Trường Đại học TDTT TP Hồ Chí Minh: Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng QMS ISO 9001:2000

Mặc dù đội ngũ cán bộ giảng dạy đủ mạnh, có kinh nghiệm, có năng lực, trình độ lý luận thực tiễn và nghiên cứu khoa học, đào tạo hệ Cao đẳng, Đại học và sau Đại học với 5 chuyên ngành khác nhau, nhưng do yêu cầu ngày càng cao của xã hội, đòi hỏi nhà trường cần áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001 - 2000.

TS. Lê Thiết Can (Ảnh: NHương)
Trường Đại học TDTT TP Hồ Chí Minh là cơ quan thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Nhà trường đã có hơn 33 năm kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực cho ngành TDTT và các đơn vị ngoài ngành (có liên quan đến hoạt động TDTT). Trường đã được Uỷ ban TDTT trước đây, nay là Bộ VH,TT&DL đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ giảng viên.

Mặc dù đội ngũ cán bộ giảng dạy đủ mạnh, có kinh nghiệm, có năng lực, trình độ lý luận thực tiễn và nghiên cứu khoa học, đào tạo hệ Cao đẳng, Đại học và sau Đại học với 5 chuyên ngành khác nhau, nhưng do yêu cầu ngày càng cao của xã hội, đòi hỏi nhà trường cần áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế. Có như vậy mới đáp ứng yêu cầu định hướng phát triển của ngành cho xã hội. 

Xác định được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc áp dụng hệ thống Quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001 - 2000, nhà trường đã có những bước chuẩn bị đầy đủ về nguồn lực để áp dụng hệ thống này. Do đó, chỉ sau một năm thực hiện, Nhà trường đã được Tổ chức chất lượng quốc tế NQA (Vương quốc Anh) đánh giá và công nhận cấp chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng QMFF ISO 9001 - 2000 và được Hiệp hội chất lượng TP Hồ Chí Minh công nhận là thành viên chính thức từ tháng 5/2009.

Nói về bộ tiêu chuẩn ISO 9001 - 2000 là hệ thống quản lý tập trung vào chất lượng và hướng tới khách hàng (sử dụng lao động). Khách hàng của nhà trường chính là đội ngũ sinh viên; các đơn vị, các trường học, các tổ chức sử dụng lao động. Nguyên tắc cơ bản của hệ thống quản lý chất lượng là hướng vào khách hàng (đáp ứng nhu cầu của xã hội). Bởi vì mọi tổ chức nói chung và nhà trường nói riêng đều phụ thuộc vào khách hàng của mình, nhà trường phải luôn nỗ lực và cố gắng cao hơn sự mong đợi của họ. Vì vậy với quan điểm, nguyên tắc trên Nhà trường phải tiến hành áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 - 2000.

Khi áp dụng ISO 9001 - 2000 sẽ mang lại những lợi ích cơ bản, gồm: chuyển đổi đầu tư quản lý theo chức năng thuộc cơ chế (xin - cho) quan liêu lạc hậu sang cơ chế quản lý mới theo quá trình để kiểm soát chặt chẽ và gia tăng tính ổn định của chất lượng giáo dục đào tạo nhằm chiếm được lòng tin của khách hàng.

Ghép nối các phòng ban chức năng thành hệ thống quản lý công khai minh bạch - đây là liều thuốc kháng sinh rất mạnh để phòng chống và chữa trị bệnh tham nhũng, biến cơ cấu tổ chức nhà trường được tinh giản gọn nhẹ hơn, giảm dần khoảng cách giữa các phòng ban với các đơn vị nhằm tăng hiệu quả quản lý nhờ sử dụng hợp lý nguồn lực và tiết kiệm chi phí nhưng mang lại hiệu quả cao.

Có hệ thống hồ sơ phản ánh việc vận hành quản lý giáo dục và đáp ứng được yêu cầu xã hội đòi hỏi thông qua điều tra mức độ hài lòng của sinh viên và của các tổ chức sử dụng lao động. Xác định được hiệu lực, hiệu quả của quản lý giáo dục, đặc biệt  lượng hoá được mục tiêu chất lượng đáp ứng 80% các tiêu chuẩn về kiểm định chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Liên tục đổi mới và cải tiến nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo trong quá trình hội nhập khu vực và thế giới.

Vì sự ổn định và phát triển của nhà trường và để phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc tế, mỗi thành viên tham gia vào hệ thống cần phải nhận thức và có hành động kịp thời về việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 - 2000.

Để vận hành hệ thống QMSS ISO 9001 - 2000 tại trường có hiệu quả, điều kiện trước tiên là phải nâng cao nhận thức, tầm quan trọng, lợi ích và những khó khăn thách thức của việc vận hành và từng bước nâng cao hệ thống tại 27 đơn vị của trường; am hiểu và tuân thủ áp dụng 113 thủ tục quy trình của tất cả các đơn vị trong toàn trường, thực hiện nghiêm túc quyền hạn trách nhiệm của từng chức danh. Cụ thể hoá bản mô tả công việc của từng cán bộ, công chức, viên chức và giảng viên; áp dụng các biểu mẫu sử dụng cho từng đơn vị, thực hiện báo cáo đầy đủ, bố trí công việc sắp xếp theo "5S" - Sàng lọc - Sắp xếp - Sạch sẽ - Săn sóc - Sẵn sàng.

Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tức là "Viết những gì cần làm" đây là việc không hề dễ dàng. Song vận hành nó là "Làm những gì đã viết" và "Viết những gì đã làm" lại càng khó hơn. Vì vậy, nhà trường cần thường xuyên chăm sóc và cải tiến nó. Sự thành công bước đầu "được cấp chứng chỉ ISO 9001 - 2000" thể hiện tầm nhìn và sự quyết tâm nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực TDTT của Nhà trường. Đây là cơ sở vững chắc cho sự đổi mới và là bước ngoặt quan trọng, tạo đà vươn lên ngang tầm với các trường Đại học trong nước, khu vực và quốc tế trong xu thế hội nhập hiện nay.

Tầm nhìn 2020

Đến năm 2020, Nhà trường phấn đấu trở thành cơ sở đào tạo TDTT đa cấp, đa ngành, tiên tiến, hội nhập toàn cầu về giáo dục - đào tạo. Phấn đấu trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học TDTT uy tín trong khu vực ASEAN, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và thế giới.

Định hướng 2015

Hướng mọi hoạt động của Nhà trường vào yêu cầu của người học và xã hội; Tạo dựng môi trường văn hoá chất lượng dạy - học hiện đại, mọi người có cơ hội tự học suốt đời; Triệt để áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý và đào tạo; Gia tăng tính cạnh tranh đảm bảo sự phát triển bền vững của Nhà trường.

Chính sách chất lượng 2010

Nhà trường đã đề ra 5 chính sách chất lượng đến năm 2010 như sau: Thiết lập hệ thống quản lý giáo dục mở, công khai, minh bạch hướng hoàn toàn vào yêu cầu của người học và của xã hội; Cải tiến liên tục chương trình và phương pháp dạy - học ở tất cả các cấp đào tạo của Trường; Tiếp cận các dịch vụ giáo dục khu vực và thế giới, đào tạo theo tín chỉ, tạo môi trường chủ động học tập đối với người học; Áp dụng đầy đủ công nghệ thông tin vào dạy - học, vào quản lý Nhà trường; Phát huy mọi tiềm năng và cống hiến của tất cả các cá nhân, thiết lập kỷ cương, xây dựng tinh thần cộng đồng tập thể đáp ứng ngày càng cao yêu cầu TDTT của Việt Nam và Thế giới.

Mục tiêu chất lượng của trường năm 2008 - 2009

Chương trình các ngành học, các học phần/môn học của các cấp đào tạo luôn được cải tiến phù hợp với yêu cầu tương lai của Việt Nam và khu vực ASEAN. Đảm bảo chương trình đào tạo luôn đổi mới phù hợp với yêu cầu giáo dục Đại học hiện đại.

Năm 2008 - 2009, Nhà trường đặt ra mục tiêu đạt 100% các học phần/ môn học của Khoa/Bộ môn có đề cương chi tiết được phê duyệt trước khi giảng; 90% giảng viên đăng ký và tiến hành cải tiến phương pháp giảng dạy theo hướng lấy người học làm trung tâm; 90% số người học không vi phạm quy định, nội quy của Nhà trường, nhất là quy chế thi; quản lý điểm thi an toàn, chính xác 100%; Từ năm học 2008 - 2009 tổ chức đào tạo theo tín chỉ bậc đại học trong trường; Được kiểm định, công nhận chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong năm 2009; Mức hài lòng của người học về giảng dạy là 75%; Mức đáp ứng yêu cầu chất lượng đào tạo đối với người sử dụng lao động là 75%.

Lê Thiết Can

Ảnh trong bài
  • Trường Đại học TDTT TP Hồ Chí Minh: Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng QMS ISO 9001:2000