PHẦN 2: Thực trạng và giải pháp phát triển nguồn lực của Thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp

Để triển khai thực hiện tốt Chiến lược Phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Chính phủ, Ngành TDTT cần đồng bộ rất nhiều giải pháp. Một trong các vấn đề quan trọng là phát triển nguồn lực cho thể thao thành tích cao. Trong khuôn khổ bài viết này, xin được trình bày quan điểm cá nhân trên cơ sở nghiên cứu từ thực tiễn về thực trạng, các vấn đề trọng yếu cần đặt ra và đề xuất các giải pháp trong lĩnh vực này.

Nguồn nhân lực về quản lý Thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp

Hiện nay các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia về cơ bản đã được hình thành về mặt tổ chức, song cơ chế hoạt động vẫn còn chưa hoàn thiện. Mặc dù các LĐ, HHTTQG là thành viên của Uỷ ban Olympic Việt Nam (VOC) nhưng chưa hoàn toàn độc lập về mặt nhân sự và tài chính với cơ quan quản lý nhà nước về TDTT.

Việc đào tạo nhân lực chất lượng cao là vấn đề thiết yếu

Theo số liệu thống kê, hiện nay có 41 LĐ, HH đang hoạt động và đều là thành viên của VOC. Trong Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 dự kiến sẽ phủ sóng toàn bộ các môn thể thao và 100% các tỉnh, thành phố có Hội thể thao cấp tỉnh, thành ở những môn thể thao có tổ chức giải thi đấu cấp tỉnh. Tuy nhiên, mới chỉ có một số môn như Bóng đá, Boxing, Muay, Kick Boxing, MMA, Mô tô, Bóng chuyền, Bóng rổ, Quần vợt, Cầu lông là tổ chức và hoạt động theo cơ chế chuyên nghiệp với các mức độ khác nhau.

Năng lực của lãnh đạo chủ chốt các tổ chức này như Chủ tịch, Tổng thư ký,,, ở một chừng mực nhất định còn hạn chế về năng lực chuyên môn; năng lực quản lý, điều hành một tổ chức xã hôi nghề nghiệp đặc thù như thể thao, đặc biệt trong môi trường hoạt động quốc tế. Hiện nay, Việt Nam đã có khoảng 50 người tham gia vào các vị trí lãnh đạo, điều hành của các tổ chức thể thao quốc tế (trong đó khoảng 20 người là cán bộ của LĐBĐVN). Mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu có khoảng 60 người tham gia vào các vị trí lãnh đạo, điều hành của các tổ chức này.

 Giải pháp để tổ chức thực hiện:

- Tiếp tục chuyển dần các môn TTTTC có điều kiện sang hoạt động theo cơ chế chuyên nghiệp. Khuyến khích các tổ chức cá nhân thành lập CLB thể thao chuyên nghiệp, đào tạo, huấn luyện và tổ chức thi đấu thể thao chuyên nghiệp. Nhân rộng mô hình hoạt động của các CLB Bóng đá, Bóng rổ, Bóng chuyền, Quần vợt, Golf chuyên nghiệp sang các môn thể thao có nhiều tiềm năng.

- Phát huy hơn nữa vai trò, năng lực của VOC, LĐ, HHTT trong sự nghiệp phát triển TTTTC và TTCN. Đẩy mạnh việc chuyển giao từng bước tiến tới chuyển giao toàn bộ hoạt động tác nghiệp cho các LĐ, HHTT ở Trung ương và các địa phương.

- Tăng cường vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về TDTT về mặt xây dựng hành lang pháp lý (Luật TDTT…) theo xu hướng xã hội hóa hoạt động điều hành của các LĐ, HHTTQG. Tiếp tục hoàn thiện, bổ sung hệ thống văn bản pháp quy để nâng cao tính nhà nghề của thể thao Việt Nam như các quy định về điều kiện hành nghề; quản lý, chuyển nhượng VĐV, HLV thể thao chuyên nghiệp; các quy định về bản quyền, sở hữu và khai thác thương quyền các giải thể thao chuyên nghiệp.

- Tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy của các LĐ, HHTTQG theo hướng tinh, gọn, trẻ hóa; có năng lực chuyên môn cao về tổ chức quản lý, điều hành nền thể thao chuyên nghiệp theo cơ chế thị trường định hướng XHCN; có năng lực kinh doanh trên cơ sở xây dựng các CLBTT thành các trung tâm kết nối các doanh nghiệp của địa phương thực hiện trách nhiệm an sinh xã hội…

- Tập trung bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng cao, có khả năng làm việc trong môi trường hội nhập quốc tế; chủ động đè cử, giới thiệu nhân sự tham gia vào các tổ chức thể thao quốc tế. Kết hợp với các tổ chức quốc tế về thể thao như IOC, AOC… hoặc các LĐBĐQT như FIFA, AFC… hoặc LĐTTQG của các nước có nền thể thao phát triển tổ chức các khóa đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn về quản lý thể thao trong môi trường chuyên nghiệp. Ngay từ những năm đầu của quá trình chuyển đổi sang phương thức tổ chức, quản lý và điều hành, LĐBĐVN với sự giúp đỡ của FIFA và AFC đã tổ chức nhiều khóa học về quản lý hành chính, quản trị cho cán bộ quản lý của LĐ và các CLB. Nguồn nhân lực được đào tạo đó đã phát huy tác dụng rất tốt trong quá trình chuyên nghiệp hóa bóng đá Việt Nam.

- Chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác quốc tế. Tham gia đầy đủ các diễn đàn đa phương, các tổ chức quốc tế và khu vực (các diễn đàn nghị trường, các kỳ đại hội thể thao quốc tế, các sự kiện thể thao đơn môn); chủ động đề xuất các sáng kiến và tích cực hưởng ứng các hoạt động chung về thể thao trong khối ASEAN với phương châm “thành viên có trách nhiệm” của cộng đồng quốc tế.

- Chủ động đăng cai các sự kiện thể thao quốc tế và khu vực, liên kết với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á trong việc đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế lớn như ASIAN Cup, World Cup. Chúng ta đã thu được rất nhiều kinh nghiệm quý báu, lợi ích kinh tế cũng như nâng cao được vị thế của thể thao và đất nước thông qua việc tổ chức các sự kiện Tiger Cúp (1998), Sea Games (2003), Asian Cup về Bóng đá (2007), Asian Indoor Games (2009)…

Nguồn nhân lực hoạt động trong TTTTC và TTCN (HLV, VĐV, bác sỹ…)

Lực lượng HLV và VĐV trình độ cao tầm cỡ châu lục và thế giới của thể thao Việt Nam còn quá mỏng. Điều này được thể hiện trong quy hoạch phát triển thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Phấn đấu có từ 18-25 VĐV vượt qua vòng loại và có huy chương tại Olympic 2024. Nhưng thực tế thể thao Việt Nam chỉ có 16 VĐV đủ tiêu chuẩn tham dự Olympic 2024, không giành được huy chương như chỉ tiêu đặt ra trước đó. Trong khi đó, các nước Đông Nam Á như Philippines, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia đều có từ 2 đến 3 huy chương, thậm chí có cả huy chương vàng.

 Để khắc phục tình trạng trên Cục TDTT đã đề xuất:

  “… - Tập trung đầu tư trọng điểm với suất đầu tư cao cho khoảng 30-50 VĐV có khả năng giành huy chương vàng ASIAD và huy chương Olympic với các giải pháp chủ đạo như tập huấn nước ngoài; ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại; bố trí HLV, chuyên gia nước ngoài có trình độ cao; tăng cường trang thiết bị đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế phục vụ cho công tác huấn luyện; áp dụng chế độ đặc biệt về dinh dưỡng, thuốc bổ trợ, chăm sóc y tế, đãi ngộ (lương, thưởng, phụ cấp).

- Triển khai kế hoạch trung hạn và dài hạn nhằm chuẩn bị lực lượng VĐV cho các kỳ ASIAD, Olympic và những sự kiện thể thao quốc tế quan trọng, với đối tượng tham gia đào tạo là các VĐV trẻ được đánh giá tiềm năng phát triển bằng các biện pháp khoa học; rà soát bổ sung, thay thế để duy trì lực lượng thường xuyên từ 100-200 VĐV được tập huấn tại cơ sở đào tạo chất lượng cao”.

- Phát triển nguồn nhân lực phải đi đôi với công tác đào tạo nghề (giáo dục tri thức nghề nghiệp) cho các VĐV trẻ để họ có đầy đủ hành trang hoạt động trong môi trường TTCN và giáo dục đạo đức lối sống mang bản sắc văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam. Đảm bảo sự thống nhất giữa giáo dục và giáo dưỡng (giáo dục nhân cách, giáo dưỡng tri thức) trong quá đào tạo.

- Trong quá trình đào tạo các tài năng thể thao trẻ cần được đảm bảo về điều kiện chăm sóc y tế, phục hồi chức năng. Có bảo hiểm y tế. Chế độ nuôi dưỡng khoa học đảm bảo tối thiểu 3500 Kcal- 5000 Kcal/ngày, tùy thuộc vào chu kỳ huấn luyện, độ tuổi đào tạo và môn thể thao chuyên sâu của VĐV.

Thể thao VN cần quan tâm tới cả phát triển nhân lực bác sĩ và nhân viên y tế thể thao

  Giải pháp để thực hiện:

- Để thực hiện được mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là các VĐV có trình độ châu lục và thế giới chúng ta cần phải có “Chương trình mục tiêu cho từng môn thể thao trọng điểm” có thời hạn kéo dài từ 10-12 năm tùy thuộc vào từng môn thể thao. Các chương trình đó phải liên tiếp kế tục nhau theo một chu kỳ nhất định (2-4 năm). Kinh nghiệm thực tiễn đã cho chúng ta thấy nhờ có lực lương VĐV được đào tạo có hệ thống và bài bản thông qua các “Chương trình mục tiêu” từ năm 1993 nên Việt Nam đã tổ chức thành công SEA Games 23 năm 2003 – nhất toàn đoàn với tổng số 158 HCV. Hiện nay lực lượng VĐV các môn thể thao trọng điểm nằm trong chương trình thi đấu ASIAD và Olympic rất mỏng.

- Đổi mới phương thức tuyển chọn đào tạo các tài năng thể thao trẻ để đào tạo chuyên sâu có ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình tuyển chọn và đào tạo các tài năng trẻ thể thao. Thực hiện bước chuyển quy trình đào tạo và quản lý đào tạo sang quản lý 4.0.

+ Khai thác nguồn lực khoa học, công nghệ nước ngoài nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ đặc biệt công nghệ cao trong đào tạo, huấn luyện TTTTC và TTCN; hình thành các cơ chế khuyến khích các tổ chức quốc tế, cá nhân nươc ngoài, người nước ngoài ở Việt Nam tham gia vào hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Liên kết hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và y học thể thao. Hiện nay các trường Đai học TDTT TP HCM và Đại học TDTT Bắc Ninh đã làm khá tốt công tác này.

+ Công nghệ sinh học để xác định các yếu tố di truyền các gen các năng lực vận động, hình thái, loại hình thần kinh, khí chất; độ di truyền của các tiêu chí sinh hóa  như: hàm lượng CP và ATP, Hemoglobin, Axít Lactic và hoạt tính của các men khử Axít Lactic, tỷ lệ sợi cơ trắng và đỏ hoặc nồng độ kích tố nam trong máu…

+ Công nghệ số như: trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối- blockchain, thực tế ảo (VA), thực tế tăng cường (AR). Chuyển đổi số trong đào tạo VĐV như: kiểm tra, giám định, đánh giá quá trình huấn luyện, tham gia thi đấu của VĐV…Thông qua hệ thống đánh giá quá trình tập luyện như các test sư phạm, tâm lý, chuyên môn đã được chuẩn hóa (định tính và định lượng); các tài liệu huấn luyện như: chương trình, kế hoạch huấn luyện, nhật ký huấn luyện của HLV, nhật ký tập luyện của VĐV, các yếu tố xác định thành tích và nhịp độ phát triển thành tích thể thao…

+ Công nghệ thông tin trong đào tạo VĐV. Xây dựng các cơ sở dữ liệu về VĐV thể thao quốc gia; xây dựng các module ứng dụng để đảm bảo huấn luyện đạt thành tích tối ưu và chuyên môn hóa các loại hình huấn luyện đặc biệt. Tăng cường ứng dụng công nghệ 3D, công nghệ giả lập thực tế ảo, trí tuệ thông minh…

- Đổi mới phương thức tuyển chon và đánh giá VĐV tham gia vào các đội tuyển quốc gia, các đội tuyển trẻ trên cơ sở áp dụng các phương pháp khoa học đánh giá năng lực của VĐV theo các tiêu chí đã được chuẩn hóa có định mức chặt chẽ.

 - Tạo bước đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và y học thể thao trong đào tạo VĐV; chuyển giao công nghệ y-sinh học tiên tiến của các nước có nền thể thao phát triển vào thực tiễn đào tạo VĐV. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng cao (Đề tài cấp nhà nước, cấp Bộ và cấp cơ sở). Hàng năm có trung bình khoảng 5-7 đề tài cấp Bộ tuy nhiên rất manh mún, không đồng bộ. Thí dụ, Bộ VHTTDL đã thông qua nhiệm vụ khoa học công nghệ cho ngành TDTT năm 2024-2025 5 đề tài trong đó có 2 đề tài “ Nghiên cứu xây dựng chế độ dinh dưỡng đặc thù cho VĐV nười khuyết tật và  xây dựng chế độ dinh dưỡng theo các giai đoạn huấn luyện cho VĐV Cử tạ đội tuyển quốc gia”; 1 đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong huấn luyện VĐV cấp cao môn Taekwondo; 1 đề tài “ Xây dựng cấu trúc huấn luyện VĐV Điền kinh (nội dung chạy cự ly ngắn 100m, 200m và 400m) hướng đến trình độ ASIAD trên cơ sở tiếp cận mô hình mục tiêu”; 1 đề tài “ Nghiên cứu xác định yêu cầu về mặt thể lực cho VĐV Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam”. Những đề tài nhỏ lẻ như vậy chỉ như những cánh én đơn độc không thể tạo nên một mùa xuân khoa học công nghệ tác động có hiệu quả vào việc nâng cao thành tích thể thao cho những môn thể thao trọng điểm ASIAD và Olympic. Để có thể tạo nên mùa xuân khoa học công nghệ trong TTTTC chúng ta rất cần các đề tài cấp nhà nước mang tính đồng bộ và tập trung vào những vấn đề trọng yếu như: Định hướng tuyển chọn và đào tạo các tài năng thể thao; Hồi phục và dinh dưỡng cho VĐV; Ứng dụng công nghệ thực tế ảo – môi trường giả lập (AR), trí tuệ nhân tạo (AI) cho VĐV. Những đề tài tổng quát có quy mô lớn như vậy sẽ giải quyết được tốt hơn trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào việc phát triển nguồn nhân lực (VĐV) cho TTTTC và TTCN.

Nguồn nhân lực HLV cho TTTTC và TTCN còn thiếu và yếu so với yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng cao. Năng lực chuyên môn chủ yếu được đào tạo trong nước, ít được cập nhật mở rộng kiến thức về huấn luyện thể thao trong môi trường chuyên nghiệp; năng lực hòa nhập hạn chế do rào cản ngôn ngữ…Riêng LĐBĐVN đã làm tốt việc này, hàng năm kết hợp với FIFA hoặc AFC tổ chức nhiều khóa đào tạo HLV bằng C, B, A, Pro. Tuy nhiên so với yêu cầu vẫn còn nhiều CLB chưa đáp ứng được theo tiêu chí cấp phép của AFC về nguồn nhân lực HLV vừa về số lượng vừa về trình độ bằng cấp.

Nguồn nhân lực về bác sỹ, chuyên gia về y học thể thao, điều dưỡng viên, chuyên gia dinh dưỡng…còn rất thiếu và yếu không đảm bảo về chăm sóc y tế, chữa trị chấn thương, hồi phục cho VĐV sau tập luyện. Số liệu thống kê năm 2024 của Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho thấy hầu hết 4 Trung tâm HLTTQG Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ đều không có bác sỹ, y sỹ hồi phục chức năng; bác sỹ chấn thương; kỹ thuật viên trị liệu và vật lý trị liệu, dược sỹ. Thậm chí các Trung tâm HLTTQG TP HCM, Đà nẵng, Cần Thơ còn không có bác sỹ y học thể thao (ngoại trừ Trung tâm HLTTQG Hà Nội có 2 biên chế). Trang thiết bị y tế cho các trung tâm HLTTQG được trang bị tương đối đầy đủ song với tình trạng nguồn nhân lực về con người thiếu như vậy sẽ không phát huy được hiệu quả như mong đợi.

 Giải pháp để thực hiện:

- Cần có một chương trình tổng thể về quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, phát triển về số lượng, nâng cao về chất lượng nguồn lực HLV, bác sỹ thể thao… cho các môn thành tích cao trọng điểm.

- Tăng cường hợp tác song phương với các đối tác chiến lược toàn diện, các nước bạn bè truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Cu Ba hướng đến hợp tác thực chất và hiệu quả trong công tác đào tạo cán bộ, trong công tác huấn luyện, đào tạo VĐV; trong nghiên cứu khoa học, trao đổi chuyên gia, trao đổi đoàn VĐV và đoàn cán bộ quản lý.

Nguồn lực về kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện.

Đối với TTTTC và TTCN là đầu tư vào các tài năng thể thao chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu thi đấu trong môi trường thể thao chuyên nghiệp đòi hỏi phải có nguồn kinh phí dồi dào.

Đối với các môn thể thao chuyên nghiệp đồng đội như: Bóng Đá, Bóng Chuyền, Bóng Rổ các VĐV thi đấu mang màu cờ sắc áo của các CLB rất cần các trung tâm đào tạo trẻ như Trung tâm bóng đá Viettel, Becamex Bình Dương…và cao hơn nữa là Học viện thể thao như: Học viện bóng đá PVF, Học viện bóng đá HAGL- Arsenal… Các Trung tâm và Học viện này đều được đầu tư bằng nguồn xã hội hóa.

Đối với các môn cá nhân, ngoài các Trung tâm đào tạo ở các tỉnh thành ra thì các Trung tâm HLTTQG là nơi tập huấn đội tuyển quốc gia là nơi cần phải được đầu tư nâng cấp ở mức độ hiện đại hóa cao mới đáp ứng được các yêu cầu chuyên môn hóa.

 Giải pháp để thực hiện:

- Mở rộng và nâng cấp các cơ sở đào tạo VĐV của các tỉnh, thành phố và các ngành Quân đội, Công an bằng nguồn xã hội hóa. Khuyến khích, tạo điều kiện thành lập các Trung tâm đào tạo các tài năng thể thao trẻ hoặc Học viện đào tạo vận hành theo cơ chế chuyên nghiệp của các doanh nghiệp tư nhân. Để thực hiện được mục tiêu này cần có sự hỗ trợ về cơ chế chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai cho các doanh nghiệp tham gia đào tạo. Có cơ chế ưu đãi, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh đầu tư trong lĩnh vực TDTT; Ưu đãi, khuyến kích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng các công trình thể thao trọng điểm, xây dựng và vận hành các cơ sở đào tạo VĐV.

- Đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa các Trung tâm HLTTQG, Khu Liên hợp TTQG do ngành TDTT quản lý lên một tầm cao mới đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về cơ sở vật chất, trang thiết bị băng nguồn ngân sách quốc gia. Xác định thế mạnh của từng Trung tâm trong việc tổ chức đào tạo theo từng nhóm môn thể thao để đầu tư chuyên biệt đẻ phát huy cao hiệu quả đào tạo thí dụ như Trung tâm huấn luyện các môn võ thuật, Trung tâm huấn luyện các môn bắn sung- bắn cung…

Các điều kiện đảm bảo.

Để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển các nguồn lực cho TTTTC và TTCN trong giai đoạn hiện nay rất cần Nhà nước tạo ra các cơ chế thoáng- cơ chế đòn bảy để tạo nguồn tài chính đầu tư cho TTTTC và TTCN phát triển nhanh và bền vững.

- Sự hỗ trợ, tài trợ, đầu tư của Nhà nước (Trung ương hoặc địa phương) đối với TTTTC và TTCN trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết (đất đai, cơ sở vật chất, sân vận động, kinh phí hoạt động hoặc cơ chế để tạo nguồn tài chính). TTTTC và TTCN cần được hưởng các chính sách ưu tiên như các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và y tế.

Nhà nước cần tạo ra cơ chế thoáng, cơ chế đòn bảy để các LĐTTQG và các CLB TTCN thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào TTTTC và TTCN. Thí dụ: các doanh nghiệp đầu tư vào CLB để phát triển đào tạo bóng chuyền trẻ, bóng rổ trẻ hoặc bóng đá trẻ thông qua hình thức quảng bá cho doanh nghiệp thì không được coi là đầu tư ngoài lĩnh vực kinh doanh. Hoặc các hoạt động bảo trợ cho bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ…, thí dụ như: truyền hình hoặc chính sách thuế đối với các doanh nghiệp bóng đá, bóng chuyền…(CLB, công ty VPF…) là những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thể thao được khuyến khích như trong các hoạt động giáo dục và y tế.

- Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Chính phủ cho phép triển khai thí điểm hoạt động đặt cược trong bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ… hoặc dự báo kết quả các môn thể thao khác để tạo nguồn thu cho các hoạt động TTCN.

- Đa dạng hóa các loại quỹ phát triển TTCN ở nhiều cấp để đầu tư phát triển nguồn nhân lực (HLV, VĐV…) cho TTTTC và TTCN.

PGS.TS. Phạm Ngọc Viễn

Ảnh trong bài
  • PHẦN 2: Thực trạng và giải pháp phát triển nguồn lực của Thể  thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp
  • PHẦN 2: Thực trạng và giải pháp phát triển nguồn lực của Thể  thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp