Thưa ông, năm 2023 khép lại Thể thao Việt Nam đã có những bước tiến đáng ghi nhận, song đâu đó vẫn còn những “nốt trầm” khiến giới chuyên môn và các nhà quản lý TDTT phải quy nghĩ, tính toán tìm hướng đi cho tương lai, vậy ông nghĩ sao về điều này?
Đầu tiên, trong năm qua ở góc độ thành tích thi đấu của VĐV Việt Nam tại đấu trường khu vực đã được khẳng định vị thế. Tuy nhiên bước ra đấu trường châu lục như ASIAD 19, đoàn Thể thao Việt Nam chỉ xếp hạng 21/45 quốc gia, vùng lãnh thổ.. Trong đó, thành tích của các VĐV Việt Nam vẫn còn những khoảng cách nhất định với thành tích của châu lục và thế giới. Đây cũng là điều đã được dự đoán trước đó, bởi lực lượng VĐV có thể tiệm cận được thành tích ở cấp độ châu lục và thế giới của Việt Nam đang còn rất mỏng, chưa có nhiều VĐV kế cận đủ trình độ có thể thay thế (Thể thao Việt Nam nhiều môn đang trong giai đoạn chuyển giao lực lượng).
Để từng bước tháo gỡ khó khăn này, Cục TDTT đang gấp rút xây dựng, tìm ra các phương pháp tối ưu phù hợp với tình hình thực tiễn của Thể thao Việt Nam ở thời điểm hiện tại, từ đó đã vạch ra nhóm giải pháp ngắn hạn và dài hạn trong việc phát triển thể thao thành tích cao Việt Nam trong những năm tới, mỗi giai đoạn tương ứng với từng mức kinh phí khác nhau.
Xạ thủ trẻ Phạm Quang Huy giành HCV ASIAD 19 (Ảnh:BTC)
Thực tế cho thấy, trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh nguồn lực của Nhà nước thì cần có cơ chế chính sách huy động nguồn lực từ xã hội, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào hoạt động thể thao. Vấn đề này, chắc chắn sẽ được đẩy mạnh làm tốt hơn nữa trong thời gian tới, cùng với đó Cục TDTT đang tính toán, làm rõ để phân tách nhiệm vụ cụ thể giữa cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức xã hội nghề nghiệp (Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia), nhằm tạo được những điều kiện tốt nhất cho VĐV trong tập luyện, thi đấu, chính sách đãi ngộ, trước, trong và sau khi giải nghệ. Có như vậy, mới có thể giúp Thể thao Việt Nam cải tổ được thành tích cũng như các quy trình, đào tạo VĐV trẻ ngày càng chất lượng, đúng, trúng với xu thế phát triển của nền thể thao quốc tế.
Câu chuyện về đội tuyển Bóng bàn trẻ Việt Nam xảy qua thời gian qua là hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý cũng như vấn đề đào tạo trẻ của Việt Nam đang có những lỗ hổng, ông nghĩ sao về điều này?
Những vấn đề, hình ảnh về công tác quản lý, dinh dưỡng dành cho đội tuyển Bóng bàn trẻ Việt Nam có thể nói là rất đáng buồn. Đây thực sự là “Con sâu làm rầu nồi canh”, ít nhiều đã tạo nên những hình ảnh không đẹp về Thể thao Việt Nam. Trước vấn đề này thời gian qua, ngành TDTT đã nghiêm khắc nhìn nhận, xem xét vấn đề trên mọi góc cạnh và khẩn trương rút kinh nghiệm, điều chỉnh lại công tác quản lý VĐV các đội tuyển quốc gia. Những HLV, cán bộ phụ trách có liên quan đều bị khiển trách nghiêm túc, thể hiện qua việc dừng huấn luyện và quản lý đội tuyển cũng như bộ môn… Đây là một bài học lớn mà những người làm công tác quản lý, huấn luyện đội tuyển trẻ hay đội tuyển quốc gia đều rút ra cho mình những kinh nghiệm xương máu. Chắc chắn, sau sự việc của đội tuyển trẻ Việt Nam thì công tác quản lý, tuyển chọn, huấn luyện VĐV cấp tuyển trẻ hay quốc gia đều được chấn chỉnh, yêu cầu khắt khe và kỹ càng hơn.
Dẫu vậy, chúng ta cũng phải thẳng thắn khẳng định rằng: thời gian qua thực tế cho thấy, công tác đào tạo trẻ tại nhiều bộ môn đã có những khởi sắc đáng ghi nhận. Nhiều tấm Huy chương tại đấu trường quốc tế đến từ chủ yếu từ các VĐV trẻ. Cụ thể như, VĐV Trịnh Thu Vinh – môn Bắn súng đã giành suất tham dự Olympic Paris 2024, VĐV Phạm Quang Huy – giành HCV ASIAD 19, đội tuyển trẻ Bóng đá (cả đôi nam và đội nữ) đều tạo được dấu ấn mạnh về thành tích tại đấu trường khu vực và châu lục. Ngoài ra, hiện có nhiều VĐV trẻ ở môn các môn Võ như Taekwondo, Boxing… rất tài năng, triển vọng, trình độ có thể cạnh tranh huy chương ở các giải đấu cấp châu lục đang chăm chỉ tập luyện chuẩn bị cho những giải đấu quan trọng sắp tới… Vì vậy, người hâm mộ hãy kiên nhẫn và cùng ngành TDTT hy vọng những tài năng trẻ của Việt Nam sẽ sớm tỏa sáng mang vinh quang về cho Thể thao nước nhà. .
Thể thao Việt Nam tập trung dồn lực hướng đến đấu trường lớn trong năm 2024 (Ảnh: Q. Lượng)
Để có được một nền thể thao phát triển, ngoài yếu tố con người thì vấn đề kinh phí cũng là yếu tố tiên quyết, vậy ông có thể chia sẻ đôi nét về nguồn đầu tư cho Thể thao Việt Nam ở thời điểm hiện tại đã thực sự tương xứng với xu thế phát triển chưa?
Có thể nói, so với mặt bằng chung thì nguồn kinh phí nhà nước đầu tư cho Thể thao Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn. Hiện, con số kinh phí dành cho toàn ngành còn thấp hơn thể thao Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong việc đầu tư cho thể thao. Song để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hơn trong thời gian tới thì ngành TDTT phái tính toán rất kỹ. Cụ thể, dựa nguồn kinh phí được cấp theo năm để phân khúc đầu tư chia thành 3 nhóm môn (hiện tại đang tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lí, nhà khoa học trong việc phân tích, đưa ra các nhóm môn). Mục tiêu toàn ngành đặt ra trong năm 2024 - 2025, đó chính là gói nguồn kinh phí đầu tư cho thành tích cao phần nhiều sẽ tập trung chủ yếu dành cho nhóm đối tượng VĐV được lựa chọn đầu tư trọng tâm, trọng điểm.
Tức là, nếu trước đây ngành TDTT chưa có những chính sách cho những đối tượng đặc biệt. VĐV trọng điểm cũng tập luyện trong cùng một môi trường, điều kiện cơ sở vật chất giống như bao VĐV khác. Ngoài chính sách tiền công, chế độ dinh dưỡng được cải thiện hơn một chút nhưng về cơ bản không có nhiều sự khác biệt. Đây cũng là một thiệt thòi, hạn chế mà ngành TDTT đang lên phương án giải quyết dứt điểm để VĐV trọng điểm sẽ nhận dược những hỗ trợ, ưu tiên và điều kiện tập luyện, thi đấu, tập huấn tốt hơn hẳn, có như vậy VĐV mới có thể phát huy tối đa thành tích và yên tâm cống hiến cho sự nghiệp thể thao đỉnh cao mà mình đang theo đuổi.
Đặc biêt, trong năm 2024 sẽ có những bước tiến, cải cách mới mang tính đột phá thể hiện qua vấn đề về tập huấn dài hạn cho VĐV, theo đó nhiều môn thể thao nằm trong nhóm trọng điểm sẽ được thuê chuyên gia giỏi, đẳng cấp có hồ sơ năng lực, đạo đức tốt, tâm huyết và yêu Thể thao. Ưu tiên nhiều cho các chuyên gia có liên quan đến lĩnh vực khoa học, y sinh học, bởi những lĩnh vực này Thể thao Việt Nam vẫn còn hạn chế.
Ngoài ra, nguồn kinh phí năm sẽ được tập trung cho những đội tuyển thi đấu giành suất tham dự Olympic, tập huấn ở những cơ sở có chất lượng để các VĐV có thể phá ngưỡng thành tích, có khả năng đạt huy chương tại đấu trường ASIAD và Olympic.
Nhiều ý kiến cho rằng, Thể thao Việt Nam đã và đang đầu tư dàn trải dẫn đến thành tích thi đấu chưa đạt được như mong muốn? ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?
Nhiều người mặc định hiểu rằng đầu tư dàn trải là chia đều số tiền đó cho các bộ môn trọng điểm và không trọng điểm. Tuy nhiên, cách hiểu này chưa đúng.
Đối với các bộ môn trọng điểm, Thể thao Việt Nam sẽ tập trung đầu tư và tập huấn dài hạn. Còn những bộ môn khác mang tích chất chiến thuật, các môn thể thao quốc gia (nhận được sự quan tâm đông đảo của quần chúng nhân dân) như: bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ thì chỉ tập huấn ngắn hạn và đưa đi thi đấu”.
Góc độ dàn trải ở đây là chưa có chính sách phù hợp trong đầu tư trọng điểm, bao gồm về lương, tiền ăn. Hiện nay, các VĐV trọng điểm và không trọng điểm về cơ bản đều có chế độ khá bằng nhau.
Ngoài ra, trang thiết bị tập luyện tại các Trung tâm HLTTQG có tiêu chuẩn như nhau, chưa có gì phân tách giữa nhóm trọng điểm và không trọng điểm.
Bên cạnh đó, các bộ máy hỗ trợ cho các môn thể thao trọng điểm không nhiều, khi VĐV đi thi đấu thường chỉ có 1 ban huấn luyện tham gia. Chẳng hạn như Nguyễn Thuỳ Linh – môn Cầu lông thường xuyên đi thi một mình, hoặc cùng lắm là chỉ có 1 HLV.
Trong khi đó, VĐV cầu lông quốc tế khi thi đấu có 1 tổ ban huấn luyện, người thì phân tích dữ liệu, người thì làm công tác chuyên môn, thể lực, thậm chí có bác sĩ chuyên trách đi cùng.
Như vậy, có thể nói để Thể thao Việt Nam phát triển, vươn tầm châu lục và thế giới thì chỉ dựa vào nguồn kinh phí nhà nước thôi là chưa đủ mà phải cần nhiều hơn nữa sự chung tay vào cuộc của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp, cá nhân – mạnh thường quân. Và khi có sự phối hợp kỹ lưỡng giữa nhà quản lý Cục TDTT cùng địa phương, công tác tìm kiếm bổ sung thêm nguồn lực con người, sự chung tay trong nguồn lực đầu tư hoàn toàn khả quan, hẳn nhiên, thành tích của Thể thao Việt Nam sẽ được cải thiện và nâng tầm hơn trong tương lai.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
N.H