Trung tâm HLTTQG Hà Nội: chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe cho VĐV các đội tuyển quốc gia

Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2020), Trang tin điện tử của Tổng cục Thể dục thể thao đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền – Trưởng phòng Y sinh Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội về công tác chăm sóc sức khỏe cho các vận động viên, công việc góp phần không nhỏ đem về những tấm huy chương, niềm vinh quang lớn lao cho Tổ quốc.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền – Trưởng phòng Y sinh Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội phát biểu tại hội thảo dinh dưỡng (Ảnh: Quý Lượng)

Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội là một trong những cái nôi đào tạo cũng như chăm sóc sức khỏe thể lực cho vận động viên các đội tuyển quốc gia, công tác chăm sóc sức khỏe và chữa trị chấn thương cho các vận động viên được triển khai như thế nào thưa ông?

Trước hết phải khẳng định bác sĩ thể thao có vai trò quan trong trong việc đảm bảo sức khỏe cũng như đưa ra những liệu pháp tốt nhất cho sự hồi phục chấn thương của các vận động viên. Sự giám sát chặt chẽ từ bác sĩ thể thao giúp nhiều vận động viên kịp thời điều chỉnh và tập luyện phù hợp để nâng cao thể lực hay nhanh chóng hồi phục chấn thương, tránh trường hợp phải giã từ sự nghiệp khi đang độ chín. Trong thể thao, chấn thương không được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng tới sự nghiệp của vận động viên, đôi khi nguy hiểm đến tính mạng.

Để hoạt động tập luyện, thi đấu của vận động viên được xuyên suốt, đặc biệt là các vận động viên quốc gia, chúng tôi đã thường xuyên tiến hành kiểm tra sức khỏe vào đầu kỳ, giữa kỳ và cuối mỗi kỳ tập huấn. Trong quá trình kiểm tra, luôn tập trung chú ý tới các bệnh lý, đặc biệt là đối với tim mạch, chấn thương thể thao để từ đó đưa ra những lưu ý chỉ định hoặc chống chỉ định trong tập luyện và thi đấu thể thao đỉnh cao. Bênh cạnh đó, chúng tôi cũng tiến hành kiểm tra năng lực cho vận động viên.

Trong Y học thể thao, hồi phục cho vận động viên là một mảng vô cùng quan trọng. Để phục hồi sức khỏe cho vận động viên, các y, bác sĩ Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội đã tiến hành với nhiều hình thức khác nhau như: bằng dinh dưỡng (chế độ ăn đầy đủ, cân đối, hợp lý, hợp khẩu vị kết hợp với thực phẩm bổ sung); Hồi phục bằng vật lý trị liệu (siêu âm, shock wave) hay hồi phục bằng mát xa. Ngoài ra còn có hình thức hồi phục thông qua phương pháp sư phạm nghĩa là cùng với huấn luyện viên lên kế hoạch tập luyện, sinh hoạt cho vận động viên.

Từ năm 2019, lãnh đạo Tổng cục Thể dục thể thao đã có kế hoạch rất cụ thể cho các vận động viên trọng điểm nhằm chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020. Chính vì vậy, đội ngũ y, bác sĩ Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội đã được phân công thành từng nhóm để triển khai công tác chăm sóc vận động viên một cách tốt nhất. Về chế độ dinh dưỡng, thuốc bổ sung, phòng Y sinh Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội cũng tiến hành nghiên cứu để tham mưu cho lãnh đạo Trung tâm theo lộ trình của từng môn, từng giai đoạn từ tập luyện tới thi đấu.

Và ngay từ đầu năm nay, Trung tâm cũng đã tiến hành kiểm tra y học cho toàn bộ các đội tuyển đang tập trung tập huấn tại đây, qua đó đánh giá, sàng lọc để lên kế hoạch cụ thể. Những vận động viên nào bị chấn thương mãn tính sẽ được tiến hành điều trị. Những vận động viên không đạt yêu cầu trong thời gian đầu sẽ báo cáo lãnh đạo Trung tâm để có kế hoạch tiếp theo. Các bác sĩ, kỹ thuật viên cũng được quán triệt theo sát đội được phân công nhất là những môn, những vận động viên trọng điểm chuẩn bị cho vòng loại Thế vận hội Tokyo 2020 cũng như các giải đấu quan trọng khác trong năm.

Trong quá trình chăm sóc sức khỏe và chữa trị chấn thương cho vận động viên các đội tuyển các y, bác sĩ, cán bộ y tế của Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội thường gặp phải những khó khăn, trở ngại gì và làm cách nào để khắc phục những điều đó, thưa ông?

Chuyên ngành Y học thể thao là chuyên ngành mới mẻ ở Việt Nam nên trong quá trình thực hiện công tác chuyên môn, các y, bác sĩ, cán bộ y tế của Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội gặp một số khó khăn, trở ngại như: nhận thức, hiểu biết về vai trò của y học thể thao trong công tác quản lý, huấn luyện tập luyện thể dục thể thao chưa đầy đủ, chưa thống nhất. Ngoài ra, chưa có hệ thống đào tạo y học thể thao, mã ngành về y học thể thao nên không có sự thống nhất trên toàn quốc trong đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật, nâng cấp kiến thức, nghiệp vụ về y học thể thao. Nguồn kinh phí cấp cho y học thể thao cũng như máy móc, thiết bị y tế đặc thù cho công việc khám chữa bệnh, phục hồi chức năng cho vận động viên còn hạn chế.

Nguồn nhân lực phục vụ cho công tác y học thể thao tại Trung tâm thực sự đang trong tình trạng thiếu trầm trọng. Các sinh viên chuyên ngành chỉ đang được đào tạo về sinh lý thể thao chứ không chuyên sâu về dinh dưỡng, tâm lý, chấn thương. Chính vì vậy, bên cạnh việc Trung tâm cử một số y, bác sĩ đi học tập trong và ngoài nước để nâng cao trình độ hay tích cực tham dự các Hội thảo khoa học tổ chức tại Việt Nam và quốc tế để học hỏi kinh nghiệm thì hầu hết đội ngũ y, bác sĩ tại đây đều phải chủ động học hỏi, tự nghiên cứu, mày mò nâng cao kiến thức.

Công tác đào tạo chuyên môn cần được nâng cao hơn, đặc biệt là phẫu thuật chấn thương. Chúng ta hiện đang làm rất tốt về dây chằng chéo nhưng về toàn bộ chấn thương khác thì phải tiếp tục nâng cao hơn nữa. Đối với phục hồi chấn thương cần phải có kiến thức y học chung, kiến thức về dinh dưỡng và phục hồi chức năng bằng thực phẩm chức năng hay hồi phục bằng các phương pháp vật lý trị liệu hay xoa bóp. Ở một số quốc gia có nền thể thao phát triển, số bác sĩ được phân bổ cho mỗi đội sẽ nhiều hơn và cũng chia ra từng lĩnh vực như dinh dưỡng, điều trị chấn thương, hồi phục nhưng với tình trạng thiếu hụt nhân lực thì các y, bác sĩ của Trung tâm sẽ phải nỗ lực nhiều hơn.

Khó khăn là vậy, nhưng nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho các vận động viên vẫn luôn phải được đặt lên hàng đầu Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội có các chương trình, giải pháp gì để làm tốt hơn nữa công tác này, thưa ông?

Để làm tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe và hồi phục chấn thương cho các vận động viên trong thời gian tới, phòng Y sinh Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội đã tiến hành tham mưu cho lãnh đạo Trung tâm trong việc mời thêm các y, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, có tâm huyết với nghề về làm việc tại đây. Tiếp tục tiến hành cử các y, bác sĩ có năng lực đi học tập kinh nghiệm, nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn ở trong và ngoài nước. Các y, bác sĩ của Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội cũng sẽ được tích cực cử tham dự các Hội thảo về y học thể thao nhằm học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm từ các quốc gia tiên tiến hơn. Phòng Y sinh Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội cũng chủ động tham mưu lãnh đạo Trung tâm bổ sung hệ thống máy móc và thiết bị chẩn đoán, điều trị mới nhất, hiện đại nhất để phục vụ công tác khám, chữa bệnh được tốt hơn.

Thưa ông, hiện nay, dịch viêm đường hô hấp cấp do vi rút corona đang có những diễn biến phức tạp, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội đã có những biện pháp ứng phó và chuẩn bị thế nào để việc tập luyện cũng như sinh hoạt của các vận động viên được đảm bảo an toàn?

Để ứng phó với diễn biến phức tạp của bệnh dịch, Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia cũng như phòng Y sinh Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội nghiêm túc thực hiện sự chỉ đạo của ngành, của Tổng cục Thể dục thể thao. Trung tâm đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch, cử cán bộ tham gia tập huấn phòng, chống dịch tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật Sở Y tế Hà Nội. Thiết lập đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận các thông tin có liên quan tới bệnh dịch.

Trung tâm cũng xây dựng phương án cách ly, phân vùng dịch nếu có nghi ngờ, phát khẩu trang cho tất cả cán bộ, nhân viên, huấn luyện viên và vận động viên. Thực hiên vệ sinh tay tại nơi tập luyện và khu nhà ăn. Tiến hành khử trùng nơi tập luyện, chỗ ăn, ở và môi trường bên trong, bên ngoài Trung tâm. Yêu cầu tất cả các cán bộ, nhân viên, huấn luyện viên, vận động viên thực hiện tốt khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế Việt Nam trong việc giám sát chặt chẽ những dấu hiệu nghi ngờ liên quan đến dịch bệnh (sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi...). Chuẩn bị sẵn cơ số vật tư, hóa chất để phòng chống dịch bệnh như khẩu trang, dịch sát khuẩn tay, súc họng, hóa chất sát khuẩn để ứng phó với diễn biến mới của bệnh dịch.

A.T

Ảnh trong bài
  • Trung tâm HLTTQG Hà Nội: chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe cho VĐV các đội tuyển quốc gia
  • Trung tâm HLTTQG Hà Nội: chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe cho VĐV các đội tuyển quốc gia