Quản lý nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho TDTT (tiếp)

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho TDTT mang tính đặc thù của hoạt động thể thao là nhằm điều khiển sự phát triển thể chất nâng cao sức khoẻ của con ngưòi, tác động giáo dục nâng cao khả năng thành tích tối đa của con người nên đòi hỏi phải dựa trên cơ sở khoa học của nhiều chuyên ngành khác nhau về con người như y sinh học, tâm lý học, đạo đức học, xã hội học...

Do đó, để đào tạo được nguồn nhân lực TDTT có chất lượng trước hết phải đào tạo, bồi dưỡng được đội ngũ cán bộ giảng viên có trình độ cao thuộc nhiều lĩnh vực làm nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu trọng điểm của nhà nước, nơi đào tạo ra đội ngũ cán bộ quản lý, huấn luyện viên, giáo viên, giảng viên, bác sỹ thể thao có trình độ chuyên môn giỏi. Nhà nước ban hành chính sách đào tạo bồi dưỡng và thu hút các nhà khoa học đầu ngành về làm việc tại các cơ sở đào tạo này.      

Chính sách đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực luôn luôn gắn kết không thể tách rời với chính sách sử dụng cán bộ, lao động hợp lý, đãi ngộ và trả công tương xứng cho từng vị trí công việc được đảm trách. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho TDTT, đồng thời chỉ đạo các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp thể dục, thể thao.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng nhân lực cho thể dục, thể thao nêu trên, cơ quan quản lý nhà nước về TDTT ở trung ương có trách nhiệm phối hợp với các bộ ngành có liên quan như: Bộ Giáo dục và đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Quân đội, Công an, Kế hoạch đầu tư, Tài chính… giúp Chính phủ xây dựng quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo cán bộ, huấn luyện viên, giáo viên giáo dục thể chất trong cả nước, quản lý thống nhất chương trình khung đào tạo cán bộ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ về thể thao ở các cấp độ khác nhau đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động trong các cơ sở thể thao.

Nghiên cứu ban hành chính sách khuyến khích các cơ sở đào tạo ngoài công lập đào tạo nhân lực cho thể thao trên cơ sở thực hiện quy hoạch chung thống nhất.

Liên doanh liên kết với các cơ sở đào tạo cán bộ thể thao nước ngoài để hợp tác đào tạo cán bộ khoa học nhất là ở các lĩnh vực mà Việt Nam còn thiếu hoặc còn yếu.

Cơ quan quản lý nhà nước về TDTT chỉ đạo và phối hợp với các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp về thể thao mà trước hết và chủ yếu là với Uỷ ban Olympic Việt Nam và các Liên đoàn thể thao quốc gia tổ chức đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý thể thao, kinh doanh hoạt động thể thao, huấn luyện viên, hướng dẫn viên, kỹ thuật viên chăm sóc sức khoẻ phục hồi chức năng, cứu hộ, cứu đuối và các loại nhân viên phục vụ khác. Việc chỉ đạo và kết hợp với các tổ chức xã hội và các cơ sở đào tạo ngoài công lập nhằm thực hiện chính sách xã hội hoá trong đào tạo bồi dưỡng nhân lực có trình độ đủ tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu của công tác thể thao phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội ở từng vùng, miền và từng đối tượng khác nhau.  

Ảnh trong bài
  • Quản lý nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho TDTT (tiếp)