Cần quan tâm một số vấn đề trong đổi mới phương pháp giảng dạy ở trường Đại học TDTT Đà Nẵng (tiếp)

Thực chất kết cấu chung, chúng ta đã có mẫu quy định, vấn đề cần bàn là mục tiêu, yêu cầu và chi tiết của từng nội dung, cần lưu ý một số điểm. Mục tiêu, yêu cầu không chỉ là mục tiêu cuối cùng, sau khi học xong môn học sinh viên đạt được mức độ nào, mà cần xác định mục tiêu cho từng phần, chương, tới từng bài giảng và tương ứng với nó là các yêu cầu càng cụ thể, chi tiết càng tốt.

 

 

Về kết cấu chương trình môn học

Về nội dung chương trình, riêng đối với đặc thù ngành GDTC thực tế cho thấy nhiều sinh viên nhờ có vốn kỹ năng của các môn thể thao này mà có thể dễ dàng tiếp thu kỹ năng của các môn thể thao kia (hoặc ngược lại, có khi vốn kỹ năng này lại cản trở cho tiếp thu vốn kỹ năng kia) nếu đi sâu xem xét có thể là cơ sở cho việc tinh giản học phần trong chương trình đào tạo hoặc đối với chương trình môn học, một số kỹ thuật động tác chỉ nên đưa vào phần tự học, không nhất thiết đưa vào phần lên lớp của giảng viên. Xét ở khía cạnh sử dụng trong việc sắp xếp tuần tự môn học hay nội dung học trong kế hoạch giảng dạy (khai thác sử dụng nếu có sự chuyển tốt hoặc tránh đi nếu đó là sự chuyển xấu) thì vấn đề đã nêu cũng giúp cho việc tăng cường tính hợp lý, đảm bảo tính hệ thống của quá trình giảng dạy.

 

Định hướng trong sử dụng phương pháp giảng dạy

Đồng thời với việc nắm vững bản chất và nguyên tắc đổi mới phương pháp giảng dạy, chúng ta còn cần lưu ý đến đặc điểm môn học mà Nhà trường đang giảng dạy (đồng nghiệp mình vận dụng thế nào? Cái gì mình có thể học tập được?..) hay những điều kiện cần để thực hiện được đổi mới dạy học (để có thể khai thác tối ưu và đôi khi còn biết tạo ra các điều kiện cần thiết như thế nào?).

 

Định hướng trong công tác đánh giá

Vấn đề đánh giá trong đổi mới phương pháp dạy học, theo chúng tôi cho rằng, chỉ một khi đánh giá thật đúng kết quả học tập của sinh viên thì mới có thể khẳng định việc đổi mới phương pháp dạy học có hiệu quả không. Song không chỉ đánh giá đối tượng người học ở kết quả cuối cùng, mà ngay từ khi chuẩn bị bài giảng đầu tiên chúng ta cũng đã nắm được người học có những đặc điểm: Trình độ học vấn, khả năng tiếp thu (vốn kiến thức, kỹ năng ban đầu đang ở mức độ nào) đặc thù nghề nghiệp có gì thuận lợi, có gì bất lợi.

Mục tiêu chung của công tác đánh giá là đảm bảo tính khách quan, đánh giá đúng mức độ có được của những kiến thức, kỹ năng cần phải trang bị cho người học ở các bậc học, trình độ tương ứng. Cho nên việc sử dụng hình thức đánh giá phải đa dạng để tận dụng được các ưu điểm, hạn chế nhược điểm, cùng với việc người học được đánh giá nhiều lần theo quy chế và đặc biệt các nội dung đánh giá đã được người dạy nghiên cứu lựa chọn kỹ, phản ánh được những vấn đề rất cơ bản và cần thiết đáp ứng được nhu cầu xã hội khi tốt nghiệp.

Mặc dù trong những năm gần đây Đại học TDTT Đà Nẵng đã có quá nhiều việc cần làm, đội ngũ giảng viên phần thì đầu tư vào việc chuẩn hoá bằng cấp, phần phải đảm nhiệm khối lượng giảng dạy quá nhiều do quy mô đào tạo ngày một tăng, số lượng giảng viên định biên chưa đủ, thời gian đầu tư cho nghiên cứu, thực hiện đổi mới phương pháp dạy học còn ít. Song phải nghiêm túc nhận xét, mỗi giảng viên chưa thật sự quyết tâm, còn ngại khó khăn, cá biệt còn có tâm lý lo lắng sợ môn học mình dạy có thời gian giảng dạy ít, thiếu mạnh dạn trong khâu giảm tải khối lượng.

Có thể nói đổi mới phương pháp giảng dạy như thế nào, kết quả phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề, song khi nào thật sự bắt tay vào thực hiện và cũng chỉ cần quan tâm tới mỗi vấn đề dù chỉ một mặt tích cực nào đấy thì tổng hợp nhiều vấn đề lại, chắc chắn chúng ta sẽ thu được một kết quả không ngờ. Vì vậy tới đây từng giảng viên, từng tập thể môn học cần xây dựng quyết tâm cụ thể hơn và có được những giải pháp có tính khả thi cao hơn.

 

 

Th.s Nguyễn Quang Doanh

Ảnh trong bài
  • Cần quan tâm một số vấn đề trong đổi mới phương pháp giảng dạy ở trường Đại học TDTT Đà Nẵng (tiếp)