Paralympic 2024: Thể thao NKT Việt Nam dự kiến góp mặt từ 6 đến 7 VĐV

Sau khi kết thúc Đại hội lần thứ VI nhiệm kỳ 2024-2029 Hiệp hội Paralympic Việt Nam, Trang tin điện tử TDTT Việt Nam đã có trao đổi với ông Trần Đức Thọ, Tổng thư ký Hiệp hội về những định hướng phát triển trong nhiệm kỳ của của Thể thao NKT Việt Nam.

Ông Trần Đức Thọ- Tổng thư ký Ủy ban Paralympic Việt Nam

Xin chúc mừng ông được Đại hội tín nhiệm tiếp tục bầu giữ chức Tổng thư ký Ủy ban Paralympic Việt Nam. Chúc mừng Đại hội đã biểu quyết 100% đồng ý đổi tên Hiệp hội Paralympic Việt Nam thành Ủy ban Paralympic Việt Nam. Với cương vị Tổng thư ký, ông có thể cho biết những nhiệm vụ chính của Ủy ban Paralympic Việt Nam trong nhiệm kỳ 2024-2029?

Trong nhiệm kỳ này, Ủy ban Paralympic Việt Nam chú trọng vào 2 nhiệm vụ chính. Đó là phát triển phong trào thể thao trong cộng đồng NKT nhằm thu hút đông đảo NKT tham gia và tập luyện TDTT, phổ cập rộng rãi các môn thể thao dễ tập luyện để NKT dễ tiếp cận và cải thiện thành tích thi đấu của đội tuyển Thể thao NKT Việt Nam.

Cụ thể, mong muốn nhất của tập thể ban chấp hành Ủy ban Paralympic Việt Nam khóa này là đẩy mạnh công tác thể thao cộng đồng để mọi NKT đều có thể tham gia, một là từ nay đến năm 2029, phấn đấu có 15 môn thể thao trở lên được phổ cập trong cộng đồng NKT.

Thứ 2 phấn đấu có 1,5 triệu NKT được tham gia hoạt động và rèn luyện TDTT thường xuyên trong cộng đồng. Từ hoạt động thể thao trong cộng đồng xuất hiện những cá nhân, điển hình ưu tú, có điều kiện tiếp cận thành tích cao, để bổ sung vào đội tuyển Thể thao NKT quốc gia, thay thế dần các VĐV đã lớn tuổi.

Chúng tôi cũng cố gắng đưa thể thao NKT trong cộng đồng vào phong trào chung của Thể thao Việt Nam, nhất là những hoạt động chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Hiệp hội Thể thao Người khuyết tật Việt Nam (nay là Ủy ban Paralympic Việt Nam). Đây là sự kiện lớn của Thể thao NKT năm 2025.

Trong quá trình phát triển, chúng ta sẽ phải đối mặt với những khó khăn nào, thưa ông?

Khó khăn nhất của Thể thao NKT Việt Nam là chưa có chính sách hoàn chỉnh để khuyến khích các vận động viên NKT ở các địa phương. Chính sách này lại bắt nguồn từ những hạn chế của Luật TD,TT, trong đó Nghị định 36/2019/ NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TD,TT, cũng như Thông tư 86/2020/TT-BTC quy định chi tiết chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao. Chế độ tập luyện năng khiếu, chế độ ưu tiên để NKT tiếp cận các công trình TDTT công công, chế độ ưu tiên đạo tạo nghề sau khi giải nghệ thi đấu đỉnh cao…

Thông tư 86/2020/TT-BTC quy định chế độ cho VĐV Thể thao NKT khi tập huấn chuẩn bị cho Paralympic chứ không áp dụng VĐV NKT khi tham gia các kỳ đại hội Đông Nam Á và Châu Á. Đây là cái thiệt thòi cho các VĐV NKT.

Vì Trung ương chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn về chế độ tập luyện năng khiếu của VĐV NKT, nên các tỉnh, thành cũng chưa có căn cứ áp dụng chế độ tập luyện cho NKT tại các trường năng khiếu, trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT, họ chưa tiếp nhận VĐV là NKT theo học như người bình thường. Đó là khó khăn trong vấn đề cơ chế chính sách.

Thứ 2 là khó khăn về lực lượng kế cận khi thế hệ các VĐV như Lê Văn Công, Võ Thanh Tùng, Lê Tiến Đạt, Trịnh thị Bích Như, Nguyễn Thị Hải… đều đã lớn tuổi. Hiện nay chúng ta chưa tìm được các VĐV kế cận thay thế hệ VĐV này. So với thế giới cũng như so với các nước xung quanh chúng ta như Singapore, Thái Lan, Philippines, Malaysia hay Indonesia, chúng ta kém họ khi tuổi của các VĐV NKT Việt Nam đang quá cao, thể lực yếu. Đấy là khó khăn nhất của chúng ta khi tham gia đấu trường quốc tế.

Về công tác xã hội hóa, chúng ta có những thuân lợi và khó khăn gì, thưa ông?

Xã hội hóa Thể thao NKT là một công tác rất khó khăn. Chúng tôi đang tập trung vào công tác này, làm sao cho mỗi tổ chức, cá nhân, có tâm, yêu thích và đam mê đối với lĩnh vực hoạt động TDTT NKT đều được động viên, khuyến khích cùng đồng hành với thể thao NKT. Hiện nay có nhiều tổ chức liên đoàn Thể thao quốc gia và tại địa phương có nhiều hoạt động bổ ích cho NKT như đưa vào các môn thể thao mới hay các giải thể thao cho cộng đồng. Một số tổ chức xã hội như Hội Người mù cũng sẵn sàng tổ chức các các hoạt động thể thao cho cộng đồng như khiêu vũ thể thao cho người khiếm thị... Đấy cũng là một hình thức xã hội hóa.

Còn đối với các doanh nghiệp, chúng tôi luôn mong muốn và sẵn sàng kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, thông qua các chi nhánh và văn phòng đại diện để có nguồn kinh phí duy trì hàng năm, phát triển phong trào cơ sở và trong cộng đồng.

Tại Paralympic sắp tới, lực lượng VĐV tham dự của chúng ta như thế nào, thưa ông?

Hiện, Thể thao NKT VIệt Nam đã giành 01 suất chính thức tranh tài tại Paralympic 2024 ở môn Cử tạ của VĐV Lê Văn Công và 3 suất ở môn Bơi của Lê Tiến Đạt, Trịnh thị Bích Như, Đỗ Thanh Hải. Dự tính chúng ta còn 4 suất môn Cử tạ nhưng phải đợi đạt điểm chuẩn tại giải đấu cuối tháng 5 diễn ra ở Thái Lan. Điền kinh hiện tại chúng ta chưa có VĐV nào và đang chờ xét. Chúng tôi tạm tính đến thời điểm chốt lại danh sách chính thức của Paralympic, chúng ta dự kiến có từ 6 đến 7 VĐV tham dự Paralympic 2024.

Vậy mục tiêu của Thể thao NKT Việt Nam tại Paralympic 2024 là gì, thưa ông?

Mục tiêu của Thể thao NKT Việt Nam tại Paralympic 2024 là phấn đấu có huy chương. Nếu VĐV Cử tạ Lê Văn Công đạt huy chương tại Paralymic lần này thì anh sẽ lập kỷ lục quốc gia khi 3 lần liên tiếp giành huy chương tại thế vận hội lớn nhất hành tinh.

Về cơ hội giành huy chương của Lê Văn Công, chúng tôi vẫn đánh giá rất sự cao nỗ lực và quyết tâm của anh. Lê Văn Công đang tập trung rèn luyện và khắc phục mọi khó khăn để vượt qua chấn thương ở bả vai và quyết tâm phấn đấu để giành được huy chương lại Paralympic 2024 này.

Xin cảm ơn ông và chúc Thể thao NKT Việt Nam ngày càng phát triển, giành được nhiều thành tích tại Paralympic 2024.

T.Dương

Ảnh trong bài
  • Paralympic 2024: Thể thao NKT Việt Nam dự kiến góp mặt từ 6 đến 7 VĐV
  • Paralympic 2024: Thể thao NKT Việt Nam dự kiến góp mặt từ 6 đến 7 VĐV
  • Paralympic 2024: Thể thao NKT Việt Nam dự kiến góp mặt từ 6 đến 7 VĐV