Trường Đại học sư phạm TDTT Hà Nội: chỉ tiêu tuyển sinh năm 2020 tăng cao

Thời điểm này cũng giống như nhiều trường Đại học khác trên khắp cả nước, trường Đại học sư phạm TDTT Hà Nội đang tích cực chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh năm học 2020-2021. Để triển khai công tác tuyển sinh Nhà trường đã cập nhật thông tin về chỉ tiêu, phương thức xét tuyển, thời gian nhận hồ sơ và hình thức đăng ký xét tuyển theo Đề án tuyển sinh đã được phê duyệt. Phóng viên Trang tin TDTT đã có buổi trao đổi với ông Phùng Xuân Dũng - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường để tìm hiểu về công tác tuyển sinh của Trường Đại học sư phạm TDTT Hà Nội.

Ông Phùng Xuân Dũng - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường (Ảnh: Y Trang)

Trong năm học 2020-2021, công tác tuyển sinh có những nét mới gì so với các năm học trước đây thưa ông?

Nét mới của công tác tuyển sinh năm nay được thể hiện ở một số điểm. Trước hết là chỉ tiêu tuyển sinh tăng mạnh. Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2020 đối với hệ Đại học chính quy là 800 chỉ tiêu so với 330 chỉ tiêu năm 2019. Với những bước đi thiết thực và hiệu quả trong đào tạo, Trường đại học Sư phạm TDTT Hà Nội đã từng bước khẳng định trường là một địa chỉ đáng tin cậy của phụ huynh, học sinh, các cơ quan chức năng và bạn bè quốc tế. Điều này được minh chứng qua số lượng đào tạo hàng chục nghìn giáo viên giáo dục thể chất, đào tạo, cấp chứng chỉ giáo dục quốc phòng và an ninh cho hàng vạn sinh viên, chính vì vậy, năm học này Nhà trường đã mạnh dạn đặt ra số lượng chỉ tiêu vượt trội nêu trên.

Nét mới thứ hai trong công tác tuyển sinh năm nay đó là Nhà trường cũng sử dụng hình thức xét tuyển theo tổng điểm trung bình cả năm của hai môn học lớp 12 THPT (hoặc tương đương) cộng với điểm thi Năng khiếu TDTT,  của một trong các tổ hợp: Tổ hợp 1 (Toán + Sinh học + Năng khiếu TDTT), Tổ hợp 2 (Ngữ văn + Sinh học + Năng khiếu TDTT), Tổ hợp 3 (Toán + Giáo dục công dân + Năng khiếu TDTT) và Tổ hợp 4 (Ngữ văn + Giáo dục công dân + Năng khiếu TDTT). Tổng điểm trung bình cả năm lớp 12 THPT (hoặc tương đương) của 2 môn học trong tổ hợp xét tuyển phải đạt 13,0 trở lên và phải đạt : hoặc Học lực lớp 12 xếp loại từ khá trở lên hoặc Điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên.  Đối với các trường hợp Tổng điểm trung bình cả năm lớp 12 THPT của hai môn học trong tổ hợp xét tuyển đạt 10,0 trở lên và Học lực lớp 12 xếp loại từ Trung bình trở lên, thì đối tượng thí sinh phải đáp ứng các yêu cầu sau: Thí sinh là vận động viên cấp 1, kiện tướng, vận động viên đã từng đoạt huy chương tại Hội khỏe Phù Đổng, các giải trẻ quốc gia và quốc tế, giải vô địch quốc gia, quốc tế; Thí sinh có điểm thi năng khiếu TDTT do Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội tổ chức đạt 9,0 điểm trở lên (theo thang điểm 10).

Nét mới thứ ba phải kể đến trong công tác tuyển sinh năm 2020 đó là thời gian thi năng khiếu được bố trí linh hoạt theo từng đợt, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh tham gia ứng tuyển. Ngoài 05 đợt thi năng khiếu chính thức đã được công bố vào các ngày 19 -20 các tháng: 8, 9, 10, 11 và tháng 12/2020, các đợt thi bổ sung cũng sẽ được đăng tải trên website chính thức của Nhà trường.

Những khó khăn trong công tác tuyển sinh mà trường thường hay gặp phải là gì? và hướng khắc phục như thế nào, thưa ông?

Hiện nay mạng lưới các trường đào tạo về giáo dục thể chất tương đối nhiều, đây là khó khăn không chỉ riêng đối với trường Đại học sư phạm TDTT Hà Nội mà với nhiều trường Đại học khác trong hệ thống giáo dục của Việt Nam nói chung. Thực tế này cho thấy sự cạnh tranh gay gắt giữa các trường Đại học có chuyên ngành đào tạo giống nhau. Để khắc phục khó khăn này, trường Đại học sư phạm TDTT Hà Nội đã bước đầu tạo nên những thế mạnh vượt trội khẳng định qua thương hiệu và uy tín với xã hội, nhằm thu hút sự quan tâm và yêu thích của sinh viên muốn gắn bó và học tập tại trường.

Công tác truyền thông trong tuyển sinh của Nhà trường chưa thực sự phát huy thế mạnh, chính vì vậy trường Đại học sư phạm TDTT Hà Nội đang từng bước đẩy mạnh, đổi mới công tác truyền thông, phục vụ và tư vấn tuyển sinh. Đẩy mạnh xây dựng mạng lưới ở các địa phương để triển khai công tác tư vấn tuyển sinh và chuyên viên tuyển sinh phải là chuyên gia về tư vấn và định hướng nghề nghiệp thay vì chỉ cung cấp thông tin cho thí sinh.  Gần đây nhất vào ngày 21/7, Ban Biên tập Website trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội tổ chức Hội nghị cộng tác viên truyền thông năm 2020. Hội nghị đã tập trung trao đổi nhiều nội dung liên quan đến việc nâng cấp website; đẩy mạnh chất lượng nội dung thông tin liên quan tới hoạt động của Nhà trường trong đó có hoạt động tuyển sinh.

Đại dịch Covid-19 cùng với những thay đổi nhanh chóng của công nghệ cũng cho thấy một thực tế rằng Nhà trường cần nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin cũng như trang bị kiến thức cơ bản cho người lao động nhằm thích nghi với các thách thức và yêu cầu công việc thay đổi. Việc đưa công nghệ thông tin vào phục vụ công tác tuyển sinh trong trường hợp bất khả kháng như trong giai đoạn vừa qua cũng là yếu tố cần được quan tâm, chú trọng.

Ông có thể chỉ ra những lợi thế mà sinh viên sẽ có được khi theo học tại trường Đại học sư phạm TDTT Hà Nội?

Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội là trường công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong hệ thống các trường đào tạo nhóm ngành sư phạm, chính vì vậy sinh viên tham gia học chính quy tại trường không phải đóng học phí. Được đào tạo trong môi trường sư phạm với bề dày 60 năm xây dựng và phát triển cùng đội ngũ giáo viên có trình độ cao, trách nhiệm, sinh viên Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội sẽ trở thành những nhân tố ưu tú trong hệ thống giáo dục của Việt Nam.

Ngoài việc tiếp nhận lượng kiến thức phong phú từ đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, sinh viên theo học tại trường còn được thụ hưởng hệ thống hạ tầng cơ sở khang trang, rộng rãi, thoáng mát cùng với dụng cụ tập luyện thể dục thể thao được trang bị đầy đủ. Bên cạnh đó, khu ký túc xá của Nhà trường đáp ứng đủ chỗ ở cho sinh viên.

Những sinh viên có thành tích học tập tốt có cơ hội được xét cấp học bổng theo kết quả học tập, hoặc được cử đi du học tại nước ngoài. Ngoài ra, đối với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn sẽ được hưởng trợ cấp và học bổng từ trường. Nhà trường có đủ chỗ ở trong ký túc xá cho sinh viên. Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội cũng đã được kiểm định đánh giá ngoài (hoạt động đánh giá ngoài trong quy trình kiểm định chất lượng giáo dục) và được khẳng định thương hiệu, uy tín với xã hội, chương trình đào tạo linh hoạt, trang bị nhiều kỹ năng mềm cho sinh viên.

Là trường chuyên về các ngành thể thao và có nhiều vận động viên quốc gia theo học, chính vì thế nhà trường luôn ưu tiên tạo mọi điều kiện để sinh viên đảm bảo được thời gian học tập và luyện tập theo đúng tiến độ của ban huấn luyện để tham gia vào các giải đấu lớn. Quá trình đào tạo tại trường giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể tự tin, năng động, dễ dàng hòa nhập vào môi trường làm việc đa lĩnh vực, đa văn hóa, và có thể tham gia làm việc trong lĩnh vực mình yêu thích ngay sau năm thứ Nhất. Sau khi tốt nghiệp trường đại học Sư phạm TDTT Hà Nội, sinh viên được giới thiệu việc làm, tham gia giảng dạy tại trường phổ thông, các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp; làm tại các Sở Văn hóa - Thể thao, các Trung tâm thể dục thể thao, các trung tâm phục hồi chức năng và chăm sóc sức khỏe, Yoga, GYM, Boxing, công ty tổ chức sự kiện.

Để khẳng định vai trò, vị trí trong hệ thống giáo dục Việt Nam, Nhà Trường đã xây dựng những giải pháp hay kế hoạch dài hơi gì thưa ông?

Trong thời gian tới, nhằm thu hút hơn nữa số lượng sinh viên theo học cũng như vai trò, vị trí của trường Đại học sư phạm TDTT Hà Nội trong hệ thống giáo dục Việt Nam, Nhà Trường chủ trương thực hiện các giải pháp gồm: nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên; Cải tiến chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu của phổ thông và xã hội; Mở thêm mã ngành mới; Cải tạo nâng cấp về cơ sở vật chất, dụng cụ học tập, Ký túc xá...; Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ thông tin; Phối hợp với các sở, trung tâm để tìm kiếm cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường; Mở rộng hợp tác quốc tế giúp sinh viên có nhiều cơ hội du học...

Đặc biệt, đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Hội đồng trường vừa mới được thành lập với thành phần, cơ cấu, việc xác định vị trí chức trách, nhiệm vụ của từng thành viên trong Hội đồng, trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội tin tưởng Nhà trường sẽ phát huy được vai trò trong định hướng, quyết sách, chiến lược phát triển Nhà trường theo lộ trình tốt nhất. Hiện tại, Nhà trường đã hoàn thiện bộ máy về Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu và các phòng chức năng, tiến tới kiện toàn các đơn vị trực thuộc nhằm phát huy vai trò cũng như đáp ứng được yêu cầu của xã hội hiện nay. Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội xác định rõ định hướng của Nhà trường đang dần chuyển dịch từ đơn ngành sang đa ngành. Tuy nhiên, đào tạo giáo viên giáo dục thể chất vẫn là nhiệm vụ hàng đầu, then chốt, phấn đấu theo mục tiêu đưa Nhà trường trở thành trường trọng điểm trong cả nước về đào tạo giáo dục thể chất. Đây là nhiệm vụ khó khăn đòi hỏi sự mạnh dạn đầu tư về đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị và đặc biệt là có chiến lược để cùng với Vụ Giáo dục Đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai nhiệm vụ về công tác giáo dục thể chất. Bên cạnh đó, Ban giám hiệu, Hội đồng Trường cũng yêu cầu các đơn vị đặc biệt xây dựng sứ mạng, tầm nhìn đến 2030 trên cơ sở bám sát thực tiễn, giá trị cốt lõi ngắn gọn, súc tích, ý nghĩa và phù hợp với tình hình hiện tại, làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động trong thời gian tiếp theo.

A.T