Thực trạng và giải pháp phát triển Thể thao giải trí ở Việt Nam

Trong những năm gần đây, thể thao giải trí tại Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, đóng góp vào việc nâng cao sức khỏe cộng đồng và thúc đẩy phong trào TDTT, đồng thời góp phần vào sự phát triển kinh tế, du lịch của Việt Nam. Tuy vậy, bên cạnh những mặt đã đạt được, sự phát triển của Thể thao giải trí ở Việt Nam cũng còn tồn tại những khó khăn, hạn chết nhất định, làm ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài và bền vững của nó.

Thực trạng phát triển thể thao giải trí ở Việt Nam

Đảng và Nhà nước ta nhận thức rõ được vai trò quan trọng của thể thao trong việc nâng cao sức khỏe cộng đồng và xây dựng lối sống lành mạnh. Chính vì vậy đã luôn quan tâm và có định hướng rõ ràng trong việc đẩy mạnh phát triển TDTT. Minh chứng bằng các văn bản, chỉ thị, nghị quyết… như: Nghị quyết số 08-NQ/TW (01/12/2011) của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020; Luật Thể dục, Thể thao được sửa đổi năm 2018; Kết luận 70-KL/TW (31/01/2024), khuyến khích phát triển TDTT quần chúng, tạo cơ hội cho mọi người được quyền tham gia hoạt động tập luyện, biểu diễn, thi đấu để nâng cao sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh, vui chơi, giải trí…; Quyết định 1189/QĐ-TTg (15/10/2024), của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể về số lượng và quy mô các sự kiện thể thao giải trí. Những sự kiện này thu hút sự tham gia đông đảo của người dân từ mọi lứa tuổi và thành phần xã hội, đồng thời góp phần thúc đẩy phong trào thể thao quần chúng. Cụ thể như:

Các giải chạy marathon và bán marathon được tổ chức ngày càng nhiều và thường xuyên. Năm 2023 có 41 giải marathon được tổ chức tại 27 tỉnh thành, cao hơn 25% so với năm 2022. Số người tham gia tăng 260.000 người so với năm 2022. Số người hoàn thành các cuộc đua cũng tăng tăng 46% so với 2022.

Lặn biển là môn thu hút nhiều khách nước ngoài

Các sự kiện đạp xe và thể thao ngoài trời ngày càng phổ biến, đặc biệt sau đại dịch Covid-19. Hàng năm nhu cầu xe đạp lên tới 2.5 triệu xe.

Các sự kiện thể thao biển, thể thao mạo hiểm, thể thao cộng đồng, các giải đấu và sự kiện thể thao cho học sinh và sinh viên phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng;

Lễ hội thể thao, sự kiện thể thao tai các khu vực, đô thị, công đồng dân cư được tổ chức thường xuyên, định kỳ.

Hạ tầng cơ sở cho thể thao giải trí tại Việt Nam trong những năm gần đây đã có những bước tiến đáng kể. Các trung tâm thể dục thể thao, công viên thể thao, khu thể thao, khu phức hợp, phòng tập… ngày càng mở rộng tại khắp các tỉnh thành, giúp người dân dễ dàng tiếp cận hơn với các dịch vụ thể thao giải trí.

Sự phát triển của công nghệ đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và trải nghiệm tập luyện thể thao giải trí tại Việt Nam. Các ứng dụng điện thoại và thiết bị đeo hỗ trợ tập luyện; công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), GPS, công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo); xuất hiện các phòng tập thông minh (Smart Gym); hình thức livestream và các lớp học thể thao trực tuyến trên nhiều nền tảng khác nhau được ứng dụng ngày càng rộng rãi.

Sự phát triển của thể thao giải trí trong trường học và doanh nghiệp tại Việt Nam đã có nhiều bước tiến lớn trong những năm qua. Từ việc xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, tổ chức các giải đấu thể thao phong trào, đến việc sử dụng công nghệ trong tập luyện, các trường học và doanh nghiệp đang ngày càng khuyến khích người dân, nhân viên, họ sinh, sinh viên tham gia vào các hoạt động thể thao, góp phần cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Với 3200 km đường biển và 7/13 kỳ quan thiên nhiên thế giới, trong những năm gần đây, thể thao mạo hiểm và thể thao biển tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, với ngày càng nhiều môn thể thao mới được giới thiệu và phổ biến tại các khu du lịch cũng như các sự kiện thể thao lớn.

Thể thao mạo hiểm:

Leo núi và trekking tại một số địa điểm nổi tiếng như Fansipan (Lào Cai), Tà Năng - Phan Dũng (Lâm Đồng - Bình Thuận), và Pù Luông (Thanh Hóa) đã thu hút ngày càng nhiều du khách và người yêu thích mạo hiểm tham gia. Riêng Fansipan, mỗi năm thu hút hàng nghìn du khách (năm 2019 có hơn 80.000 lượt du khách); Giải Vietnam Mountain Marathon (Sa Pa, Lào Cai). Từ 2017 - 2023, số người tham gia tăng từ 2.000 lên hơn 4.000 người, đến từ khắp nơi trên thế giới; Thể thao dù lượn (Paragliding), Festival dù lượn “Bay trên mùa vàng” hút hơn 150 phi công từ 20 quốc gia (2022); Leo vách núi (Rock Climbing), ngày càng có nhiều điểm leo lúi nổi tiếng (Vịnh Lan Hạ và Cát Bà (Hải Phòng); Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh)...

Thể thao biển:

Lướt sóng (Surfing) tại nhiều địa điểm nổi tiếng như Mũi Né (Phan Thiết), Đà Nẵng, và Phú Quốc; Nhiều giải đấu lướt sóng quốc tế được tổ chức; Lướt ván diều (Kitesurfing) tại Nha trang, Đà Nẵng, Phú Quốc. Đặc biệt, Mũi Né là trung tâm lướt ván diều hàng đầu châu Á, với hơn 30 trường dạy lướt ván và khoảng 15.000 - 20.000 du khách tham gia mỗi năm;  Lặn biển (Diving): Nha Trang, Côn Đảo, Phú Quốc... Hàng năm, có khoảng 100.000 du khách trong nước và quốc tế tham gia các tour lặn biển tại Nha Trang; Đua thuyền buồm (Sailing): Giải dấu quốc tế Vũng Tàu - Nha Trang. Số lượng các đội tham dự tăng từ 8 đội vào năm 2010 lên 17 đội vào năm 2019. Ngoài ra phát triển ở nhiều địa danh, khu nghỉ dưỡng tại Phú Quốc, Hạ Long…

Xu hướng kết hợp giữa thể thao giải trí và du lịch đã trở thành một trào lưu mới. Các tour du lịch kết hợp thể thao như chạy marathon tại các điểm đến nổi tiếng, đạp xe qua các cung đường đẹp, hoặc tham gia các hoạt động thể thao trong khu nghỉ dưỡng đã tạo nên những trải nghiệm mới mẻ cho người tham gia.

Giới trẻ Việt Nam ngày càng quan tâm đến các bộ môn thể thao mới như crossfit, thể thao điện tử, thể thao thể chất số, pickleball… Các bộ môn này không chỉ giúp cải thiện sức khỏe mà còn mang tính giải trí cao, thu hút nhiều người tham gia tập luyện, biểu diễn và biểu diễn.

Một số vấn đề còn hạn chế trong phát triển Thể thao giải trí ở Việt Nam.

Trong những năm gần đây, mặc dù thể thao giải trí tại Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, tuy nhiên trên thực tế vẫn còn tồn tại một số hạn chế làm ảnh hưởng tới sự phát triển toàn diện của lĩnh vực này. Cụ thể:

Thiếu hụt cơ sở hạ tầng và trang thiết bị hiện đại

-              Thiếu cơ sở vật chất đạt chuẩn: Nhiều khu vực, đặc biệt là các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vẫn thiếu các sân chơi và cơ sở thể thao giải trí đạt tiêu chuẩn.

-              Hạ tầng xuống cấp làm giảm hiệu quả sử dụng và hạn chế việc thu hút người dân tham gia.

-              Phân bố không đồng đều gây ra sự mất cân bằng trong tiếp cận các dịch vụ thể thao giải trí giữa các khu vực.

 Thiếu đa dạng về loại hình thể thao giải trí

-              Các môn thể thao hiện đại và mạo hiểm tuy đã bắt đầu xuất hiện, nhưng sự phát triển vẫn chưa đồng bộ và chưa phổ biến rộng rãi, chưa thu hút được nhiều người tham gia.

-              Chưa đa dạng hóa hoạt động giải trí: Vẫn thiên về các môn thể thao truyền thống, chưa phổ biến các môn thể thao giải trí mới, đặc biệt là ở các khu vực ngoài đô thị.

Hạn chế về chính sách và hỗ trợ từ nhà nước

-              Chưa có chính sách đồng bộ: Các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển vẫn chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả. Nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm và đầu tư đúng mức cho thể thao giải trí.

-              Hỗ trợ tài chính còn hạn chế: Nhà nước, doanh nghiệp đầu tư tài chính vào thể thao giải trí còn hạn chế, chủ yếu tập trung vào thể thao chuyên nghiệp và các hoạt động thể thao có tính truyền thống.

 Thiếu nguồn nhân lực và chuyên gia

-              Thiếu hụt huấn luyện viên và chuyên gia ở các môn thể thao giải trí mới như lướt sóng, leo núi, dù lượn, thể thao thể chất số… Hầu hết các hướng dẫn viên hoặc huấn luyện viên hiện tại là người nước ngoài hoặc tự học, chưa có hệ thống đào tạo chuyên nghiệp trong nước.

-              Chất lượng nhân lực không đồng đều, đặc biệt các địa phương và vùng sâu, vùng xa, nhân lực phục vụ cho các hoạt động thể thao giải trí còn yếu về chất lượng làm ảnh hưởng tới tính an toàn và chất lượng tổ chức các hoạt động thể thao giải trí.

 Chưa tận dụng tốt công nghệ trong thể thao giải trí

-              Ứng dụng công nghệ trong các hoạt động thể thao giải trí còn hạn chế, chưa được phổ biến rộng rãi, làm hạn chế sự trải nghiệm của những người tham gia.

-              Thiếu các nền tảng số hỗ trợ cho việc tổ chức sự kiện, quản lý giải đấu, kết nối cộng đồng thể thao giải trí, làm giảm sự tiếp cận và phổ biến của các hoạt động thể thao giải trí, đặc biệt là với giới trẻ yêu công nghệ.

 Nhận thức và thói quen của người dân

-              Nhận thức của người dân về tầm quan trọng của thể thao giải trí đối với sức khỏe, tinh thần còn hạn chế. Một phần do thiếu hiểu biết và một phần do điều kiện sống khó khăn khiến thể thao giải trí chưa được coi trọng.

-              Thói quen lối sống ít vận động do ảnh hưởng của thói quen sử dụng điện thoại, máy tính, các thiết bị điện tử…, dẫn đến lối sống ít vận động và không có thói quen tập thể thao thường xuyên. Đặc biệt đối với giới trẻ.

 Hạn chế về quảng bá và truyền thông

-              Thiếu các chiến dịch quảng bá, truyền thông cho thể thao giải trí

-              Chưa tổ chức được nhiều sự kiện thể thao giải trí lớn: So với các quốc gia trong khu vực, số lượng các sự kiện thể thao giải trí tại Việt Nam còn ít.

Đề xuất một số giải pháp để phát triển thể thao giải trí tại Việt Nam một cách bền vững

Để khắc phục được những hạn chế còn tồn tại, từ đó đẩy mạnh và phát triển bền vững Thể thao giải trí tại Việt Nam, chúng tôi đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:

Tăng cường đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng thể thao đảm bảo tính đồng bộ và hiện đại

-              Đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng cơ sở vật chất cho Thể thao giải trí trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là các tỉnh lẻ, vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa; chú ý ưu tiên việc xây dựng hạ tầng phù hợp với từng loại hình thể thao mới như thể thao mạo hiểm, thể thao dưới nước, thể thao thể chất số…

-              Phân bổ hạ tầng hợp lý đối với các khu vực, tạo điều kiện cho mọi người đều có thể tiếp cận các hoạt động thể thao giải trí.

Đa dạng hóa các loại hình thể thao giải trí

-              Phát triển các môn thể thao mới, hiện đại, mạo hiểm: Ngoài việc tiếp tục duy trì các môn thể thao phổ biến như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông…, cần chú thúc đẩy, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển các môn thể thao mới, hấp dẫn giới trẻ như thể thao mạo hiểm (dù lượn, leo núi nhân tạo) và thể thao biển (lướt sóng, chèo thuyền SUP), thể thao điện tử, thể thao thể chất số…

-              Khuyến khích thể thao giải trí ngoài trời như chạy bộ, đạp xe, trượt patin hay yoga; khuyến khích tổ chức các sự kiện, hoạt động tập thể tại công viên, quảng trường công cộng, từ đó khơi dậy phong trào thể thao cộng đồng mạnh mẽ hơn.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Thể thao giải trí

-              Chú trọng đào tạo huấn luyện viên chuyên nghiệp: Đầu tư xây dựng hệ thống đào tạo huấn luyện viên chuyên nghiệp; có chính sách khuyến khích các huấn luyện viên nước ngoài đến Việt Nam giảng dạy và chia sẻ kinh nghiệm; khuyến khích hợp tác quốc tế trong việc đào tạo nhân lực cho Thể thao giải trí; Tăng cường tổ chức các khóa học, chương trình đào tạo cấp chứng chỉ chuyên môn nhằm nâng cao và chuẩn hóa trình độ huấn luyện viên.

-              Phát triển các khóa đào tạo thể thao cộng đồng ngắn hạn cho các cộng tác viên thể thao tại địa phương, giúp họ có kiến thức cơ bản để hướng dẫn người dân tham gia các hoạt động thể thao giải trí an toàn và hiệu quả.

Tăng cường hỗ trợ chính sách và tài chính cho phát triển Thể thao giải trí

-              Đưa ra những chính sách khuyến khích đầu tư vào Thể thao giải trí như ưu đãi về thuế, tài chính để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào cơ sở hạ tầng thể thao, tổ chức các sự kiện thể thao giải trí và phát triển dịch vụ thể thao; áp dụng mô hình hợp tác công - tư (PPP) để huy động nguồn lực xã hội.

-              Tăng cường ngân sách, các gói hỗ trợ tài chính cho các dự án phát triển thể thao giải trí (xây dựng, cải tạo các công trình thể thao giải trí, đặc biệt là các công trình phục vụ người dân ở vùng sâu, vùng xa).

Tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong các hoạt động Thể thao giải trí

-              Phát triển các ứng dụng và nền tảng số hỗ trợ người dân theo dõi sức khỏe, lập kế hoạch tập luyện và kết nối với các câu lạc bộ thể thao; phát triển các ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR) để tạo môi trường thể thao trực tuyến… tạo cơ hội và thúc đẩy người dân tích cực tham gia tập luyện thể thao, qua đó phát triển phong trào thể thao; Các nền tảng số quản lý và tổ chức sự kiện thể thao cũng cần được phát triển để tạo điều kiện cho người dân tham gia dễ dàng hơn.

Bay trên mùa vàng là sự kiện dù lượn thu hút du khách và các VĐV

-              Sử dụng thiết bị công nghệ thông minh như đồng hồ thông minh, máy đo sức khỏe để theo dõi tiến độ tập luyện, giúp nâng cao hiệu quả và sự an toàn khi tập.

Đẩy mạnh phát triển thể thao học đường và phong trào thể thao cộng đồng

-              Thực hiện tốt chương trình GDTC trong các trường phổ thông, trong đó chú ý tổ chức các hoạt động thể thao ngoại khóa, tăng cường tổ chức các giải đấu thể thao, xây dựng mô hình các câu lạc bộ thể thao trường học…;

-              Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất cho thể thao học đường;

-              Tăng cường tổ chức các sự kiện thể thao cộng đồng quy mô vừa và nhỏ phù hợp với điều kiện tự nhiên, phong tục, văn hóa tại địa phương, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tham gia, hình thành thói quen tập luyện, qua đó phát triển phòng trào thể thao công đồng;

-              Xây dựng mô hình “Trường học – Cộng đồng” nhằm tạo liên kết giữa các trường học và cộng đồng để tổ chức các hoạt động thể thao chung;

-              Khuyến khích các hoạt động thể thao giải trí gắn với môi trường tự nhiên nhằm nâng cao sức khỏe, bảo vệ môi trường và phát triển du lịch.

Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về thể thao giải trí

-              Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tuyên truyền qua các phương tiện như truyền hình, mạng xã hội, các sự kiện thể thao công cộng để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thể thao giải trí đối với sức khỏe và đời sống; Tổ chức các chiến dịch khuyến khích vận động, tập thể dục thể thao tại cộng đồng.

-              Thúc đẩy các chương trình thể thao giải trí trong trường học, khu công nghiệp và các doanh nghiệp nhằm khuyến khích học sinh, công nhân, cán bộ và nhân viên tham gia tập luyện thường xuyên. Đây là những đối tượng có tiềm năng lớn trong việc lan tỏa phong trào thể thao cộng đồng.

Tăng cường tổ chức các sự kiện thể thao giải trí với các cấp độ và quy mô khác nhau.

-              Đẩy mạnh tổ chức các giải đấu và sự kiện thể thao quốc tế tạo cơ hội giao lưu và thu hút sự quan tâm của du khách. Các sự kiện như marathon, Ironman, và các giải đấu thể thao biển có thể trở thành điểm nhấn thu hút du lịch và quảng bá văn hóa thể thao của đất nước.

-              Tăng cường tổ chức các sự kiện thể thao giải trí quy mô vừa và nhỏ ở địa phương nhằm tạo không khí sôi nổi, giúp người dân có cơ hội tham gia và rèn luyện sức khỏe.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển Thể thao giải trí

-              Tăng cường hợp tác với các tổ chức thể thao quốc tế nhằm chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm và liên kết, hợp tác trong phát triển thể thao giải trí, ứng dụng các mô hình phát triển thể thao giải trí tiên tiến vào Việt Nam.

-              Tăng cường tổ chức các chương trình giao lưu, trao đổi văn hóa thể thao thông qua các chương trình giao lưu quốc tế, tổ chức các giải đấu thể thao quốc tế, thể thao giải trí tại Việt Nam tạo cơ hội tiếp cận với các môn thể thao mới, phát triển phong trào tập luyện và mở rộng quy mô các sự kiện quốc tế, đồng thời tạo cơ hội quảng bá và thu hút khách du lịch cũng như sự quan tâm của người dân.

Đẩy mạnh phát triển Thể thao giải trí gắn với Du lịch

-              Tận dụng lợi thế về tự nhiên, Phát triển các khu du lịch thể thao giải trí (các khu du lịch thể thao chuyên biệt) tại các địa danh nổi tiếng;

-              Tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế gắn với du lịch;

-              Xây dựng các sản phẩm du lịch thể thao đặc trưng cho từng vùng miền: Phát triển các khu nghỉ dưỡng thể thao, các dịch vụ như tập luyện yoga, thiền, và các môn thể thao nhẹ nhàng kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng ở các vùng biển như Đà Nẵng, Phú Quốc…;

-              Phát triển hạ tầng cho du lịch và thể thao giải trí;

-              Đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch thể thao;

-              Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá cho du lịch thể thao giải trí.

PGS.TS. Đinh Quang Ngọc

 (Trường Đại học TDTT Bắc Ninh)

 

Ảnh trong bài
  • Thực trạng và giải pháp phát triển Thể thao giải trí ở Việt Nam
  • Thực trạng và giải pháp phát triển Thể thao giải trí ở Việt Nam
  • Thực trạng và giải pháp phát triển Thể thao giải trí ở Việt Nam