Không chủ quan, cần quán triệt, truyền lửa cho VĐV tiếp tục nỗ lực tập luyện với quyết tâm cao nhất

Đây chính là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện với lãnh đạo ngành Thể dục Thể thao, các Vụ, đơn vị khi nói về các nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong 6 tháng cuối năm 2020.

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng: Mặc dù trải qua 6 tháng đầu năm đầy khó khăn, thách thức trước đại dịch Covid – 19, nhưng ngay từ khi Việt Nam khống chế được dịch bệnh này và được Chính Phủ cho phép các hoạt động trở lại, chỉ trong một quãng thời gian ngắn Tổng cục Thể dục Thể thao đã xoay chuyển và ứng phó rất nhanh, khẩn trương đưa các hoạt động Thể dục Thể thao trong nước từ thành tích cao cho đến thể dục thể thao quần chúng hoạt động trở lại sôi nổi, đầy ấn tượng và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân trong nước cũng như sự đánh giá cao từ bạn bè quốc tế trên thế giới. Đặc biệt, ở môn Bóng đá, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sớm tổ chức trở lại các trận đấu Bóng đá có khán giả trên sân vận động. Cụ thể, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) được sự chỉ đạo sát sao của Tổng cục Thể dục Thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thành công 18 trận đấu của giải Bóng đá Cup quốc gia thu hút 78.700 khán giả tới xem và cổ vũ (trung bình 4.372 người/trận). Điều này, gây tiếng vang lớn đối với truyền thông quốc tế và được coi là một minh chứng cụ thể cho công tác phòng, chống dịch Covid – 19 hiệu quả ở nước ta. Qua đây khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng của việc vận động, hoạt động Thể dục Thể thao có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mỗi người dân Việt Nam và cả cộng đồng. Một quốc gia khỏe mạnh, là một lợi thế rất lớn để chiến thắng và thành công trước mọi khó khăn, thách thức trước dịch bệnh, các hiện tượng xã hội khác, góp phần đưa đất nước phát triển ngày càng lớn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chỉ đạo ngành Thể dục Thể thao tập trung đối ta cho các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020 (Ảnh: Quý Lượng)

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh: Xã hội phát triển lành mạnh hay không phụ thuộc rất lớn vào phong trào Thể dục Thể thao quần chúng của quốc gia đó như thế nào. Đối với Tổng cục Thể dục Thể thao thời gian qua công tác này đã và đang được triển khai rất tốt, đi theo đúng định hướng phát triển của toàn ngành, bám sát các chỉ tiêu, yêu cầu của Chính phủ trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương, câu lạc bộ, vận động người dân mỗi người hãy tạo cho mình thói quen tập luyện Thể dục Thể thao hàng ngày ứng với 1 môn thể thao phù hợp với sức khỏe của mình.

Bên cạnh đó, ở hoạt động Thể thao thành tích cao, Bộ trưởng dành nhiều lời khen và sự chỉ đạo đối với hoạt động thể thao đỉnh cao trong thời gian tới. Trong đó, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định: Trải qua rất nhiều Đại hội, Giải đấu Thể thao quốc tế lớn mà đoàn Thể thao Việt Nam đã từng tham gia trong những năm gần đây có thể nhận thấy thành tích của vận động viên Việt Nam có sự tiến bộ lớn, một số môn tạo được vị thế, dấu ấn riêng trên đấu trường quốc tế. Điều này phản ánh rõ nét về sự đầu tư và định hướng phát triển đúng đắn của ngành Thể dục Thể thao. Song, trên thực tế chúng ta phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, khi vận động viên Việt Nam tiến bộ về thành tích thì vận động viên của nhiều quốc gia khác cũng đang phát triển và được đầu tư rất tốt. Họ có nhiều điều kiện thuận lợi về mặt đầu tư kinh phí và tiếp cận với nền thể thao chuyên nghiệp, phát triển. Do vậy, nếu vận động viên Việt Nam không ngừng nỗ lực, hoàn thiện từng ngày thì việc duy trì, nâng cao trình độ chuyên môn sẽ không theo kịp với xu hướng phát triển của thể thao thế giới và như thế chúng ta sớm bị thụt lùi. Chính vì vậy, lãnh đạo ngành, huấn luyện viên, các bộ môn hết sức lưu tâm và theo dõi sát sao quá trình rèn luyện của vận động viên đỉnh cao.

Do Việt Nam làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid – 19 nên các hoạt động Thể dục Thể thao sớm được tái khởi động lại. Trong khi đó, thời gian qua, thậm chí là đến thời điểm này ở nhiều quốc gia trên thế giới đại dịch Covid – 19 vẫn đang hoành hành và diễn biến vô cùng phức tạp, mọi hoạt động mang tính cộng đồng đều bị dừng lại. Việt Nam sớm ổn định xã hội, mọi việc đã gần như trở lại hoạt động bình thường, là lợi thế, niềm vui, hạnh phúc đáng tự hào của Việt Nam. Đối với Thể thao thành tích cao, đây sẽ là lợi thế rất lớn khi các vận động viên đỉnh cao từng đội tuyển đang thực hiện nhiệm vụ quốc gia có thêm thời gian tập luyện, hoàn thiện kỹ hơn các động tác, bài tập của mình tốt nhất có thể trước khi bước vào tranh tài tại các giải đấu lớn như giành thêm suất tham dự Olympic Tokyo 2020, Asian Games, SEA Games… Chúng ta dễ nhận thấy những lợi thế của mình đối với nhiều quốc gia ở thời điểm hiện tại, song tuyệt đối không vì thế mà vận động viên Việt Nam chủ quan ngay từ trong tư tưởng tới việc tập luyện. Riêng việc này, lãnh đạo Tổng cục Thể dục Thể thao, các bộ môn, Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao quốc gia, huấn luyện viên, chuyên gia hãy nghiêm túc quán triệt tinh thần và truyền lửa tới từng vận động viên không ngừng nỗ lực từng ngày với ý chí và quyết tâm cao nhất. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.

Như chúng ta đã biết, trong thể thao để có được vinh quang thì rất cần đến yếu tố may mắn, nhưng nếu chỉ mong muốn có được sự may mắn và thuận lợi ở điều kiện thực tế mà có thể giành chiến thắng trước mọi đối thủ trên sàn đấu thì đó là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm, giết chết tài năng. Sự thành công nào cũng cần tới ý chí quyết tâm và sự khổ luyện không ngừng, tự tin nhưng không tự đắc, chủ quan, đánh giá thấp đối thủ. Bộ trưởng lấy ví dụ, ở giải Bóng đá U23 châu Á, chúng ta nhận thấy sự quật cường, chiến đấu vô cùng mạnh mẽ của các tuyển thủ Việt Nam, đối mặt với mọi khó khăn chồng chất, trận đấu nào đội bóng Việt Nam cũng bị đánh giá thấp hơn đối thủ, nhưng tuyển thủ Việt Nam đã vượt qua từng trận đấu đầy vinh quang để tiến sâu vào trận chung kết. Qua đây cho thấy, khi càng khó khăn thì sức mạnh và ý chí của con người Việt Nam càng trở nên mạnh mẽ.

Từ ví dụ điển hình này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhắc nhở tới những người làm công tác Thể thao, ở thời điểm hiện tại Thể thao Việt Nam đang có nhiều lợi thế về cả khách quan (hoạt động Thể thao sớm trở lại so với nhiều quốc gia khác trên thế giới) và chủ quan (thành tích của Thể thao Việt Nam đã có nhiều tiến bộ rõ nét trên đấu trường quốc tế), trong 2 kỳ SEA Games liên tiếp gần đây, đoàn vận động viên Việt Nam đã vượt qua thành tích của Thể thao Thái Lan ở những môn Olympic. Hay những tấm Huy chương Olympic vô cùng giá trị của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và nhiều VĐV khác tại các giải mang tầm thế giới và châu lục. Chính vì vậy, ở thời điểm này Thể thao Việt Nam cần tập trung cao độ, gác lại mọi thành công, nỗ lực phấn đấu không ngừng để hoàn thành tốt các nhiệm vụ quan trọng phía trước, đặc biệt là SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam vào năm 2021, Olympic Tokyo 2020, Asian Games năm 2022.

Thành tích nổi bật của Thể thao Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020:

- Đội tuyển Cử tạ tham dự giải vô địch thanh thiếu niên trẻ Châu Á tại Uzberkistan giành 13 Huy chương Vàng, 06 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng;

- Giải vô địch Cử tạ Cup thế giới tại Ý giành 10 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng;

- Giải Boxing vòng loại Olympic khu vực Châu Á tại Jordan, vận động viên Nguyễn Văn Dương đạt Huy chương Đồng và giành suất chính thức tham dự Olympic 2020;

- Cup Bắn cung châu Á tại Thái lan đạt  3 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng;

- Cup Thể dục dụng cụ thế giới tại Azerbaijan giành 1 Huy chương Đồng.

-Tính đến thời điểm hiện tại Việt Nam có 5 suất chính thức tham dự Olympic Tokyo 2020 gồm các môn: Bắn cung (2), Boxing (1), Thể dục dụng cụ (1), Bơi (1). 

N.H