Ngoại giao thể thao đã và đang trở thành phương tiện vô cùng hiệu quả nhằm thúc đẩy quan hệ quốc tế giữa các quốc gia

Đó chính là một trong những khẳng định của diễn giả, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê thị Hoàng Yến trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế về chuyên nghiệp hóa kinh doanh và tiếp thị thể thao vừa diễn ra sáng nay 26/11 tại Hà Nội.

Tại phiên thảo luận về chủ đề Ngoại giao Thể thao, bà Lê Thị Hoàng Yến đã có những chia sẻ rất thú vị, hữu ích về chủ đề đang được rất nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm, trong đó nhấn mạnh: Ngoại giao và thể thao là hai lĩnh vực có mối quan hệ tác động qua lại trực tiếp. Các hoạt động ngoại giao thể thao đã và đang được sử dụng như một phương tiện vô cùng hiệu quả nhằm thúc đẩy quan hệ quốc tế giữa các quốc gia. Ngoại giao thể thao có thể tăng cường các nỗ lực kiến tạo hòa bình và phát triển kinh tế-xã hội.

Bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT đã có những chia sẻ rất thú vị về các vấn đề liên quan đến ngoại giao thể thao

Hội nhập quốc tế về TDTT ngày càng phát triển, mở rộng và đa dạng hóa các loại hình, chuyển đổi từ cơ chế bao cấp, 100% vốn ngân sách sang cơ chế xã hội hóa; các hoạt động kinh tế thể thao bắt đầu hình thành dưới dạng sơ khai. Sau khi Việt Nam đăng cai tổ chức thành công SEA Games năm 2003, Thể thao Việt Nam có điều kiện phát triển mạnh mẽ. Việt Nam đăng cai nhiều sự kiện thể thao tầm cỡ quốc tế, đồng thời tham gia đầy đủ vào các Đại hội thể thao cấp khu vực, châu lục, thế giới. Nhiều môn Thể thao mới, các loại hình thể thao giải trí được du nhập và phát triển ở Việt Nam.

Trong lịch sử thể thao thế giới đã ghi nhận nhiều sáng kiến ​​ngoại giao thể thao vô cùng đặc sắc để tạo quan hệ song phương giữa các quốc gia. Đầu thập niên 70, sự kiện ngoại giao bóng bàn giữa Mỹ và Trung Quốc. Xuất phát từ một trận thi đấu bóng bàn giữa thuyển thủ hai nước, mối quan hệ song phương Mỹ-Trung Quốc dần được ấm lên, mở đường cho chuyến thăm của nguyên thủ quốc gia, tạo ra bước ngoặt trong chính sách giữa hai cường quốc và thay đổi cục diện thế giới.

Hội thảo thu hút đông đảo khách quốc tế đến tham dự 

Tại Việt Nam, Thể thao giúp duy trì quan hệ trao đổi thường xuyên với các nước, các tổ chức Thể thao Quốc tế trong khu vực, châu lục và trên thế giới, là thành viên của nhiều Liên đoàn Thể thao Quốc tế. Việt Nam là một nước thành viên của Uỷ ban Olympic Quốc tế, nằm trong chương trình mục tiêu của FIFA. 

Được tạo nhiều điều kiện thuận lợi, đặc biệt là đường lối đối ngoại rộng mở: “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới”, hoạt động quan hệ quốc tế về TDTT của Việt Nam những năm qua tiếp tục phát triển sâu rộng với nhiều cường quốc thể thao trên thế giới, ở tất cả các châu lục: Châu á - Thái Bình Dương, Âu, Mỹ, Mỹ La Tinh, kể cả Bắc Phi, như các nước Asean, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Italia, Anh, Pháp, Đức, Nga, Đan Mạch, Phần Lan, các nước Đông Âu cũ như Cộng hoà Sec, Slovakia, Bungari, Rumani, Mỹ, Achentina, Brazin... và nhiều nước khác trên thế giới. Quan hệ quốc tế về TDTT với các nước này ngày càng tập trung vào mục tiêu chất lượng, thiết thực và hiệu quả, phù hợp với các điều kiện kinh tế tài chính, trình độ chuyên môn, thể chất con người Việt Nam nhằm mục đích phát triển nền TDTT Việt Nam ngày càng lớn mạnh.

Phiên thảo luận về chủ đề “Ngoại giao thể thao” đã nhận được nhiều ý kiến từ các diễn giả đến từ Italia, Hungary, Việt Nam… Các ý kiến chủ yếu đều tập trung vào đánh giá cao vai trò của hoạt động thể thao, nó không chỉ là việc chơi thể thao đơn thuần, theo sở thích, nâng cao sức khỏe mà có vị trí vô cùng quan trọng trong hợp tác, ngoại giao giữa các nước, giúp cho gắn kết, hợp tác mối quan hệ giữa các quốc gia trên toàn thế giới lại với nhau. Bên cạnh đó, Thể thao là nền tảng, công cụ để thúc đẩy phát triển xã hội và giải quyết các xung đột, vấn đề của xã hội đang tồn đọng hiện nay như: biến đổi khí hậu, bình đẳng giới...

Thể thao không phân biệt lứa tuổi, mầu da, giới tính, đẳng cấp, vị trí con người trong xã hội… từ nhiều năm qua tại các sân chơi Thể thao lớn mang tầm châu lục, thế giới đã có sự cân bằng về tỷ lệ VĐV nam và nữ tham gia tranh tài ngang bằng nhau, thậm chí ở một số môn Thể thao VĐV nữ giành nhiều HCV hơn VĐV nam. Điều này đã tạo nên một sự bình đẳng giới trong hoạt động thể thao, nhiều VĐV nữ đã nhận được các gói tài trợ lớn từ các doanh nghiệp, tập đoàn thể thao quốc tế lớn trên thế giới. Điều này cho thấy Thể thao Việt Nam đã và đang đi đúng hướng phát triển của Thể thao thế giới. Đây là những chia sẻ của Đại sứ quán Italia tại Việt Nam – ông Antonio Alessandro.

Bài N.H, Ảnh: Văn Duy