Thể thao và du lịch: động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - văn hoá – xã hội

Xu hướng đi du lịch hiện nay không chỉ dừng lại ở loại hình du lịch nghỉ dưỡng, tham quan danh lam thắng cảnh mà xu thế hiện nay khách du lịch còn lựa chọn rất nhiều loại hình du lịch như: du lịch văn hoá (du lịch kết hợp tham dự các lễ hội truyền thống, Festival…) hay du lịch thương mại (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, hội chợ - triển lãm…) và đặc biệt là loại hình du lịch thể thao...

Phần I: Từ thực trạng tại Việt Nam

Hiện nay, trên thế giới, du lịch đang phát triển với tốc độ cao, số lượng khách du lịch không ngừng tăng lên. Theo tổ chức du lịch thế giới, năm 1999 có khoảng 630 triệu lượt khách đi du lịch trên toàn thế giới thì đến nay con số này đạt khoảng 900 triệu, ước tính vào năm 2010 có khoảng 1 tỷ lượt người và đến năm 2020 có thể đạt gần 1,6 tỷ lượt người. 

Xu hướng đi du lịch hiện nay không chỉ dừng lại ở loại hình du lịch nghỉ dưỡng, tham quan danh lam thắng cảnh mà xu thế hiện nay khách du lịch còn lựa chọn rất nhiều loại hình du lịch như: du lịch văn hoá (du lịch kết hợp tham dự các lễ hội truyền thống, Festival…) hay du lịch thương mại (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, hội chợ - triển lãm…) và đặc biệt là loại hình du lịch thể thao. Bản thân các sự kiện thể thao chuyên nghiệp thư Thế vận hội Olympic, các giải Bóng đá Worlcup, Euro, SEA Games, các giải đua môtô, ôtô, Quần vợt… hay hoạt động thể thao nghiệp dư, giải trí, giao lưu đã trở thành các điểm đến đầy sôi động và hấp dẫn khách du lịch.

Đơn cử như nước đồng tổ chức Euro 2008, Áo đã đón khoảng 1,5 – 2 triệu du khách, tương đương với ¼ dân số nước này, nhưng con số nhỏ đó không thấm vào đâu so với 15 tỷ lượt khán giả theo dõi các trận đấu Bóng đá quan màn ảnh, chứng kiến sân cỏ thành nơi phô trương sức mạnh thể lực của các cầu thủ cũng như bản sắc văn hoá. Olympic Bắc Kinh 2008 cũng đạt những con số ấn tượng với khoảng 1,2 – 1,5 triệu khách du lịch. Nguồn thu từ sự đón tiếp, phục vụ ăn nghỉ, tham quan, vé xem của các trận đấu cũng như bản quyền truyền hình… của lượng khách này là con số khổng lồ. Chỉ trong 3 tuần Euro 2008, doanh số của UEFA lớn đến 2,04 tỷ USD. Tổn phí để Trung Quốc đăng cai Olympic và Paralympic 2008 là 2,8 tỉ USD và doanh thu chủ yếu từ việc bán bản quyền truyền hình, bảo trợ, bán các mặt hàng và bán vé đạt gần 3 tỷ USD. Ngoài ra, nước chủ nhà hay nói cụ thể hơn là các ngành thể thao, giao thông, viễn thông, du lịch … sau những sự kiện thể thao sẽ được thừa hưởng một hệ thống cơ sở hạ tầng có quy mô lớn, hiện đại, như các sân vận động, các khu liên hợp thể thao, hệ thống đường giao thông, hệ thống cơ sở vật chất, khách sạn, nhà hàng, khu du lịch…

Bên cạnh nhiều lợi ích từ việc đăng cai một sự kiện thể thao tầm cỡ, nước chủ nhà còn có những cơ hội lớn để phát triển kinh tế trong tương lai. Đó là cơ hội để quảng bá hình ảnh của đất nước, con người, truyền thống văn hoá, tạo cầu nối cho sự hiểu biết rộng lớn về các nền văn hóa, thúc đẩy quan hệ hợp tác, hoà bình, thiện chí. Kết thúc mùa Euro 2008, Bà Renate Brauner – thành viên Uỷ ban kinh tế và tài chính thành phố Vienna cho biết “ Vienna chưa bao giờ được quảng bá trên truyền thông một cách rộng rãi như vậy. Ngoài Bóng đá, các vấn đề liên quan tới thành phố đồng đăng cai là đích đến tuyệt vời cho giới truyền thông. Điều này là sự giúp đỡ không thể tốt hơn cho chiến dịch du lịch của thành phố”. 

Nắm bắt được xu hướng và thế mạnh của thể thao – du lịch đối với nền kinh tế của đất nước, trong những năm gần đây, Việt Nam đã rất tích cực đăng cai các sự kiện thể thao quốc tế, khu vực và tổ chức các sự kiện thể thao trong nước một cách thường niên. Nhiều giải thi đấu quy mô lớn như SEA Games 22, Paragame, các giải Bóng đá, Quần vợt, Cầu lông, Bóng bàn, Bóng chuyền.. của khu vực, châu Á và trong nước đã thu hút một khối lượng lớn khách du lịch tham gia. SEA Games 22 đã thu hút lượng du khách đến Việt Nam trong thời điểm này lên đến 20.000 người. Với Việt Nam, “SEA Games 22 không chỉ là một sự kiện thể thao mà còn là một thử thách, một sự giới thiệu mình với thế giới.” Việc đầu tư cho SEA Games theo bà Tôn Nữ Thị Ninh – nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại Quốc hội Việt Nam cho rằng: “đây là khoản đầu tư cho tương lai hơn là cho một sự kiện chỉ xảy ra một lần. Việc này sẽ đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Việt Nam là một nơi an toàn, hiếu khách”.

Qua đó có thể khẳng định rằng những sự kiện thể thao thực sự là điểm đến hấp dẫn đầy sôi động đối với khách du lịch. Cũng chính sự tham gia nhiệt tình của những vị khách này đã tạo điều kiện để phát triển kinh tế cho nước chủ nhà khi đăng cai, trong đó nguồn lợi nhuận chính thu được, dù dưới nhiều hình thức nhưng phần lớn là từ những vị khách đam mê du lịch, thể thao. Và bản thân những người làm du lịch cũng đã tích cực tham gia đón tiếp, phục vụ góp phần cùng với thể thao và các ngành hữu quan tổ chức thành công các giải đấu lớn này. Mặt khác, du lịch cũng đã chủ động tổ chức, đầu tư, đa dạng hoá các loại hình du lịch, đặc biệt khai thác có hiệu quả và triệt để loại hình du lịch - thể thao, như đầu tư xây dựng sân Golf gắn liền với các khu du lịch nghỉ dưỡng, sân Tennis; tổ chức các giải Bóng chuyền bãi biển, tổ chức Đua thuyền, Lướt sóng, Lặn, Leo núi… 

Doãn Văn Phú (Sở VH,TT&DL Thanh Hoá)

Ảnh trong bài
  • Thể thao và du lịch: động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - văn hoá – xã hội