn lại đào tạo Thạc sỹ là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM và Nhạc viện TPHCM.

Gần 20 năm qua, các cơ sở đào tạo đã đào tạo được 85 Tiến sỹ, 1044 Thạc sỹ. Quy mô đào tạo sau Đại học ngày càng được mở rộng, phong phú hơn về phạm vi đề tài nghiên cứu, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về đội ngũ cán bộ trong các lĩnh vực hoạt động văn hoá nghệ thuật của cả nước. Các học viên sau Đại học đều là những cán bộ văn hoá nghệ thuật có tâm huyết từ mọi miền Tổ quốc, phần lớn sau khi kết thúc chương trình học họ đều phát huy được những kiến thức đã học trong thực tiễn công tác.

Toàn cảnh buổi Hội thảo (Ảnh: Y Trang)

Đ có được kết quả đó, không thể không kể đến sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ giảng viên có trình độ cao, đặc biệt là đội ngũ Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sỹ của ngành đã nhiệt huyết với sự nghiệp và có trách nhiệm tham gia tích cực giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu, góp phần quan trọng vào chất lượng đào tạo sau Đại học của ngành cũng như khắc phục khó khăn của các cơ sở đào tạo.

Kết quả đào tạo sau Đại học của ngành Văn hoá Nghệ thuật đã cho thấy hệ thống đề tài phong phú, đa dạng; học viên, nghiên cứu sinh đã có xu hướng vận dụng triệt để các tri thức lý luận đã tiếp thu được trong quá trình học tập và những kiến thức bản thân tâm đắc để giải quyết những nhiệm vụ cấp thiết đang đặt ra cho hoạt động văn hoá cụ thể ở các địa phương nơi họ đang công tác, đã có nhiều đề tài sau khi bảo vệ đã được áp dụng tốt trong thực tiễn.

Tại Hội thảo, nhiều nội dung được đưa ra thảo luận, trong đó tập trung vào việc đánh giá chất lượng đào tạo sau Đại học ngành Văn hoá Nghệ thuật từ hiệu quả công việc của những Thạc sỹ, Tiến sỹ sau khi tốt nghiệp; Việc công khai lực lượng giảng viên, chương trình đào tạo và cơ sở vật chất phục vụ học tập, nghiên cứu khoa học hiện nay ở các cơ sở đào tạo của ngành; Vấn đề liên kết với nước ngoài trong đào tạo sau Đại học ngành Văn hoá Nghệ thuật hiện nay đã được tiến hành như thế nào, có những vấn đề gì cần bổ sung, chỉnh sửa; Vấn đề quy chế tuyển sinh, nâng cao chất lượng đầu vào...

Với chủ đề của Hội thảo, nhiều nhà khoa học cho rằng đây là vấn đề khó và luôn có tính thời sự. Nhưng càng khó thì càng cần phải làm bởi thực tiễn ngày càng đòi hỏi cao hơn, bởi khoa học luôn phát triển, vận động không ngừng và là con đường đầy cam go, thách thức. Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, Hội thảo đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo sau Đại học ngành Văn hoá Nghệ thuật thực sự là rất cần thiết, là cơ hội để những người quản lý giáo dục cũng như giảng viên các trường Đại học trên cả nước, tại nhiều lĩnh vực khác nhau trao đổi, học tập kinh nghiệm và tìm ra những giải pháp hữu ích để công tác giáo dục - đào tạo đạt được những bước tiến vững chắc.

Thịnh Hường

Ảnh trong bài
  • Hội thảo nâng cao chất lượng đào tạo sau Đại học ngành Văn hoá Nghệ thuật