Nhiều năm trở lại đây, ngành thể thao Việt Nam đã có những bước đột phá, giành được nhiều thành tích quan trọng để nâng tầm vị thế trên bản đồ thể thao quốc tế. Nhân dịp kỳ niệm 75 năm ngày thể thao Việt Nam (27/3/1946 – 27/3/2021), Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đã có những chia sẻ về định hướng phát triển ngành thể thao trong những năm tới đây.
PV: Vào ngày 27/3, chúng ta kỷ niệm 75 năm ngày Thể thao Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của thể thao Việt Nam trong 75 năm qua?
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương: Lịch sử hình thành và phát triển của ngành thể dục thể thao (TDTT) Việt Nam gắn liền với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của nước ta. Trong suốt 75 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp TDTT đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được đề ra trong từng giai đoạn.
Nhìn lại bức tranh tổng thể trên các mặt công tác của ngành TDTT theo các giai đoạn lịch sử, chúng ta ghi nhận và đã có nhiều nỗ lực, đóng góp quan trọng, khẳng định được vị trí, giá trị, mục đích của sự nghiệp TDTT với xã hội, đời sống nhân dân.
Trước hết, đó là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng. Đảng đã đặt sự nghiệp TDTT là một công tác cách mạng, đã đưa vào trong các văn kiện của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị và công tác TDTT của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ở góc độ quản lý nhà nước, việc Quốc hội thông qua Luật TDTT năm 2006 tạo hành lang pháp lý để tăng cường vai trò quản lý với pháp luật và là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế, cơ chế quản lý cũng như thúc đẩy phát triển sự nghiệp TDTT.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo công tác phát triển TDTT và tạo điều kiện phát triển sự nghiệp TDTT theo quan điểm đường lối của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh với các quyết định thành lập cơ quan quản lý thể thao nhà nước qua từng giai đoạn cách mạng, ban hành quyết định cách chính sách TDTT, các chương trình, mục tiêu quốc gia, chính sách xã hội về TDTT, chính sách ưu đãi với các VĐV thể thao thành tích cao đã góp phần phát triển, tạo điều kiện cho ngành TDTT phát huy vai trò, vị trí của mình trong việc huy động sự tham gia tích cực của nhân dân trong việc tích cực rèn luyện, nâng cao sức khỏe, xây dựng, phục vụ để bảo vệ Tổ quốc, nâng cao thành tích thể thao và hội nhập trên trường thể thao quốc tế.
Thứ hai, chúng ta cần khẳng định sự tham gia tích cực của xã hội trong các hoạt động TDTT. Chính nhân dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực để chúng ta phát triển sự nghiệp TDTT như lời Hồ Chủ tịch đã ghi rõ: "Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe". Dân cường quốc thịnh, chúng ta tự hào là dân tộc thượng võ và chúng ta cũng tự hào là một dân tộc yêu thể thao luôn có khát vọng cống hiến và chiến thắng. Đó chính là nền tảng để TDTT phát triển và gặt hái được nhiều thành công.
Thứ ba, để có được thành tựu như ngày hôm nay, chúng ta phải ghi nhận sự phấn đấu, rèn luyện gian khổ của các thế hệ cán bộ, HLV, VĐV trong ngành TDTT trong các thời kỳ trước đây và hiện nay. Mỗi khi lá cờ Tổ quốc tung bay và quốc ca Việt Nam vang lên trên đấu trường quốc tế, chúng ta đều hạnh phúc, rơi nước mắt vì niềm tự hào dân tộc.
Thứ tư, hoạt động TDTT là một hoạt động mang tính phổ biến, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành TDTT với các bộ, các ngành, đoàn thể địa phương. Không có sự phối hợp, tạo điều kiện này thì ngành TDTT sẽ khó có được sức mạnh để phát triển, và kinh nghiệm thực tiễn 75 năm xây dựng, phát triển ngành TDTT cách mạng đã và sẽ tiếp tục cần sự phối hợp chặt chẽ, tranh thủ sự giúp đỡ quan trọng này.
PV: Thưa ông, vậy đâu là điểm mạnh để thể thao Việt Nam giành được những thành tích lớn, nâng tầm vị thế trong những năm gần đây?
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương: Trong những năm gần đây, thể thao Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng, nâng tầm vị thế trên trường quốc tế, cả về công tác tổ chức và thành tích thi đấu. Để đạt được những thành tựu đó là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội trong việc đầu tư và chăm lo, phát triển phong trào TDTT, bồi dưỡng tài năng trẻ, đầu tự phát triển các môn thể thao trọng điểm, các môn thể thao có trong chương trình Olympic, ASIAD. Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng làm nên những thành công của thể thao Việt Nam là sự đoàn kết, cố gắng, nỗ lực vì màu cờ sắc áo của toàn thể cán bộ VĐV, HLV và những người làm công tác thể thao.
Một trong những điểm mạnh để thể thao Việt Nam đạt được những thành tích lớn trong những năm gần đây là kết quả của công tác xã hội hóa mà hoạt động thể thao mang lại. Trong khi đất nước còn nhiều khó khan, khi kinh tế, nguồn ngân sách đầu tư cho thể thao còn hạn chế thì công tác xã hội hóa đã phát huy, thu hút được những doanh nghiệp tham gia đầu tư, xây dựng cơ sở trang thiết bị, mở các cơ sở đào tạo thể thao, cung cấp nguồn nhân lực cho quốc gia.
PV: Trong năm 2021, thể thao Việt Nam sẽ có rất nhiều mục tiêu quan trọng cần thực hiện và cao nhất trong số đó là giành vé tham dự Olympic, giành quyền chơi ở vòng loại 3 World Cup 2022, SEA Games 2021... dù lịch thi đấu rất dày đặc nhưng đây là cơ hội để chứng minh cho thực lực và chiều sâu của ngành thể thao Việt Nam. Xin ông chia sẻ thêm về công tác chuẩn bị lực lượng, cơ sở vật chất và mục tiêu của chúng ta ở những giải đấu này, đặc biệt là giải đấu Olymic, giải đấu lớn nhất thế giới?
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương: Năm 2021 là năm đặc biệt khó khăn không chỉ với lĩnh vực thể thao do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên, ngành thể thao vẫn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng như chuẩn bị tham dự Olympic, Paralympic Tokyo, vòng loại World Cup 2022, đặc biệt là tổ chức, tham dự SEA Games 31, ASEAN Para Games 11 tại Việt Nam…, sau thời gian bị tạm hoãn thi đấu vòng loại Olympic bởi dịch Covid-19 thì hiện nay, nhiều Liên đoàn thể thao quốc tế đã thông báo tiếp tục tổ chức thi đấu để các quốc gia có thể giành suất tham dự Thế vận hội. Hiện nay công tác chuẩn bị lực lượng, cơ sở vật chất, phòng dịch cho các sự kiện thể thao trong năm 2021 đang được thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nói về SEA Games 31
Mục tiêu của thể thao Việt Nam trong năm 2021, trước hết có nhiều VĐV giành suất tham dự Olympic, Paralympic và tổ chức thành công SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 tại Việt Nam.
PV: SEA Games 31 sẽ tổ chức tại Việt Nam vào cuối năm 2021 được chúng ta định hướng là một kỳ đại hội công bằng, tạo điều kiện cho tất cả các nước tham dự đều có thể giành thành tích tốt. Theo ông, hướng đi tiên phong của Việt Nam sẽ đem đến những thay đổi tích cực như thế nào cho những kỳ đại hội tiếp theo, góp phần nâng tầm chất lượng giải thể thao lớn nhất khu vực?
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương: SEA Games 31 là một đại hội khác biệt với các kỳ đại hội trước, sự khác biệt ở chỗ Việt Nam tổ chức hầu hết các môn thể thao Olympic, ASIAD. Trong tổng số hơn 40 môn thể thao được tổ chức có 25 môn Olympic, 12 môn ASIAD và 3 môn thể thao Đông Nam Á. Việt Nam tổ chức tất cả các môn theo quy định của Ủy ban Olympic quốc tế và không hạn chế nội dung thi đấu nào. Có nghĩa Việt Nam không đưa thế mạnh của Việt Nam vào hạn chế thế mạnh của các quốc gia khác. Đây có thể coi là một trong những đại hội thi đấu sòng phẳng nhất của SEA Games từ trước đến nay. Vấn đề này được các quốc gia trong Đông Nam Á ủng hộ và đánh giá cao trong thời gian vừa qua.
Việt Nam là quốc gia đi tiên phong tổ chức đại hội thể thao khu vực theo hình thức này và đây là bước đi quan trọng góp phần thay đổi cách thức, định hướng tổ chức cho các đại hội thể thao của khu vực tiếp theo đây, nhằm nâng cao thành tích, chất lượng của thể thao khu vực, dần rút ngắn khoảng cách với châu lục, thế giới.
PV: Có thể nói, thể thao Việt Nam đã chứng minh được vị thế của mình tại đấu trường khu vực, châu lục. Mục tiêu tiếp theo của chúng ta chắc chắn sẽ là vươn tầm thế giới. Xin ông cho biết thêm về kế hoạch phát triển của thể thao Việt Nam trong những năm tiếp theo?
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương: Hiện nay kế hoạch, chiến lược phát triển TDTT ở Việt Nam từ 2010 đến năm 2020 đã kết thúc. Sau 10 năm triển khai, thể thao Việt Nam đã đạt được những kết quả, thành tích quan trọng, có những bước đột phá với những môn thể thao Olympic, ASIAD mà cụ thể là tấm HCV Olympic của môn Bắn súng. Những môn thể thao Olympic, ASIAD khác như Điền kinh, Bơi lội… thường xuyên đứng trong nhóm đầu ở các giải khu vực.
Mục tiêu của thể thao Việt Nam đã vượt qua khỏi tầm khu vực Đông Nam Á và định hướng trong thời gian tới, các môn thể thao trong điểm của Việt Nam cần tiếp tục được đầu tư phát triển, tập trung giành các thành tích tại các kỳ đại hội thể thao lớn, trước mắt là Olympic, Paralympic 2021, ASIAD 2022, SEA Games sắp tới… Tuy nhiên chúng ta cũng cần nghiên cứu, rà soát lại một số môn thể thao trọng điểm, đầu tư cho phù hợp với điều kiện hiện tại, để hội nhập với xu hướng phát triển của thể thao quốc tế.
Xin cảm ơn ông!
Theo BVHTTDL