Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng hoàn thành kỳ tuyển sinh năm học 2020 – 2021 đảm bảo chất lượng cao

Trong những năm gần đây, do nhiều yếu tố khách quan cũng như chủ quan, công tác tuyển sinh của khối các trường Văn hóa, Nghệ thuật, TDTT gặp nhiều khó khăn. Là một trong 3 trường Đại học TDTT lớn nhất cả nước, Trường Đại học TDTT Đà Nẵng luôn vượt qua mọi khó khăn, thách thức và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trong năm 2020, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid 19, công tác tuyển sinh của Nhà trường đã được triển khai nghiêm túc và đảm bảo yêu cầu theo đúng kế hoạch.

Để hiểu hơn về vấn đề này, Phóng viên Trang tin điện tử TDTT Việt Nam đã có cuộc trò chuyên với ông Phan Thanh Hài – Hiệu trưởng Trường Đại học TDTT Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh.

Thưa ông, hiện Nhà trường đã tổ chức thành công 2 đợt tuyển sinh Đại học chính quy năm học 2020 – 2021, ông có thể chia sẻ đôi nét về công tác này?

Trong bất kỳ năm học nào, Trường Đại học TDTT Đà Nẵng vẫn luôn bám sát sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có tư duy sáng tạo và chủ động trong công tác, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.

Tinh thần đó, luôn được áp dụng trong công tác dạy và học trong Nhà trường từ nhiều năm qua. Kỳ tuyển sinh 2020 – 2021 lần này cũng vậy, ngay từ khi kế hoạch tuyển sinh năm học mới được triển khai, Nhà trường tập trung chú trọng vào công tác tuyển sinh đầu vào đảm bảo chất lượng không chạy theo số lượng. Chính vì thế, 2 đợt tuyển sinh được thực hiện nghiêm túc, mặc dù không đạt được con số dự kiến tuyển sinh như ban đầu, song Nhà trường vẫn luôn kiên định nhằm tuyển chọn những thí sinh có tố chất và năng lực thực sự vào theo học tại trường, tránh tuyển chọn tràn lan ảnh hưởng tới công tác đào tạo và đầu ra sau này.

Ông Phan Thanh Hài - Hiệu trưởng Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng
(Ảnh: Trường ĐHTDTT Đà Nẵng cung cấp)

Hiện, năm học 2020 – 2021 đã có hơn 200 tân sinh viên trúng tuyển và đăng ký theo học ứng với từng mã ngành đào tạo tại Trường Đại học TDTT Đà Nẵng. Con số này so với các năm trước có giảm hơn, nhưng chất lượng đầu vào của sinh viên năm nay cao hơn nhiều so với các năm trước.

Ông đánh giá cụ thể hơn về chất lượng đầu vào của các thí sinh năm nay?

Khác với những năm trước, lượng học sinh đăng ký tham dự đông hơn rất nhiều nhưng trong đó phần nhiều là thí sinh ảo (nộp hồ sơ dự tuyển nhưng đến kỳ thi lại không tham gia). Điều này không chỉ gây lãng phí cho công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi mà còn làm ảnh hưởng nhiều tới công tác đánh giá năng lực, xác định được con số chính xác thí sinh dự tuyển để Nhà trường đưa ra kế hoạch tuyển sinh phù hợp.

Ở kỳ tuyển sinh năm học 2020 – 2021, mặc dù đối mặt với rất nhiều khó khăn (dịch bệnh Covid – 19 hai lần bùng phát tại Đà Nẵng và đợt tuyển sinh lần 2 thời tiết không ủng hộ - mưa bão gây ảnh hưởng trực tiếp tới phần thi năng khiếu tổ chức ngoài trời), song chúng tôi đánh giá rất cao sự nghiêm túc trong công tác thi tuyển của các thí sinh cũng như các cán bộ coi thi.   

Qua kiểm tra thực tế 2 đợt tuyển sinh vừa rồi (tháng 9 và tháng 10), chúng tôi nhận thấy rằng, ngoài kết quả các môn văn hóa đã đạt yêu cầu theo quy định của Trường thì hầu hết thí sinh đăng ký dự tuyển lần này, các em đã xác định và ý thức rõ được khả năng vận động, năng khiếu hoạt động trong lĩnh vực TDTT. Chính vì thế, ở mỗi bài thi năng khiếu thí sinh hoàn thành tốt và đảm bảo chất lượng cao, gần 100% thí sinh đảm bảo vượt qua các bài thi năng khiếu với chất lượng chuyên môn cao.

Những năm gần đây theo xu hướng phát triển của xã hội, khối các trường TDTT trên toàn quốc không còn thu hút đông đảo học sinh theo học, điều đó đã gây ra những khó khăn và ảnh hưởng tới định hướng phát triển của khối các trường Đại học TDTT, ông nghĩ thế nào về điều này?

Theo tôi, đó là điều không tránh khỏi. Ở các chuyên ngành đào tạo theo nhu cầu xã hội từ nhiều năm nay luôn thu hút đông đảo thí sinh theo học như: khối kinh tế, kỹ thuật, công nghệ thông tin… bởi lẽ khi ra trường hay ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường Đại học, đã mở ra cho các em nhiều cơ hội việc làm phong phú, đa dạng với nhiều sự lựa chọn nghề nghiệp khác nhau. Trong khi đó, khối các trường Đại học TDTT mang tính đặc thù hơn (thiên về năng khiểu) cơ hội đầu ra ít hơn các lĩnh vực khác. Trước khi đặt hồ sơ dự tuyển vào các trường Đại học nhận thức của các bạn trẻ (thí sinh) cũng có nhiều thay đổi hơn, bản thân các em đã hiểu rõ và xác định được năng lực của mình để xác định hướng nghiệp phù hợp cho tương lai. Nếu khả năng học không tốt các em sẽ chuyển sang học nghề, lập nghiệp sớm, còn những bạn có khả năng học tập khá, tốt sẽ lựa chọn thi tuyển vào các trường Đại học. Đây là sự tiến bộ về tư duy rất tốt ở thế hệ trẻ trong những năm gần đây.

Cùng với đó, trong giai đoạn hiện nay nhiều trường Đại học trên cả nước (kể cả các trường top đầu) đều có những cơ chế mở (hạ điểm đầu vào), mở nhiều mã ngành mới nhằm thu hút thí sinh nên bản thân mỗi thí sinh có nhiều lựa chọn. Đây là một trong những lý do khiến các trường Đại học TDTT, trong đó có trường Đại học TDTT Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn.

Để đáp ứng nhu cầu xã hội mà không làm mất đi những giá trị cốt lõi mang tính đặc trưng của Trường Đại học TDTT, trong nhiều năm qua, Nhà trường kịp thời có những thay đổi và kế hoạch phát triển phù hợp với xu hướng của xã hội như: Ngoài các giờ học chuyên môn, đoàn thanh niên của Nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề liên quan đến các kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, kỹ năng sống, làm việc…. nhằm giúp cho các em trau dồi thêm nhiều kiến thức về các kỹ năng mềm khi bước vào cuộc sống cũng như khi ra làm việc.

Cùng với đó, Trường Đại học TDTT Đà Nẵng cũng cởi mở hơn trong việc cho phép các doanh nghiệp, tập đoàn có nhu cầu tuyển dụng sinh viên của Trường làm việc bán thời gian. Về việc này, Nhà trường tạo điều kiện thuận lợi về học tập để những sinh viên có nhu cầu làm thêm, học hỏi thêm kinh nghiệm bên ngoài khi còn ngồi trên ghế giảng đường Đại học.

Ông có thể chia sẻ những định hướng phát triển của trường Đại học TDTT Đà Nẵng trong thời gian tới?

Trong định hướng phát triển, Trường Đại học TDTT Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ trở thành một cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và cung ứng dịch vụ về lĩnh vực TDTT có chất lượng, uy tín. Phấn đấu đạt 100% giảng viên có trình độ đại học; phát triển vững mạnh trên các mặt cơ cấu tổ chức, đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên, cơ sở vật chất; Tiến hành các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng khoa học – công nghệ, đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục của mạng lưới các trường Đại học.

Với lợi thế vị trí địa lý, nằm ở khu vực có lợi thế về bờ biển là một trong những danh lam thắng cảnh đẹp nhất nước, hàng năm luôn thu hút lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế tới nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng. Từ thế mạnh này, Nhà trường đang xây dựng kế hoạch phát triển mở thêm các mã ngành đào tạo liên quan đến Thể thao Biển… hiện Trường đang nghiên cứu về các điều kiện đầu tư cơ sở vật chất và đào tạo nguồn nhân lực cho chuyên ngành này (cử cán bộ theo học nâng cao trình độ chuyên ngành Thể thao Biển theo đề án đào tạo tài năng và nguồn nhân lực cho TDTT của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành). Hy vọng nếu kế hoạch này sớm được thực hiện và triển khai sẽ là cơ hội để Trường Đại học TDTT Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ phù hợp với xu thế của thời đại ở lĩnh vực du lịch thể thao Biển.    

Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

N.H