Sự phối hợp giữa Bộ VH,TT&DL với Tp.Hà Nội trong công tác chỉ đạo và triển khai các hoạt động của ngành (tiếp)

Đây là hoạt động trọng tâm, không chỉ mang ý nghĩa quản lý ngành mà là hoạt động của quốc gia và quốc tế. Vì vậy công tác chỉ đạo phối hợp cũng mang tầm vóc khác. Do đó, từ những năm chuẩn bị cho 900 năm, 990 năm, công tác phối hợp chỉ đạo, tổ chức thực hiện đã được hoạch định, ký kết và trở thành nề nếp cho các hoạt động chuẩn bị cho 1000 năm. Rút ra những bài học thành công và cả những sơ suất, bất cập của những dịp “đại diễn tập” trước, sự chuẩn bị cho 1000 năm đã bài bản hơn và chi tiết hơn.

Các hoạt động chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long

Đây là hoạt động trọng tâm, không chỉ mang ý nghĩa quản lý ngành mà là hoạt động của quốc gia và quốc tế. Vì vậy công tác chỉ đạo phối hợp cũng mang tầm vóc khác. Do đó, từ những năm chuẩn bị cho 900 năm, 990 năm, công tác phối hợp chỉ đạo, tổ chức thực hiện đã được hoạch định, ký kết và trở thành nề nếp cho các hoạt động chuẩn bị cho 1000 năm. Rút ra những bài học thành công và cả những sơ suất, bất cập của những dịp “đại diễn tập” trước, sự chuẩn bị cho 1000 năm đã bài bản hơn và chi tiết hơn.

Ở tầm vĩ mô, Bộ và thành phố đã có những ký kết về nguyên tắc hệ thống công việc, cử đồng chí Thứ trưởng phụ trách chỉ đạo việc phối hợp và giải quyết các vướng mắc trong quá trình phối hợp. Các công trình văn hoá chuẩn bị cho 1000 năm, công tác chuẩn bị hồ sơ cho Hoàng thành Thăng Long đăng ký với UNESSCO là Di sản văn hoá thế giới, Bảo tàng Hà Nội, các công việc cụ thể cho từng hạng mục, từng công trình v.v... đều có sự hỗ trợ và tham gia tích cực của Bộ và các cơ quan chức năng thuộc Bộ. Những chuẩn bị cho ASIAN Indoor Games III, Đại hội TDTT toàn quốc vào năm 2010 cả về ý tưởng, nội dung, lực lượng, cách thức tổ chức các hoạt động…, những  nội dung cho Năm Du lịch 2010 của quốc gia được tổ chức tại Hà Nội cũng được các Tổng cục thuộc Bộ, cơ quan chức năng tư vấn cho thành phố rất hiệu quả. Ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng: Nếu Không có sự phối hợp giữa các đơn vị trong suốt thời gian qua chắc chắn nhiều việc khó có thể thực hiện được theo kế hoạch và tiến độ.

Đó là chưa nói đến sự giúp đỡ về nội dung khoa học của các công việc. Các nhà khoa học thuộc đơn vị của Bộ đã giúp đỡ cho ngành tạo được những hiệu quả nhất định. Khâu khó nhất của các công trình cho 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là ở tính chất khoa học và tính chất văn hoá của các công trình. Vì vậy, những việc này không có tổ chức chính quyền nào có thể làm thay các cơ quan chuyên môn và do đó, các tổ chức và các nhà khoa học của Bộ đã vào cuộc cùng phối hợp với Tp. Hà Nội nhằm giải quyết tốt các công việc. Đó là điều kiện rất quan trọng đảm bảo cho các hoạt động được triển khai thuận lợi.

Xin đơn cử một vài việc cụ thể như: Bảo tàng Hà Nội tuy đã được đầu tư xây dựng như một công trình trọng điểm để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Nhưng, vấn đề khó nhất lại là khâu tổ chức, trưng bày như thế nào chứ không phải ở khâu xây dựng, kiến trúc, dù đó cũng là một việc lớn. Bộ đã chỉ đạo Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Cục Di sản văn hóa, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Dân tộc học, các nhà khoa học… giúp chúng tôi xây dựng đề cương trưng bày, các chuyên đề nội dung đảm bảo cho việc trưng bày, phục vụ nhân dân hiệu quả. Ròng rã hàng năm trời, các cơ quan và các nhà chuyên môn đã làm đi, làm lại đề cương trưng bày, chọn các phương án đề xuất để cuối cùng tìm ra phương án tối ưu cho tổng thể vì nếu việc này bị chậm, toàn bộ tiến độ xây dựng sẽ bị chậm. Tương tự với tượng đài Thánh Gióng cũng vậy. Công việc phức tạp không chỉ ở bề nổi mà còn do cả vấn đề tâm lý, một số người muốn làm nhưng lại không được chọn… nên cũng có chuyện gây nhiễu. Các cơ quan chuyên môn cũng đã góp sức giải quyết vấn đề ổn thoả để công việc tiến hành thuận lợi. Những việc ấy, nếu không có sự can thiệp của các cơ quan chuyên môn và Bộ VH,TT&DL thì chắc chắn Hà Nội sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện những công việc này.

Những kiến nghị

Điểm qua một số công việc đó, chúng tôi muốn khẳng định rằng: Sự phối hợp chỉ đạo và những thoả thuận giữa Bộ với lãnh đạo thành phố Hà Nội đã giúp cho cơ quan quản lý nhà nước là Sở VH,TT&DL Hà Nội có thêm những điều kiện thuận lợi để triển khai các hoạt động của mình. Song, để công việc triển khai tốt hơn nữa, chúng tôi xin có một vài kiến nghị sau:

1. Công việc sáp nhập giữa các đơn vị hiện nay đã làm nảy sinh một số vấn đề lớn mà nếu chỉ để Sở tự giải quyết chắc sẽ không hiệu quả: Đó là vấn đề tổ chức và nhân sự. Với góc độ là một đơn vị sự nghiệp do Bộ quản lý, Sở VH,TT&DL Hà Nội mong Bộ có tiếng nói trong việc giúp Sở giải bài toán hóc búa này.

2. Đề nghị Bộ có kế hoạch chỉ đạo các tỉnh, Sở VH,TT&DL có kế hoạch đồng bộ triển khai các hoạt động kỷ niệm 1000 năm cùng với Hà Nội và ở địa phương mình. Những phối hợp nằm trong kế hoạch của cả nước và kế hoạch ở từng địa phương. Việc này đã có chủ trương của Nhà nước nhưng cũng cần được triển khai đồng bộ và hiệu quả. Nếu được, đề nghị Bộ và thành phố có ký kết các hoạt động chung và hỗ trợ thành phố để công việc được thuận lợi hơn.

3. Từ kế hoạch chung của Bộ, các đơn vị có kế hoạch của riêng mình trong các hoạt động kỷ niệm 1000 năm.

4. Sau khi Đề cương Đại lễ được phê duyệt, việc tập luyện để trình diễn các nội dung cho 1000 năm sẽ cực lớn và tốn kém. Đề nghị Bộ chỉ đạo các cơ quan trực thuộc có kế hoạch chuẩn bị cả về tổ chức, nhân sự và kinh phí tham gia các chương trình sao cho hiệu quả nhất.

5. Các hoạt động cho ASIAN Indoor Games  III đòi hỏi sự chỉ đạo và chung tay, quan tâm rất lớn của Bộ. Vì vậy, các hoạt động phối hợp cần được rà soát và kiểm tra thường xuyên. Mặc dù các tiểu ban đã được thành lập nhưng những hoạt động chủ yếu vẫn do Bộ và Thành phố, Sở đảm nhiệm. Mong lãnh đạo Bộ hết sức quan tâm tới hoạt động lớn này.

6. Năm 2010 đã được xác định là Năm Du lịch Quốc gia diễn ra tại Hà Nội. Đề nghị Bộ hỗ trợ về mọi mặt để Năm Du lịch 2010 được thành công đúng vào dịp chúng ta kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Phạm Quang Long

Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội

Ảnh trong bài
  • Sự phối hợp giữa Bộ VH,TT&DL với Tp.Hà Nội trong công tác chỉ đạo và triển khai các hoạt động của ngành (tiếp)