Bà đánh giá thế nào về những đóng góp của các nữ VĐV trong thành công của thể thao Việt Nam năm 2023?
Năm 2023, thể thao Việt Nam đạt được những thành công đáng ghi nhận, đặc biệt là ở SEA Games 32 tại Campuchia và ASIAD 19 tại Hàng Châu, Trung Quốc. Tại SEA Games 32, số huy chương mà VĐV nữ giành được chiếm 50% trong tổng số huy chương toàn đoàn. Trong đó, nổi bật có VĐV Nguyễn Thị Oanh giành được 4 HCV. Ngoài ra, những VĐV nữ khác cũng có phần thể hiện rất xuất sắc. Tại ASIAD 19, trong số 3 HCV của đoàn TTVN giành được tại sự kiện này thì có đến 2 HCV là của nữ (đội tuyển cầu mây nữ và đội tuyển karate nữ). Đặc biệt thành công trong năm 2023 còn phải kể đến việc đội tuyển bóng đá nữ lần đầu tiên trong lịch sử lọt vào vòng chung kết World Cup, đội tuyển bóng chuyền nữ giành được thứ hạng xuất sắc…
Trong chương trình bầu chọn VĐV, đội tuyển tiêu biểu có sự tham gia của hàng trăm nhà báo, các đội tuyển nữ đã xuất sắc giành các danh hiệu đội tuyển tiêu biểu của năm (bóng đá, bóng chuyền, cầu mây và karate).
Tính tới thời điểm này thể thao Việt Nam đã giành được 4 suất tham dự Thế vận hội Olympic mùa hè Paris 2024, trong đó có sự góp mặt của 3 VĐV nữ là Nguyễn Thị Thật (Xe đạp), Trịnh Thu Vinh, Lê Thị Mộng Tuyền (Bắn súng). Đó là kết quả rất đáng tự hào dành cho các nữ VĐV. Bên cạnh đó, còn phải kết đến rất nhiều các gương mặt VĐV nữ đang nỗ lực ngày đêm tập luyện và thi đấu để tìm kiếm tấm vé tham dự sự kiện thể thao đa môn mùa hè lớn nhất hành tinh sẽ diễn ra tại Paris như: Nguyễn Thùy Linh (Cầu lông), Trương Thị Kim Tuyền (Taekwondo), Nguyễn Thị Ngoan (Karate).
Vậy vai trò của phụ nữ trong hoạt động thể thao phong trào thì sao, thưa bà?
Năm 2023, số lượng phụ nữ tham gia các các giải chạy marathon, chạy bộ do Liên đoàn điền kinh Việt Nam và một số đơn vị tổ chức lên tới con số hàng trăm, hàng nghìn người. Chương trình hàng triệu bước chân nhân ái nhân tháng hành động nhân đạo do Hội chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức hay các sự kiện yoga cũng thu hút sự tham gia của số lượng lớn nữ giới. Sự tham gia của nữ giới với số lượng ngày càng tăng tại nhiều sự kiện như: lễ hội áo dài, ngày hội dân vũ… đã góp phần lan tỏa thông điệp yêu thể thao, đến với thể thao, từ đó tạo nên nền tảng vững chắc cho thể thao phong trào, tìm ra nhân tố cho sự phát triển thể thao thành tích cao.
Từ những kết quả đạt được, Ban Phụ nữ và Thể thao Ủy ban Olympic Việt Nam có giải pháp gì để đẩy mạnh hơn nữa phong trào phụ nữ và thể thao, thưa bà?
Thể thao phong trào và thể thao thành tích cao là hai nhiệm vụ quan trọng đối với Ban Phụ nữ và Thể thao Ủy ban Olympic Việt Nam.
Đối với thể thao phong trào, Ban có định hướng thu hút ngày càng nhiều chị em tham gia các câu lạc bộ thể thao nâng cao sức khỏe. Từ đó tìm ra những nhân tố tích cực góp phần lan tỏa sức hút của thể thao trong cộng đồng, đồng thời khẳng định vai trò rất quan trọng của chị em phụ nữ đối với thể thao.
Đối với các hoạt động thể thao được tổ chức thường niên, Ban luôn nỗ lực để sáng tạo về hình thức, làm sao thu hút được số lượng chị em phụ nữ tham dự năm sau tăng hơn năm trước. Cùng với đó còn có rất nhiều hoạt động thiện nguyện kèm theo các sự kiện này.
Đối với thể thao thành tích cao, Ban tiếp tục phối hợp với phòng thể thao thành tích cao 1, 2 trong công tác hỗ trợ các VĐV nữ khi gặp chấn thương, thăm hỏi các VĐV nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Ban cũng lên kế hoạch tìm kiếm các gương mặt VĐV nữ có thành tích xuất sắc trong năm, những tấm gương VĐV nữ điển hình tiên tiến, những nữ VĐV có cống hiến trong cộng đồng để vinh danh và tặng quà.
Phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nứ Việt Nam, Phụ nữ Liên hiệp quốc và nhiều tổ chức, đơn vị, trường học như trường Đại hoc Kinh tế, trường Đại học công nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Hội doanh nhân trẻ để hỗ trợ định hướng nghề nghiệp cho các VĐV (vừa thi đấu vừa học để lấy thêm một tấm bằng đại học về thể thao hoặc ngành khác như kinh tế); Hỗ trợ khởi nghiệp thông qua tạo dựng những kĩ năng cơ bản để làm quen với các lĩnh vực khác như kinh doanh, truyền thông thể thao. marketing thể thao; Tổ chức nhiều ngày hội hướng nghiệp, talk show chia sẻ các vấn đề, đặc biệt là vế tầm lí hay đào tạo về ngoại ngữ.
Bà có thể cho biết kế hoạch cụ thể mà Ban Phụ nữ và Thể thao Ủy ban Olympic Việt Nam sẽ triển khai trong năm 2024 này?
Năm 2024, Ban sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động về thể thao thành tích cao và thể thao phong trào dành cho phụ nữ.
Đối với thể thao thành tích cao, Ban tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tích cực tổ chức các lớp hướng nghiệp, cho các VĐV nữ, các lớp về tâm lí, về phòng chống doping trong thể thao. Những kĩ năng cơ bản để mỗi VĐV thể hiện được vai trò là đại sứ trong giao tiếp, văn hóa hay các kiến thức để giao tiếp với truyền thông khi tham dự các sự kiện thể thao quốc tế.
Đặc biệt để chuẩn bị cho đoàn thể thao dự Thế vận hội Olympic mùa hè Paris 2024, Ban cũng phối hợp với Đại sứ quán Pháp và trường đại học ngoại ngữ hướng dẫn cho các em VĐV những kĩ năng cơ bản về ngôn ngữ giao tiếp.
Năm 2024, chúng ta sẽ tổ chức Hội nghị quan chức cấp cao thể thao ASEAN và năm 2025 là Hội nghị Bộ trưởng thể thao ASEAN nên Ban sẽ tích cực triển khai các hoạt động của Ban thư kí ASEAN đối với các đối tượng là VĐV nữ.
Đói với thể thao phong trào, số lượng người tập luyện thể thao là 35%, số lượng gia đình tập luyện thể thao là 20%. Vì vậy, mục tiêu mà Ban đặt ra là thúc đẩy số lượng chị em nữ tham gia thể thao nhiều hơn, tham gia vào các giải đấu thể thao dành cho gia đình như: giải cầu lông gia đình, bóng bàn gia đình và các giải đấu mà phòng thể thao cho mọi người đang triển khai.
Ban cũng lên kế hoạch khuyến khích, kêu gọi các chị em phụ nữ tham gia các lớp học về kĩ năng bơi an toàn, phòng chống đuối nước hay các lớp tập huấn về chương trình nâng cao thể lực tầm vóc để lan tỏa một cách mạnh mẽ các thông điệp mà chương trình muốn gửi gắm.
A.T, ảnh Thái Dương