Cổ vũ thi đấu Bóng đá

Đó đang là vấn đề được toàn xã hội quan tâm từ các cơ quan quản lý nhà nước đến những người hưởng thụ văn hoá thể thao dưới nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau. Trang tin Thể dục Thể thao Việt Nam xin đăng tải bài viết của ông Vũ Trọng Lợi - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về vấn đề này.

Thực trạng Cổ vũ thi đấu Bóng đá tại Việt Nam

Cổ vũ cho Bóng đá là nhu cầu giải trí lành mạnh của mọi người (Ảnh: Thế Thiện)

Đến sân trực tiếp cổ vũ cho các VĐV thể thao thi đấu nói chung và cho cầu thủ Bóng đá thi đấu nói riêng là một trong những nhu cầu giải trí lành mạnh của mọi người. Pháp luật về TD, TT quy định Nhà nước và xã hội có trách nhiệm tạo điều kiện để mỗi người đều có thể thực hiện được quyền hưởng thụ những giá trị của thể thao mang lại. Trong đời sống hiện đại, giải trí  bằng việc đến sân thể thao để thưởng thức tài nghệ của VĐV thể thao biểu diễn và cổ vũ hết mình cho những cầu thủ mà mình yêu thích là một nét đẹp văn hoá cần được khuyến khích.

Có thể nói, thi đấu thể thao mà không có khán giả thưởng thức cổ vũ trực tiếp thì một trong những chức năng vốn có của thể thao, đó là góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân đã không thực hiện được. Người đến xem (khán giả) các hoạt động thể thao ngoài mục đích được chiêm ngưỡng những kết quả rèn luyện gian khổ và khoa học của các VĐV, còn được thể hiện tình cảm của bản thân đối với những VĐV tài năng mà mình yêu thích một cách nồng nhiệt (cuồng nhiệt) nhất, tạo động lực giúp các VĐV thể hiện hết mình trên sân đấu.

Chính vì vậy mà các hoạt động thi đấu thể thao luôn cuốn hút được đông đảo người xem không kể đó là thi đấu đỉnh cao hay phong trào ở cơ sở. Tuy nhiên, không phải môn thể thao nào cũng được nhiều người quan tâm, hâm mộ và đến sân cổ vũ như nhau. Nhưng có thể nói những môn thể thao nào được nhiều người trong cộng đồng, địa phương, đơn vị yêu thích thì tổ chức thi đấu môn thể thao đó tại địa phương sẽ có đông người đến xem và cổ vũ - Họ là những khán giả, cổ động viên hay đôi khi là những fan hâm mộ. Dù là ai thì họ cũng là một phần tất yếu không thể thiếu của thi đấu thể thao.          

Ở nước ta, nhiều môn thể thao phát triển và được nhiều người yêu thích như Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông, Bóng bàn, Quyền Anh, Đua ngựa…và ngay cả Bơi, Điền kinh cũng nhiều người ưa thích đến xem và cổ vũ thi đấu. Bóng đá là môn thể thao được nhiều người ưa thích nhất, nên số lượng người đến xem thi đấu Bóng đá chắc chắn cũng là lớn nhất. Hầu hết thi đấu các môn thể thao (trừ một vài môn có tính đặc thù như Bắn súng và Cờ Vua có sự hạn chế khán giả cổ vũ) khán giả không chỉ đến xem và thưởng thức tài nghệ của các VĐV mà  còn có những tán thưởng bằng hành động gây tiếng động như gõ trống, thổi kèn, đánh chiêng và hò hét nhằm để cho VĐV đang thi đấu tự tin hơn và biết được có chỗ dựa tinh thần của mình ở các khán đài trên sân, nhất là các môn thi đấu đối kháng trực tiếp. Đương nhiên hò hét không đồng nghĩa với nói tục, chửi bậy thiếu văn hoá, gây tiếng động nhưng không được gây tiếng nổ, đốt lửa kể cả hút thuốc lá.         

Đến xem và cổ vũ cho Bóng đá nói chung và cho từng CLB nói riêng là việc làm đáng trân trọng đối với những người đã bỏ công sức, thời gian và tiền bạc để mua vé vào xem các trận đấu Bóng đá được tổ chức trên các sân cỏ của cả nước trong thời gian qua. Đồng thời qua đó, chứng tỏ Bóng đá nước nhà cũng đã phần nào đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ, giải trí của một bộ phận nhân dân thông qua hoạt động thể thao mà cụ thể là Bóng đá.

Sự cần thiết quản lý cổ vũ thi đấu Bóng đá

Tuy nhiên, bên cạnh những kết qủa đáng trân trọng ấy, chúng ta thấy còn những việc cần được nghiên cứu thấu đáo để điều hành Bóng đá nước ta đi đúng định hướng phát triển, góp phần thực hiện tốt hơn mục tiêu phát triển thể thao nước nhà.

Quản lý việc cổ vũ thi đấu Bóng đá theo đúng Luật TD,TT là điều hết sức cần thiết
(Ảnh: Thế Thiện)

Mục tiêu chung của phát triển TDTT là nhằm nâng cao sức khoẻ và góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Để nâng cao sức khoẻ cho nhân dân thì phải động viên mọi người tham gia tập luyện thể thao trong đó có Bóng đá một cách khoa học. Để góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân thì phải nâng cao trình độ kỹ chiến thuật Bóng đá, tổ chức các trận thi đấu Bóng đá trung thực cao thượng (FAIRPLAY). Nhằm nâng cao trình độ Bóng đá nước nhà, Đảng ta đã định hướng chuyên nghiệp hoá các môn thể thao trong đó Bóng đá đi tiên phong và đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Song, khi trình độ Bóng đá được nâng lên, tính trung thực đã được thể hiện thì việc điều hành tổ chức thi đấu Bóng đá bộc lộ một số bất cập dẫn đến để lại hậu quả xấu đối với xã hội rất cần chấn chỉnh kịp thời nhất là bạo lực sân cỏ.           

Với mục đích cần động viên mọi người đến sân xem và cổ vũ cho Bóng đá càng đông càng tốt, nhưng phải đảm bảo an ninh trật tự xã hội, an toàn cho người xem là việc làm không dễ nhưng không phải chúng ta không làm được. Trước hết về phương diện luật pháp điều chỉnh các hoạt động Bóng đá là khá đầy đủ từ Luật Thể dục, Thể thao đến các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, nhưng khi điều hành các hoạt động cụ thể thì các cá nhân, tổ chức có trách nhiệm còn tỏ ra lúng túng, thậm chí quyết định thiếu chuẩn xác gây bức xúc trong dư luận và làm phức tạp thêm tình hình khi có sự cố xảy ra.

Vũ Trọng Lợi


Ảnh trong bài
  • Cổ vũ thi đấu Bóng đá