Mối quan hệ cộng sinh, gắn kết giữa Thể thao, Du lịch và Điện ảnh
Thể thao và Du lịch là 2 loại hình hoạt động có thể được coi là sản phẩm đặc thù của xã hội hiện đại, phản ảnh hành vi và chịu tác động của xã hội hiện đại. Thể thao và du lịch có mối quan hệ liên kết gần gũi từ nhiều năm và ngày nay, mối quan hệ gắn kết đó ngày càng trở nên hiện hữu, rõ ràng hơn, thậm chí đến mức sự kết hợp của 2 lĩnh vực đã hình thành nên một ngành kinh tế mới - ngành kinh tế du lịch thể thao (Sport Tourism Industry).
Năm 1896, kỳ Olympic đầu tiên được tổ chức tại Athens, Hy Lạp. Những kỳ Olympic tiếp theo với sự tham gia ngày càng nhiều của các quốc gia đã làm cho sự kiện thể thao mang lại ý nghĩa chính trị, ngoại giao, văn hóa, kinh tế đặc biệt. Nam tước Pierre De Coubertin, Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Olympic quốc tế, người được coi là cha đẻ của Olympic hiện đại, đã từng cho rằng: "thi đấu thể thao tạo ra sự gắn kết không chỉ giữa các vận động viên mà còn giữa các tổ chức và các quốc gia tham dự". Kỳ Olympic Roma 1960 đã đánh dấu một bước chuyển mình mạnh mẽ trong lịch sử các kỳ Olympic, trở thành một sự kiện quốc tế có quy mô lớn, quy tụ nhiều quốc gia và được sự quan tâm rộng rãi của giới truyền thông, các doanh nghiệp, nhà tài trợ và cả các chính trị gia. Từ đó về sau, Olympic và các sự kiện thể thao lớn có quy mô ngày càng lớn, thu hút ngày càng nhiều người trực tiếp tham gia và chứng kiến qua các phương tiện truyền thông.
Thể thao và du lịch có mối quan hệ cộng sinh, đem lại lợi ích cho nhau. Thông qua việc tổ chức các sự kiện, hoạt động thể thao, chính quyền địa phương đăng cai có thể vừa trực tiếp thu hút khách du lịch, vừa quảng bá, thúc đẩy sự phát triển của du lịch nói riêng và kinh tế xã hội địa phương nói chung. Hoạt động du lịch phát triển cũng tạo ra nhiều phúc lợi hơn để đầu tư cho thể thao cũng như cải tạo, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật về thể thao tại địa phương.
Du lịch thể thao đã trở thành một đối tượng nghiên cứu của các nhà kinh tế. Người ta chia hoạt động du lịch thể thao ra thành 2 loại hình chính: đi du lịch để trực tiếp tham gia thi đấu, hoạt động thể thao (như tham dự các giải chạy, giải golf...) hoặc đi du lịch để xem thi đấu thể thao (như tham dự Euro, World Cup, Olympic...). Các hoạt động du lịch thể thao cũng có thể được phân loại thành những loại hình hoạt động cụ thể, gắn với môn/ hình thức của hoạt động thể thao, như du lịch golf, du lịch thuyền buồm, du lịch chạy marathon, ultra marathon, du lịch leo núi (hi-king), du lịch lặn biển, du lịch xe đạp, du lịch thám hiểm hang động, du lịch dù lượn, v.v...
Trước đây, đối tượng tham gia hoạt động du lịch thể thao chỉ là những người ở tầng lớp giàu có hoặc trung lưu. Nay, đối tượng tham gia hoạt động du lịch thể thao đã ngày càng rộng và thu hút ngày càng nhiều đối tượng trẻ tuổi tham gia. Trong xã hội hiện đại, khi năng suất lao động, thu nhập và thời gian nhàn rỗi liên tục được cải thiện thì người dân ngày càng quan tâm nhiều hơn tới 2 yếu tố: sức khỏe và giải trí. Thể thao, du lịch đều là môi trường lý tưởng để tạo ra những giá trị này. Năm 2004, 2 học giả Weed và Bull cho rằng " Trong xã hội hiện đại, du lịch và ngày nghỉ ngày càng trở thành mối quan tâm đặc biệt của người dân" và "Thể thao và du lịch được coi là 2 nhân tố trung tâm trong cuộc sống hiện đại".
Như vậy, có thể thấy rằng thể thao và du lịch ngày càng trở thành nhu cầu quan trọng, chiếm vị trí ngày càng chính yếu của đại bộ phận người dân trong xã hội hiện đại. Mối quan hệ gắn kết giữa thể thao và du lịch là mối quan hệ cộng sinh, đôi bên cùng có lợi.
Vậy thì nói tới nhân tố thứ ba - Điện ảnh - mối quan hệ giữa 3 nhân tố này sẽ như thế nào?
Nếu như nói thể thao và du lịch là những "thực đơn chính" không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại thì điện ảnh có thể xem như cuốn menu để được biên tập, trình bày một cách nghệ thuật và có chủ đích để giới thiệu tới thực khách trên bàn tiệc. Qua lăng kính của điện ảnh, các hoạt động của thể thao, du lịch trở nên đẹp đẽ, lung linh hơn, xúc cảm hơn. Ở thời đại bùng nổ truyền thông hiện nay thì các sản phẩm điện ảnh, các video clip sẽ có sức lan tỏa nhanh hơn, rộng hơn so với bất kỳ bài viết nào. Như vậy, có thể nói điện ảnh là kênh truyền thông, quảng bá hiệu quả đối với thể thao và du lịch. Ở chiều ngược lại, các hoạt động thể thao, du lịch chính là đối tượng phản ảnh, chủ đề khai thác của điện ảnh bởi sức hấp dẫn to lớn của các hoạt động này cũng như các chủ đề về 2 lĩnh vực này được sự quan tâm rộng rãi của xã hội.
Nhìn từ góc độ kinh tế, công nghiệp điện ảnh, công nghiệp du lịch và công nghiệp thể thao đều là những ngành công nghiệp mới, có tính gắn kết đa ngành. Công nghiệp du lịch hiện được coi là ngành công nghiệp mũi nhọn ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Công nghiệp điện ảnh là ngành kinh tế sáng tạo, cũng đã khẳng định vị thế quan trọng và hứa hẹn tiềm năng phát triển, đặc biệt là ở Việt Nam. Công nghiệp thể thao là ngành công nghiệp mới nhưng có tốc độ tăng trưởng thuộc loại cao nhất trong các ngành công nghiệp. Như vậy, việc khai thác mối quan hệ liên kết hiệu quả giữa 3 lĩnh vực không chỉ đem lại giá trị văn hóa, ngoại giao hay xã hội mà còn có thể đem lại giá trị kinh tế lớn, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Thực tiễn, tiềm năng và giải pháp liên kết phát triển 3 lĩnh vực
Hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới đã có chính sách rõ rệt về quản lý và khai thác hoạt động du lịch thể thao. Một trong những ví dụ điển hình là trường hợp phát triển du lịch thể thao ở Nhật Bản. Nhật Bản là một trong những quốc gia thu hút khách du lịch hàng đầu trên thế giới. Song, trong thời gian trước đây thì khách du lịch đến Nhật Bản chủ yếu là để trải nghiệm văn hóa, chiêm ngưỡng cảnh đẹp như lễ hội hoa anh đào mà ít quan tâm tới các hoạt động văn hóa thể chất. Từ năm 2012, Chính phủ Nhật Bản đã cho thành lập Hiệp hội Du lịch Thể thao Nhật Bản (JSTA), với mục đích nhằm quảng bá, thu hút khách du lịch đến với Nhật Bản để thưởng thức các hoạt động thể thao truyền thống như Sumo và các giải thể thao nhà nghề (bóng chày, bóng đá). Hiệp hội này còn tham gia xúc tiến đăng cai tổ chức sự kiện thể thao quốc tế để thu hút khách du lịch; phát triển hạ tầng và các loại hình thể thao gắn với cơ sở du lịch để thu hút du khách kết hợp trải nghiệp tập luyện, thi đấu thể thao; phối hợp với các địa phương, các trường đại học, viện nghiên cứu triển khai các gói du lịch thể thao đặc sắc để thu hút khách du lịch.
Trung Quốc, đất nước láng giềng của chúng ta, trong 2 thập kỷ gần đây đã phát triển mạnh các loại hình du lịch thể thao. Ngành du lịch Trung Quốc chuyển dần từ khai thác hoạt động du lịch truyền thống sang khai thác các loại hình mới như du lịch giải trí, du lịch trải nghiệm, du lịch nghỉ dưỡng. Du lịch thể thao - vốn gắn với các yếu tố giải trí, rèn luyện thể chất và trải nghiệm - ngày càng trở thành một hoạt động được ưa thích của người dân Trung Quốc, đặc biệt là thế hệ trẻ. Một số sự kiện thể thao có số lượng người tham dự rất đông, qua đó khai thác hiệu quả hoạt động quảng bá phát triển du lịch, như: Festival lướt ván buồm quốc tế Bạch Vân Quý Châu, Festival trượt tuyết quốc tế núi Sùng Lễ (Hà Bắc), Festival Xe đạp leo núi Hoàng Sơn, Festival tour xe đạp đảo Hải Nam, Festival đua thuyền rồng Nhạc Dương, Festival võ Thiếu Lâm Đông Phong (Hà Nam), Festival đua ngựa tỉnh Nội Mông. Chỉ tính riêng tại huyện Sùng Lễ (Trương Gia Khẩu) - địa điểm trượt tuyết nổi tiếng của Trung Quốc - du lịch thể thao là ngành kinh tế chính, đóng góp trên 30% GDP và giải quyết công ăn việc làm cho trên 10.000 lao động địa phương.
Việt Nam có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển du lịch thể thao, với bờ biển dài, nhiều rừng núi, khí hậu ấm áp quanh năm ở nhiều địa phương. Bên cạnh đó, đất nước chúng ta giàu bản sắc văn hóa, nhiều lễ hội; hạ tầng du lịch, hạ tầng thể thao đang phát triển nhanh chóng; thu nhập của người dân được cải thiện, đại bộ phận người dân hâm mộ thể thao; các trào lưu, xu hướng tham gia tập luyện thể thao, đi du lịch trong giới trẻ phát triển mạnh.... Đó cũng được coi là những điều kiện là rất thuận lợi để phát triển du lịch thể thao. Trong thời gian qua, một số loại hình du lịch thể thao đã phát triển rất mạnh ở nước ta, như các giải chạy bộ (marathon), chạy địa hình (trail run), các giải thi đấu golf, giải thi đấu 3 môn phối hợp, 2 môn phối hợp... Riêng trong môn chạy bộ (gồm cả marathon, siêu marathon và chạy địa hình), số lượng các giải chạy và số lượng người tập luyện tăng theo cấp số nhân hàng năm. Năm 2020 cả nước có khoảng trên 30 giải chạy, đến năm 2024 đã có 64 giải chạy chính thức được công bố và hàng trăm giải chạy quy mô nhỏ tại các tỉnh, thành phố. Với số lượng người tham gia có đóng phí đông (những giải chạy lớn khoảng từ 10.000-15.000 người tham gia), các giải thu được khoản lệ phí lớn và thu hút nhiều tổ chức kinh tế tham gia tài trợ. Đồng thời, cũng đem lại lợi ích lớn đối với các địa phương đăng cai. Theo Tuổi trẻ (tháng 4/2024), chỉ tính riêng giải Marathon quốc tế thành phố Hồ Chí Minh tháng 12/2023 đã đem về cho nền kinh tế thành phố khoảng 4,37 triệu USD (tương đương 98 tỷ đồng). Ngày càng có nhiều địa phương quan tâm tới tổ chức các sự kiện thể thao quy mô lớn, thu hút đông người như giải chạy, 3 môn phối hợp. Các hoạt động này không chỉ góp phần quảng bá du lịch địa phương mà còn tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương và các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn.
Các hoạt động du lịch thể thao bước đầu đã có được sự gắn kết với truyền thông, điện ảnh. Nhiều kênh truyền hình, đơn vị truyền thông đã tham gia trong công tác tổ chức, khai thác sự kiện cũng như truyền thông, quảng bá đối với các sự kiện du lịch thể thao, đặc biệt là các giải Golf, giải chạy, đua xe đạp, các giải thi đấu thu hút khách du lịch như bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, boxing, MMA.... Đặc biệt, việc tổ chức thành công các sự kiện thể thao lớn ở nước ta như SEA Games, Asian Beach Games, giải AFF Cup đã thể hiện sự phối hợp liên ngành cũng như phát huy hiệu quả rất lớn trong quảng bá, phát triển du lịch.
Tuy nhiên, kết quả khai thác các hoạt động du lịch thể thao ở nước ta còn chưa tương xứng với tiềm năng. Còn nhiều loại hình mới chỉ được khai thác ở quy mô rất khiêm tốn, như các hoạt động leo núi (hi-king), lặn biển, các hoạt động thi đấu thể thao trên mặt biển (đua thuyền buồm, bơi biển, lướt sóng, đua thuyền máy), các hoạt động thể thao trên bãi biển, các tour xe đạp địa hình, xe đạp đường trường... Việc liên kết quốc tế để tổ chức các hoạt động thể thao quy mô lớn, thu hút vận động viên nước ngoài để phát triển du lịch, cũng mới chỉ đạt được một số kết quả ban đầu.
Để có thể khai thác hiệu quả mối liên kết giữa 3 lĩnh vực, về phía các cơ quan tham mưu, quản lý thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có sự phối hợp xây dựng các kế hoạch, chương trình phối hợp liên ngành cụ thể, đồng thời tăng cường rà soát, đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để phát triển các hoạt động du lịch thể thao (như cấp giấy phép tổ chức sự kiện; điều kiện, thủ tục nhập cảnh). Cần có kế hoạch trung hạn, kế hoạch hàng năm để phối hợp để tổ chức các sự kiện du lịch thể thao quy mô lớn, thu hút đông người tham gia, đặc biệt là các sự kiện thể thao quốc tế. Trong dài hạn, cần có kế hoạch, biện pháp cụ thể để khuyến khích, định hướng, hỗ trợ các địa phương thúc đẩy phát triển các hoạt động du lịch thể thao nhằm khai thác lợi thế độc đáo về địa hình, điều kiện tự nhiên, như các giải chạy, leo núi, tour xe đạp, lặn biển, bơi biển, đua thuyền buồm, thuyền truyền thống.... Bên cạnh đó, cần phát huy sự phối hợp liên ngành để tạo ra những sản phẩm du lịch thể thao có đẳng cấp quốc tế, nâng tầm một số giải chạy marathon, chạy địa hình, giải golf, giải quần vợt, giải đua xe đạp... để thu hút khách quốc tế. Trong tất cả các hoạt động trên, cần có sự hỗ trợ của ngành điện ảnh trong việc xây dựng các sản phẩm điện ảnh nhằm giới thiệu, quảng bá, phát huy hiệu quả tổ chức sự kiện.
Cục Thể dục thể thao