Olympic Paris 2024: các thành viên Đoàn Thể thao Việt Nam đã sẵn sàng

Chỉ còn vài ngày nữa Đoàn Thể thao Việt Nam sẽ chính thức lên đường sang Pháp tham dự Olympic Paris 2024. Đây là thời điểm 39 thành viên đã hoàn tất mọi công tác chuẩn bị và đang trong trạng thái tâm lý sẵn sàng nhập cuộc sân chơi thể thao lớn nhất hành tinh được tổ chức 4 năm một lần.

Hòa chung niềm hứng khởi cùng Đoàn Thể thao Việt Nam trước ngày lên đường tham dự sự kiến lớn, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với ông Đặng Hà Việt – Cục trưởng Cục TDTT, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic Paris 2024.

Thưa ông! ông có thể cho biết cảm xúc của mình khi lần đầu tiên giữ cương vị trưởng Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic?

Với cá nhân tôi, đây là niềm hạnh phúc, vinh dự rất lớn khi được lãnh đạo Bộ VHTTDL tin tưởng giao cho trọng trách này. Đây là trách nhiệm mà chắc chắn tôi sẽ phải làm thật tốt. Tôi sẽ cùng với các thành viên trong đoàn nỗ lực hết mình mang vinh quang về cho Tổ quốc và truyền tải, quảng bá được nét đep, hình ảnh con người Việt Nam đến với bạn bè trên khắp thế giới.

Tôi đã từng trải qua nhiều vị trí khác nhau, từ VĐV rồi làm HLV, sau đó làm công tác giảng dạy và chuyển sang công tác quản lý trong ngành TDTT. Ở mỗi vị trí khác nhau, tôi đều cảm nhận được đầy đủ niềm hạnh phúc, tự hào, vinh dự khi được đại diện cho Quốc gia đến với đấu trường thể thao Olympic mà nhiều VĐV, HLV luôn mong ước có được, dẫu chỉ một lần trong sự nghiệp thể thao đỉnh cao mà họ đang theo đuổi. Đặc biệt, sau nhiều năm ao ước thì đến nay giấc mơ đó đã thành hiện thực khi tôi được trực tiếp tham dự đấu trường Olympic với vai trò là Trưởng đoàn. Điều này khiến tôi càng trận trọng và thấy mình phải hoàn thành tốt vai trò, trách nhiệm khi được giao phó.

Cục trưởng Cục TDTT, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Đặng Hà Việt trả lời báo chí (Ảnh: Văn Duy)

Thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho kỳ Thế vận hội của Thể thao Việt Nam đã hoàn tất. Vậy ông có thể chia sẻ về hành trang mà Đoàn Thể thao Việt Nam mang theo để chinh phục đấu trường Olympic Paris 2024?

Có lẽ, đó là sự chuẩn bị kỹ lưỡng về chuyên môn và mỗi thành viên trong đoàn, đặc biệt là những VĐV xuất sắc của Đoàn Thể thao Việt Nam đang có được trạng thái tâm lý tốt nhất. Tuy nhiên, trong suốt quá trình chuẩn bị, chúng tôi cũng có những thuận lợi và khó khăn nhất định. Như các bạn đã biết, đấu trường Olympic vô cùng khắc nghiệt, nơi quy tụ những VĐV hàng đầu thế giới, sự cạnh tranh chắc chắn vô cùng lớn của VĐV các nước. Đối với thể thao ở đấu trường Olympic, ASIAD, thành tích được xem là thước đo cho sự phát triển của nền kinh tế xã hội, cũng như ứng dụng khoa học tiên tiến và sự đầu tư cho Thể thao của mỗi quốc gia.

Đối với Thể thao Việt Nam có những thuận lợi như được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Bộ VHTTDL. Ngay sau khi Đoàn Thể thao Việt Nam trở về từ ASIAD 19 (tháng 10 năm 2023) thành tích không đạt được như kỳ vọng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030, trong đó mục tiêu tập trung là nâng tầm ASIAD và khát vọng Olympic. Theo đó, ngành TDTT đã rà soát, xác định và đưa ra kế hoạch phát triển theo từng giai đoạn cụ thể. Kết quả bước đầu cho thấy, những tính toán để đạt 16 suất tham dự Olympic Paris 2024 khá chuẩn xác, đang đi theo đúng định hướng, lộ trình phát triển của Thể thao thành tích cao Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Dẫu đã đạt vượt mục tiêu tối đa giành vé tham dự Olympic Paris là 16 suất, nhưng Thể thao Việt Nam vẫn còn những hạn chế, cần tiếp tục khắc phục trong thời gian tới. Đó là việc nâng cao hơn nữa áp dụng khoa học công nghệ hiện đại vào trong công tác tuyển chọn, huấn luyện và chăm sóc VĐV nhằm giúp họ đạt được phong độ thi đấu tốt nhất, qua đó cải thiện, nâng cao thành tích cho Thể thao Việt Nam tại những đấu trường lớn như ASIAD và Olympic.

Cách đây 8 năm, Thể thao Việt Nam đã tạo dấu ấn khi cựu VĐV Hoàng Xuân Vinh giành được 1 HCV, 1 HCB tại Olympic Rio ở môn Bắn súng, vậy ở kỳ Olympic Paris này, ông có nhận định thế nào về khả năng tranh chấp huy chương của VĐV Việt Nam?

Đối với đấu trường Olympic, chúng ta đã có huy chương ở môn Taekwodo, Cử tạ, đặc biệt là tấm HCV, HCB của cựu VĐV Hoàng Xuân Vinh môn Bắn súng. Tuy nhiên, theo xu thế phát triển của Thể thao hiện đại thì ở đấu trường Olympic dần hạn chế, thâm chí là cắt đi những nội dung thi đấu ở hạng cân nhẹ (Cử tạ bỏ hạng cân 56kg), hay ở môn Đua thuyền, bỏ nội dung thuyền nhẹ mà chỉ để lại 4 nội dung thi đấu (trước đây thì có nhiều nội dung hơn).

Chính vì vậy, điều này gián tiếp tạo ra những khó khăn trong việc giành huy chương cho các đoàn Thể thao Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Bởi, thường những hạng cân nhẹ sẽ là lợi thế và phù hợp với thể trạng khả năng khéo léo của người Việt Nam. Đối với các bộ môn được ngành TDTT đầu tư trọng điểm và đã có nền tảng, lịch sử thành tích tốt cũng như cần sự khéo léo, tính toán, độ chính xác cao như Bắn súng, Bắn cung thì những năm gần đây các thế hệ vàng đã qua đi (giải nghệ) như Hoàng Xuân Vinh và chúng ta đang có thế hệ VĐV trẻ, tài năng, đó là niềm hy vọng rất lớn cho Thể thao Việt Nam. Tuy nhiên, những môn thể thao này ngoài trang thiết bị tập luyện, rèn luyện chuyên môn thì cần đến tính tập trung cao độ. Do đó, đòi hỏi các em phải có một tâm lý vững vàng trong thi đấu, không bị sao nhãng bởi những tác động bên ngoài. Đây không chỉ là áp lực với chỉ riêng VĐV với cả HLV, các nhà quản lý. Mặc dù áp lực, nhưng chúng tôi luôn thể hiện trạng thái tâm lý rất thoải mái để tạo được động lực giúp cho các VĐV có thêm niềm tin, sự tự tin để thi đấu thăng hoa hơn.

Vậy ông có thể chia sẻ rõ hơn về công tác chuẩn bị tâm lý cho VĐV Việt Nam tranh tài tại Olympic lần này?

Vấn đề chuẩn bị về yếu tố tâm lý cho VĐV trước, trong và sau khi tham gia thi đấu là yếu tố vô cùng quan trọng. Đặc biệt là khi bước ra những đấu trường lớn như Olympic, ngoài trình độ chuyên môn, tâm lý thi đấu VĐV sẽ gần như quyết định để giành được huy chương.

Thời gian qua, ngành TDTT đã chỉ đạo các bộ môn, Trung tâm HLTTQG cùng với HLV, chuyên gia đặc biệt lưu tâm tới việc trang bị công tác tư tưởng, tâm lý cho VĐV có được sự tự tin, thoải mái, vững chắc nhất. Chuẩn bị tốt về tâm lý thi đấu không chỉ thể hiện qua lời nói (cùng chia sẻ, động viên, tháo gỡ những vướng mắc trong cuộc sống) mà phải thông qua các việc làm cụ thể. Ngay như trong việc học tập hàng ngày của VĐV, chúng tôi luôn quán triệt, nhắc nhở VĐV phải tập trung cao độ vào làm từng việc thật tốt. Hoàn thành việc học tập (văn hóa, tập luyện chuyên môn) ở mức độ tập trung cao nhất, sau đó khi chuyển sang trạng thái giải trí, thư giãn hay xử lý những việc khác trong cuộc sống với một tâm lý thoải mái, tích cực, hướng đến cuộc sống lành mạnh, ý nghĩa.

Với vai trò là người đứng đầu ngành TDTT, Trưởng Đoàn Thể thao Việt Nam, ông có dự báo gì về VĐV ở môn thể thao nào có khả năng tiệm cận và cơ hội tranh chấp huy chương ở kỳ Thế vận hội này?

Ở kỳ Olympic này, dựa vào trình độ và thành tích của VĐV ở các giải đấu quốc tế diễn ra trong thời gian qua, Thể thao Việt Nam vẫn đang đặt kỳ vọng vào các môn Thể thao như: Bắn súng, Bắn cung và Cử tạ. Tuy nhiên, ở những VĐV của các môn thể thao khác như: Cầu Lông, Đua Thuyền, Xe đạp, Judo, Boxing, Điền kinh, Bơi cũng có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, cùng sự tính toán, thông minh trong thi đấu để vượt qua chính mình hướng tới đỉnh cao thành tích của Olympic thì cơ hội được chia đều cho các VĐV.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này và chúc Đoàn Thể thao Việt Nam sẽ thi đấu thành công tại Olympic Paris 2024.

N.Hương thực hiện

Ảnh trong bài
  • Olympic Paris 2024: các thành viên Đoàn Thể thao Việt Nam đã sẵn sàng