Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Nhìn chung, các quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội được ban hành lần này không có nhiều thay đổi so với trước đây nhưng có một số nội dung về điều kiện thành lập hội như số lượng thành viên ban vận động thành lập hội; số hội viên đăng ký ban đầu để thành lập hội được quy định cụ thể trong Nghị định thay vì giao Bộ Nội vụ có thông tư hướng dẫn như trước đây.
Điểm mới của Nghị định này là Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thể ủy quyền để Chủ tịch UBND cấp huyện cho phép thành lập, chia, tách... đối với hội có phạm vi hoạt động trong xã theo tình hình thực tế ở địa phương. Về quyền của hội, ngoài các quyền cơ bản đã được quy định trước đây, Nghị định còn quy định các tổ chức hội được tham gia các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu và giám định xã hội theo đề nghị của cơ quan nhà nước; được cung cấp dịch vụ công về các vấn đề thuộc lĩnh vực hoạt động của hội; tổ chức dạy nghề, truyền nghề; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng; tổ chức các hoạt động dịch vụ khác theo quy định của pháp luật và được cấp chứng chỉ hành.
Đặc biệt, Nghị định lần này đã dành một chương mới quy định áp dụng đối với các hội có tính chất đặc thù. Theo đó, các tổ chức hội có tính chất đặc thù do Thủ tướng Chính phủ quy định; có quyền tham gia với các Bộ, cơ quan ngang Bộ xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về lĩnh vực hoạt động của hội; tham gia thực hiện một số hoạt động quản lý nhà nước, dịch vụ công thuộc lĩnh vực hoạt động của hội...và phải tập hợp các chuyên gia đầu ngành, các chuyên gia giỏi ở các hội thành viên và các tổ chức có liên quan để thực hiện nhiệm vụ được giao, thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
Đồng thời Nghị định quy định rõ về chính sách của nhà nước đối với các hội có tính chất đặc thù là các hội này được cấp kinh phí hoạt động theo biên chế được giao; bảo đảm kinh phí để thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao và hỗ trợ cơ sở vật chất và phương tiện hoạt động; được khuyến khích, tạo điều kiện tham gia thực hiện một số hoạt động quản lý nhà nước, các dịch vụ công; thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội; thực hiện các chương trình, đề tài, dự án.
Có thể thấy rằng, việc Nghị định mới ra đời với quy định riêng về những hội có tính chất đặc thù có một ý nghĩa hết sức quan trọng đối với ngành TDTT trong tiến trình chuyển giao các hoạt động tác nghiệp cho các liên đoàn, hiệp hội thể thao. Theo thống kê hiện nay cả nước có trên 20 liên đoàn, hiệp hội thể thao cấp quốc gia, 222 liên đoàn, hiệp hội thể thao địa phương (số liệu của 38/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương). Nhìn chung các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia đã có những đóng góp nhất định trong tổ chức các hoạt động thi đấu thể thao, đào tạo tập huấn VĐV, vận động tài trợ…Song, tổ chức hoạt động còn lỏng lẻo, chưa phát huy tốt vai trò, vị trí là một tổ chức xã hội- nghề nghiệp về thể thao tự chủ, tự chịu trách nhiệm, còn nặng tư tưởng ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, chưa thích ứng với sự phát triển của xã hội. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do hệ thống thể chế quản lý TDTT theo hướng tăng cường trách nhiệm, tự chủ và cụ thể hoá các chính sách của nhà nước đối với các liên đoàn, hiệp hội thể thao chưa rõ ràng và đầy đủ, Luật thể dục, thể thao đã có quy định song còn rất chung, thiếu hướng dẫn chi tiết.
Chính vì vậy, Nghị định 45/2010/NĐ-CP ra đời với một chương riêng về các hội có tính chất đặc thù (trong đó chắc chắc bao gồm các tổ chức xã hội -nghề nghiệp về thể thao) sẽ góp phần quan trọng vào việc tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy quá trình chuyển giao các hoạt động tác nghiệp cho các liên đoàn, hiệp hội thể thao, phát huy tính chủ động, sáng tạo của một tổ chức xã hội.
Lê Thanh Liêm