Vai trò của các Hội thể thao
Hội thể thao Đại học Việt Nam (nay là Hội thể thao Đại học và THCN Việt Nam) ra đời theo Quyết định số 230/BT của Hội đồng Bộ trưởng ngày 6/11/1982. Hội thể thao Đại học và THCN Việt Nam đã trở thành tổ chức thân thiết, là hạt nhân hoạch định, tổ chức các giải đấu thể thao trường học hàng năm, mang đến sân chơi lành mạnh cho sinh viên. Quyết định số 72/2008/QĐ-BGDDT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 23/11/2008 quy định: "Hội Thể thao Đại học và THCN Việt Nam và Hội Thể thao học sinh Việt Nam có trách nhiệm chủ trì và phối hợp tổ chức các hoạt động thể thao ngoại khoá... Chủ tịch Hội Thể thao Đại học và THCN Việt Nam, Hội Thể thao học sinh Việt Nam phê duyệt điều lệ các giải thể thao, đại hội thể thao toàn ngành."
Tương ứng với khối đại học, ở các trường phổ thông có Hội thể thao học sinh Việt Nam. Tuy chỉ mới thành lập từ tháng 6/2008 nhưng có thể nói sự ra đời của Hội Thể thao học sinh Việt Nam đã từng bước tạo ra một bước tiến mới cho thể thao học đường, đồng thời góp phần phát triển mạng lưới CLB TDTT ở các trường học. Nhiệm vụ của Hội là đa dạng hoá các hình thức tập luyện các môn thể thao trong nhà trường, tăng cường mối quan hệ chặt chẽ với các tổ chức kinh tế, xã hội, các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm tranh thủ sự hỗ trợ giúp đỡ về vật chất và tinh thần của các tổ chức này giúp Hội hoạt động có hiệu quả.
Đồng thời, Hội cũng tổ chức các trung tâm bồi dưỡng đào tạo VĐV thể thao trong học sinh tại các trường trên toàn quốc và các lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý về TDTT... mở rộng và tranh thủ quan hệ quốc tế, chuẩn bị tốt và tham gia các Đại hội thể thao, các giải vô địch do các tổ chức thể thao thế giới và khu vực tổ chức.
Ngoài ra, không thể không nhắc đến vai trò của các Hiệp hội, các Liên đoàn thể thao ở cơ sở từ phòng TDTT, Sở TDTT (nay là Sở VH,TT&DL) các cấp. Các tổ chức này góp phần đáng kể ở khâu công tác chuyên môn, trọng tài, tổ chức giải khi phối hợp cùng các bộ phận khác tiến hành công tác TDTT cho học sinh, sinh viên.
Phối hợp giữa các bộ phận, tổ chức nghề nghiệp thể thao và chính quyền các cấp. Hoạt động TDTT nói chung và TDTT trường học nói riêng không thể tiến hành riêng lẻ, mà phải có sự kết hợp đồng bộ giữa các ngành, cơ quan chức năng, giữa mọi tầng lớp trong xã hội. Chính vì thế, cần tạo mối liên kết đồng bộ để huy động nhiều nguồn đầu tư để phát triển công tác này.
Quyết định số 32/2003/QĐ-BGD&ĐT, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã vạch rõ: "Nhà trường - gia đình và xã hội phối hợp tổ chức tuyên truyền vận động mọi người có điều kiện tham gia tài trợ cho các hoạt động giáo dục học sinh, động viên phong trào học tập và khuyến khích học sinh phát triển tài năng TDTT, giúp nhà trường xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật cho các hoạt động dạy và học của trường, các hoạt động thi đấu TDTT của học sinh".
Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý thể thao, tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội sinh viên Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, các tổ chức khác trong nhà trường và gia đình (đối với học sinh phổ thông) để vận động, khuyến khích học sinh, sinh viên tích cực tham gia vào các hoạt động thể thao ngoại khoá.
Pháp lệnh TDTT tại Điều 19, đã phân định "Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Hội sinh viên, Hội cha mẹ học sinh trong trường học có trách nhiệm động viên, giúp đỡ người học tham gia các hoạt động thể dục, thể thao." Luật TDTT, tại Điều 26 cũng khẳng định "Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về thể thao có trách nhiệm phối hợp với nhà trường tổ chức các hoạt động thể thao ngoại khóa cho người học".
Để tạo mối liên kết và hoạt động hiệu quả về lĩnh vực TDTT trường học, Trung ương Đoàn TNCSHCM và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Nghị quyết Liên tịch về "Tăng cường công tác giáo dục toàn diện học sinh, sinh viên và xây dựng tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong Nhà trường giai đoạn 2008 - 2012". Trong đó có nội dung: "Tổ chức, hướng dẫn và vận động học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, TDTT. Định kỳ tổ chức các hội diễn, hội thi, các giải thi đấu ở cấp trường, cấp khu vực và toàn quốc..."
Sự phối hợp đồng bộ của mọi thành phần trong xã hội là điều rất cần thiết trong việc phát triển TDTT trường học.
Sự phối hợp giữa hai ngành Giáo dục và Đào tạo và ngành TDTT.
Bộ Giáo dục và Đào tạo và Uỷ ban TDTT (nay là Bộ VH,TT&DL) đóng vai trò quyết định trong việc phát triển TDTT trong nhà trường. Để việc hướng dẫn, quản lý, chỉ đạo phát triển TDTT trường học đường thuận lợi và đồng bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với ngành TDTT thống nhất đưa ra Thông tư liên tịch số 34/2005/TTLT/BGD&ĐT-UBTDTT. Trong đó, hai ngành đều xác định vai trò vị trí của TDTT trường học: "TDTT trường học là bộ phận đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao sức khoẻ và thể lực, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, ý chí, giáo dục nhân cách cho học sinh, sinh viên góp phần đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. TDTT trường học là môi trường thuận lợi và giàu tiềm năng để phát hiện và bồi dưỡng tài năng thể thao cho đất nước.
Hai ngành đã thể hiện quan điểm phối hợp qua việc đưa TDTT trường học lên tầm cao hơn, thu hút sự quan tâm cả toàn xã hội "Tăng cường sự phối hợp liên ngành Giáo dục và TDTT, đồng thời đẩy mạnh xã hội hoá và chuyên nghiệp hoá, tranh thủ các nguồn lực từ xã hội để xây dựng và phát triển TDTT trường học".
Hơn nữa, TDTT trường học còn hướng ra thế giới bên ngoài, trong xu thế hội nhập toàn cầu: "Tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về TDTT trường học, góp phần nâng cao vị thế của thể thao Việt Nam trong khu vực và thế giới". Hai ngành cũng đã thống nhất phối hợp quản lý, chỉ đạo toàn diện qua 5 nội dung để phát triển TDTT trường học: GDTC chính khoá - TDTT ngoại khoá - Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, giảng viên TDTT và nghiên cứu khoa học GDTC - Hợp tác quốc tế của TDTT trường học - Các điều kiện đảm bảo cho TDTT trường học.
Phát triển TDTT trường học là việc làm rất quan trọng, cấp thiết và đòi hỏi phải có sự quan tâm, phối hợp từ nhiều thành phần, nhiều cơ quan chức năng trong xã hội. Đảng và Nhà nước ta luôn có tầm nhìn đúng đắn và đã đưa ra rất nhiều hệ thống các văn bản quy định pháp luật về vấn đề này. Việc còn lại là công tác vận hành, áp dụng đưa tinh thần chỉ đạo của các hệ thống văn bản đó vào thực thực tiễn.
Đỗ Vĩnh - Đức Thành