Trung tâm HLTTQG Hà Nội tăng cường công tác tuyên truyền, rèn luyện kỹ năng sống cho VĐV trong thời điểm bùng phát dịch Covid - 19 trở lại

Ở thời điểm dịch bệnh Covid – 19 đang bùng phát trở lại và diễn biến ngày càng phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu tháng 8, Tổng cục Thể dục Thể thao đã có văn bản yêu cầu các Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia thắt chặt công tác kiểm tra quản lý, y tế đối với đội ngũ vận động viên hiện đang tập huấn tại đây.

Để đảm bảo hoàn thành cho các mục tiêu về thành tích mà toàn ngành đặt ra trong năm 2020 và năm 2021 trong thời điểm dịch bệnh có thể kéo dài, Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Hà Nội – nơi tập trung các vận động viên đội tuyển quốc gia đông nhất cả nước, thêm 1 lần nữa (kể từ đầu năm 2020) đẩy mạnh thắt chặt công tác quản lý vận động viên cũng như nêu cao tinh thần, ý thức phòng chống dịch bệnh ở mức độ tập trung cao nhất.

Để hiểu hơn về vấn đề này, Phóng viên Trang tin điện tử Thể dục Thể thao Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Ngọc Tâm – Phòng Quản lý huấn luyện và công tác Chính trị, Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Hà Nội .

Đây là thời điểm mà cả nước nêu cao tinh thần phòng chống, dịch Covid 19 bùng phát trở lại, là đơn vị trực tiếp quản lý số lượng vận động viên đỉnh cao đông nhất cả nước, Trung tâm HLTTQG Hà Nội đã có những kế hoạch gì về công tác này, thưa ông?

Cũng giống như 3 Trung tâm HLTTQG Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, ngay từ thời điểm bùng phát dịch (đợt 1) và tái trở lại (đợt 2), Trung tâm HLTTQG Hà Nội phối hợp cùng các đơn vị y tế sẵn sàng, kịp thời lên các phương án phòng chống dịch đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đội ngũ cán bộ, chuyên gia, huấn luyện viên, vận động viên. Đồng thời, thắt chặt công tác quản lý vận động viên của từng đội tuyển như lịch tập luyện, di chuyển.

Cụ thể, thời điểm dịch bệnh Covid – 19 tái bùng phát trở lại, rơi vào thời điểm thời tiết khá khắc nghiệt nắng nóng, mưa nhiều (trong dịp hè), Trung tâm HLTTQG Hà Nội trang bị tăng cường thêm nhiều quạt máy tại mỗi phòng tập. Bên cạnh đó, vệ sinh, sát khuẩn thường xuyên khu nhà ăn, phòng tập, nơi ở của vận động viên. Ngoài ra, nước rửa tay sát khuẩn cùng khẩu trang y tế được đặt ở nhiều điểm khác nhau – nơi hay sinh hoạt, tập trung đông người. Bộ phận y tế luôn túc trực 24/24 và sẵn sàng xử lý các tình huống bất thường liên quan đến sức khỏe của vận động viên, huấn luyện viên cũng như các chuyên gia, cán bộ đang làm việc tại Trung tâm.

Ngoài ra trong các bữa ăn hàng ngày, Trung tâm chỉ đạo bộ phận nhà bếp kiểm tra kỹ các nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào đảm bảo uy tín về an toàn thực phẩm. Trong mỗi bữa ăn tăng cường lượng rau xanh, bổ sung vitamin khoáng chất cho vận động viên. Thuốc bổ và viên sủi hoa quả tăng cường sức đề kháng được phát đầy đủ theo quy định tới từng vận động viên.

Để triển khai công tác phòng, chống dịch được hiệu quả, Trung tâm HLTTQG Hà Nội bố trí lịch tập cho mỗi đội tuyển vào nhiều khung giờ, phù hợp đối với từng môn (nhằm hạn chế tập trung đông người cùng 1 lúc). Bên cạnh đó, công tác huấn luyện và các chuyên gia nước ngoài (hiện chưa sang được Việt Nam) vẫn thường xuyên trao đổi về phương pháp huấn luyện thông qua hình thức online, zoom, email… nhằm tạo sự phối hợp hiệu quả nhất giúp cho vận động viên không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh, có thể hoàn thiện được bài tập, nâng cao trình độ chuyên môn trong điều kiện tốt nhất có thể.

Có lẽ, đây là năm đặc biệt hơn cả, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên cơ hội thi đấu, giao lưu, sinh hoạt ngoại khóa của vận động viên đều bị hạn chế, vậy Trung tâm đã có những giải pháp gì nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho vận động viên, thưa ông?

Chính vì ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài từ đầu năm đến nay, nên hầu hết các hoạt động ngoại khóa, tập trung đông người đều bị hạn chế đến mức tối đa. Tuy nhiên, Trung tâm cũng không thể quá cứng nhắc trong công tác quản lý vận động viên, bởi bản thân họ đã trải qua quá trình tập luyện kéo dài rất mệt mỏi. Các vận động viên thường xuyên phải sống xa gia đình, bạn bè, nên hoạt động giao lưu, nâng cao giá trị đời sống tinh thần đối với vận động viên vô cùng quan trọng. Chính vì thế, thay vì các hoạt động ngoại khóa, tham gia học tập sinh hoạt bên ngoài trung tâm như: Picnic, xem phim, giao lưu văn nghệ… như trước đây sẽ thay bằng các hoạt động văn nghệ (cây nhà lá vườn), sử dụng các tài lẻ từ các vận động viên, cán bộ, huấn luyện viên…. Cùng với đó, Đoàn Thanh niên của Trung tâm phối hợp với các đơn vị thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề (vào các buổi tối cuối tuần), lựa chọn chủ đề phù hợp với từng tháng, từng thời điểm. Cụ thể như: tuyên truyền, hướng dẫn về cách phòng, chống dịch bệnh Covid; tham gia hiến máu nhân đạo; tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; kỹ năng giao tiếp hướng tới phong cách sống lịch sự, hiện đại, năng động cho vận động viên… Gần đây nhất, nhằm hướng tới các hoạt động về nguồn nhân dịp 27/7 Đoàn Thanh niên Trung tâm phối hợp với tổ chức Công đoàn, Ban giám đốc của Trung tâm tổ chức lễ mít tinh, dâng hương, đi thăm và tưởng nhớ tới các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự bình yên của đất nước nhằm nhắc nhở, giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Có thể khẳng định rằng, hầu hết các hoạt động nêu trên đều nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của hàng trăng vận động viên, huấn luyện viên, cán bộ đang tập huấn, làm việc tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội.

Theo ông, ở thời điểm hiện tại đâu là những khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý, huấn luyện vận động viên?

Có lẽ, khó khăn chung lúc này đối với các Trung tâm HLTTQG chính là các kế hoạch thi đấu, tập huấn dành cho các đội tuyển thể thao quốc gia đều phải điều chỉnh nhiều so với dự kiến ban đầu. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới quá trình thi đấu cọ xát, thành tích thi đấu, cũng như các mục tiêu đặt ra từ đầu năm đều khó có thể thực hiện được. Theo đó, công tác quản lý, huấn luyện vận động viên luôn luôn dựa trên tình hình diễn biến thực tế của dịch bệnh để xây dựng các kế hoạch thích ứng kịp thời.

Nếu chỉ lơ là một chút về công tác quản lý để một cán bộ, huấn luyện viên, chuyên gia, vận động viên có dấu hiệu biểu hiện dương tính với Covid – 19, hay gặp phải những vấn đề phức tạp khác ngoài đời sống xã hội, ngay lập tức mọi hoạt động huấn luyện tại Trung tâm sẽ bị xáo trộn, ảnh hưởng rất lớn tới nhiều đội tuyển của nhiều môn thể thao khác. Mặc dù, tại thời điểm này Trung tâm HTTQG Hà Nội vẫn chưa thực hiện lệnh cấm trại, song mọi hoạt động ra, vào Trung tâm đều được quản lý vô cùng chặt chẽ.

Nhiều vận động viên tập luyện sẵn sàng chờ tới các cơ hội thi đấu các giải quốc tế như giành vé vòng loại Olympic… song các giải đấu đều bị hủy và tạm hoãn. Điều này ít nhiều cũng ảnh hưởng tới tâm lý của vận động viên. Song, chúng tôi và ban huấn luyện các đội tuyển luôn động viên kịp thời và coi đây cũng là cơ hội có thêm quãng thời gian tập luyện, rèn luyện kỹ hơn về chuyên môn để chinh phục đỉnh cao thành tích. Hơn nữa, hầu hết họ đều cảm thấy may mắn hơn nhiều so với vận động viên đỉnh cao ở nhiều quốc gia khác trên thế giới khi được sống trong môi trường an toàn và đang được kiểm soát dịch bệnh rất tốt tại Việt Nam. Họ vẫn được tập luyện đều đặn, được chăm sóc sức khỏe trong điều kiện tốt, an toàn và hơn hết vẫn nhận được sự quan tâm kịp thời từ các cấp, ngành Thể dục Thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chính phủ Việt Nam.

Chính từ tác động của ngoại cảnh, có làm ảnh hưởng trực tiếp tới định hướng về công tác huấn luyện, quản lý vận động viên trong thời gian tới của Trung tâm, thưa ông?

Ngay trong năm nay và có thể một số kế hoạch của năm sau sẽ phải điều chỉnh. Bởi trong buổi làm việc giữa lãnh đạo Tổng cục Thể dục Thể thao và Trung tâm HLTTQG Hà Nội diễn ra gần đây cho thấy: Từ đầu năm 2020 tới nay gần như các kế hoạch về triển khai thi đấu tập huấn trong nước, nước ngoài đều không thể thực hiện được tới gần 80%. Chính vì vậy, để xoay chuyển tình hình phù hợp với điều kiện thực tế và hạn chế lãng phí, tiết kiệm nguồn ngân sách cho nhà nước, ngành Thể dục Thể thao đã chỉ đạo tập trung toàn bộ cho các mục tiêu trọng điểm. Đồng thời, chỉ đạo các bộ môn khẩn trương sàng lọc tuyến vận động viên trẻ, lựa chọn những gương mặt trẻ ưu tú gọi lên tuyển quốc gia, số còn lại sẽ trở về địa phương tập luyện. Một phần vừa động viên tinh thần các em, phần còn lại cũng hạn chế kinh phí huấn luyện trong giai đoạn khó khăn này. Như vậy, từ nay tới cuối năm và sang năm 2021, chắc chắn Trung tâm HLTTQG Hà Nội công tác quản lý huấn luyện, vận động viên sẽ ít đi và yêu cầu về quản lý chuyên môn sẽ phải cao hơn. Theo đó, các hoạt động, quản lý vận động viên chắc chắn sẽ khác hơn so với các năm trước đó.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

N.H