Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt - Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 32 tại Campuchia
Ông có thể cho biết đôi nét về công tác chuẩn bị của đoàn Thể thao Việt Nam cho SEA Games 32 tại Campuchia?
Để chuẩn bị tham dự SEA Games 32, ngay từ đầu năm, Tổng cục TDTT và các đơn vị liên quan đã tiến hành rà soát lực lượng VĐV tập trung tập huấn tại các Trung tâm HLTTQG, tại trường Đại học TDTT Bắc Ninh và đã cử hơn 19 đoàn đi thi đấu và tập huấn ở nước ngoài nhằm tuyển chọn ra các VĐV tốt nhất. Bên cạnh đó, công tác y học và dinh dưỡng cũng được đảm bảo thực hiện theo quy định ở chế độ cao nhất. Lãnh đạo Tổng cục TDTT cũng đã chỉ đạo tất cả các đơn vị chăm lo sức khỏe, điều kiện sinh hoat cũng như các hoạt động tập luyện để các VĐV có được sự chuẩn bị kỹ lưỡng về chuyên môn cũng như tâm lý tốt nhất và sẵn sàng bước vào tranh tài tại Đại hội.
Bị cắt giảm nhiều nội dung thế mạnh, vậy ông nhận định thế nào về kì SEA Games 32 đối với đoàn Thể thao Việt Nam
Tại kì Đại hội lần này, đoàn Thể thao Việt Nam sẽ phải đối diện với thách thức lớn, trước hết đó là bởi ở kì SEA Games 31 chũng ta đã giành thành tích vang dội khi phá 21/41 kỷ lục, giành tới 205 HCV, qua đó đừng ở vị trí số Một trên bảng tổng sắp huy chương. Chúng ta đã để lại dấu ấn mạnh mẽ cả về chuyên môn lẫn công tác tổ chức. Là quốc gia đứng đầu SEA Games 31 nên áp lực thành tích tại kì Đại hội thể thao Đông Nam Á 32 sắp tới đối với chúng ta sẽ rất lớn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng bị cắt giảm nhiều môn thể thao Olympic cũng như hạn chế một số nội dung thế mạnh, đó cũng là một khó khăn. Tuy nhiên, mỗi thành viên đoàn thể thao Việt Nam đều xác định nỗ lực quyết tâm đạt được mục tiêu đề ra.
Doping là vấn đề luôn được quan tâm ở mọi sự kiện thể thao quốc tế lớn và đặc biệt càng quan trọng hơn đối với thể thao Việt Nam khi được Cơ quan chống doping yêu cầu nâng cao mức tuân thủ, vậy xin ông cho biết công tác phòng, chống doping sẽ được chú trọng thế nào trước thềm SEA Games 32?
Việt Nam luôn nói không với doping. Hàng năm Tổng cục TDTT và Trung tâm doping và y học thể thao có triển khai các hoạt động liên quan đến công tác đào tạo, tuyên truyền và hướng dẫn cho các Trung tâm HLTTQG cũng như địa phương về các phương pháp phòng, tránh doping. Tuy nhiên, doping là câu chuyện mà chúng ta cần phải quyết liệt hơn nữa và đặc biệt là phải giáo dục kỹ hơn. Bên cạnh đó, ngành thể thao còn gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát các loại thực phẩm, thuốc và thực phẩm chức năng đang bán tràn lan trên thị trường. Nguy cơ đưa thêm các thành phần giúp cho các VĐV nâng cao thành tích nhằm bán chạy sản phẩm hơn là không thể tránh khỏi. Liên quan tới vấn đề này, ngành thể thao rất mong muốn có sự chung tay của các Bộ, Ngành, đặc biệt là các vấn đề về kiểm soát thực phẩm bổ sung phải mạnh hơn, chặt chẽ hơn.
Hướng tới SEA Games 32, chúng tôi đã lên kế hoạch tổ chức truyền thông phòng, chống doping cho các VĐV tại Lễ xuất quân đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 32, vào tối ngày 19/4, tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội. Tại đây các VĐV sẽ được phát tài liệu hướng dẫn các quy định phòng, chống doping trong thể thao, các quy trình thực hiện kiểm tra doping tại SEA Games 32, các nội dung cần khai báo trong hồ sơ liên quan tới việc kiểm tra doping VĐV cần phải thực hiện. Các chuyên gia doping cũng sẽ trao đổi thông tin trực tiếp với HLV của từng đội tuyển, trao đổi giải pháp cho VĐV các vấn đề liên quan tới công tác kiểm tra doping tại các Đại hội thể thao theo quy định của Tổ chức phòng, chống doping thế giới.
A.T, ảnh Văn Duy