Khép lại năm 2023: nhiều điểm sáng trong lĩnh vực VHTTDL

Năm cũ Quý Mão 2023 sắp khép lại để đón mùa Xuân mới – Giáp Thìn 2024, đây là thời khắc toàn ngành VHTTDL cùng nhìn lại một năm đã qua với những thành tựu đạt được và thẳng thắn chỉ ra những điểm nghẽn sẽ được tiếp tục tháo gỡ trong thời gian tới. Nhân dịp này, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã có cuộc trả lời phỏng vấn với báo chí trước thềm Xuân mới.

Thưa Bộ trưởng, năm 2023 được xem là một năm để lại nhiều dấu ấn của ngành VHTTDL với nhiều thành tựu nổi bật, vậy Bộ trưởng có đánh giá như thế nào về công tác VHTTDL trong năm qua?

Vào thời khắc này, chúng ta cùng nhìn lại một năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực từ nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ chấn hưng phát triển văn hóa theo kết luận của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc , ngành VHTTDL đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức và gặt hái được những kết quả đáng ghi nhận.

Rõ nhất, điểm sáng đầu tiên chính là thể hiện ở góc độ quản lý nhà nước, Bộ VHTTDL đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội tập trung vào việc thực hiện hoàn thiện thể chế chính sách, đây chính là 1 trong 3 khâu đột phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Nhìn từ góc độ này cho thấy, Luật Quốc hội, Nghi định đã ban hành, các thông tư của Bộ được ban hành theo thẩm quyền đã góp phần vào công tác quản lý nhà nước, công tác kiến tạo sự phát triển và đây là cơ sở quan trọng để ngành VHTTDL hình thành hành lang pháp lý ngày càng đồng bộ hơn. 

Điểm sáng thứ hai đó là, ngành VHTTDL đã tổ chức thành công rất nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa diễn ra một cách sôi nổi từ cấp địa phương đến trung ương và quốc tế. Các hoạt động văn hóa đã tạo được hiệu ứng, lan tỏa, kết nối tình đoàn kết, giữa nhân dân cả nước với bạn bè quốc tế, đồng thời xây dựng được hình ảnh về những phẩm chất tốt đẹp của hệ giá trị văn hóa, gia đình về con người Việt Nam. Mỗi một sự kiện, hoạt động của ngành VHTTDL tổ chức luôn đảm bảo được hiệu ứng như: quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài, hay nói cách khác là giao lưu về văn hóa, giúp cho bạn bè quốc tế hiểu, yêu mến, quý trọng, tôn trọng Việt Nam.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng (Ảnh: Quý Lượng) 

 

Điểm nhấn thứ ba là ngành du lịch Việt Nam đã tháo gỡ được những điểm nghẽn về visa, luật xuất nhập cảnh, Bộ VHTTDL tập trung, tham mưu Chính Phủ ban hành Nghị quyết 82 về phát triển du lịch bền vững. Từ kết luận của Thủ tướng và sự vào cuộc của các doanh nghiệp làm du lịch, nên đã xây dựng được sản phẩm riêng biệt, phát huy lợi thế từng vùng miền. Nhất là cụ thể hóa 6 Nghị quyết chuyên đề về quy hoạch vùng của Bộ Chính trị. Từ đó, du lịch đã lấy lại vị thế và có lẽ đây cũng là năm đầu mà ngành VHTTDL cán đích, vượt mốc chỉ tiêu. Tính đến tháng 12, Du lịch Việt Nam đã có đến 12 triệu lượt du khách quốc tế, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra từ đầu năm  là 8 triệu lượt khách.

Điểm sáng thứ tư đó là hoạt động Thể dục Thể thao. Dựa trên trụ cột là thể thao quần chúng, thể thao cho mọi người trong năm đã có nhiều bước tiến rõ nét, tỷ lệ người dân tham gia tập luyện TDTT ngày càng tăng cao, theo đó số hộ gia đình tập luyện thể thao hằng năm cao hơn năm trước... Qua đó, đã bồi đắp sức khỏe, thể chất con người Việt Nam có cuộc sống khỏe mạnh hơn. Cũng chính từ các hoạt động phong trào thể thao quần chúng, thể thao cho mọi người, những người làm công tác chuyên môn phát hiện, tuyển chọn được những nhân tố, VĐV năng khiếu đưa vào tập luyện đào tạo theo định hướng phát triển thành tích cao nhằm tạo lực lượng VĐV kế cận, tham gia đội tuyển quốc gia tranh tài tại các đấu trường quốc tế trong khu vực, cũng như từng bước khẳng định trình độ tại đấu trường châu lục và thế giới.

Tất nhiên, đối với thể thao thành tích cao để có được những tấm HCV tại đấu trường châu lục như ASIAD hay Olympic thì tỷ lệ VĐV Việt Nam giành được HCV vẫn còn ở mức khá khiêm tốn. Nhưng rõ ràng thấy rằng với thực lực hiện tại, không chỉ trong năm 2023 mà cả một thời gian dài đã qua cho thấy VĐV Việt Nam đã rất nỗ lực, cố gắng hết mình trong thi đấu và đoàn VĐV Việt Nam cũng đã hoàn thành chỉ tiêu về thành tích và nhiệm vụ trước Đảng và Nhà nước mỗi lần đoàn Thể thao Việt Nam xuất quân tham dự đấu trường thể thao quốc tế lớn. Hình ảnh, lá cờ Tổ quốc, quốc ca của Việt Nam được tung bay, vang lên trong đấu trường quốc tế, đó không chỉ là niềm tự hào của cá nhân VĐV mà còn là sự hiện diện của hình ảnh quốc gia, bản đồ Việt Nam lại được khắc thêm, ghi đậm vào bản đồ của thể thao quốc tế. Đó là niềm tự hào mà chúng ta không thể phủ nhận. Đây chính là chuyển động rất có chiều sâu về những giá trị văn hóa, đã lan tỏa tích cực vào các lĩnh vực mà ngành đang quản lý luôn có sự gắn kết với nhau, cùng hướng đến tôn vinh, quảng bá những giá trị, nét đẹp văn hóa của con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Tuy nhiên, với những thành công bước đầu có được, ngành VHTTDL cũng luôn ý thức được rằng không chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đã đạt được mà nghiêm túc nhìn nhận, xác định nhiệm vụ về rất nhiều việc cần phải làm ở phía trước. Cụ thể, vẫn còn nhiều vấn đề mà xã hội đang bức xúc khi ở chỗ này, chỗ khác còn những mặt còn lệch chuẩn về vấn đề văn hóa, ngay cả những vấn đề kiến thiết văn hóa. Sự du nhập của văn hóa ngoại lai, những nét phi văn hóa khi không được định hướng, những vấn đề nhức nhối trong xã hội khi đạo đức xuống cấp... đây đều là những vấn đề mà ngành VHTTDL vẫn đang còn trăn trở và tìm hướng giải quyết, khắc phục, điều chỉnh.

 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thăm, động viên các VĐV tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội (Ảnh: Quý Lượng)

2024 được dự đoán với rất nhiều khó khăn, thách thức, với tư cách là Tư lệnh ngành VHTTDL, Bộ trưởng có thể chia sẻ đôi nét về những kế hoạch, nhiệm vụ trong năm mới?

Năm 2024, ngành VHTTDL sẽ tiếp tục triển khai trên diện rộng các nhiệm vụ, mục tiêu của ngành nhưng đồng thời phải có chiều sâu, chọn xác định được những việc làm có trọng tâm, trọng điểm. Bởi, thực tế nguồn lực cũng không cho phép cùng lúc chúng ta làm được tất cả mọi nhiệm vụ và với cách làm như vậy thì chúng ta phải thực hiện, bám sát những lời đề nghị, chỉ đạo từ đồng chí Tổng Bí Thư tại Hội nghị biểu dương điển hình văn hóa của ngành được tổ chức năm 2023.

Để làm được những việc đó, ngành VHTTDL phải tìm ra những từ khóa, gắn với công nghệ thông tin. Như vậy, điểm quan trọng nhất đối với ngành VHTTDL đó là tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý nhằm tạo ra hành lang pháp lý vững vàng để những đơn vị thực thi, quản lý về VHTTDL yên tâm thực hiện thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia. Việc này, phải cụ thể hóa bằng các đề án, chương trình, mục tiêu cụ thể mang tính ngắn, trung và dài hạn về văn hóa, thể thao và du lịch hay đảm bảo được đầy đủ, kịp thời các thiết chế văn hóa, thể thao và du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân....

Từ việc có được hành lang pháp lý để tạo ra được nguồn lực xã hội, những gì nhà nước làm tốt và không thể có lực lượng thay thế thì nhà nước phải đảm trách, những gì các tổ chức xã hội nghề nghiệp làm được thì nên giao quyền cho họ làm, trong đó có những công việc có những thị trường mới, rất gợi mở để chúng ta trao quyền cơ chế đó, như là công nghiệp văn hóa. Bằng chứng cho thấy, nhiều quốc gia trên thế giới thành công trong công nghiệp văn hóa là nhờ vào đội ngũ sáng tạo và khoa học công nghệ, cùng với đó là đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân thành đạt am hiểu về văn hóa cùng chung tay vào vì sự phát triển của văn hóa mỗi quốc gia. Đây cũng là thiết chế, chính sách mà Bộ VHTTDL hướng tới cần phải làm tốt trong thời gian tới...

Nhiệm vụ thứ 2 cần tập trung đó là: trong năm 2024 có rất nhiều sự kiện chính trị của đất nước như: kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 80 năm kỷ niệm ngày thành lập Quân Đội Nhân Dân Việt Nam và rất nhiều sự kiện khác ở các vùng miền khác nhau trên cả nước, vì vậy ngành phải đảm bảo được hiệu ứng tổ chức kỷ niệm các sự kiện này mang lại nhiều ý nghĩa, trang trọng thành công trên nhiều phương diện.

 

Theo góc nhìn cá nhân, Bộ trưởng có những kỳ vọng gì về những thành tích mà ngành VHTTDL dự kiến sẽ đạt được trong năm 2024?

 

Trong năm 2024, toàn ngành sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm cụ thể như: tập trung thực hiện cho được chỉ tiêu phát triển du lịch một cách bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 82 của Chính Phủ để ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phải đưa văn hóa, du lịch phát triển song hành. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển Thể dục Thể thao, cụ thể vừa tham gia tích cực các giải quốc gia, quốc tế, vừa chú trọng phát triển thể thao cho mọi người nhưng đồng thời cũng phải ghi được dấu ấn thể thao thành tích cao trên đấu trường quốc tế.

Mục tiêu mà toàn ngành hướng đến trong năm 2024, từ khóa đầu tiên là tiêp tục tập trung tham mưu cho Chính phủ để trình Quốc hội, sớm hoàn thiện, ban hành các thể chế chính sách về văn hóa, thể thao và du lịch để từ đó thực hiện chức năng quản lý nhà nước và cũng tiếp cận nó theo tinh thần chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội là xây dựng luật để kiến tạo sự phát triển.

Cụ thể, thời gian tới ngành VHTTDL phải tập trung làm cho tốt triển khai các Nghị định, các Thông tư mục tiêu quốc gia về chấn hưng quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 được Quốc hội thông qua. Sớm trình Quốc hội để xem xét, sửa đổi luật di sản văn hóa. Cùng với đó phải xây dựng được các chiến lược phát triển, cơ sở thiết chế văn hóa, thể thao và du lịch mang tính dài hạn đệ trình Thủ tướng Chính phủ. Về lĩnh vực du lịch, đôn đốc, kiểm tra để thúc đẩy phát triển một cách bền vững nhất cho ngành. Đồng thời có lộ trình để tổng kết lại các luật trong cả 3 lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đã thực hiện được hơn 10 năm để xem xét, đánh giá đệ trình Quốc hội có thể đưa vào các lộ trình xây dựng Luật và Pháp lệnh theo Nghị quyết của Quốc hội trong những năm tới.

Từ khóa thứ hai phải nâng tầm tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch cấp quốc gia, quốc tế. Sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch không chỉ đơn thuần là một lễ hội mà phải đảm bảo được đầy đủ các yếu tố như: Quảng bá văn hóa, con người Việt Nam tới bạn bè thế giới; thu hút được đông đảo du khách trong nước và quốc tế biết đến Việt Nam với sự cảm mến, tôn trọng.

Từ khóa thứ ba: Tập trung vào xây dựng yếu tố con người, tạo được môi trường làm việc tốt, từng bước cải cách, chế độ đãi ngộ cho cán bộ trong toàn ngành, khen thưởng kịp thời nhằm động viên, khích lệ tinh thần đặc biệt là các văn nghệ sĩ, VĐV, HLV có thể yên tâm công tác, phát huy sáng tạo, tiếp tục cống hiến cho ngành VHTTDL ngày càng phát triển mạnh mẽ theo đúng mục tiêu tôn chỉ.

Thêm một điểm quan trọng nữa, đó chính công tác truyền thông đã luôn đồng hành cùng sự phát triển của ngành VHTTDL. Thời gian tới đặc biệt là các cơ quan truyền thông trong Bộ VHTTDL cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nhiều hơn nữa, trong đó tập trung vào việc biểu dương những cá nhân, gương người tốt việc tốt, hạn chế việc phản ánh đi theo một chiều mà phải có những phản biện mang tính tích cực, đẩy mạnh truyền thông chính sách, có như vậy mới góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của ngành VHTTDL.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng về cuộc trò chuyện này!

N.H

Ảnh trong bài
  • Khép lại năm 2023: nhiều điểm sáng trong lĩnh vực VHTTDL
  • Khép lại năm 2023: nhiều điểm sáng trong lĩnh vực VHTTDL