Trung tâm Huấn luyện TTQG Hà Nội: Tích cực tập luyện và tiếp tục cảnh giác với bệnh dịch

Trong những ngày này, cũng như các Trung tâm Huấn luyện TTQG khác trên cả nước, Trung tâm Huấn luyện TTQG Hà Nội đã trở lại với việc tập luyện "bình thường " sau một thời gian thực hiện các quy định về giãn cách xã hội theo quy định của Chính phủ về phòng chống dịch Covid 19. Để chuẩn bị tốt nhất cho những đấu trường lớn như Olympic, SEA Games... vào năm tới, việc triển khai kế hoạch tập luyện cho các đội tuyển phải đảm bảo các yêu cầu về chuyên môn, song cũng phải đảm bảo các yêu cầu về sức khỏe cũng như sự an toàn cho các VĐV, nhất là trong bối cảnh hiện nay, dịch bệnh Covid 19 mặc dù đã được kiểm soát tốt nhưng vẫn cần phải đề phòng, cảnh giác và thực hiện nghiêm các khuyến cáo cũng như các yêu cầu của Chính phủ cũng như Ủy ban phòng chống dịch quốc gia. Để hiểu rõ về công tác tập luyện của các đội, phóng viên Trang tin điện tử TDTT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Minh - Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện TTQG Hà Nội.

Trung tâm Huấn luyện TTQG Hà Nội đã trở lại với công tác tập luyện (Ảnh: Y Trang)

Thưa ông, thời gian qua, công tác phòng chống dịch Covid 19 của Trung tâm HLTTQG Hà Nội được thực hiện nghiêm túc và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho VĐV, HLV các đội tuyển cũng như toàn thể cán bộ, công nhân viên của Trung tâm. Vậy trong giai đoạn nới giãn cách xã hội như hiện nay, công tác phòng chống dịch của Trung tâm được thực hiện như thế nào?

Trước hết phải nói rằng Trung tâm HLTT quốc gia Hà Nội đã rất chủ động, tích cực trong công tác phòng, chống dịch Covid 19. Hơn 700 vận động viên của 23 đội tuyển quốc gia và 13 đội tuyển trẻ đang tập luyện tại đây đều được an toàn, không có một trường hợp nào bị nhiễm bệnh. Tất cả những biện pháp mà Trung tâm áp dụng từ trước và trong thời gian giãn cách xã hội đến nay như: phun khử trùng, trang bị nước sát khuẩn, khẩu trang y tế... cũng như thực hiện các biện pháp tuyên truyền về dịch Covid 19 vẫn tiếp tục được duy trì thường xuyên.

Bên cạnh đó, nguồn cung thực phẩm đều nhập từ những công ty có uy tín nên đảm bảo an toàn vệ sinh và chỉ có nhà cung cấp chính mới được vào Trung tâm. Quy định hạn chế người ra vào Trung tâm từ tuần này đã được cởi mở hơn, thông thoáng hơn (trong thời gian giãn cách xã hội, chỉ cho phép tối đa ba đại diện của một cơ quan báo chí, truyền thông tới tác nghiệp). Đối với VĐV, các quy định về cấm trại cũng đã có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Rất mừng là các VĐV đã rất chủ động, nhận thức được tầm quan trọng của dịch bệnh nên nghiêm chỉnh chấp hành tốt các nội quy, quy định của Trung tâm. Ý thức của VĐV là một trong những yếu tố nòng cốt làm nên sự thành công của công tác phòng, chống dịch bệnh tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội trước, trong và sau thời gian giãn cách xã hội cho tới thời điểm này. Bên cạnh đó, phòng Huấn luyện của Trung tâm cũng liên tục cập nhật thông tin về những địa điểm có người mắc Covid 19 cũng như các thông tin về tình hình diễn biến bệnh dịch trong nước và trên thế giới; các biện pháp phòng, chống và các kiến thức liên quan để các VĐV có thể chủ động trong việc phòng, ngừa.

Vậy dịch Covid 19 đã ảnh hưởng như thế nào tới công tác tập luyện của các đội tuyển tại Trung tâm, thưa ông?

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội vì dịch Covid 19, kế hoạch tập luyện của VĐV các đội tuyển quốc gia, đội tuyển trẻ quốc gia do Trung tâm quản lý vẫn được duy trì đều đặn. Cụ thể, trong thời gian giãn cách xã hội, các VĐV ở tại Trung tâm được duy trì tập luyện nhưng đảm bảo các yêu cầu về phòng chống, dịch như giữ đúng khoảng cách, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và đo nhiệt độ trước khi bước vào tập luyện. Còn đối với các VĐV có gia đình hay đang tập luyện tại địa phương thì lãnh đạo Trung tâm đã liên hệ để các VĐV tiếp tục ở lại địa phương đó và tập luyện theo hình thức trực tuyến. Chính vì vậy, việc rèn thể lực cũng như tập luyện của các VĐV không bị ảnh hưởng nhiều. Bên cạnh đó, các huấn luyện viên cũng đã chủ động xây dựng giáo án để các VĐV có thể duy trì được phong độ cũng như thành tích khi quay trở lại tập luyện bình thường sau giãn cách xã hội.

Đại dịch Covid 19 đã khiến nhiều giải đấu trong nước cũng như quốc tế bị hoãn hoặc hủy bỏ vậy điều này có ảnh hưởng gì tới tâm lý của VĐV và Trung tâm đã có những giải pháp như thế nào để khắc phục tình trạng này?

Có thể nói, tâm lý là một yếu tố quan trọng nhất đối với mỗi VĐV, chính vì vậy trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, chúng tôi thực hiện "cấm trại" 100% nội bất xuất, ngoại bất nhập. Ban Giám đốc Trung tâm Huấn luyện quốc gia cùng với phòng Huấn luyện đã thảo luận, tổ chức và triển khai cho các VĐV một số mô hình sinh hoạt tập thể như: giao lưu văn nghệ tổ chức các buổi sinh hoạt nói chuyện chuyên đề. Ngoài việc quan tâm đến đời sống sinh hoạt, chúng tôi cũng đặc biệt chú ý đến việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng. Đơn cử như việc lên thực đơn cho các em cũng được thay đổi theo một cách khác biệt hơn một chút để các em hào hứng hơn trong mỗi bữa ăn. Việc tổ chức nhiều hoạt động với nội dung đa dạng cũng góp phần giảm bớt sự lo lắng hay áp lực đối với các VĐV khi những giải thi đấu bị xáo trộn. Đây cũng là một chiến lược, một giải pháp về tâm lý để các em có được sự thoải mái nhằm chuẩn bị cho những giải đấu quan trọng sắp tới.

Hiện các đội tuyển đã có sự chuẩn bị thế nào cho các giải đấu sau khi hết dịch Covid 19, thưa ông?

Hiện các đội đã nhận được lịch thi đấu cũng như chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục về việc ban hành lịch thi đấu cho các đội. Đó cũng là căn cứ đội xây dựng kế hoạch triển khai cho phù hợp. Việc cần làm hiện nay đó là đồn toàn lực vào việc nâng cao thành tích chuyên môn. Trước khi cấm trại, các VĐV cũng đã hoàn toàn đảm bảo được thành tích chuyên môn của mình và đến thời điểm này tôi tin rằng đây là vấn đề có thể yên tâm.

Còn đối với công tác chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic Tokyo 2020, sẽ tiếp tục được chuẩn bị như thế nào?

Công tác chuẩn bị cho các đội tuyển tham dự Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 đều đã có kế hoạch dài hơi và được thực hiện rất tốt. Trung tâm HLTTQG Hà Nội hiện đã có 4 VĐV giành vé tham dự Olympic, trong đó có 2 VĐV Bắn cung, 1 VĐV Thể dục và 1 VĐV Cử tạ. Việc thời gian tổ chức Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 lùi sang năm 2021 khiến cho các kế hoạch này không được triển khai theo đúng tiến độ, thế nhưng các đội tuyển lại có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.. Các VĐV chưa giành vé tham dự Thế vận hội Olympic có thêm thời gian chuẩn bị để đạt được mục tiêu còn những VĐVđã giành vé thì có thêm thời gian tập luyện để có được sự thể hiện tốt nhất tại sự kiện thể thao mùa hè lớn nhất thế giới. Chính vì vậy cả ban huấn luyện cũng như các VĐV  đều có thời gian tương đối ổn định để chuẩn bị cho các giải đấu vòng loại cũng như thi đấu tại Thế vận hội Olympic.

A.T

Ảnh trong bài
  • Trung tâm Huấn luyện TTQG Hà Nội: Tích cực tập luyện và tiếp tục cảnh giác với bệnh dịch
  • Trung tâm Huấn luyện TTQG Hà Nội: Tích cực tập luyện và tiếp tục cảnh giác với bệnh dịch