Rà soát, đánh giá tổng thể, ban hành chính sách mới đối với vận động viên

Chiều 5-6, Quốc hội bước vào phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.

Quang cảnh phiên chất vấn, Ảnh: Tuoitre

Nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ cho vận động viên sau giải nghệ

Tại Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, trả lời chất vấn của Đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình) về vấn đề đa số các vận động viên băn khoăn với việc “sẽ làm gì sau giải nghệ”, vì thời gian thi đấu đỉnh cao tương đối ngắn. Một số vận động viên có thể chuyển sang làm công tác huấn luyện, nhưng con số này tương đối ít. Chính vì tương lai hậu thi đấu, nhiều vận động viên bỏ đam mê thể thao. Theo Nghị định 36/2019, Chính phủ đã có chính sách ưu đãi về học nghề cho vận động viên thành tích cao. Tuy nhiên, để hưởng cơ hội này vận động viên "phải may mắn vì không ít người bị chấn thương không được hưởng ưu đãi". Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp đảm bảo tương lai cho vận động viên sau giải nghệ, đặc biệt là người gặp chấn thương?.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm về thể thao với các nghị quyết, chiến lược, đề án thực hiện. Theo đó, Chính phủ ban hành 8 chính sách để hỗ trợ vận động viên thể thao thành tích cao, đào tạo ưu tiên giải quyết việc làm, tiền thưởng… từ đó động viên đội ngũ thể thao thành tích cao.

Nhưng việc giải quyết việc làm cho vận động viên sau thời kỳ đỉnh cao còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là trình độ đào tạo, nghề nghiệp của họ chưa được chuyển đổi sau khi hết thời gian thi đấu. Nghề nghiệp chuyển đổi cũng chưa thích hợp với các vận động viên. Vì vậy, không phải tất cả đều được làm công tác huấn luyện tại các đơn vị sự nghiệp.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, giải pháp về lâu dài là tiếp tục đổi mới cách tiếp cận để giải quyết việc làm bằng nhiều cách khác nhau. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang đề xuất Chính phủ phối hợp với Bộ, ngành để tập trung đánh giá tổng thể tác động hệ thống chính sách vừa qua, từ đó đề xuất Chính phủ ban hành chính sách mới, sửa đổi theo hướng tạo thuận lợi cho vận động viên để tập trung, yên tâm thi đấu, sau đó được phát triển ngành nghề theo đúng sở trường của mình. Các chính sách bao gồm: tiền lương, phụ cấp đặc thù, nhà ở và đào tạo nghề sau thi đấu.

Kiên quyết xử lý tiêu cực trong thể thao

Đề cập đến về giải pháp đảm bảo công bằng, minh bạch trong thể thao thành tích cao, Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) nêu rõ thời gian qua, dư luận xôn xao vụ việc vận động viên tố cáo huấn luyện viên bớt xén tiền thưởng, khẩu phần ăn, làm xấu đi hình ảnh thể thao Việt Nam trong mắt công chúng. Bên cạnh những câu chuyện đẹp đậm nghĩa thầy trò của thể thao Việt Nam thì đây là mặt trái của thể thao thành tích cao. Điều này phản ánh hiện thực là chế độ đãi ngộ chưa thực sự phù hợp, cơ chế quản lý chưa thực sự hiệu quả. Dẫn đến hậu quả thể thao thành tích cao của Việt Nam không thể phát triển trong môi trường công bằng, minh bạch, không thể tạo động lực cho vận động viên, huấn luyện viên. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp lâu dài để quản lý và bảo đảm không tái diễn tình trạng trên.

Trả lời chất vấn về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết tiêu cực trong thể thao là vấn đề nhức nhối của ngành. Mặc dù chỉ có 2 sự việc có tính chất cá biệt về tiền ăn của đội tuyển bóng bàn khi tham gia tập huấn tại Trung tâm thể thao Hà Nội được tổ chức tại khu Mỹ Đình. Cùng với đó là tiền của đội thể dục dụng cụ mà chủ yếu có phần liên quan đến Trung tâm thể thao Hà Nội và một phần đội tuyển trung tâm.

Bộ trưởng cho biết, khi phát hiện ra, Bộ cũng đã kiên quyết xử lý, thực hiện phương châm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước là không có ngoại lệ, làm nghiêm theo quy định. Bộ đã xử lý kỷ luật bằng phương pháp hành chính và cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng khác để xem xét, điều tra khi có dấu hiệu tội phạm, đủ điều kiện thì sẽ xem xét để xử lý theo quy định của pháp luật. Bộ trưởng nhấn mạnh “không có dấu hiệu bao che, dung túng” và đây là lời cảnh tỉnh cho công tác huấn luyện.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, vừa qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã rà soát lại, cho bổ sung hoàn chỉnh quy định quản lý đội tuyển. Quy định này có đầy đủ điều khoản, chương, mục quy định việc thực hiện. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra cả về đào tạo và thực hiện chính sách theo hướng công khai minh bạch, nghiêm cấm lập quỹ, công khai, minh bạch về chế độ tiền ăn, tiền thưởng cho vận động viên. Hiện toàn ngành đang áp dụng điều này. 

Ứng dụng khoa học công nghệ trong tuyển chọn, đào tạo tài năng thể thao

Trả lời vấn đề Đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) đến việc năm 2019 Chính phủ phê duyệt Đề án "Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035". Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trong 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trên, Bộ đã phối hợp tham mưu xây dựng được những cơ chế, chính sách gì và kết quả thực hiện ra sao, đặc biệt là các chính sách đặc thù ưu đãi vận động viên, huấn luyện viên tài năng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: về vấn đề thực hiện Đề án 223 của Chính phủ về tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao, sau khi đề án được phê duyệt, Bộ đã chủ động tập trung, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện; đề xuất ban hành các chế độ, chính sách liên quan.

Hiện các vận động viên nói chung, trong đó có các vận động viên thành tích cao đều được hưởng 7 chính sách về lương, tiền công, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chế độ luyện tập, chế độ dinh dưỡng, chế độ học tập, ưu tiên xét tuyển, ưu đãi học nghề... các địa phương còn có chế độ riêng khen thưởng khi đạt thành tích cao.

Với thể thao thành tích cao, Bộ đã xây dựng quy định tuyển chọn, đào tạo tài năng, tiêu chí tuyển chọn, kế hoạch đào tạo, tiếp cận thể thao thành tích cao các bộ môn. Đến nay, Việt Nam đã chọn ra 15 bộ môn và tập trung đào tạo. Để nâng cao phát triển thể thao thành tích cao, Bộ sẽ xem xét đề xuất Chính phủ, tập trung nghiên cứu phát hiện năng khiếu, bồi dưỡng nhân tài; ứng dụng công nghệ gen, phân tích gen để đào tạo, chọn ra các vận động viên và đào tạo các cấp độ khác nhau.

KC

Ảnh trong bài
  • Rà soát, đánh giá tổng thể, ban hành chính sách mới đối với vận động viên