Dinh dưỡng thể thao qua lăng kính chuyên gia dinh dưỡng nước ngoài

Thực tế cho thấy dinh dưỡng luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc nâng cao thành tích của vận động viên. Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức cho các huấn luyện viên và bản thân vận động viên về vai trò, tầm quan trọng của dinh dưỡng là vô cùng cần thiết nhằm giúp họ có được sự chuẩn bị tốt nhất về sức khỏe, thể lực để hướng tới các đấu trường thể thao lớn như: ASIAD hay Olympic.

Liên quan tới vấn đề này, Tiến sĩ Ryan DANA - chuyên gia về hoạt động thể chất, dinh dưỡng, sức khỏe và hiệu suất tối ưu đã có những chia sẻ về các  bí quyết về dinh dưỡng đối với người tập luyện thể thao nói chung và vận động viên nói riêng.

Tiến sĩ Ryan đã dành tình cảm đặc biệt và sự chuyên tâm nghiên cứu tới đối tượng là vận động viên bằng việc đi khắp nơi để giao lưu với 75 đội thể thao ở hơn 25 quốc gia nhằm nghiên cứu thói quen, lối sống, đặc thù trong sinh hoạt và thi đấu của  các vận động viên. Trên cơ sở những kiến thức cùng kinh nghiệm và kết quả thu được từ thực tế, Tiến sĩ Ryan đã đưa ra những lời khuyên cho các vận động viên làm sao để có cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc cũng như xây dựng nên những biểu đồ dinh dưỡng riêng đối với từng môn thể thao, từng vận động viên sao cho hiệu quả nhất.

Chế độ dinh dưỡng cần thiết cho vận động viên Ashton Eaton các môn phối hợp (Ảnh: pinterest.com)

Tiến sĩ Ryan cho rằng có bốn bí quyết chính trong việc đảm bảo dinh dưỡng cho  vận động viên, đó là: 1- xây dựng thói quen ăn bữa sáng lành mạnh đủ chất dù là khi tập luyện, thi đấu hay nghỉ ngơi. 2-  cung cấp đủ lượng chất đạm (protein) cần phải có trong một ngày. 3-  Không bao giờ để cơ thể thiếu nước. 4-dung nạp đủ lượng vitamin D mà cơ thể đòi hỏi.

Theo Tiến sĩ Ryan, bí quyết đầu tiên có ý nghĩa quyết định bao trùm bởi việc hình thành một thói quen ăn bữa sáng lành mạnh cho các vận động viên là vô cùng quan trọng. Một ly nước uống dinh dưỡng hoặc một phần ăn gồm đầy đủ chất đạm, ngũ cốc và rau củ sẽ giúp cung cấp đầy đủ năng lượng cho các vận động viên trong quá trình tập luyện. Tiến sĩ Ryan cũng nhấn mạnh rằng số lượng rau củ cần chiếm hơn nửa phần ăn là điều thực sự lý tưởng. Lấy ví dụ về đại dịch Covid-19 đã gây ra sự ngưng trệ mọi hoạt động trong đó có thể thao. Và các vận động viên cũng vậy, hầu hết họ đều phải trải qua thời gian cách ly xã hội, phải tự chăm sóc bản thân và tập luyện nhằm duy trì thể lực và thành tích, sẵn sàng cho ngày trở lại. Chính vì vậy, tạo lập thói quen cho vận động viên, đặc biệt là thói quen ăn bữa sáng đầy đủ, lành mạnh là cực kỳ quan trọng. Những vận động viên đã có được thói quen này sẽ đảm bảo phong độ tốt hơn các vận động khác.

Đối với việc phải cung cấp đủ lượng protein (chất đạm) cần có trong một ngày, Tiến sĩ Ryan cho biết, các vận động viên cần được đảm bảo nạp protein liên tục trong suốt cả ngày để có đủ lượng axit amin. Việc cung cấp protein thông qua những bữa ăn nhỏ trong ngày (3 hoặc 6 bữa tùy theo thể chất của vận động viên) là vô cùng quan trọng. Việc tập luyện kết hợp với bổ sung chất đạm sẽ giúp các vận động viên  kích thích tối đa tổng hợp protein cơ bắp. Nhiệm vụ của các huấn luyện viên và chuyên gia dinh dưỡng là phải giúp vận động viên hiểu rằng nạp protein sẽ giúp họ nâng cao hiệu suất thi đấu. Tiến sĩ Ryan cũng đưa ra ví dụ về một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, việc cung cấp protein trải đều trong ngày sẽ có tác dụng tăng 25% hiệu suất tập luyện của vận động viên. Đó cũng có thể coi là công cụ nâng cao thành tích.

Bổ sung nước là bí quyết không kém phần quan trọng đối với hiệu suất chung của mỗi vận động viên. Có thể thấy tầm quan trọng của việc bổ sung nước thông qua ví dụ cụ thể mà Tiến sĩ Ryan đề cập tới đó là mất nước 1% hoặc 2% cũng sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu suất của vận động viên, thậm chí dẫn tới tác động tiêu cực, khiến vận động viên không thể di chuyển linh hoạt. Mất nước còn tác động xấu đến đến hệ thống miễn dịch, chính vì vậy cần tạo thói quen cung cấp nước cho cơ thể trong suốt cả ngày và và tư duy rằng nước là một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày giúp tối đa hóa hiệu quả và thành tích đối với với vận động viên.

Cuối cùng, điều mà Tiến sĩ Ryan muốn chia sẻ đó là vai trò thực sự quan trọng của vitamin D. Thiếu hụt vitamin D không chỉ dẫn tới hiệu suất thi đấu sụt giảm mà còn tác động xấu tới hệ miễn dịch của cơ thể. Chính vì vậy, cần khuyến khích các vận động viên tập luyện ngoài trời từ khoảng 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Đây là thời điểm cơ thể sản xuất tối đa lượng vitamin D nhờ ánh nắng mặt trời.

Tiến sĩ Ryan khẳng định rằng việc tạo thói quen và tư duy cho các vận động viên là điều quan trọng nhất. Nếu đã hình thành thói quen và tư duy về tầm quan trọng của dinh dưỡng, các vận động viên sẽ tự xây dựng ý thức để bảo vệ bản thân, chủ động tập luyện thậm chí có thể hiểu được những đòi hỏi từ cơ thể mình, qua đó trao đổi với huấn luyện viên, chuyên gia dinh dưỡng xây dựng sơ đồ dinh dưỡng với hiệu quả tối ưu.

Cũng theo Tiến sĩ Ryan, các vận động viên cần chủ động, nghiên cứu tìm hiểu về vấn đề dinh dưỡng nhằm tạo cho mình một nền tảng tốt, từ đó dẫn tới tập luyện tốt và chắc chắn rằng thành tích của họ cũng sẽ tỷ lệ thuận với những nỗ lực, công sức bỏ ra.

Để làm được điều này, các huấn luyện viên, chuyên gia dinh dưỡng cần có sự quan tâm, theo dõi sát sao hành trình của vận động viên. Từ góc độ đào tạo kỹ thuật, tìm hiểu các vận động viên di chuyển trong cơ sở huấn luyện thế nào, một ngày vận động viên làm gì để có thể cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng ở những địa điểm phù hợp mà không làm ảnh hưởng tới lộ trình của vận động viên. Qua đó vận động viên có thể dùng các sản phẩm theo nhu cầu, giúp ích cho cơ thể. Đặt máy tại địa điểm tập luyện để biết được năng lượng tiêu hao của các vận động viên sau mỗi buổi tập từ đó xây dựng sơ đồ dinh dưỡng phù hợp cho từng cá nhân.

A.T

Ảnh trong bài
  • Dinh dưỡng thể thao qua lăng kính chuyên gia dinh dưỡng nước ngoài
  • Dinh dưỡng thể thao qua lăng kính chuyên gia dinh dưỡng nước ngoài