SEA Games 31 dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11/2021, tại Việt Nam. Vậy bà có thể cho biết, đến thời điểm này ngành TDTT đã có những bước chuẩn bị gì cho sự kiện này?
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định đồng ý Việt Nam là chủ nhà của Đại hội thể thao Đông Nam Á - SEA Games 31 và Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á - ASEAN Para Games 11 vào năm 2021, ngành TDTT đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các công việc chuẩn bị cho các sự kiện trên. Theo đó, ngành TDTT đã trình Chính phủ ban hành các Quyết định về thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về tổ chức Đại hội; trình Ban chỉ đạo quốc gia Quyết định về quy mô, thời gian, địa điểm tổ chức Đại hội; Quyết định thành lập Ban tổ chức và ban hành các quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo; Quyết định phê duyệt Đề án tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11,.... Bên cạnh đó với tư cách chủ nhà, trong tháng 7 Việt Nam đã tổ chức thành công cuộc họp trực tuyến Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á lần thứ nhất liên quan đến công tác tổ chức SEA Games. Tại Hội nghị lần này, các nước trao đổi, thảo luận thông qua các báo cáo của Ban Chấp hành SEAGF, Ban Thể thao và Luật, Ban Y học, Ban Phụ nữ và Thể thao, Văn phòng SEAGF; thảo luận về công tác chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31 năm 2021 tại Việt Nam; dự kiến số lượng môn thể thao trong chương trình thi đấu SEA Games 31; xem xét, bổ sung Điều lệ Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á;...
Tuy nhiên, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên công tác chuẩn bị cho SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 của chúng tôi đã gặp không ít khó khăn. Do phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, giãn cách xã hội nên việc tổ chức các cuộc họp của ngành thể thao với các địa phương cũng không thể diễn ra như dự kiến để trao đổi, bàn bạc công việc một cách suôn sẻ. Dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng đến tiến độ duy tu, sửa chữa hay nâng cấp cơ sở hạ tầng và các công trình phục vụ tổ chức, thi đấu cho SEA Games 31. Và cũng phải đến ngày 29/9, Ban tổ chức đại hội mới có thể tổ chức họp phiên làm việc đầu tiên.
Mặc dù vây khắc phục những khó khăn, cho đến thời điểm này ngành TDTT đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan cũng như những địa phương được chọn làm địa điểm tổ chức các môn thi đấu để gấp rút triển khai thực hiện các công tác chuẩn bị về công tác tổ chức như: an ninh, y tế, cơ sở vật chất, thông tin tuyên truyền,... cũng như chuẩn bị các vấn đề liên quan đến công tác chuyên môn như: số lượng các môn thể thao thi đấu chính thức tại Đại hội, địa điểm thi đấu, phương án tập luyện cho VĐV,.. Tất cả mọi việc đang được thực hiện trên tinh thần quyết liệt, khẩn trương để hoàn thành theo kịp tiến độ đề ra.
Thông tin tuyên truyền là một trong những nội dung quan trọng ở mỗi kỳ Đại hội, công tác này đã được triển khai đến đâu, thưa bà?
Thời gian từ nay đến thời điểm diễn ra Đại hội không còn dài, tuy nhiên công tác tuyên truyền vẫn còn rất nhiều việc phải thực hiện như: phê duyệt bộ nhận diện, logo, linh vật, khẩu hiệu, bài hát cho SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 cũng như tổ chức các sự kiện đếm ngược, tiếp tục tổ chức Đại hội Liên đoàn Đông Nam Á lần thứ 2, Hội nghị truyền thông quốc tế,... chính vì vậy đây là thời điểm chúng tôi đang gấp rút khẩn trương hoàn thiện theo từng bước trong kế hoạch đề ra.
Đối với logo, linh vật, khẩu hiệu của Đại hội, ngành TDTT đã tổ chức cuộc thi sáng tác biểu trưng, biểu tượng vui, bài hát và khẩu hiệu của SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11. Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được hơn 1000 tác phẩm đăng ký dự thi của các cá nhân, tổ chức trên toàn quốc. Các tác phẩm dự thi đều được thực hiện rất công phu thể hiện sự tâm huyết, sự sáng tạo và màu sắc tự hào riêng của mỗi cá nhân. Sự tham gia tích cực của các tác giả dự thi là nguồn động lực rất lớn cho toàn ngành TDTT trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11.
Căn cứ Thể lệ cuộc thi, Ban tổ chức đã xem xét, lựa chọn được 18 khẩu hiệu, 3 biểu trưng, 3 biểu tượng vui có chất lượng chuyên môn cao nhất. Từ những tác phẩm này, ngành TDTT đã mời những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm để thẩm định và thống nhất lựa chọn ra khẩu hiệu, biểu trưng, biểu tượng sử dụng chung cho cả 2 Đại hội. Theo đó, các chuyên gia đã thống nhất cao đề xuất lựa chọn biểu trưng là "Cánh chim bay lên - bàn tay chữ V” và biểu tượng vui là Sao la. Riêng đối với khẩu hiệu do chưa chọn được các tác phẩm thật sự xuất sắc phù hợp với mục tiêu, mục đích của Đại hội, Tổng cục Thể dục thể thao đề xuất, xin ý kiến Ban tổ chức cho phép tiếp tục làm việc với tác giả và các cơ quan chuyên môn để xem xét, lựa chọn thêm . Dựa trên những ý kiến của tổ chuyên gia, Ban tổ chức cuộc thi trong tuần này sẽ hoàn thiện cũng như tiến hành chỉnh sửa để gửi xin ý kiến Ban Tuyên Giáo Trung ương cùng một số Bộ, Ngành liên quan và sẽ trình Ban tổ chức Đại hội phê duyệt trong phiên họp lần thứ nhất diễn ra vào 29/9.
Riêng đối với bài hát của Đại hội, Ban tổ chức cuộc thi đã lựa chọn được bài hát có chất lượng tốt nhất trong 10 tác phẩm bài hát dự thi, đó là bài hát tựa đề "Cùng khắc tên mình vào núi sông" của tác giả Lê Xuân Đức, do ca sĩ Quang Dũng trình bày. Trong trường hợp bài hát nói trên không đạt được yêu cầu của Ban tổ chức, chúng tôi cũng đã tính đến phương án đặt hàng. Thực tế, chúng tôi đã đặt hàng nhạc sĩ Quang Vinh - người đã rất thành công khi sáng tác bài hát Vì một thế giới ngày mai phục vụ SEA Games 22 do Việt Nam lần đầu tổ chức vào năm 2003.
Bên cạnh đó, ngành TDTT cũng đã xây dựng kế hoạch truyền thông cho SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền cả 2 sự kiện này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các Trang báo của ngành cũng đã xây dựng các chuyên mục về SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 để tuyên truyền rộng rãi đến gần hơn với công chúng.
Bà có thể giải thích rõ hơn ý nghĩa về khẩu hiệu, biểu trưng, biểu tượng vui đã được các chuyên gia lựa chọn?
Trong quá trình tổ chức cuộc thi khẩu hiệu, biểu trưng, biểu tượng và bài hát của Đại hội, Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được nhiều tác phẩm dự thi có chất lượng tốt. Tuy nhiên, tổ chuyên gia cũng thống nhất tiêu chí lựa chọn khẩu hiệu của SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 trên cơ sở phải mang tính gắn kết giữa các quốc gia trong khu vực và thể hiện sự chung tay, đoàn kết giữa các nước trong khu vực, thể hiện được khát vọng chung, niềm tin chung và một phần bản sắc văn hóa khu vực. Bên cạnh đó, khẩu hiệu cần truyền tải được thông điệp của các quốc gia Đông Nam Á đến với thế giới, quan trọng là dễ nhớ, dễ đọc, dễ phát âm mới có thể đi vào lòng người và lưu giữ trong tâm trí không chỉ trước, trong mà cả sau khi Đại hội kết thúc.
Về mẫu biểu trưng (Logo):“Cánh chim bay lên - bàn tay chữ V” - Biểu tượng bàn tay là biểu tượng của lòng nhân ái, tính nhân văn và ý chí cao thượng. Biểu tượng bàn tay được tạo hình với đặc điểm các ngón tay được cách điệu bằng nét mềm pha lẫn nét zích zắc, nhằm biểu đạt tính ý chí và sự mạnh mẽ, thể hiện tinh thần thể thao linh hoạt của các vận động viên. Các nét vẽ hòa quyện với nhau tạo hình Bàn tay chữ V tượng trưng cho tên gọi của đất nước Việt Nam. Đồng thời, hình tượng chữ V cũng được thể hiện dưới dạng cánh chim hòa bình đang tung cánh, cũng là chữ cái đầu tiên của từ Victory trong tiếng anh. Qua đó truyền tải thông điệp về ý chí phi thường, khát vọng chinh phục và nghị lực vươn lên của tinh thần thể thao. Mẫu biểu trưng mang ngôn ngữ đồ họa cô đọng, tinh túy, dễ hiểu, toát lên tinh thần hân hoan chào đón của đất nước chủ nhà, mang thông điệp tốt đẹp, hòa bình và hào khí quốc gia Việt Nam.
Đối với linh vật của Đại hội thì tiêu chí lựa chọn biểu tượng vui của Đại hội là một hoặc nhiều con vật của đất nước Việt Nam, được nhân cách hóa, có hình dáng vui nhộn, được sử dụng tuyên truyền quảng bá sự kiện, làm quà tặng trong đại hội. Mẫu biểu tượng vui phải bảo đảm tính thẩm mỹ, khoa học, thuận lợi cho việc sử dụng, làm hiện vật bằng vật liệu bông (thú nhồi bông) cũng như việc vẽ cách điệu biểu tượng vui các môn thể thao tại Đại hội. Trong cuộc thi, Ban tổ chức đã nhận được tác phẩm dự thi với 557 mẫu biểu trưng và căn cứ vào thể lệ cuộc thi, Hội đồng ban giám khảo đã tiến hành chấm thi một cách kỹ lưỡng ở vòng loại, vòng chung khảo để lựa chọn ra những tác phẩm tiêu biểu nhất.
Linh vật là một phần không thể thiếu trong các sự kiện thể thao lớn. Mỗi kỳ Đại hội thể thao, các nước tổ chức đều lấy hình ảnh một vật riêng làm linh vật đại diện cho mình thể hiện được sự khéo léo, sức mạnh, sự nhanh nhẹn. Điển hình như tại Đại hội thể thao châu Á 2006 ở Doha, Qatar, Ban tổ chức Đại hội Thể thao châu Á Doha đã chọn Oryx, chú linh dương Oryx xứ Qatar, làm linh vật chính thức cho ASIAD 2006. Bởi Linh dương Oryx là một loài động vật đang có nguy cơ bị diệt chủng, nhưng nhờ sự bảo vệ tích cực của một số nhóm bảo vệ môi trường, một lượng Oryx đã có thể được thả lại về với thiên nhiên. Sự lựa chọn Oryx cũng để gửi đi thông điệp hòa bình, sự có trách nhiệm và nét vui vẻ đến đại hội.
Cũng chính từ những ý nghĩa đó, tổ chuyên gia đã thống nhất chọn Sao la là biểu tượng vui của SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11. Bởi đây là mẫu biểu tượng vui đảm bảo được các tiêu chí về bố cục, tính thẩm mỹ và ý nghĩa, tinh thần, cử chỉ dáng điệu hình tượng gợi lên sự thân thiện, nhanh nhẹn, hoạt bát phù hợp với tinh chất, hoạt động thể thao. Sao la là một trong những loài thú hiếm nhất trên thế giới, sinh sống trong núi rừng Việt Nam và Lào (số ít); được mệnh danh là “Kỳ lân Châu Á”, được xếp hạng bảo tồn nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam. Sao la với cặp sừng thẳng, thuôn dài tạo hình chữ V tượng trưng cho tên gọi của đất nước Việt Nam và cũng là chữ cái đầu tiên của từ Victory trong tiếng anh; thông qua mẫu biểu tượng Sao la giúp cho bạn bè trong khu vực và quốc tế biết thêm những giá trị rất đặc biệt mà thiên nhiên đã ban tặng cho đất nước Việt Nam. Ngoài ra mẫu thiết kế cũng đảm bảo được yếu tố linh hoạt trong sử dụng và sản xuất trên các chất liệu phục vụ tại Đại hội.
Tất cả khẩu hiệu, biểu trưng, biểu tượng được tổ chuyên gia lựa chọn cũng sẽ được chỉnh sửa lại trước khi trình Ban tổ chức phê duyệt chính thức.
Xin cám ơn Bà về cuộc trò chuyên này./.
KC