Còn mãi âm vang sông Hồng

Ngày hội VH,TT&DL các tỉnh, thành đồng bằng sông Hồng lần thứ I diễn ra thành công và đề lại nhiều ấn tượng đẹp với các đoàn tham dự. Ngày hội đã hội tụ và tôn vinh, giữ gìn bản sắc văn hoá quý báu của dân tộc, nhằm đánh thức tiềm năng kinh tế, tiềm thức, ý chí kiên cường và lòng thuỷ chung, bao dung của mỗi vùng quê. Đồng thời, để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội lâu dài của mảnh đất vùng Sông Hồng. Nhân dịp này chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Bùi Công Phượng - Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Thái Bình.

Ông Bùi Công Phượng Giám đốc
Sở VH, TT&DL tỉnh Thái Bình (Ảnh: CTV)
Xin ông cho biết ý nghĩa của Ngày hội VH,TT&DL tỉnh, thành đồng bằng Sông Hồng lần thứ I được tổ chức tại Thái Bình lần này có ý nghĩa như thế nào?

Sự kiện này được diễn ra tại Thái Bình có một ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi trên đất nước Việt Nam có các khu vực như đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, miền núi phía Bắc... Có những vùng đã được tổ chức rất nhiều lần, nhưng riêng vùng đồng bằng sông Hồng thì đây là lần đầu tiên được tổ chức Ngày hội VH,TT&DL. Đây là vùng đất có ý nghĩa lịch sử lớn lao, nó là cái nôi từ thủa dựng nước và giữ nước của thời Trần, Lê, Lý. Về lĩnh vực Văn hoá, đây là vùng đất được gắn liền với nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử quốc gia được người dân cả nước và quốc tế biết đến như: Đền Đinh Lê, Côn Sơn Kiếp Bạc, Đền Trần... đây là những điểm truyền thống văn hoá đã tạo ra tiền đề phát triển sau này.

Về lĩnh vực TDTT thì nó cũng là cái nôi, có lẽ cùng với các tỉnh, thành đứng đầu trong toàn quốc như: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương... Thái Bình là những tỉnh thường đứng trong tốp đầu trong Đại hội TDTT toàn quốc và cũng là nơi cung cấp nhiều VĐV cho đội tuyển quốc gia để tham dự SEA Games, các giải Châu Á, quốc tế... mang về nhiều huy chương. Chính vì vậy, Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành đồng bằng sông Hồng lần thứ I được tổ chức tại Thái Bình có ý nghĩa rất quan trọng và càng ý nghĩa hơn khi được tổ chức tại một vùng có dấu ấn về lịch sử, có dấu ấn về văn hoá có dấu ấn về thể thao và cũng là vùng được nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế biết đến nhiều.

Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL đi thăm các gian hàng của Hội chợ
ẩm thực tại Ngày hội (Ảnh: N. H)

Qua việc tổ chức Ngày hội lần này sẽ là dịp tốt để Thái Bình giới thiệu đến nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế hiểu biết sâu hơn đến Thái Bình nói riêng và vùng đồng bằng sông Hồng nói chung. Bên cạnh đó, Ngày hội càng thêm ý nghĩa chính trị sâu sắc khi Bộ VH,TT&DL tổ chức chỉ đạo tuyên truyền Nghị quyết TW 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại Ngày hội - đây là nội dung mà Đảng và Nhà nước ta chỉ đạo trong suốt 2 năm qua; tổng kết 20 năm xây dựng làng văn hoá - là hoạt động mang tính chiều sâu và thực hiện nghị quyết TW 5 về "Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc".

Đây là sự kiện lần đầu tiên tổ chức, vậy Thái Bình đã gặp những thuận lợi và khó khăn gì thưa ông?

Lần đầu tiên Thái Bình tổ chức ngày hội VH,TT&DL các tỉnh đồng bằng Sông Hồng lần thứ I là một vinh dự song cũng là một trọng trách tương đối khó khăn để tổ chức thành công sự kiện này. Khó khăn đầu tiên phải nói đến đó là trong khoảng thời gian ngắn với hơn 2 tháng chuẩn bị, BTC phải tiến hành thực hiện một khối công việc lớn như: xây dựng kịch bản, cơ sở vật chất... Đặc biệt về địa điểm nơi ăn nghỉ cho các đoàn, khách về dự Ngày hội hết sức khó khăn (số lượng khách sạn ít mà lượng người về tham dự đông). Nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ VH,TT&DL, sự giúp đỡ của các đơn vị như Tổng cục TDTT, Tổng cục Du lịch các Cục, Vụ trực thuộc Bộ đã tạo điều kiện giúp đỡ về mọi mặt cả về vật chất lẫn tinh thần cùng với sự cố gắng rất cao của BTC địa phương đã đưa ra các chủ trương biện pháp tháo gỡ các khó khăn.

Ông Bùi Công Phượng - Giám đốc Sở VH,TT&DL Thái Bình tặng cờ
lưu niệm cho các đoàn có thành tích cao tại môn thi Bơi trải (Ảnh: N.H )

Cái được lớn nhất từ Ngày hội này đó chính là bạn bè trong khu vực được trao đổi về thông tin nghiệp vụ, triển lãm, các kinh nghiệm về việc tổ chức các sự kiện lớn. Qua đó, các địa phương giúp đỡ nhau nhằm phát triển sự nghiệp VH,TT&DL của khu vực ngày càng phát triển tốt hơn. Đồng thời, sự phối kết hợp từ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đến Sở VH,TT&DL tỉnh Thái Bình đã tạo thành một khối thống nhất, đoàn kết và khắc phục khó khăn để tạo ra đà phát triển trên cả 3 lĩnh vực VH,TT&DL, đưa Thái Bình có những bước tiến dài hơn trong sự nghiệp phát triển của toàn ngành.

Qua lần tổ chức này, ở góc độ người làm quản lý ông có đề nghị, kiến nghị gì với Bộ VH,TT&DL để các sự kiện sau diễn ra tại Thái Bình đạt hiệu quả cao hơn nữa?

Qua sự kiện này, cơ bản đã tạo ra một mối quan hệ không chỉ trong lĩnh vực VH,TT&DL giữa các tỉnh mà nó còn là mối quan hệ giữa các lãnh đạo tỉnh, thành thuộc đồng bằng sông Hồng thành một khối đoàn kết, hỗ trợ phát triển kinh tế của toàn vùng. Mỗi một địa phương có một thế mạnh nhất định nếu như chúng ta phát huy, hỗ trợ lẫn nhau thì phát triển mạnh hơn. Thông qua Ngày hội, chúng tôi mong muốn trong thời gian tới Bộ VH,TT&DL tiếp tục quan tâm hơn nữa đến Thái Bình nói riêng và các tỉnh đồng bằng Sông Hồng nói chung. Sự kiện này sẽ được tiếp tục tổ chức theo một chu kỳ đều đặn 2 năm 1 lần để các tỉnh có điều kiện trao đổi học tập lẫn nhau cũng như cùng phát triển kinh tế xã hội.

N. Hương

Ảnh trong bài
  • Còn mãi âm vang sông Hồng