Kinh nghiệm và giải pháp tổ chức sự kiện VH,TT&DL Cần Thơ

Trong bối cảnh mới thực hiện việc sáp nhập và ổn định cơ cấu tổ chức, thì việc phối hợp các hoạt động nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp các lĩnh vực Bộ quản lý là điều hết sức quan trọng. Tuy nhiên, đến thời điểm này không phải tất cả các địa phương đều thực hiện tốt công tác đó. Ông Đinh Viết Khanh - Giám đốc Sở VH,TT&DL Cần Thơ đã có những kinh nghiệm thực tế, đưa ra một số điểm cần chú ý, quan tâm thực hiện và một số giải pháp trong việc tổ chức sự kiện VH,TT&DL.

Một trong những mục đích của việc sáp nhập Bộ, ngành thực hiện theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết của quốc hội là tận dụng tổng hợp sức mạnh của các lĩnh vực. Trong đó, việc sáp nhập Bộ VH,TT&DL trên các lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch, gia đình cũng không ngoại lệ. Trong bối cảnh mới thực hiện việc sáp nhập và ổn định cơ cấu tổ chức, thì việc phối hợp các hoạt động nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp các lĩnh vực Bộ quản lý là điều hết sức quan trọng. Tuy nhiên, đến thời điểm này không phải tất cả các địa phương đều thực hiện tốt công tác đó. Ông Đinh Viết Khanh - Giám đốc Sở VH,TT&DL Cần Thơ đã có những kinh nghiệm thực tế, đưa ra một số điểm cần chú ý, quan tâm thực hiện và một số giải pháp trong việc tổ chức sự kiện VH,TT&DL. Những kinh nghiệm và giải pháp cũng đã được ông Đinh Viết Khanh tham luận tại Hội nghị triển khai công tác năm 2009 ngành VH,TT&DL với mong muốn góp phần vào kinh nghiệm chung của ngành.

Đua ghe ngho - một trong những hoạt động trong ngày hội VH,TT&DL đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ tại CầnThơ (Ảnh: LHG)

Năm 2008, TP. Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long được Chính phủ và Bộ VH,TT&DL quan tâm chọn là địa phương tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2008 với chủ đề: Du lịch miệt vườn sông nước Cửu Long. Đây là sự kiện mang tầm quốc gia, lần đầu tiên tổ chức tại Nam Bộ được đông đảo nhân dân hân hoan chào đón và tích cực tham gia. Tuần lễ khai mạc Năm du lịch quốc gia 2008 được tổ chức tại thành phố Cần Thơ, đã thu hút trên 300.000 lượt du khách gần xa tham dự, trong đó có hơn 70.000 lượt khách quốc tế.

Ngoài chương trình lễ khai mạc Năm Du lịch và các hoạt động chào mừng, hưởng ứng tuần lễ khai mạc như: Lễ hội đường phố, Ngày hội Bến Ninh Kiều, Hội chợ thương mại du lịch Mekong - Cần Thơ 2008, chung kết Hội thi hoa hậu ĐBSCL, liên hoan văn hóa ẩm thực, Hội thảo phát triển du lịch lữ hành… Được tổ chức tại TP. Cần Thơ, còn có trên 50 lễ hội, sự kiện diễn ra liên tục khắp các tỉnh thành ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh suốt năm 2008. Trong đó có một số hoạt động tiêu biểu như: Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ - An Giang, Tuần lễ văn hóa lễ hội Ok – om – bok đua ghe Ngo ở Sóc Trăng, Lễ hội Ok – om – bok về với sắc màu Trà Vinh, Lễ hội Dạ cổ Hoài Lang – Bạc Liêu, hành trình về đất Mũi – Cà Mau, Lễ hội “Cây trái ngon, an toàn” tỉnh Bến Tre, Lễ hội kỷ niệm 140 năm ngày giỗ anh hùng Nguyễn Trung Trực – Kiên Giang, Lễ hội trái cây Nam bộ ở TP. Hồ Chí Minh, Hội chợ triển lãm du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh 2008, Cúp Bóng chuyền nữ quốc tế VTV, Ngày hội VH,TT&DL vùng đồng bào Khmer Nam Bộ tại Cần Thơ… đã làm dấy lên không khí lễ hội vui tươi, phấn khởi, góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch vùng đất phương Nam, qua đó thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL.

Lễ bế mạc Năm du lịch quốc gia 2008 kết hợp với Lễ kỷ niệm 5 năm thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương và chào năm mới 2009 được tổ chức bên bờ sông Hậu – thành phố Cần Thơ với quy mô tương đối lớn khoảng 1.000 diễn viên tham gia chương trình nghệ thuật, thu hút trên 10.000 du khách, nhân dân đến xem.

Tuy bị ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu, mức tăng trưởng chậm lại nhưng trong Năm du lịch quốc gia 2008, các tỉnh ĐBSCL đã thu hút hơn 3.450.000 lượt khách, tăng 22% so với năm 2007, trong đó có hơn 700.000 lượt khách quốc tế với tổng doanh thu hơn 2.318 tỷ đồng. Riêng thành phố Cần Thơ đón tiếp trên 2,5 triệu lượt khách đến tham quan, mua sắm, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, trong đó khách lưu trú trên 850.000 lượt, tăng 23% so với năm trước, hơn 175.000 lượt khách quốc tế, doanh thu đạt 455 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2007.

Năm du lịch quốc gia 2008 đã tạo ấn tượng tốt về đất nước, con người vùng ĐBSCL trong lòng du khách và bạn bè cả nước. Thông qua các sự kiện, lễ hội, các hoạt động văn hóa, thể thao, công tác quảng bá, tạo dựng hình ảnh vùng sông nước Cửu Long được tăng cường, góp phần phát triển du lịch toàn vùng.

Đạt được kết quả nêu trên, đứng về góc độ tổ chức, chúng tôi cho rằng: Trước hết là được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ VH,TT&DL và các cơ quan trực thuộc Bộ, sự phối hợp nhịp nhàng đồng bộ với tinh thần trách nhiệm cao của lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt sự thống nhất tư tưởng và hành động của cả hệ thống chính trị thành phố Cần Thơ, đứng đầu là sự lãnh đạo tập trung của Thành ủy và UBND thành phố. Công tác tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2008 đã được đưa vào Nghị quyết của Thành ủy và Hội đồng nhân dân từ đầu năm 2008, xem đó là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Ban tổ chức Năm Du lịch do đồng chí Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố làm Trưởng ban, Phó Ban Thường trực do đồng chí Giám đốc Sở VH,TT&DL phụ trách, các thành viên Ban tổ chức hầu hết là người đứng đầu các Sở, Ngành địa phương liên quan, chủ động xây dựng kế hoạch cho từng sự kiện, lễ hội và đi vào triển khai thực hiện như một chiến dịch. Do đó, tuy phải thường xuyên tổ chức nhiều lễ hội với quy mô lớn, trên địa bàn rộng, nhiều khó khăn bất cập xuất hiện (thời tiết, phương tiện đi lại, điện nước, nhân lực, cơ sở vật chất thiếu thốn…) nhưng Ban Tổ chức đã phát huy sức mạnh tổng hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn tổ chức thành công hầu hết các sự kiện trong Năm du lịch quốc gia.

Từ những kết quả đã đạt được và những hoạt động thực tế chúng tôi nhận thấy để tổ chức thành công một sự kiện VH,TT&DL cần quan tâm thực hiện tốt các công việc sau:

1. Thành lập sớm Ban chỉ đạo, Ban tổ chức, các Tiểu ban. Thành viên các ban, tiểu ban bao gồm các đồng chí lãnh đạo, các chuyên viên Bộ, Ngành Trung ương và các Ban, Ngành địa phương liên quan.

2. Thành lập bộ phận Thường trực Ban tổ chức để giúp Ban tổ chức xây dựng kế hoạch, triển khai kế hoạch và điều hành thực hiện kế hoạch. Các đồng chí trong bộ phận Thường trực Ban tổ chức phải là những đồng chí có kinh nghiệm tổ chức, am hiểu công việc, năng động triển khai thực hiện và điều hành công việc khoa học.

3. Về xây dựng kế hoạch thực hiện: Phải dự kiến đầy đủ nội dung công việc, thời gian, nhân sự và các biện pháp cụ thể. Kế hoạch phải thông qua và được sự nhất trí cao của cấp ủy, Hội đồng nhân dân và UBND địa phương.

4. Phải đảm bảo đủ kinh phí tổ chức, trong đó cần thực hiện tốt công tác vận động tài trợ từ nhiều nguồn trong xã hội. Các đồng chí lãnh đạo địa phương phải trực tiếp tham gia thì công tác vận động tài trợ mới đạt được kết quả.

5. Kịch bản văn học phải được chọn lọc và đúc kết từ nhiều ý tưởng, bảo đảm chuyển tải được những nét đặc sắc của địa phương, của vùng miền. Đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật phải được lựa chọn kỹ lưỡng, có thực lực, có kinh nghiệm, đảm bảo yêu cầu về nội dung chất lượng.

6. Phải xây dựng phương án bảo vệ an ninh, trật tự thật cụ thể. Đảm bảo tuyệt đối an toàn trong suốt thời gian diễn ra sự kiện.

Đinh Viết Khanh (Giám đốc Sở VH,TT&DL Cần Thơ)

Ảnh trong bài
  • Kinh nghiệm và giải pháp tổ chức sự kiện VH,TT&DL Cần Thơ