Phó Cục trưởng Lê Thị Hoàng Yến: Công tác truyền thông và đối ngoại trong năm 2024 sẽ mang nhiều nét mới

Trước thềm Tết Nguyên đán năm Giáp Thìn, Phó Cục trưởng Cục TDTT, bà Lê Thị Hoàng Yến đã dành thời gian trò chuyện cùng phóng viên Trung tâm Thông tin - Truyền thông TDTT về các nhiệm vụ quan trọng của 2 mảng truyền thông và đối ngoại trong năm 2024.

* Tết Nguyên đán gần kề, và các nhiệm vụ chính của Cục TDTT cũng đã được triển khai tới các đơn vị. Về mảng truyền thông trong năm 2024, có thể khái quát những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là gì, thưa bà?

Có thể khẳng định ngay nhiệm vụ đầu tiên chính là cần bám sát các hoạt động chuyên môn lớn của ngành để quảng bá tới các cán bộ, HLV, VĐV cũng như người hâm mộ thể thao và nhân dân cả nước. 

Về thể thao thành tích cao, năm nay chúng ta sẽ tham dự Olympic Paris 2024 tại Pháp, Đại hội Thể thao trong nhà và Võ thuật châu Á lần thứ 6 (AIMG6) tại Thái Lan và các giải thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới năm 2024. Bên cạnh đó tiếp tục triển khai thực hiện Đề án tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035; Phối hợp với các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia, các địa phương và các đơn vị liên quan tổ chức, điều hành các giải thể thao thể thao thành tích cao. Đội tuyển bóng đá tham dự vòng loại World Cup 2026 (nam), vô địch Đông Nam Á (nam, nữ), vô địch U23 nam châu Á, đội tuyển nữ dự giải vô địch châu Á… 

Về thể thao quần chúng, Ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, hướng dẫn các địa phương tổ chức Đại hội TDTT các cấp hướng tới Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X, các hoạt động TDTT mừng Đảng, mừng Xuân, chào mừng 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/2/1930-03/2/2024), Ngành Thể dục thể thao Việt Nam (27/3/1946-27/3/2024); hướng dẫn các địa phương triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2021-2030 và Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030.

Ngành cũng phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh công tác TDTT trường học, tổ chức Đại hội thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 tại Đà Nẵng, Hội khoẻ Phù Đổng toàn quốc lần thứ X năm 2024 tại thành phố Hải Phòng. Song song với đó là chuẩn bị chu đáo lực lượng VĐV tham dự Paralympic 2024 tại Pháp và các giải thể thao quốc tế giành cho người khuyết tật năm 2024.

Về các nhiệm vụ khác, Cục TDTT sẽ kiện toàn công tác tổ chức, bộ máy của các cơ quan, đơn vị thuộc Cục; kiện toàn, nâng cao hoạt động của các Hội thể thao quốc gia; thực hiện tinh giản biên chế tại các đơn vị trực thuộc theo quy định…

Cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị tại các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia; đặc biệt là chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và học văn hoá cho các VĐV thể thao; Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, y học, phòng chống doping trong hoạt động thể thao; đẩy mạnh côngtác chuyển đổi số; Phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về hoạt động TDTT; tổ chức chương trình Vinh quang Thể thao Việt Nam năm 2024…

Phó Cục trưởng Lê Thị Hoàng Yến phát biểu tại Hội nghị tổng kết Trung tâm Thông tin - Truyền thông TDTT

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tập trung đẩy mạnh truyền thông chính sách, đưa những thông tin mới, quan trọng về chính sách TDTT tới đông đảo công chúng. Đổi mới hình thức tổ chức, truyền thông hoạt động các sự kiện của Ngành để đạt hiệu quả cao hơn. 

 * Ngay sau Tết Nguyên đán không lâu sẽ là dịp kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống Ngành TDTT (27/3/1946 – 27/3/2024), Phó Cục trưởng có thể nói cụ thể hơn về các sự kiện nhân dịp này? 

Tháng 3 có thể coi là “tháng thể thao” với rất nhiều hoạt động chào mừng Ngày truyền thống của Ngành. Do vậy, chúng ta cần chú trọng thông tin về các sự kiện lớn như Ngày chạy Olympic toàn dân theo hướng đổi mới và thực chất hơn trên toàn quốc. 

Cục TDTT cũng đang chỉ đạo Trung tâm Thông tin – Truyền thông TDTT phối hợp với các đơn vị trong việc chuẩn bị cho sự kiện “Vinh quang Thể thao Việt Nam 2024”. Dự kiến, chương trình sẽ tổ chức vào ngày 24/3 tại Cung Điền kinh Hà Nội với nhiều nét mới mẻ và hấp dẫn, tạo nên một sự kiện hấp dẫn, đáng nhớ để tôn vinh các HLV, VĐV, đội thể thao tiêu biểu nhất trong năm qua. Đối tác của chúng ta là một công ty truyền thông chuyên nghiệp, áp dụng những công nghệ tiên tiến hàng đầu về âm thanh, ánh sáng… 

Về Trung tâm Thông tin – Truyền thông TDTT, trên cơ sở sáp nhập 2 đơn vị trước đây là Tạp chí Thể thao và Trung tâm Thông tin TDTT, tôi hy vọng và tin tưởng sẽ là đơn vị đảm đương tốt các vai trò đầu tàu trong triển khai, thực hiện những nhiệm vụ về công tác truyền thông cũng như chuyển đổi số của Ngành. 

* Về công tác đối ngoại, 2023 cũng là năm thể thao Việt Nam có nhiều dấu ấn. Bà có thể nói gì về những nhiệm vụ chính trong năm 2024?

Trong năm qua, chúng ta không chỉ đẩy mạnh các mối quan hệ hợp tác với các nước bạn mà còn tích cực hỗ trợ Campuchia trong tổ chức (đặc biệt ở môn Thể thao điện tử và Vovinam), cử các đội tuyển tham dự các môn truyền thông của nước chủ nhà SEA Games 32. Chúng ta cũng đã tham gia các sự kiện, hội nghị quan trọng về phụ nữ với thể thao quốc tế… Có thể nói, thông qua đó, vị thế của thể thao Việt Nam đang ngày càng được nâng lên. 

Năm 2024 này, Ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia có quan hệ truyền thống, gắn bó như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Cuba, Hungary, Nga, Mỹ… qua đó tận dụng các mối quan hệ, sự ủng hộ của các nước bạn để gửi các đội tuyển, VĐV trọng điểm đi tập huấn, chuẩn bị tham dự các đấu trường lớn. Thể thao Việt nam cũng sẽ tham gia và hưởng ứng các chương trình, hoạt động trong khuôn khổ Cộng đồng ASEAN với vai trò chủ trì SOMS và AMMS năm 2024, 2025; tổ chức Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về thể thao…

Tôi tin tưởng rẳng bên cạnh những nỗ lực tự thân của ngành TDTT, tăng cường xã hội hoá mạnh mẽ và đổi mới cách thức hoạt động, việc đẩy mạnh công tác đối ngoại cũng sẽ thu hút thêm những nguồn lực mới cho thể thao Việt Nam phát triển. 

* Xin trân trọng cảm ơn Phó Cục trưởng!

HỮU BÌNH thực hiện