Yêu cầu tất yếu trong xu thế phát triển
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghệ thể thao đang không ngừng cạnh tranh và ngày càng trở nên phổ biến, năng động hơn trong lĩnh vực đổi mới công nghệ. Mặt khác, các đội tuyển thể thao, liên đoàn thể thao, câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp và bản thân huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) đều mong muốn triển khai những ứng dụng đang được phát triển trong các công ty, trung tâm nghiên cứu. Chính sự giao thoa của các tổ chức, lĩnh vực liên quan (thể thao, trường đại học, công ty và các nhà hoạch định chính sách) có thể tạo ra các tình huống đôi bên cùng có lợi, cuối cùng mang lại lợi ích cho các VĐV và người dân nói chung.
Real Madrid rất thành công nhờ các giải pháp công nghệ trong huấn luyện cầu thủ
Bài viết nhằm mục đích giới thiệu các giải pháp đề xuất về ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động thể thao. Thông qua các giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ thể thao giữa các cơ quan quản lý, cơ quan công quyền, giới học thuật và ngành công nghiệp. Tăng cường hợp tác và chuyển giao những ý tưởng mới từ phòng thí nghiệm, nghiên cứu sang khai thác công nghiệp trong lĩnh vực thể thao. Khuyến khích thương mại hóa các công nghệ tiên tiến được phát triển tại các tổ chức nghiên cứu công (trường đại học, viện nghiên cứu...) và doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu và nhóm phát triển trong lĩnh vực thể thao hoặc môn thể thao cụ thể. Đồng thời thúc đẩy khả năng kinh doanh và đáp ứng nhu cầu xã hội giữa các tổ chức nghiên cứu khi được kết hợp với các sáng kiến/nguồn tài trợ của Nhà nước. Qua đó có thể góp phần thúc đẩy nền kinh tế, cũng như tác động tích cực của những đổi mới sáng tạo này đối với hoạt động thể chất, thành tích thể thao và xã hội.
Vận dụng mô hình công nghệ trong các lĩnh vực để tạo ra công nghệ hỗ trợ đào tạo VĐV thể thao.
Trong kỷ nguyên thể thao hiện đại, công nghệ đã trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình tập luyện và thi đấu của VĐV. Với những tiến bộ trong khoa học và công nghệ, các HLV và VĐV có sử dụng nhiều công cụ và thiết bị để cải thiện thành tích tổng thể. Khoa học thể thao đã bị ảnh hưởng bởi những đổi mới dựa trên công nghệ thông qua các thiết bị được phát triển để nâng cao hiệu suất ở các lĩnh vực khác nhau, nhưng vẫn có rất ít hoặc không có nghiên cứu nào về cách áp dụng công nghệ ở các lĩnh vực đó vào việc phát triển VĐV.
Hiện nay, xu hướng nghiên cứu đang phát triển các công nghệ tác động đến hiệu suất thể thao. Chẳng hạn như việc sử dụng: thiết bị theo dõi nâng cao thành tích thể thao, các công cụ thống kê để đánh giá và phản hồi, trình diễn tương tác trực quan để phân tích. Thiết bị theo dõi có thể nâng cao hiệu suất nâng cao thể lực cho VĐV bằng cách sử dụng các cảm biến và chip hỗ trợ đánh giá kỹ năng và chuyển động thông qua phần mềm Computer Aided Designs (CAD). Các hệ thống CAD như nhiều camera bán tự động, công nghệ đo vị trí cục bộ và công nghệ định vị toàn cầu (GPS) có thể thu thập và phân tích dữ liệu để tiếp tục nỗ lực nghiên cứu và phát triển dụng cụ tập luyện thể thao (Buchheit và cộng sự, 2014; Carling, Bloomfield, Nelsen, & Reilly, 2008)
Một dẫn giải khác là sử dụng thiết bị đeo Athos Gear để giám sát các tín hiệu sinh học của cơ thể thông qua dòng điện sinh học, từ đó đo hoạt động của cơ. Các cảm biến được gắn trên quần áo bó sát cơ thể. Các cảm biến truyền dữ liệu đến một ứng dụng và tiến trình được theo dõi bằng điện thoại thông minh (My Athos Gear, 2016). Phân tích liên quan đến các điểm dữ liệu thống kê để cung cấp thông tin cho việc ra quyết định và hiểu biết sâu sắc về lập kế hoạch huấn luyện. Thống kê tạo ra tình bạn thân thiết của người hâm mộ, sự cam kết của đội và cầu thủ, và cạnh tranh (Gerrard, 2016).
Viện Thể thao Úc đã tạo ra OptimEye - thiết bị có kích thước như con chuột máy tính vừa vặn với mặt lưng của áo thi đấu. Nó đo hàng trăm dữ liệu mỗi giây về khả năng tăng tốc, giảm tốc, nhảy và thay đổi hướng của VĐV. OptimEye được đặt trên lưng VĐV. Kết quả được phân tích cho đánh giá hiệu suất và các chương trình huấn luyện. Thông qua công nghệ hiệu suất và phân tích, một VĐV có thể hưởng lợi bằng cách so sánh thành tích tối ưu dự kiến với phản hồi về kết quả chuyển động thực tế (Steinbach, 2013).
Thiết bị Skycam: Dữ liệu video cho phép các tùy chọn xem thay thế để đánh giá lượt phát nhằm tăng tính cạnh tranh. Tùy chọn phát lại và chơi tương tác trực tuyến tạo ra trải nghiệm giải trí hấp dẫn hơn cho HLV, VĐV, đồng thời đưa ra đánh giá chi tiết hơn cho trọng tài và quan chức. Skycam là hệ thống camera treo bằng cáp ổn định được điều khiển bằng máy tính, chủ yếu được sử dụng trong bóng đá Mỹ.
Xu hướng này chính hiện nay là phương pháp tiếp cận “Điện toán lấy con người làm trung tâm” (Human Centered Computing - HCC) cho phép các công nghệ đặc biệt được tạo trên cơ sở lấy VĐV làm trung tâm của sự phát triển để thúc đẩy sự tham gia và tăng trưởng (Thomsen, 2012). Điều này sẽ bao gồm: Định nghĩa về công nghệ, nền tảng lý thuyết và cách áp dụng nó để phát triển hiệu quả hơn và có thể sử dụng được công nghệ trong phát triển VĐV. Nó sẽ kết thúc bằng cách phân tích các công nghệ hiện tại để giải quyết các kỹ năng chuyển tiếp, các yếu tố tâm lý xã hội, sức khỏe thể chất và dự báo, trong đó các công nghệ tương tự có thể được phát triển để tác động đến sự phát triển của VĐV.
Như vậy các thiết bị Skycam, OptimEye, Athos Gear hay các sản phẩm liên quan đến thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR) là những công nghệ được sử dụng để hỗ trợ tối ưu hiệu suất và thành tích của VĐV, song nền tảng xây dựng ban đầu thường không có chủ đích ứng dụng cho đào tạo VĐV. Các giải pháp công nghệ là vô hạn và có thể giúp định hình bản sắc của VĐV, nâng cao trình độ tập luyện và thành tích, đồng thời hỗ trợ các kỹ năng nghề nghiệp khi họ kết thúc sự nghiệp thể thao. Từ các dẫn giải về một số công nghệ cho thấy, các giải pháp công nghệ hiện có không dành riêng cho VĐV, song có cơ hội cho việc ứng dụng các công nghệ hiện có trên thị trường để phát triển TDTT nói chung và VĐV nói riêng. Phát triển VĐV bao gồm hai khía cạnh: Thành tích thể thao và chính bản thân họ. Việc sử dụng công nghệ cho phát triển VĐV là một lĩnh vực mới nổi, sẽ có tác động đến VĐV và tương lai của họ. Dưới góc độ quản lý nhà nước, để ứng dụng thành công các công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 cho lĩnh vực TDTT cần phải có các giải pháp đồng bộ và hiệu quả.
Công nghệ 4.0 ngày càng phát huy hiệu quả trong nâng cao thành tích thể thao
Đề xuất một số giải pháp ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động thể thao.
Từ kết quả tổng hợp các tài liệu, đánh giá thực trạng dụng công nghệ 4.0 trong thể thao, bước đầu đề xuất các giải pháp ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động thể thao:
Giải pháp 1: Nâng cao nhận thức về vai trò ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật trong tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện, hồi phục và điều trị chấn thương trong thể thao nhằm xây dựng thể thao hiện đại.
Mục đích: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật trong tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện, hồi phục và điều trị chấn thương trong thể thao. Đặc biệt là bối cảnh mới và những đặc trưng cơ bản của lĩnh vực thể thao trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đối tượng cần nâng cao nhận thức bao gồm: Vận động viên, Huấn luyện viên, Các nhà quản lý chính sách và nhà hoạch định chiến lược, Nhà tài trợ và đối tác thương mại, Giới truyền thông.
Giải pháp 2: Hoàn thiện chính sách để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động thể thao.
Mục đích: Thúc đẩy các cơ quan quản lý xây dựng khung pháp lý rõ ràng, tiếp tục sửa đổi, bổ sung quy định và chính sách nhằm đảm bảo hoạt động ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động thể thao một cách hiệu quả. Đồng thời cần chú trọng rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính và đầu tư, chế độ đãi ngộ đối với nhân lực CNTT trong hoạt động thể thao phù hợp với điều kiện phát triển hiện nay. Đặc biệt xây dựng, ban hành các chính sách mới nhằm tạo đà cho việc ứng dụng CNTT trong hoạt động thể thao phát triển.
Giải pháp 3: Thiết lập bộ phận về ứng dụng công nghệ ở Cục TDTT và các Hiệp hội, Liên đoàn thể thao.
Mục đích: Hình thành bộ phận về ứng dụng công nghệ ở Cục TDTT và các Hiệp hội, Liên đoàn thể thao dựa trên sự liên kết giữa các nhà nghiên cứu hàn lâm để trả lời cho các câu hỏi về bản chất cho từng vấn đề cụ thể của môn thể thao; và một nhóm R&D linh động, có thể nhanh chóng đưa ra những ý tưởng nghiên cứu mới gắn với môn thể thao. Qua đó tạo sự thông suốt giữa nghiên cứu và triển khai với đích đến trực tiếp là thể thao thành tích cao (Đội tuyển thể thao thành tích cao/CLB thể thao chuyên nghiệp…) nhằm giải quyết các bài toán cụ thể cho từng môn thể thao.
Giải pháp 4: Bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thể thao ở trong và ngoài nước.
Mục đích: Mục đích của việc bồi dưỡng và đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thể thao cả ở trong nước và ngoài nước nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành thể thao hiện đại. Giúp các HLV và VĐV sử dụng các thiết bị và phần mềm tiên tiến để theo dõi, phân tích, và tối ưu hóa hiệu suất thể thao. Thúc đẩy sự phát triển kinh tế thể thao, từ sản xuất trang thiết bị đến phát triển phần mềm hỗ trợ quản lý sự kiện thể thao và quản lý cơ sở dữ liệu. Hình thành đội ngũ chuyên gia để dẫn dắt sự phát triển của các hình thức thể thao mới, phù hợp với xu thế công nghệ của thời đại.
Giải pháp 5: Mở rộng hợp tác quốc tế, các doanh nghiệp, Viện nghiên cứu về công nghệ.
Mục đích: Mục đích của việc mở rộng hợp tác quốc tế, các doanh nghiệp, viện nghiên cứu về công nghệ để phát triển công nghệ thể thao nhằm đạt được nhiều lợi ích chiến lược và toàn diện. Thúc đẩy chuyển đổi cơ chế đầu tư, quản lý tài chính KHCN theo nguyên tắc đặt hàng, dựa vào kết quả, hiệu quả cuối cùng.
Giải pháp 6: Xây dựng cơ sở dữ liệu về thể thao.
Mục đích: Xây dựng cơ sở dữ liệu thể thao toàn diện giúp cơ quan quản lý có cái nhìn tổng quan về toàn bộ ngành thể thao, tối ưu hóa quản lý thể thao để từ đó đưa ra các quyết định chính sách và quản lý hiệu quả hơn; quản lý được dữ liệu VĐV để tối ưu hóa việc quản lý và phát triển nguồn lực con người trong thể thao. Việc xây dựng và duy trì cơ sở dữ liệu thể thao nhằm cung cấp nền tảng dữ liệu cần thiết cho sự phát triển của các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực thể thao (AI, Big Data). Đồng thời giúp Việt Nam dễ dàng hòa nhập với các tiêu chuẩn quốc tế, tăng cường trao đổi dữ liệu về quản lý và phát triển thể thao.
Khảo nghiệm giải pháp ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động thể thao.
Mục đích khảo nghiệm: Thông qua khảo nghiệm nhằm khẳng định sự cần thiết và tính khả thi của các giải pháp ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động thể thao đã đề xuất. Kết quả khảo sát tính cấp thiết và tính khả thi của các ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động thể thao được thể hiện ở biểu đồ 1 và biểu đồ 2.
Biểu đồ 1. Tỷ lệ đánh giá theo thang đo Likert về tính cần thiết và khả thi của các giải pháp
Biểu đồ 2. Mối tương quan thứ bậc giữa tính cần thiết và tính khả thi của các giải pháp
Từ kết quả thu được ở biểu đồ 1 và 2 cho thấy: Tỷ lệ đánh giá tính cần thiết của các giải pháp theo thang đo Likert ở mức rất cần thiết chiếm từ 72 – 92%, mức cần thiết chiếm từ 4 – 20%, tổng hai mức cần thiết và rất cần thiết từ 92 - 100%; còn tính khả thi của các giải pháp ở mức rất khả thi chiếm từ 60 – 92%, mức khả thi chiếm từ 8 – 36%, tổng hai mức khả thi và rất khả thi từ 84 - 100%. Như vậy, đánh giá các giải pháp theo thang đo Likert cho thấy, điểm trung bình chung của các giải pháp khảo nghiệm tính cần thiết từ 4.64 – 4.88 điểm, còn tính khả thi từ 4.56 – 4.92 điểm, như vậy đều lớn hơn 4.20 điểm. Đồng thời giá trị tương quan thứ hạng Spearman giữa tính cần thiết và tính khả thi là 0.943 thuộc mức tương quan rất mạnh và là tương quan thuận. Điều đó chứng tỏ các giải pháp ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động thể thao có tính cần thiết và tính khả thi cao.
KẾT LUẬN
Thông qua tổng hợp, phân tích các công trình nghiên cứu có liên quan và thực tiễn, nghiên cứu đã đề xuất được 6 giải pháp ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động thể thao. Kết quả khảo nghiệm các giải pháp đảm bảo tính cần thiết và khả thi cao. Để đạt được mục đích của các giải pháp đặt ra, ngoài việc thực hiện một cách sáng tạo và đồng bộ các giải pháp ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động thể thao, các chủ thể quản lí cần có các nghiên cứu, đánh giá bổ sung và thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.
PGS.TS Ngô Trang Hưng (Trường Đại học TDTT Bắc Ninh)