Một số vấn đề về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng ngành TDTT giai đoạn hiện nay (tiếp)

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự ủng hộ của nhân dân, những năm qua sự nghiệp TDTT không ngừng phát triển nhưng cũng có một bộ phận VĐV, HLV, trọng tài, cán bộ TDTT có biểu hiện sa sút về phẩm chất chính trị, đạo đức, có những hành vi tiêu cực. Do vậy, việc tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng ngành TDTT nhằm nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ văn hóa cho cán bộ, HLV, VĐV và trọng tài đã và đang là một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với các nhà lãnh đạo, quản lý ngành TDTT.

Nhiệm vụ công tác giáo dục chính trị, tư tưởng ngành thể dục thể thao

Trong tình hình hiện nay, công tác giáo dục chính trị tư tưởng ngành TDTT cần tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu. Tăng cường công tác giáo dục, nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng, thống nhất nhận thức và hành động, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của ngành được coi là nhiệm vụ tiên quyết. Bởi nâng cao trình độ nhận thức về chính trị, tư tưởng cho cán bộ, VĐV, HLV, trọng tài ngành TDTT là nhiệm vụ quan trọng nhằm tạo sự nhất trí cao về chính trị, tư tưởng, mục tiêu làm cơ sở cho sự đoàn kết, thống nhất hành động. Nội dung chính trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng ngành TDTT hiện nay là: Giáo dục đường lối, quan điểm Nghị quyết Đại hội Đảng X và các văn kiện của Đảng về thể dục thể thao; tư tưởng Hồ Chí Minh về thể dục thể thao; Quán triệt nội dung các chủ trương, chính sách của Nhà nước về thể dục thể thao đựơc thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật thể dục, thể thao, các văn bản hướng dẫn... Giáo dục, nâng cao nhận thức về thời cơ và thách thức của đất nước, của ngành thể dục thể thao trong bối cảnh toàn cầu hoá; Giáo dục tinh thần đoàn kết dân tộc, tinh thần tương thân tương ái, giữ gìn truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc; Giáo dục truyền thống của đơn vị thể dục thể thao nơi các VĐV, HLV đang tập luyện, thi đấu...

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng ngành TDTT phải góp phần tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn ngành đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của toàn ngành cũng như từng cơ quan, đơn vị.

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng phải góp phần động viên cán bộ, VĐV, HLV đoàn kết thống nhất, phát huy truyền thống, khắc phục khó khăn, huy động mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển sự nghiệp TDTT, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần, hưởng thụ các giá trị của TDTT cho nhân dân.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng đồng thời phải góp phần giải đáp kịp thời những vướng mắc về quan điểm nhận thức, về định hướng xây dựng và phát triển ngành, về thực hiện các chủ trương, chính sách đối với các VĐV, HLV thể thao, cũng như đối với mọi công dân về quyền được hưởng thụ các giá trị của TDTT.

Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho VĐV, HLV, cán bộ ngành TDTT là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Trong thời gian tới, cần triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc hơn nữa cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn ngành; nói đi đôi với làm, nêu gương người tốt việc tốt, phê phán những việc làm sai trái, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, trái với đạo đức xã hội... Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, đấu tranh chống mọi biểu hiện tiêu cực trong hoạt động TDTT.

Để thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng ngành TDTT cần có một số vấn đề cơ bản về nghiệp vụ công tác giáo dục chính trị tư tưởng ngành thể dục thể thao. Đó là xây dựng và tổ chức lực lượng làm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Để làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng thì trước hết cấp uỷ và lãnh đạo các cấp ngành TDTT phải chủ động, tích cực làm công tác này, đồng thời huy động toàn ngành triển khai thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ với lực lượng nòng cốt là các cán bộ chuyên trách và sự phối hợp của các đoàn thể quần chúng.

Các cơ sở đào tạo VĐV ở các tỉnh, thành, ngành, các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, các trường Đại học, Cao đẳng TDTT thành lập bộ phận hoặc cử cán bộ chuyên trách làm công tác chính trị tư tưởng, xây dựng chương trình, nội dung sinh hoạt văn hóa, tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật giáo dục ứng xử cho HLV, VĐV để họ phát huy được tính tích cực, tự giác, tự quản trong việc tập luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cũng như­ các kiến thức chuyên môn khác. Cần bố trí kinh phí hợp lý đế tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền và giáo dục chính trị tư tưởng. Trong kế hoạch đào tạo huấn luyện các đội tuyển, nhất thiết phải có nội dung giáo dục công dân, giáo dục chính trị.

Để tiến hành công tác giáo dục chính trị, tư tưởng ngành thể dục thể thao, cần chú trọng sử dụng một số phương pháp công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cơ bản như: Phương pháp Nêu gương, là phương pháp được thực hiện bằng các việc nêu điển hình tốt để học tập và điển hình xấu để phê phán. Ở các đơn vị, địa phương, các tấm gương điển hình tiên tiến, sống động nhất quán giữa nói và làm có tác động giáo dục, thuyết phục trực tiếp và mạnh mẽ. Phương pháp Thuyết phục, người làm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng phải hiểu được các trạng thái tư tưởng, trình độ chính trị, trình độ và đặc điểm nhận thức của đối tượng giáo dục, từ đó lựa chọn nội dung lý luận và thực tế phù hợp để thuyết phục như vậy mới có thể đem lại tác dụng và hiệu quả. Phương pháp Dự báo, người làm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng phải chủ động dự kiến những xu hướng tư tưởng, nhận thức khác nhau có thể nảy sinh trong hoàn cảnh, trước những thực tế nhất định, từ đó có những nội dung, hình thức, biện pháp phù hợp để định hướng sự hình thành, phát triển tư tưởng đúng đắn, hạn chế, ngăn chặn, đẩy lùi tư tưởng sai trái, tiêu cực ngay từ lúc đầu. Với ý nghĩa đó, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng phải đi trước để định hướng, dẫn dắt tình cảm, nhận thức và hành động của đối tượng; tránh đi sau, đối phó một cách bị động.

Có thể đưa ra một số hình thức chủ yếu của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng ngành thể dục thể thao: Tiến hành công tác giáo dục chính trị, tư tưởng thông qua các cuộc sinh hoạt đảng, sinh hoạt các tổ chức, đoàn thể quần chúng; Tổ chức định kỳ các hoạt động thông tin thời sự về tình hình trong nước và quốc tế, tình hình chung về ngành thể dục thể thao; Sử dụng hệ thống các phương tiên thông tin đại chúng, các thiết chế văn hoá như thư viện, sách, báo…để làm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; Thông qua các hoạt động tập thể, các sinh hoạt cộng đồng để tiến hành công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; Tổ chức tốt các cuộc vận động, sinh hoạt văn hoá văn nghệ, TDTT, vui chơi giải trí để vận động đối tượng giáo dục xây dựng đời sống văn hoá, tạo không khí vui tươi phấn khởi, lành mạnh; Lồng ghép các nội dung giáo dục chính trị tư tưởng vào kế hoạch tập huấn, thi đấu TDTT.

 Một số giải pháp tăng cường và nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng ngành thể dục thể thao giai đoạn hiện nay

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, vai trò của lãnh đạo các cấp để đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong tình hình mới. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của cấp uỷ, chính quyền thông qua việc xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Định kỳ cấp uỷ, lãnh đạo các đơn vị, địa phương tổ chức nghe ý kiến phản ảnh của vận động viên, huấn luyện viên, cán bộ, nhân viên . Trên cơ sở đó nhận định, đánh giá tình hình tư tưởng và có chủ trương, biện pháp lãnh đạo cụ thể.

Xây dựng môi trường s­ư phạm lành mạnh để rèn luyện vận động viên. Chấn chỉnh lại một số nghi thức mang tính giáo dục trong các hoạt động và thi đấu thế thao như­: treo quốc kỳ, chào cờ, hát quốc ca. Từng bước có những quy định bắt buộc mang tính giáo dục và tự giáo dục trong các hoạt động và thi đấu thế thao trong và ngoài nước. Thường xuyên tổ chức các phong trào thi đua, kịp thời tuyên dư­ơng, khen thưởng những tấm g­ương tốt. C­ương quyết kỷ luật đối với những đối tượng vi phạm quy chế, nội quy của đơn vị. Phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật kịp thời phát hiện và xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm.

Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của các đoàn thể, các tổ chức xã hội trong ngành, xây dựng Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh luôn là lực lượng nòng cốt trong phong trào dạy tốt, tập luyện tốt, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, xây dựng các trung tâm, cơ sở đào tạo vận động viên văn minh, sạch, đẹp. Phấn đấu có nhiều đoàn viên ­ưu tú là các vận động viên, huấn luyện viên được kết nạp vào Đảng.

Mở rộng và tạo điều kiện tốt nhất cho VĐV học tập văn hóa, ngoại ngữ, tin học theo các trình độ. Phải xem việc học tập văn hóa là nội dung bắt buộc trong việc đào tạo vận động viên các cấp.

Phối hợp tốt với các cơ quan truyền thông và cơ quan bảo vệ pháp luật để tuyên truyền và thực hiện nếp sống văn minh cho khán giả, cổ động viên tại các địa điểm tổ chức giải thi đấu thể thao.

Lê Thanh Liêm 

Ảnh trong bài
  • Một số vấn đề về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng ngành TDTT giai đoạn hiện nay (tiếp)