TTNKT Việt Nam tham dự Paralympic hy vọng giành thành tích cao

Chỉ còn vài ngày nữa Đại hội thể thao lớn nhất thế giới dành cho Người khuyết tật sẽ chính thức khởi tranh. Đoàn TTNKT Việt Nam đã lên đường sang Bắc Kinh tham dự sự kiện này. Để tìm hiểu về quá trình chuẩn bị cũng như những những mục tiêu mà đoàn TTNKT Việt Nam hướng tới tại Paralympic Bắc Kinh 2008, Phóng viên trang tin điện tử Thể dục, Thể thao Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với ông Vũ Thế Phiệt - Phó Chủ tịch kiêm TTK Hiệp hội thể thao Người khuyết tật Việt Nam, trưởng đoàn TTNKT tham dự Paralympic.

Ông Vũ Thế Phiệt - Phó Chủ tịch kiêm TTK
Hiệp hội thể thao người khuyết tật Việt Nam

Chỉ còn vài ngày nữa Đại hội thể thao lớn nhất thế giới dành cho Người khuyết tật sẽ chính thức khởi tranh. Đoàn TTNKT Việt Nam đã lên đường sang Bắc Kinh tham dự sự kiện này. Để tìm hiểu về quá trình chuẩn bị cũng như những những mục tiêu mà đoàn TTNKT Việt Nam hướng tới tại Paralympic Bắc Kinh 2008, Phóng viên trang tin điện tử Thể dục, Thể thao Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với ông Vũ Thế Phiệt - Phó Chủ tịch kiêm TTK Hiệp hội thể thao Người khuyết tật Việt Nam, trưởng đoàn TTNKT tham dự Paralympic.

*Với tư cách là trưởng đoàn, xin ông cho biết vài nét về công tác chuẩn bị của đoàn TTNKT Việt Nam tham dự sự kiện Thể thao lớn này?

Tính đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho đoàn TTNKT tham dự Paralympic về mọi phương diện đã hoàn tất, từ công tác huấn luyện cho các VĐV đến các thủ tục hành chính khác. Chúng tôi đã sẵn sàng cho TVH này, vẫn biết rằng để đạt được thành tích cao và giành được huy chương giá trị là không phải dễ dàng, song các VĐV của chúng ta đều tỏ rõ quyết tâm thi đấu hết khả năng của mình để đạt được thành tích tốt nhất. Thi đấu với tinh thần "hết mình để vượt lên chính mình" là khẩu hiệu mà các VĐV luôn tâm niệm khi tham dự Paralympic lần này.

*Hiện tại TTNKT ở Việt Nam có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?

Phong trào rèn luyện thân thể, tập luyện TDTT của Người khuyết tật ở Việt Nam đã có từ rất lâu (hơn 20 năm) và nó đã được phổ cập ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đây chính là một lợi thế lớn nhất của TTNKT Việt Nam. Thêm nữa, nhờ sự quan tâm của ngành TDTT tới hoạt động TDTT dành cho Người khuyết tật nên phong trào ngày càng phát triển. Tuy nhiên, vẫn không tránh khỏi những khó khăn do hệ thống cơ sở vật chất dành cho VĐV khuyết tật còn nhiều thiếu thốn. Về công tác huấn luyện cũng có những thuận lợi, nhiều HLV được đào tạo bài bản ở nước ngoài - những nơi có nền thể thao phát triển, nhưng theo tôi ngành TDTT nên tạo cơ hội cho họ để có thể làm việc lâu dài và cần có một chính sách đãi ngộ sao cho hợp lý. Bởi hiện tại đa số các HLV huấn luyện cho VĐV khuyết tật đều tham gia với tinh thần tự nguyện và không được hưởng lương chính thức. Để phát triển TTNKT, hơn bao giờ hết ngành TDTT và các ngành có liên quan cần phải có sự đầu tư hơn nữa và có những đãi ngộ phù hợp với đội ngũ HLV, VĐV... Có như vậy TTNKT nói riêng và TTVN nói chung mới bay cao, bay xa hơn.
Đoàn TTNKT VN tham dự Paralympic với quyết tâm cao

*Ông đánh giá thế nào về các môn thế mạnh của Việt Nam tại Paralympic - Bắc Kinh 2008?

Trong các môn thể thao mà Việt Nam tham dự, chỉ có Cử tạ và Điền kinh là 2 môn tương đối mạnh của Việt Nam và minh chứng là các VĐV Việt Nam đã được Uỷ ban Paralympic thế giới lựa chọn. Để có mặt ở đấu trường lớn này không phải cứ đăng ký tham dự là được mà các VĐV phải qua những quá trình tuyển chọn, đảm bảo các tiêu chuẩn do Uỷ ban Paralympic thế giới đưa ra.

Môn Cử tạ có VĐV Lê Văn Công ở hạng cân 48kg của nam đã đạt HCV Châu Á, phá kỷ lục Đông Nam Á. Hiện nay trong bảng tổng sắp thứ hạng của thế giới, VĐV Lê Văn Công chỉ đứng sau một VĐV người Trung Quốc đạt thành tích 167kg và thành tích của Công là 155kg. Nếu như có một sự bất ngờ trong thi đấu, tâm lý ổn định, sự hưng phấn hay gặp yếu tố may mắn khác mà VĐV Lê Văn Công vượt qua được mức tạ 160 kg thì Việt Nam sẽ có nhiều hy vọng về huy chương.

Nguyễn Thị Hải là VĐV Điền kinh đã từng đoạt chức Vô địch Châu Á, tại Paralympic này Hải sẽ tham dự 2 nội dung: Ném lao và Đẩy tạ. Giả sử như trong bảng xếp hạng thương tật mà số VĐV tham dự không nhiều thì Hải cũng sẽ có nhiều cơ hội để giành huy chương. VĐV thứ 3 chúng tôi muốn nhắc tới đó chính là Triệu Thị Nhỏi ở môn Judo nữ. Nhỏi đã đạt HCB Châu Á, do vậy cũng sẽ có nhiều hy vọng để đạt huy chương tại Paralympic lần này. Đây cũng là cơ hội đầu tiên cho các VĐV có thành tích cao tại một đấu trường lớn mang tầm cỡ thế giới.

*Vậy mục đích của TTNKT Việt Nam tại Paralympic lần này là gì, thưa ông?

Như đã nói ở trên, một số VĐV Việt Nam có khả năng dành thành tích cao, nhưng chúng tôi không đặt mục tiêu giành huy chương nhằm tạo cho các VĐV có được sự thoải mái về tâm lý. Mục đích chính của TTNKT Việt Nam tham dự Paralympic Bắc Kinh 2008 chính là tinh thần học hỏi, giao lưu với nền thể thao của các quốc gia trên thế giới. Sự xuất hiện của TTNKT Việt Nam trên đấu trường thế giới cũng đã là một thành công. Tham dự Paralympic chúng tôi mang theo sự quyết tâm và niềm tin chiến thắng. Bằng sự nỗ lực thi đấu hết mình của các VĐV, hy vọng rằng cờ Tổ quốc Việt Nam sẽ luôn được sướng lên và bay cao trên bầu trời Bắc Kinh.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này và xin chúc đoàn TTVN tham dự Paralympic sẽ giành thành tích cao tại TVV lần này!

NPV Vân Anh thực hiện


 

Ảnh trong bài
  • TTNKT Việt Nam tham dự Paralympic hy vọng giành thành tích cao