Cần quan tâm một số vấn đề trong đổi mới phương pháp giảng dạy ở trường Đại học TDTT Đà Nẵng

Vào những năm 1999, 2000 Bộ GD&ĐT đã có chủ trương chỉ đạo các cơ sở đào tạo phải tiến hành đổi mới phương pháp giảng dạy, đặc biệt từ năm học 2004 - 2005 đến 2008 - 2009, ngay từ đầu năm học Bộ GD&ĐT đều có Chỉ thị đối với các trường học về nhiệm vụ trọng tâm và đến cuối năm học tiến hành tổng kết. Một trong những nội dung không thể thiếu, đó là công tác đổi mới phương pháp giảng dạy.

Vào những năm 1999, 2000 Bộ GD&ĐT đã có chủ trương chỉ đạo các cơ sở đào tạo phải tiến hành đổi mới phương pháp giảng dạy, đặc biệt từ năm học 2004 - 2005 đến 2008 - 2009, ngay từ đầu năm học Bộ GD&ĐT đều có Chỉ thị đối với các trường học về nhiệm vụ trọng tâm và đến cuối năm học tiến hành tổng kết. Một trong những nội dung không thể thiếu, đó là công tác đổi mới phương pháp giảng dạy. Tuy nhiên, thực chất công tác đổi mới phương pháp giảng dạy ở các cấp học, các loại hình đào tạo diễn ra với tốc độ còn chậm cùng với hiệu quả đạt được chưa cao so với yêu cầu đặt ra. Trường Đại học TDTT Đà Nẵng cũng không nằm ngoài tình trạng như vậy.

Trong bối cảnh giáo dục Đại học phải đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của cuộc sống nên việc ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh. Bởi công nghệ thông tin được coi là công cụ hỗ trợ đắc lực cho đổi mới phương pháp dạy học, học tập và quản lý giáo dục góp phần nâng cao hiệu quả chất lượng giáo dục và các trường Đại học, Cao đẳng trên cả nước đang từng bước tiếp cận theo hướng đào tạo tín chỉ; đồng thời cùng với kết quả từ việc rút kinh nghiệm qua thực tiễn chỉ đạo trong nhiều năm, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo quyết liệt các trường phải tiến hành Hội thảo đổi mới phương pháp giảng dạy, kèm theo những nội dung, yêu cầu cụ thể tiến tới Hội thảo toàn quốc. Trao đổi về đổi mới phương pháp giảng dạy tại trường Đại học TDTT Đà Nẵng, Th.s Nguyễn Quang Doanh - Phó Hiệu trưởng Nhà trường đã đưa ra một số vấn đề, cụ thể:

Đối với nhận thức

Chúng ta thường nói, nhận thức là kim chỉ nam cho mọi hành động, tạo được sự chuyển biến về nhận thức được coi là công việc đầu tiên có ý nghĩa rất quan trọng. Thực tế cho thấy, một bộ phận giảng viên chưa nhận thức đúng bản chất về đổi mới phương pháp dạy học. Đổi mới phương pháp giảng dạy trong thời đại luôn có sự biến đổi với tốc độ cao là vô cùng cần thiết và đổi mới phương pháp giảng dạy chỉ đạt được kết quả cao khi các thầy giáo, cô giáo đổi mới phương pháp dạy học, đồng thời ý thức được rằng đổi mới phương pháp dạy học là vì chính mình, cũng là vì sinh viên.

Tóm lại, suy cho cùng đổi mới phương pháp dạy học phụ thuộc rất nhiều vào sự tự đổi mới theo hướng tự giác tích cực của bản thân người giảng viên (thầy có nhận thức đúng thì mới chủ động tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực sư phạm, trình độ chuyên môn, chủ động đầu tư thời gian, trí tuệ cho việc nghiên cứu chương trình, sử dụng, khai thác giáo trình, tài liệu, chuẩn bị bài giảng chu đáo thật sự làm chủ lớp học và tạo được môi trường học tập tích cực..) và một khi đã chú trọng đầu tư cho công tác đổi mới phương pháp dạy học thì chắc chắn dù ít hay nhiều đều thu được kết quả nhất định.

Cần tạo động lực để thực hiện nhiệm vụ đổi mới phương pháp dạy học

Ở đây cần thống nhất nhận định dạy tốt không chỉ là hoạt động của cá nhân giảng viên mà còn có sự hỗ trợ của đồng nghiệp, đó là kết quả tổng hợp của các hoạt động: Tập thể thầy, cô giáo, sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, phụ huynh và sinh viên... trong quá trình sư phạm. Như vậy, khi tổ chức thao giảng, cũng như khi triển khai công tác nhận xét, đánh giá giảng viên cho sinh viên (tất nhiên phải có nghiên cứu soạn thảo phiếu thu nhập thông tin từ các đối tượng cho hợp lý) những thông tin đó có thể là những chia sẻ, động viên khuyến khích song cũng có thể là những ý kiến phê bình.

Vì vậy đòi hỏi người giảng viên phải biết cách tiếp nhận sự đánh giá đó và những thông tin nhiều chiều ấy nếu được xử lý tốt sẽ giúp chúng ta rất nhiều trong điều chỉnh các vấn đề có liên quan, đồng thời đó còn là cơ sở để đặt ra những quy định chế tài buộc người giảng viên phải tích cực tiến hành đổi mới phương pháp dạy học như: định kỳ đánh giá giảng viên; quy định một học kỳ giảng viên phải thực hiện mấy lần thao giảng; hạn định thời gian phải sử dụng thuần thục phương tiện giảng dạy hiện có của nhà trường; đưa vào là một trong những tiêu chí thi đua của bộ môn hoặc đó là những yêu cầu mỗi giảng viên giỏi cần phải có.

Phương pháp, tác phong dạy học cũ đã có thời gian tồn tại quá lâu, tạo thành thói quen khó thay đổi, việc xoá bỏ thói quen ấy và hình thành thói quen mới là việc làm cần thiết. Cùng với công tác vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho giảng viên, thì mặt khác còn cần phải đặt ra một số áp lực hợp lý sẽ tạo được động lực để người giảng viên tự đổi mới mình.

Còn tiếp

Th.s Nguyễn Quang Doanh

Ảnh trong bài
  • Cần quan tâm một số vấn đề trong đổi mới phương pháp giảng dạy ở trường Đại học TDTT Đà Nẵng