Thực trạng và giải pháp phát huy vai trò của các CLB Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam trong kinh tế thể thao

Các CLB thể thao chuyên nghiệp là những thực thể kinh tế thể thao tham gia kinh doanh như một doanh nghiệp thể thao, là người sản xuất và người kinh doanh sản phẩm thể thao tự chủ về kinh doanh, tự chịu lỗ lãi, tự quản lý, tự phát triển, là pháp nhân có quyền lợi và nghĩa vụ nhất định. Bài viết này xin được đi sâu phân tích về thực trạng và giải pháp để phát huy hơn nữa vai trò của các CLB Bóng đá chuyên nghiệp tại VN trong phát triển kinh tế thể thao.

Đặc thù của CLB thể thao chuyên nghiệp trên thế giới

Loại hình doanh nghiệp này có một vài đặc điểm khác biệt rõ rệt với doanh nghiệp công thương bình thường như: Chủ yếu làm ra sản phẩm tinh thần, thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt giải trí và văn hóa tinh thần không ngừng tăng của mọi người, còn doanh nghiệp công thương bình thường chủ yếu làm ra sản phẩm vật chất và sản phẩm phục vụ thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt vật chất của mọi người; giá trị sáng tạo mới của doanh nghiệp công thương bình thường thể hiện ở hình thức giao nộp thuế cho Nhà nước, tạo thành nguồn thu thuế quan trọng cho quốc dân.

Không thi đấu thành công nhiều năm qua nhưng Manchester United vẫn là CLB có lượng CĐV và doanh thu cao bậc nhất thế giới 

Giá trị của doanh nghiệp thể thao phần lớn không trực tiếp tạo thành nguồn thu nhập tài chính cho Nhà nước, mà chủ yếu dùng cho phát triển sự nghiệp thể thao; trong hoạt động của doanh nghiệp công thương bình thường tỷ trọng tác dụng điều tiết của thị trường lớn, thậm chí còn có thể hoàn toàn do thị trường điều tiết. Doanh nghiệp thể thao có phụ thuộc vào thị trường nhưng không thể do thị trường hoàn toàn điều tiết, nó phải chịu sự điều tiết của chính trị, chính sách xã hội, truyền thống xã hội ở mỗi quốc gia.

Ở các nước có nền công nghiệp tiên tiến, người ta đều coi trọng phát triển các doanh nghiệp thể thao, có lợi cho sự phát triển TDTT, giảm gánh nặng tài chính của Nhà nước. Doanh nghiệp thể thao có hai loại.

Loại thứ nhất, sản xuất và lưu thông hàng hóa thể thao ở dạng vật chất như vật dùng, dụng cụ, thiết bị, trang phục, vật lưu niệm thể thao. Loại thứ hai, sản xuất và lưu thông trao đổi hàng hóa ở dạng sản phẩm tinh thần, phi vật chất, còn gọi là kinh doanh dịch vụ. Loại doanh nghiệp thứ hai bao gồm CLB (hay công ty) thể thao chuyên nghiệp. CLB thể thao chuyên nghiệp vẫn có thể kinh doanh hàng hóa ở dạng vật chất, nhưng chủ yếu kinh doanh ở dạng dịch vụ, thậm chí ở nước ta còn gọi là dịch vụ công ích để nhấn mạnh khía cạnh giá trị tinh thần, giá trị xã hội của sản phẩm dịch vụ.

Kinh doanh dịch vụ của CLB thể thao chuyên nghiệp chủ yếu nhờ dịch vụ thi đấu Bóng đá kèm theo các dịch vụ thu lợi khác (quảng cáo, truyền hình,…). CLB thể thao chuyên nghiệp chỉ có thể thu lợi nhuận và tồn tại, phát triển nếu được tham gia thi đấu trong hệ thống thi đấu thể thao chuyên nghiệp. Như vậy, chúng ta thấy dịch vụ thi đấu thể thao kết gắn chặt chẽ với CLB thể thao chuyên nghiệp, là một loại dịch vụ tổng hợp đặc biệt để tiêu dùng loại hàng hóa phi vật chất (sản phẩm tinh thần) do các CLB thể thao chuyên nghiệp và VĐV thể thao chuyên nghiệp cung cấp trên sân đấu. Dịch vụ này có giá trị sử dụng đặc biệt làm thỏa mãn nhu cầu văn hóa tinh thần của con người, làm tăng lợi nhuận của các nhà đầu tư. Chúng ta coi dịch vụ thi đấu thể thao là loại dịch vụ tổng hợp đặc biệt vì nó bao gồm nhiều loại dịch vụ thu lợi nhuận ngày càng lớn, liên quan tới nhiều quốc gia: dịch vụ lao động (chuyển nhượng cầu thủ), dịch vụ ăn uống, dịch vụ du lịch, dịch vụ quảng cáo, dịch vụ truyền thanh, truyền hình, dịch vụ chứng khoán.

Cho tới nay, chưa có loại hình văn hóa nghệ thuật, thể thao nào tham gia thị trường chứng khoán, ngoại trừ Bóng đá, mặc dù mới chỉ ở số ít CLB Bóng đá chuyên nghiệp tham gia như: Manchester United, Arsenal, Chelsea, Liverpool (Anh); Real Madrid, Barcelona (Tây Ban Nha); Juventus, AC Milan, Inter Milan (Ý); Bayer Munich (CHLB Đức)…

Theo số liệu của Beyond Football, dù thiệt hại nặng về kinh tế vào mùa 2019-2020 do Covid-19, giải Ngoại hạng Anh vẫn đóng góp 10 tỷ USD vào GDP của Vương quốc Anh. Con số này ngang với GDP của Tajikistan – quốc gia đứng thứ 149 trong bảng GDP toàn cầu năm 2021. Đến năm 2020, GDP của Vương quốc Anh là khoảng 2.900 tỷ USD và Ngoại hạng Anh góp 0,33% số đó. Số tiền mà 20 CLB Ngoại hạng Anh tạo ra lớn hơn một nửa lĩnh vực nông nghiệp của Vương quốc Anh. Theo hãng phân tích tài chính Ernst&Young, GVA (tổng giá trị gia tăng – số tiền mà một công ty hoặc lĩnh vực đóng góp vào GDP quốc gia) của Ngoại hạng Anh được tạo ra trực tiếp từ doanh thu thương mại, bản quyền truyền hình và tài trợ là 5 tỷ USD. Chuỗi cung ứng của các câu lạc bộ và Ngoại hạng Anh mang về 2 tỷ USD, còn hoạt động sản xuất và việc làm tạo ra cho nền kinh tế là 2,7 tỷ USD. Hay giải Bundesliga tạo ra khoảng 6,6 tỷ USD mỗi năm, chiếm 0,2% nền kinh tế Đức. La Liga thì góp 0,1% GDP Tây Ban Nha, khoảng 1,3 tỷ USD. Các con số trên đã cho thấy, vai trò quan trọng của các CLB Bóng đá chuyên nghiệp trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tới thực trạng CLB Bóng đá chuyên nghiệp tại VN

Tại Việt Nam, giai đoạn 2017-2022 được coi là giai đoạn huy hoàng của Bóng đá Việt Nam khi đã liên tiếp giành được các thành tích đáng nể như: Á quân tại VCK U23 Châu Á, Vô địch AFF Cup hay Huy chương vàng SEA Games 2019...Với những thành tích đã đạt được, Bóng đá Việt Nam được nhiều người biết đến hơn, được các bạn bè trong khu vực Đông Nam Á và Châu Á quan tâm đến nhiều hơn. Đây chính là kênh quan trọng để góp phần quảng bá về thể thao, về hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Có thể nói, khi quan tâm đến Bóng đá, người ta cũng sẽ quan tâm đến đất nước đó nhiều hơn. Đối với các doanh nghiệp, bóng đá chính là một công cụ hữu hiệu để quảng bá thương hiệu thậm chí là mang lại những lợi ích về tài chính. Thông qua bóng đá, các doanh nghiệp được biết đến nhiều hơn nhờ các hình thức quảng cáo từ bộ môn thể thao này. Chưa kể những doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp bóng đá, kiếm được nguồn lợi nhuận khổng lồ thông qua các thương vụ chuyển nhượng. Bóng đá càng phát triển, giá trị của các cầu thủ càng cao.

Ông bầu Cao Tiến Đoan đã giúp CLB Thanh Hóa thay da đổi thịt 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mặc dù bóng đá Việt Nam đã được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư, tài trợ nhưng trong hơn 20 năm tiến lên chuyên nghiệp, phần lớn các CLB bóng đá vẫn phụ thuộc vào sự tài trợ của doanh nghiệp hoặc ngân sách địa phương, chính vì vậy sự phát triển của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn khá bấp bênh. Thậm chí, sự tồn tại và phát triển của các CLB hoàn toàn phụ thuộc vào tình hình phát triển của doanh nghiệp, địa phương.

Cách làm thiếu bền vững này đã để lại nhiều bài học đắt giá trong quá khứ như CLB Navibank Sài Gòn tồn tại trong 3 năm, sau V-League 2012, CLB tuyên bố dừng hoạt động, chính thức giải thể vì không còn kinh phí. Hà Nội ACB và Khatoco Khánh Hòa giải thể năm 2012 vì ông bầu Nguyễn Đức Kiên vướng vòng lao lý và Tổng công ty Khánh Việt quyết định ngừng làm bóng đá; Năm 2013, CLB xi măng Xuân Thành Sài Gòn và Kienlongbank Kiên Giang giải thể; Năm 2014 Hùng Vương An Giang, The Vissai Ninh Bình giải thể. Hay trong tháng 8/2020, CLB Thanh Hóa gửi công văn tuyên bố không tham dự phần còn lại của V-League 2020 do thiếu kinh phí; tháng 11/2020, “bầu Đệ” đã bàn giao quyền quản lý, điều hành CLB này cho ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bất động sản Đông Á; năm 2021, CLB Nam Định đã gửi công văn xin đổi tên do sự thay đổi về nhà tài trợ ngay trước ngày V-League 2021 khởi tranh. Đây là lần thứ 12 trong lịch sử, đội bóng thành Nam xin đổi tên, lý do cho sự thay đổi này xuất phát từ việc nhà tài trợ cũ đã rút lui. Hay như CLB Bóng đá Bình Định cũng chính thức đổi tên thành CLB Bóng đá Topenland Bình Định sau khi nhận được sự tài trợ của Tập đoàn Hưng Thịnh. Mới đây nhất, Bắc Á Bank xin thôi tài trợ cho CLB Sông Lam Nghệ An, ứng viên thay thế là Tân Long Group - một tập đoàn lớn trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản, có nhiều liên hệ với T&T Group của “bầu Hiển”. Cũng có không ít các đội bóng đang phải vật lộn để trang trải các khoản chi phí, điển hình như Than Quảng Ninh FC khi nhà tài trợ chính dừng tài trợ từ mùa giải 2020, đến năm 2021 thì chính thức giải thể.

Có thể thấy, bóng đá là một trong những nhân tố vô cùng quan trọng để góp phần phát triển nền kinh tế Việt Nam mà trong đó mỗi một CLB Bóng đá chuyên nghiệp lại là một cá thể, góp phần không nhỏ vào hoạt động đó. Chính vì vậy, để phát huy hết tiềm năng và sức mạnh của các CLB trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì đòi hỏi cần có những giải pháp toàn diện để thúc đẩy mỗi CLB cần tạo được nguồn tài chính ổn định, từ đó trở thành nguồn lực đặc biệt đối với sự phát triển của kinh tế nước nhà.

Đề xuất các giải pháp phát huy vai trò của các CLB bóng đá chuyên nghiệp trong phát triển kinh tế thể thao

Để các CLB thể thao chuyên nghiệp có vai trò thúc đẩy nền kinh tế thể thao phát triển thì bản thân mỗi CLB cần phải có sự chuyển mình, tạo nguồn tài chính bền vững. Cụ thể cần:

Hà Nội FC là CLB thành công nhất tại VLeague

Giải pháp 1: Mỗi câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp cần xây dựng Chiến lược tạo nguồn tài chính của CLB Bóng đá chuyên nghiệp gắn với tiêu chí cấp phép của AFC, phù hợp với định hướng và tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.

Để thực hiện được giải pháp này, các CLB cần xây dựng Chiến lược tạo nguồn tài chính cần dựa trên các nguyên tắc kinh doanh hiệu quả: (1) Đảm bảo vừa thi đấu đạt thành tích tốt vừa đạt hiệu quả kinh doanh tốt, (2) Mở rộng các khoản thu kinh phí cho cơ quan tổ chức giải và CLB, tăng số thu từng khoản, (3) Tiếp tục hoàn thiện mô hình kinh doanh của CLB.

Chiến lược cần giải quyết được một số nội dung như:

- Đa dạng hóa các nguồn thu của CLB, không quá phụ thuộc vào các nhà tài trợ lớn, mở rộng thêm nhiều nhà tài trợ nhỏ; tăng cường nguồn thu từ mảng đào tạo, cả đào tạo chuyên nghiệp và đào tạo phong trào; đổi mới cách tiếp cận người hâm mộ với nhiều gói giá vé phù hợp với từng đối tượng và phong phú thêm các hoạt động dịch vụ đi kèm tại SVĐ (ăn uống, bán sản phẩm lưu niệm, bán các sản phẩm của nhà tài trợ, tổ chức các hoạt động vui chơi có thưởng,...) để tăng nguồn thu từ bán vé cũng như từ các hoạt động thương mại, dịch vụ;

- Xây dựng chính sách đảm bảo quyền lợi cho nhà tài trợ; Thay đổi phương thức tiếp cận, phương thức tài trợ của các chủ doanh nghiệp/nhà tài trợ bằng hình thức đầu tư chiều sâu, lâu dài, để nhà tài trợ hiểu được những lợi ích khi đồng hành cùng CLB;

- Phối hợp chặt chẽ với các đài truyền hình để xây dựng hình ảnh của giải đấu và khai thác tăng nguồn thu từ bản quyền truyền hình; + Tăng cường, chú trọng đầu tư phát triển cầu thủ trẻ từ nguồn địa phương vừa giúp xây dựng Đội bóng mang bản sắc địa phương; vừa hướng tới tăng nguồn thu từ phí chuyển nhượng cầu thủ;

- Đầu tư xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực chuyên trách, chuyên nghiệp của CLB đáp ứng tiêu chí cấp phép về Nhân lực và hành chính; trong đó chú trọng đến đội ngũ làm công tác marketing, truyền thông và tài chính, kế toán;

- Đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của AFC giúp tăng nguồn thu từ các hoạt động kinh doanh dịch vụ tại SVĐ;

- Tổ chức kết nối, đào tạo, hướng dẫn, phát triển hội cổ động viên của CLB, đội ngũ tình nguyện viên chuyên nghiệp phục vụ tại các trận đấu cũng như hỗ trợ phát triển, triển khai các hoạt động dịch vụ, thương mại của CLB. Đây sẽ là hai lực lượng nòng cốt dẫn dắt, tạo hứng khởi và xây dựng môi trường cổ động văn hóa tại SVĐ; trực tiếp và gián tiếp giúp tăng nguồn thu cho CLB và Xây dựng hệ thống đánh giá sự hài lòng của người hâm mộ đối với từng hoạt động dịch vụ của CLB

Giải pháp 2: Các CLB cần tăng cường công tác xây dựng thương hiệu CLB

Việc tăng cường công tác xây dựng thương hiệu cần đảm bảo thực hiện theo 5 bước: (1) Xây dựng tầm nhìn thương hiệu, (2) Xây dựng chiến lược thương hiệu, (3) Xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu, (4) Lập kế hoạch quảng bá thương hiệu, (5) Đánh giá và đo lường “sức khỏe” thương hiệu.

Xây dựng thương hiệu thông qua việc huy nâng cao thành tích thi đấu của CLB tại giải V-League (giá trị cốt lõi làm nên thương hiệu Đội bóng); Xây dựng phong cách thi đấu đậm nét truyền thống địa phương của CLB; Tăng cường công tác giáo dục đạo đức, tư tưởng và phong cách chuyên nghiệp cho các cầu thủ; Xây dựng thương hiệu cầu thủ sao của CLB; xây dựng logo đội bóng dễ nhận biết, gắn với truyền thống địa phương, thể hiện được thông điệp mà Đội bóng muốn truyền tải đến người hâm mộ, màu sắc nổi bật và tương đồng, đồng bộ với các sản phẩm khác của CLB (quần áo cầu thủ, vật phẩm lưu niệm...); bài hát truyền thống, linh vật của CLB.

Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các hình thức truyền thông để lan tỏa, nâng cao giá trị thương hiệu của CLB đến với nhà đầu tư và người hâm mộ.

Giải pháp 3: Cần tăng cường đầu tư hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, đạt chuẩn, đổi mới cơ chế khai thác sân vận động

Lãnh đạo CLB cần quan tâm, có kế hoạch và giành nguồn kinh phí nhất định cho việc nâng cao chất lượng mặt sân, khán đài, khu vực VIP, khu vệ sinh, các khu vực kỹ thuật, ánh sáng, biển báo, biển quảng cáo trên sân,...; đào tạo, tuyển chọn đội ngũ phục vụ tại sân văn minh, chuyên nghiệp giúp khán giả đến sân luôn có cảm giác thoải mái, hưng phấn, tươi mới qua từng trận đấu.

Chủ động làm việc với chính quyền địa phương tạo điều kiện cho phép CLB có quyền chủ động khai thác, sử dụng SVĐ, giúp chủ động kêu gọi đầu tư đồng hành cải tạo, nâng cấp, trang hoàng SVĐ.

Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tổ chức khai thác các hoạt động kinh doanh khác tại SVĐ trong những ngày diễn ra thi đấu (khai thác tối đa số lượng, số lần các biển quảng cáo chạy trên sân, hình thức để biển quảng cáo trên sân; các khu vực bán hành lưu niệm, ăn uống; các khu vực giải trí, checkin chụp hình,...) và những ngày không tổ chức thi đấu (cho thuê tổ chức sự kiện văn hóa, xã hội khác, tổ chức các hoạt động ngoại khóa giao lưu giữa cầu thủ CLB với người hâm mộ, trẻ em tại địa phương,...)

Đa dạng hóa phương thức bán vé thi đấu từ online, trực tiếp, có các gói ưu đãi khi mua vé cả mùa giải hay các gói vé VIP theo từng cấp độ phù hợp với nhu cầu khách hàng và thực tiễn của SVĐ của CLB.

Tập huấn phòng tránh hoặc xử lý nhanh chóng các tình huống bất ngờ, không mong muốn xảy ra ở khu vực khán đài và phối hợp với các cơ quan an ninh, y tế liên quan để sẵn sàng phục vụ tại sân đảm bảo an ninh, an toàn trong suốt quá trình chuẩn bị và diễn ra trận đấu.

Giải pháp 4: Các CLB cần tăng cường công tác truyền thông, quan hệ công chúng, thu hút quảng cáo, tài trợ và bản quyền truyền thông     

Việc thực hiện giải pháp này thông qua các nội dung như:

- Xây dựng Website, Fanpage của CLB theo chuẩn mực chung, chuyên nghiệp với nội dung phong phú, cập nhật thường xuyên thông tin và có sự tương tác với người hâm mộ sẽ thu hút, tăng lượng người theo dõi, giúp bán hàng trực tuyến hiệu quả, truyền tải được thông điệp của CLB. Bên cạnh đó, CLB cần phát triển thêm các kênh truyền thông hiệu quả như Youtube, Tiktok,...

- Xây dựng chiến lược truyền thông trung hạn, dài hạn và cho từng sự kiện cụ thể; phương án xử lý khủng hoảng truyền thông; quan tâm đẩy mạnh các nội dung mang tính độc quyền, những câu chuyện đời thường, tập luyện của cầu thủ giúp thu hút sự quan tâm của người hâm mộ,...

- Tiếp cận, truyền tải thông tin về CLB đến các nhà tài trợ; Xây dựng chính sách đảm bảo quyền lợi cho nhà tài trợ, thu hút và mở rộng các nhà đầu tư/doanh nghiệp đồng hành cùng CLB.

- Thay đổi phương thức tài trợ của các chủ doanh nghiệp hoặc các nhà tài trợ bằng hình thức đầu tư chiều sâu và dài hạn vào các CLB để tạo nguồn thu tài chính ổn định, bền vững.

Giải pháp 5: Các CLB phải tăng cường hiệu quả công tác quản lý tài chính hiệu quả

Để tăng cường được hiệu quả quản lý tài chính thì mỗi CLB thể thao chuyên nghiệp cần:

- Lập kế hoạch ngân sách của CLB dài hạn, trung hạn, ngắn hạn và có đánh giá, kiểm soát từng giai đoạn thực hiện đảm bảo tính minh bạch, chính xác và kịp thời.

- Phân quyền quyết định về ngân sách đối với từng vị trí nhân sự trong CLB phù hợp; người chịu trách nhiệm thiết lập ngân sách có quyền truy cập vào hệ thống báo cáo; các cấp độ báo cáo phải điều chỉnh sao cho phù hợp với nhu cầu khác nhau của các bên liên quan dựa trên nguồn tài chính dự trữ tiềm năng của CLB

- Xây dựng bảng cân đối tài chính để dự báo kịp thời, có những điều chỉnh phù hợp giúp ;ãnh đạo CLB nâng cao công tác điều hành và giúp nhà đầu tư nắm bắt thông tin, yên tâm đồng hành cùng CLB.

- Có xây dựng phương án quản lý rủi ro trong quá trình vận hành CLB, đặc biệt là vấn đề tài chính (như thu hút nhiều nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư nhỏ tránh việc phải giải thể Đội bóng khi nhà đầu tư bỏ giải giữa chừng...).

- Cập nhật, áp dụng các công cụ quản lý dự án hay các sự kiện được tổ chức, được cập nhật hàng ngày để lãnh đạo CLB nắm bắt thông tin kịp thời và có những điều chỉnh kịp thời (nếu cần thiết).

- Có thực hiện nghiêm túc việc kiểm toán độc lập hàng năm, công khai mức độ chi tiết tài chính phù hợp cho từng bên liên quan.

Các CLB thể thao chuyên nghiệp không chỉ là nơi để thi đấu mà còn là động lực thúc đẩy kinh tế thể thao phát triển. Vì vậy, việc áp dụng các giải pháp hợp lý sẽ giúp các CLB bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam phát triển bền vững và đóng góp tích cực vào nền kinh tế thể thao quốc gia.

 TS. Bùi Việt Hà - Cục Thể dục thể thao

 

Ảnh trong bài
  • Thực trạng và giải pháp phát huy vai trò của các CLB Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam trong kinh tế thể thao
  • Thực trạng và giải pháp phát huy vai trò của các CLB Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam trong kinh tế thể thao
  • Thực trạng và giải pháp phát huy vai trò của các CLB Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam trong kinh tế thể thao