Phương pháp xử lý trong Bóng đá chuyên nghiệp

Thể thao Việt Nam nói chung và Bóng đá nước nhà nói riêng đã và đang phát triển theo đúng định hướng của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X

Ông Vũ Trọng Lợi - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (Ảnh: TT)
Thể thao Việt Nam nói chung và Bóng đá nước nhà nói riêng đã và đang phát triển theo đúng định hướng của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X. Tuy nhiên, cùng với sự chuyển mình của TDTT cũng như của Bóng đá đã xuất hiện nhiều vấn đề nảy sinh, tất yếu đã xảy ra và cần được giải quyết. Đặc biệt gần đây một số vụ việc bạo lực trong thi đấu thể thao, điển hình là sự cố sân Vinh đã gây bức xúc trong công chúng. Để rộng đường dư luận, Trang tin TD,TT Việt Nam xin đăng tải bài viết của ông Vũ Trọng Lợi - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Thể thao Việt Nam nói chung và Bóng đá nước nhà nói riêng đã và đang phát triển theo đúng định hướng của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X là “Mở rộng quá trình chuyên nghiệp hoá thể thao thành tích cao”, “Phân định rõ trách nhiệm giữa cơ quan quản lý hành chính nhà nước và tổ chức Liên đoàn, Hiệp hội thể thao. Chuyển giao hoạt động tác nghiệp về thể thao cho các tổ chức xã hội và các cơ sở ngoài công lập thực hiện”.

Bóng đá là môn thể thao được xã hội quan tâm, lãnh đạo ngành TDTT chọn làm điểm tiên phong thực hiện chuyên nghiệp hoá theo quan điểm đường lối xã hội hoá các hoạt động thể thao của Đảng và Nhà nước, bước đầu đã đạt được kết quả khả quan. Tuy nhiên, đây là một công việc mới mẻ trong bối cảnh kinh tế - xã hội nước ta đang chuyển từ nên kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, có nhiều tác động cả tích cực lẫn tiêu cực đến các hoạt động TDTT nhất là Thể thao thành tích cao mà điển hình là Bóng đá. Không riêng gì nhiều người hâm mộ Bóng đá, mà ngay cả những người làm Bóng đá còn nhiều người chưa nghiên cứu, tìm hiểu những quy định của pháp luật và tính đặc thù của Bóng đá một cách hệ thống, nên chưa tạo được sự đồng thuận cao khi xử lý các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn một cách “chuyên nghiệp”, nhất là khi có sự cố xảy ra.

Để giải quyết tốt các vấn đề đặt ra trong quá trình điều hành các hoạt động TDTT nói chung và Bóng đá nói riêng trong xã hội hiện nay đòi hỏi những người quản lý điều hành, những người tham gia các hoạt động này hiểu biết pháp luật về TD,TT và các quy định của pháp luật có liên quan. Trên cơ sở đó mà giải quyết vấn đề theo quy định của pháp luật và ứng xử theo các quy tắc xử sự chung thì chắc chắn sẽ thể hiện tính chuyên nghiệp cao.

Hệ thống pháp luật về TD,TT trong đó có Thể thao chuyên nghiệp khá đầy đủ là Luật Thể dục, Thể thao đến Quy chế Bóng đá chuyên nghiệp và cả hệ thống các quy định của FIFA về Bóng đá nhà nghề… Chúng ta cần tìm hiểu những quy định của pháp luật về Thể thao chuyên nghiệp để hiểu những hoạt động thể thao tương ứng trong một môi trường cụ thể. Luật TD,TT quy định: "Thể thao chuyên nghiệp là hoạt động thể thao trong đó HLV, VĐV lấy huấn luyện, biểu diễn, thi đấu thể thao là nghề của mình". Đã là nghề thì phải có sản phẩm làm ra từ những người có nghề. Vậy, sản phẩm của HLV, cầu thủ Bóng đá chuyên nghiệp là gì? Họ bán sản phẩm cho ai? Ai là người tiêu thụ sản phẩm mà họ làm ra? Chắc chắn sản phẩm của HLV, cầu thủ Bóng đá chuyên nghiệp là các trận thi đấu Bóng đá trong khuôn khổ các giải nhà nghề như giải ngoại hạng Anh, giải vô địch Italia hay Tây Ban Nha…

Ở Việt Nam, LĐBĐVN quy định giải Vô địch quốc gia và giải hạng nhất là các giải chuyên nghiệp (tuy nhiên LĐBĐVN vẫn thận trọng trong từng bước đi nên còn gọi là thử nghiệm). Như vây, LĐBĐVN đã tạo dựng môi trường Bóng đá chuyên nghiệp để các HLV, cầu thủ chuyên hành nghề. Đây có thể coi như bước khởi đầu thành công trong công việc xây dựng nền móng cho quá trình chuyên nghiệp hoá Bóng đá ở Việt Nam. Nhiều nước trên thế giới và ngay cả các nước Đông Nam Á cũng chưa có được hệ thống giải Bóng đá chuyên nghiệp như chúng ta. Có sản phẩm “trình làng” 7 năm rồi và lượng sản phẩm được “bán” ra thị trường không ít, tuy chất lượng còn thấp, nhưng nhìn chung ngày càng được nâng cao và người tiêu dùng chấp nhận. Người tiêu dùng các sản phẩm của HLV, cầu thủ Bóng đá chuyện nghiệp chính là khán giả kể cả khán giả xem trực tiếp trên sân và cả khán giả trên truyền hình. Về khía cạnh này thì người tiêu dùng Việt Nam đang là khách hàng lý tưởng của Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, điều đó cũng phần nào lý giải tính đặc thù của Bóng đá nhà nghề-sự hẫp dẫn của các sản phẩm mà nó làm ra.

Có định hướng đúng, có hành lang pháp lý đầy đủ, có môi trường thuận lợi để làm Bóng đá chuyên nghiệp mà sao khi xử lý các tình huống nhất là các sự cố xảy ra chưa “chuyên nghiệp” như dư luận nói về sự cố “sân Vinh” vừa qua. Để lý giải vấn đề này, tôi xin đơn cử một số ví dụ mối quan hệ giữa quy định có tính pháp lý với việc triển khai thực hiện quy định này trong thực tiễn xử lý sự cố xảy ra. Trước hết nói về trách nhiệm xử lý thuộc về ai? Tổ chức nào? Luật TD,TT quy định Liên đoàn thể thao quốc gia là tổ chức xã hội - nghề nghiệp về thể thao, Điều 71 của Luật này quy định rõ quyền và nghĩa vụ của Liên đoàn thể thao quốc gia. Theo đó, các Liên đoàn thể thao quốc gia trong đó có Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phải đảm nhiệm hai chức năng vừa là tổ chức xã hội, vừa là tổ chức nghề nghiệp.

Chức năng chính của tổ chức xã hội về Bóng đá là tổ chức tập hợp, động viên tuyên truyền lợi ích, tác dụng của môn thể thao Bóng đá, khuyến khích mọi người tham gia tập luyện thi đấu Bóng đá để nâng cao sức khoẻ về thể chất và tinh thần cho họ.

Chức năng chính của tổ chức nghề nghiệp về Bóng đá là tập hợp những người làm Bóng đá chuyên nghiệp (HLV, cầu thủ Bóng đá chuyên nghiệp) hành nghề trong một môi trường lành mạnh nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt nhất phục vụ xã hội. Bóng đá chuyên nghiệp là Bóng đá nhà nghề, nghề đá bóng cũng như những nghề nghiệp khác là tạo ra sản phẩm và cung cấp những sản phẩm ấy cho người tiêu dùng.

Sản phẩm của HLV, cầu thủ Bóng đá chuyên nghiệp là những trận đấu trong khuôn khổ của các giải chuyên nghiệp do Liên đoàn Bóng đá quốc gia tổ chức. Khán giả xem trận đấu là người sử dụng sản phẩm do chủ sở hữu giải cung cấp có thể xem trực tiếp hoặc qua truyền hình. Người phân phối sản phẩm này là nhà tổ chức giải (Ban tổ chức giải đấu) hoặc người đã mua được bản quyền truyền hình hoặc truyền thanh trận đấu. HLV và cầu thủ Bóng đá chuyên nghiệp được hưởng lợi ích vật chất (tiền lương, tiền thưởng) do Câu lạc bộ chi trả từ thu nhập bán sản phẩm mà họ làm ra qua việc bán vé, bán bản quyền truyền hình, các hình thức quảng cáo khác...

Như vậy, trách nhiệm xử lý vấn đề này trước hết thuộc LĐBĐVN và mọi vấn đề trong Bóng đá chuyên nghiệp phải được nhìn nhận và đối xử theo Luật doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về sản phẩm do mình làm ra. Chủ sở hữu giải đấu (LĐBĐVN mà cụ thể là Ban tổ chức giải) là nhà phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng bằng nhiều hình thức (phân cấp hoặc không phân cấp cho Ban tổ chức các sân của Câu lạc bộ tổ chức bán vé, sắp xếp chỗ ngồi cho khán giải trên sân thi đấu, tổ chức lực lượng, phương tiện đảo bảo an toàn cho trận đấu) phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đảm bảo an toàn cho người sử dụng sản phẩm. Thực tế người sử dụng sản phẩm này là khán giả đã ký hợp đồng với nhà cung cấp sản phẩm đã được thể hiện bằng những tấm vé vào xem thi đấu. Câu lạc bộ nếu được Ban tổ chức giải phân cấp việc tổ chức bán vé và chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự an toàn trận đấu, được quy định trong điều lệ giải thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về đảm bảo an toàn cho người xem có vé hợp lệ do Ban tổ chức sân đấu của Câu lạc bộ phát hành.

Trong mối quan hệ giữa Câu lạc bộ chuyên nghiệp với Liên đoàn Bóng đá quốc gia - tổ chức nghề nghiệp của họ thì đó là mối quan hệ nội bộ của tổ chức quy định bởi quy chế hoạt động do Đại hôi của tổ chức này thông qua. Hình thức kỷ luật cao nhất của các tổ chức này là khai trừ thành viên ra khỏi tổ chức của mình, có nghĩa là một Câu lạc bộ nào đó vi phạm các quy định của giải đấu nghiêm trọng đến mức cao nhất là không cho tham dự các giải chuyên nghiệp do Liên đoàn Bóng đá quốc gia tổ chức. Còn đối với HLV, cầu thủ chuyên nghiệp mà vi phạm thì hình thức kỷ luật thì hình thức kỷ luật cao nhất của Liên đoàn đối với họ là cấm hành nghề Bóng đá chuyên nghiệp. Còn nếu các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật thì tuỳ theo tính chất mức độ mà xử lý theo pháp luật hiện hành.

Nhằm phát triển Bóng đá nước nhà theo đúng định hướng chuyên nghiệp hoá, Bóng đá chuyên nghiệp thực sự là Bóng đá nhà nghề trình độ được nâng cao, không còn những sự cố đáng tiếc xảy ra đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân, đòi hỏi những người làm Bóng đá chuyên nghiệp của LĐBĐVN phải xử lý kịp thời, nghiêm khắc, đúng luật đối với những sai phạm của các tổ chức Bóng đá chuyên nghiệp thành viên và các cá nhân hành nghề Bóng đá chuyên nghiệp. Để làm được điều đó, LĐBĐVN phải mạnh dạn đổi mới trong quản lý và điều hành Bóng đá chuyên nghiệp, trước hết phân công những người có trình độ đạo đức nghề nghiệp và uy tín vào vị trí điều hành các tổ chức chuyên môn về Bóng đá chuyên nghiệp trong cơ cấu tổ chức của LĐBĐVN.


 

Ảnh trong bài
  • Phương pháp xử lý trong Bóng đá chuyên nghiệp