Công tác tuyển sinh năm học 2020 – 2021: khối các trường Đại học TDTT gặp không ít khó khăn

Kỳ thi tuyển sinh Đại học năm học 2020 – 2021 có lẽ là kỳ thi đáng nhớ nhất từ trước tới nay, bởi từ đầu năm nay do dịch bệnh Covid – 19 đã và đang diễn ra với diễn biến phức tạp tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới nên đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác tuyển sinh của các trường, trong đó có khối trường Đại học TDTT.

Trong những năm gần đây, hệ thống các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao trong cả nước ngày càng phát triển mạnh, đa dạng hơn, việc cạnh tranh trong tuyển sinh cũng theo đó mà gia tăng. Chính vì vậy, khối trường thuộc ngành TDTT đã cố gắng tiếp cận với việc chuyển đổi về cơ chế quản lý, triển khai các hoạt động đăng ký mở mã ngành, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng nghiệp phục vụ công tác tuyển sinh.

Công tác tuyển sinh Đại học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của khối các trường Đại học TDTT trên cả nước (gồm 3 trường: Đại học TDTT Bắc Ninh, Đại học TDTT Đà Nẵng, Đại học TDTT Tp. Hồ Chí Minh). Năm học 2020 – 2021 sẽ là năm học phải chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid – 19, cùng với những thay đổi về kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay, các cơ sở đào tạo ngành TDTT đã đưa ra phương án tuyển sinh phù hợp với tình hình hiện tại.

Các trường Đại học TDTT gặp không ít khó khăn trong công tác tuyển sinh năm học 2020 - 2021 (Ảnh: Internet)

Cụ thể, Trường Đại học TDTT Bắc Ninh đã lên kế hoạch tuyển sinh đại học chính quy từ tháng 2/2020, nhưng thời gian nhận hồ sơ dự tuyển của thí sinh sẽ kéo dài hơn mọi năm, bắt đầu từ 15/4 – 15/8. Trường Đại học TDTT Đà Nẵng bắt đầu nhận hồ sơ dự tuyển từ tháng 5 cho đến trước ngày thi năng khiếu 2 ngày (đợt 1 bắt đầu từ ngày 15 – 16/8). Trong khi đó, trường Đại học TDTT Tp. Hồ Chí Minh nhận hồ sơ thi tuyển có phần muộn hơn bắt đầu từ 1/6 – đến hết ngày 20/9.  Trong đó, mỗi trường đều có những quy định, chỉ tiêu tuyển sinh các mã ngành riêng.

Chia sẻ với báo chí về công tác tuyển sinh, ông Nguyễn Văn Phúc – Hiệu trưởng trường Đại học TDTT Bắc Ninh cho hay: Năm học 2020-2021, trường Đại học TDTT Bắc Ninh dự kiến tuyển 500 chỉ tiêu, mặc dù quy mô đào tạo trên 1.000, nhưng nhà trường tập trung tuyển chọn số lượng bằng một nửa nhằm tập trung vào nâng cao chất lượng đầu vào, đào tạo chuyên sâu cho các bộ môn. Nhà trường cũng thực hiện xét tuyển sinh theo 2 phương án là xét tuyển học bạ Trung học phổ thông và dựa trên kết quả thi Trung học phổ thông kết hợp với thi năng khiếu. Về phần thi năng khiếu sẽ không có gì thay đổi so với các năm trước, chỉ thay đổi vào phần thi văn hóa theo quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tính đến thời điểm này, Trường Đại học TDTT Bắc Ninh vẫn đang trong quá trình nhận hồ sơ dự tuyển, chính vì vậy cho đến thời điểm này chưa thể chốt được số lượng con số cuối cùng lượng thí sinh đăng ký dự thi vào trường trong mùa tuyển sinh năm này. Theo thông lệ tuyển sinh hằng năm thì thi Trung học phổ thông quốc gia sẽ thi ba môn bắt buộc và thi bài thi theo 1 trong 2 tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Nhưng năm nay thay đổi, thi Trung học phổ thông chủ yếu để xét tốt nghiệp, do vậy Nhà trường cũng đã kịp thời có các kế hoạch điều chỉnh theo các môn thi cho phù hợp.

Trong năm học 2020 – 2021, trường Đại học TDTT Bắc Ninh tuyển sinh vào 4 ngành đào tạo gồm: Giáo dục thể chất (chỉ tiêu 250) thi sinh sự tuyển lấy điểm ở 3 môn toán, sinh, năng khiếu (trường tổ chức thi tuyển); Huấn luyện thể thao (200 chỉ tiêu) lấy điểm môn Ngữ văn, giáo dục công dân, năng khiếu 1 (bật xa + chạy 100m); Quản lý TDTT (25 chỉ tiêu), lấy điểm môn Toán + năng khiếu 2 (bật xa) + năng khiếu 3 (chạy 100m); Y sinh học (25 chỉ tiêu), lấy điểm ngữ văn + năng khiếu 2 (bật xa) + năng khiếu 3 (chạy 100m).

Với nhiều biến động và thay đổi trong năm học 2020 - 2021, không chỉ riêng trường Đại học TDTT Bắc Ninh mà các trường chuyên ngành về TDTT trên toàn quốc đều gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh. Hàng năm vào thời điểm này Trường Đại học TDTT Bắc Ninh đã gần như ổn định xong công tác tuyển sinh đại học, nắm được chất lượng đầu vào. Tuy nhiên, năm nay do những thay đổi mới về thời gian tuyển sinh cho nên ảnh hưởng rất nhiều đến kế hoạch tuyển sinh cũng như kế hoạch học tập, giảng dạy của giảng viên trong nhà trường đều bị thay đổi theo từng thời điểm để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Việc một số trường đại học cùng khối ngành đào tạo liên kết với nhau tổ chức một kỳ thi chung để tuyển sinh, nhằm tiết kiệm kinh phí tuyển sinh, thí sinh tập trung và chất lượng. Song do đặc thù của khối ngành các trường Đại học TDTT khó thực hiện được bởi khoàng cách địa lý các trường nằm ở khu vực khác nhau (Bắc, Trung, Nam) và điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo nên xu hướng về phương án tuyển sinh này khó thực hiện được. Đó là những chia sẻ của ông Nguyễn Văn Phúc – Hiệu trưởng Trường Đại học TDTT Bắc Ninh.

Cùng nói về công tác tuyển sinh năm học 2020 – 2021, ông Trần Duy Hòa – Phó Hiệu trưởng trường Đại học TDTT Đà Nẵng cho rằng: Trước những thay đổi về kỳ thi Trung học phổ thông năm nay, trường Đại học TDTT Đà Nẵng đã thành lập Hội đồng tuyển sinh cũng như xây dựng dự thảo đề án tuyển sinh năm học 2020-2021. Nhà trường thực hiện phương án xét điểm của kỳ thi Trung học phổ thông kết hợp thi năng khiếu và xét học bạ kết hợp thi năng khiếu để tuyển sinh đại học. Ở thời điểm hiện tại (giữa thời gian tuyển sinh), Trường Đại học TDTT Đà Nẵng đã tiếp nhận được 600 hồ sơ dự tuyển, con số này so với các năm trước ở cùng thời điểm có giảm hơn, nhưng năm nay số hồ sơ ảo đăng ký dự tuyển đã giảm đi rất nhiều, nên chất lượng tuyển đầu vào chắc chắn sẽ đảm bảo chất lượng tốt hơn.

Cùng có những băn khoăn và chia sẻ về khó khăn trong công tác tuyển sinh của năm học 2020 – 2021 như trường Đại học TDTT Bắc Ninh, ông Trần Duy Hòa – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học TDTT Đà Nẵng khẳng định: Do dịch bệnh Covid – 19 diễn ra từ đầu năm nên kế hoạch tuyển sinh của trường không thể diễn ra thuận lợi như hàng năm mà thời gian bị kéo dài hơn. Điều này khiến cho Hội đồng tuyển sinh của nhà trường khó chủ động trong việc kiểm soát, xây dựng kế hoạch thi tuyển, học tập của sinh viên phải điều chỉnh liên tục. Đặc biệt, vài ngày trở lại đây khi dịch bệnh Covid – 19 bắt đầu quay trở lại và Đà Nẵng đang được xác định là Trung tâm dịch nên Hội đồng tuyển sinh của trường rất băn khoăn về đề án tuyển sinh Đại học chính quy năm 2020 sau khi đã điều chỉnh, phê duyệt rất khó có thể thực hiện đúng kế hoạch.

Ông Trần Duy Hòa tỏ rõ băn khoăn, nếu dịch bệnh Covid – 19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Đà Nẵng, Ủy ban Nhân dân Tp. Đà Nẵng cũng như các Chỉ thị của Chính phủ tiếp tục thực hiện việc giãn cách xã hội thì chắc chắn kế hoạch tuyển sinh đợt 1 (có phần thi năng khiếu) không thể thực hiện được tại các địa phương theo kế hoạch của đề án. Tuy nhiên, Trường Đại học TDTT Đà Nẵng vẫn còn đợt tuyển sinh lần 2, lần 3 vào thời điểm sau đó ít ngày. Do đó, nếu thời gian phải thực hiện giãn cách xã hội trùng với đợt tuyển sinh lần 1 thì Trường vẫn còn cơ hội tuyển sinh đợt sau mà vẫn đảm bảo chất lượng.

Giống như 2 trường Đại học kể trên, Trường Đại học TDTT Tp. Hồ Chí Minh cũng đã kịp thời, chủ động đưa ra phương án tuyển sinh cho năm học này. Nhà trường sẽ tổ chức tuyển sinh theo hình thức thi năng khiếu kết hợp với xét tuyển học bạ và điểm thi Trung học phổ thông với những môn thi nằm trong kế hoạch tuyển sinh chung đối với từng mã ngành mà trường dự kiến tuyển sinh, theo hướng dẫn, quy định chung của Bộ giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Chỉ đạo về công tác tuyển sinh khối các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong đó có các trường Đại học thuộc ngành TDTT tại Hội thảo khoa học tuyển sinh và đào tạo trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch mới diễn ra gần đây Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho rằng: Để công tác tuyển sinh năm học 2020 – 2021 trước bối cảnh khó khăn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, các cơ sở đào tạo thuộc Bộ cần tập trung vào nguồn tuyển, không chạy theo số lượng, hướng tới đảm bảo chất lượng cao đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về nhân lực phát triển ngành. Dự báo sát nhu cầu nhân lực thực tiễn, xác định rõ cơ cấu, quy mô, hài hòa giữa các ngành, nghề đào tạo trong trường để xác định chỉ tiêu cho chính xác, tránh tình trạng ngành dư thừa, ngành lại không có người theo học; chú trọng đến các ngành hiếm, ngành mà xã hội đang cần"

N.H